Xơ vữa động mạch

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây nên các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch) là tình trạng lòng động mạch bị thu hẹp do các mảng xơ vữa xuất hiện làm giảm hoặc cắt đứt hoàn toàn lưu lượng máu cung cấp đến các cơ quan trong cơ thể như tim, não, chân, tay…
Các mảng xơ vữa được hình thành và phát triển từ những tổn thương tại lớp lót trong của thành động mạch.
Tại đó sẽ lắng đọng cholesterol trọng lượng phân tử thấp LDL, canxi và nhiều chất thải trong máu.
Theo thời gian, các mảng xơ vữa dày lên, khiến động mạch bị thu hẹp và cứng lại.
Đôi khi, mảng xơ vữa nứt vỡ và hình thành nên các cục máu đông (huyết khối) làm tắc hoàn toàn động mạch cung cấp máu, oxy cho các cơ quan; gây nên những hậu quả nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoại tử chi…
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, xơ vữa động mạch hình thành là do sự rối loạn lipid trong máu, quá trình stress oxy hóa tế bào và các phản ứng viêm.
Xơ vữa động mạch có xu hướng tiến triển dần theo thời gian và có thể khởi phát khi tuổi đời còn trẻ.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển mảng xơ vữa là:
– Rối loạn lipid máu, tăng nồng độ cholesterol, đặc biệt là là sự mất cân bằng LDL–Cholesterol (cholesterol xấu) cao và HDL-Cholesterol (cholesterol tốt) thấp
– Nồng độ protein C-reactive trong máu cao, đây là yếu tố cho thấy có dấu hiệu của quá trình viêm trong cơ thể
– Tăng huyết áp
– Bệnh tiểu đường
– Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm khi còn trẻ
– Hút thuốc lá
– Béo phì
– Ít các hoạt động thể chất (tập thể dục và chơi thể thao)
– Tuổi cao
Triệu chứng của xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch thường không gây ra bất kỳ triệu chứng gì cho tới khi các cơ quan bị thiếu hụt đáng kể lượng máu đến nuôi dưỡng.
– Xơ vữa động mạch vành: 
Bệnh xảy ra khi các mảng xơ vữa tích tụ động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu cung cấp cho cơ tim.
Các triệu chứng có thể bao gồm đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh…
Nếu mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn sẽ dẫn tới cơn nhồi máu cơ tim cấp đe dọa tính mạng người bệnh.
– Xơ vữa mạch máu não: 
Động mạch não bị thu hẹp do mảng xơ vữa sẽ làm giảm lưu lượng máu lên não, gây ra chóng mặt, yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể, rối loạn thị giác (nhìn mờ, mất thị lực đột ngột…), rối loạn vận động (khó khăn trong phối hợp động tác của tay, chân, đi lại khó khăn…), nói ngọng. 
Các triệu chứng này thường biến mất trong vòng một giờ và được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.
Khi cục máu đông xuất hiện làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch não sẽ gây ra đột quỵ, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
– Xơ vữa động mạch chủ:
Mảng xơ vữa có thể xuất hiện ở động mạch chủ bụng và động mạch chủ ngực, gây ra biến chứng phình tách động mạch rất nguy hiểm.
Nếu vỡ phình mạch, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như đau ngực, đau bụng, đau lưng dữ dội; cảm giác chèn ép lồng ngực với các biểu hiện khàn tiếng, khó nuốt, phù mặt cổ…
– Xơ vữa động mạch ở ruột: 
Khi mảng xơ vữa làm hẹp động mạch ruột, người bệnh sẽ cảm thấy đau quặn ở giữa bụng đến mức ngất xỉu, kèm theo nôn mửa, phân có máu và bụng chướng.
Các triệu chứng thường kéo dài 15- 30 phút sau bữa ăn.
Nếu các động mạch ruột đột ngột bị tắc nghẽn (nhồi máu ruột) sẽ gây ra các cơn đau bụng dữ dội.
– Xơ vữa động mạch chi dưới:
Mảng xơ vữa làm thu hẹp các động mạch chính cung cấp máu tới chân, đặc biệt là động mạch đùi và khoeo, gây chuột rút, đau ở cơ bắp chân, đau khi đang vận động với tính chất “cách quãng”, bàn và ngón chân lạnh, da nhợt nhạt, xanh xao, tím tái, thậm chí là hoại tử nếu tắc mạch chi hoàn toàn…
– Bệnh thận mãn tính: 
Các mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch thận làm giảm lưu lượng máu và oxy đến thận.
Người bệnh có thể xuất hiện những cơn đau quặn thận làm ảnh hưởng đến chức năng của thận, lâu dần có thể dẫn tới bệnh thận mãn tính.
Khi đó người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, ngứa ngáy, khó chịu, sưng ở tay hoặc chân…

Chẩn đoán xơ vữa động mạch
Để chẩn đoán xơ vữa động mạch, các bác sĩ sẽ kiểm tra về tiền sử mắc bệnh tim của gia đình, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác.
Kiểm tra về thói quen sinh hoạt thường ngày của bản thân người bệnh như chế độ ăn uống, tập thể dục, hút thuốc lá… 
Đo huyết áp, nhịp tim, kiểm tra sự lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể, chỉ định các xét nghiệm để kiểm tra các chỉ số lipid máu (LDL, HDL, triglycerid), đường huyết lúc đói, điện tâm đồ và các xét nghiệm khác.
Cách phòng ngừa và điều trị xơ vữa động mạch hiệu quả
Điều trị xơ vữa động mạch bằng thuốc
Mục tiêu của thuốc điều trị là giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa như đường huyết, lipid máu, huyết áp… ở mức mục tiêu.
Các nhóm thuốc thường được sử dụng là thuốc giãn mạch, thuốc chống đông máu, thuốc hạ mỡ máu…
Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc đúng chỉ định và tái khám sức khỏe định kì.
Phẫu thuật
Nong mạch/đặt stent hoặc mổ bắc cầu động mạch vành sẽ được chỉ định động mạch bị xơ vữa nghiêm trọng và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.
Bất kì can thiệp nào dù ít xâm lấn cũng tiềm ẩn rủi ro nên bác sĩ sẽ cân nhắc kĩ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ trước khi tiến hành.

Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp gây ra rối loạn chức năng nội mạc, mất cân bằng giữa quá trình chết và quá trình tái tạo tế bào nội mạc mạch máu.
Khiến tế bào nội mạc không liền lạc và tạo điều kiện cho phân tử LDL cholesterol oxy hóa dễ dàng đi vào lớp dưới nội mạc.
Cùng với đó, phản ứng viêm kích thích tạo tế bào bọt dưới nội mạc, tạo điều kiện hình thành mảng xơ vữa động mạch.
Thừa cân - béo phì
Tình trạng thừa cân là khi tích tụ quá mức lượng mỡ trong cơ thể đồng nghĩa với việc tăng mức cholesterol máu.
Cholesterol trong máu quá cao, lắng đọng trên thành mạch và trở thành một mảng bám cứng gây tắc mạch.
Hạn chế hoặc chặn lưu thông máu đến tim và các cơ quan khác gây rối loạn lipid máu làm nặng thêm tình trạng xơ vữa động mạch.
Tuổi tác
Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch trên lâm sàng.
Quá trình lão hóa góp phần làm hình thành mảng xơ vữa động mạch.
Khi già đi, tim và mạch máu sẽ làm việc nhiều hơn để bơm và nhận máu.
Các động mạch có thể cứng lại và trở nên kém đàn hồi hơn, khiến chúng dễ bị tích tụ mảng bám hơn.
Tiểu đường
Bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 có nguy cơ bị bệnh tim mạch gấp 2-4 lần so với người không mắc đái tháo đường.
Bệnh nhân đái tháo đường có lượng đường huyết tăng mạn tính và đề kháng insulin.
Tình trạng này tạo ra nhiều chất trung gian hóa học gây tổn thương hoặc làm rối loạn chức năng các tế bào ở lớp áo trong thành động mạch.
Dẫn đến hình thành các vệt mỡ, tiến triển thành mảng xơ vữa, gây hẹp động mạch.
Mảng xơ vữa có thể nứt vỡ và hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch.
Hút thuốc lá
Các độc tố trong thuốc lá làm tổn thương lớp nội mô đảm nhiệm vai trò điều hòa co giãn mạch.
Làm giảm HDL (cholesterol có lợi), tăng nồng độ LDL (cholesterol có hại) và tăng co mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Yếu tố di truyền
Nếu tiền sử gia đình có người đã mắc bệnh liên quan đến tim mạch thì bạn có nguy cơ cao mắc bệnh xơ vữa động mạch.
Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề về gen di truyền.

Dấu hiệu của bệnh xơ vữa động mạch
Ở mức độ nhẹ, bệnh xơ vữa động mạch không biểu hiện ra ngoài nên rất khó để phát hiện sớm.
Triệu chứng bệnh chỉ nhận thấy rõ khi lòng động mạch đã bị thu hẹp quá nhiều, gây tắc mạch, không đủ lưu lượng máu đến các cơ quan.
Tùy thuộc vào vị trí bị xơ vữa, các cơ quan chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ có những dấu hiệu bất thường:
Mảng xơ vữa ở động mạch tim hay gọi là xơ vữa động mạch vành gây cơn đau thắt ngực hoặc nặng hơn là nhồi máu cơ tim cấp.
Mảng xơ vữa ở động mạch cấp máu lên não: 
Giai đoạn đầu gây ra các cơn thiếu máu não thoáng qua với các biểu hiện run tay chân, mất thị lực tạm thời, nói lắp, nói khó khăn, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt...
(Giống như khi bị đột quỵ, nhưng hầu hết biến mất trong vòng một giờ, hiếm khi các triệu chứng kéo dài đến 24 giờ).
Nặng nhất là tắc mạch não gây đột quỵ thiếu máu cục bộ.
Mảng xơ vữa động mạch ở động mạch cánh tay/ chân gây ra các triệu chứng ở ngoại vi như đau chân khi đi lại (đau cách hồi).
Mảng xơ vữa ở động mạch thận gây ra tăng huyết áp không kiểm soát hoặc suy thận.
Biến chứng của bệnh
Các biến chứng của xơ vữa động mạch phụ thuộc vào vị trí động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn.
Bệnh động mạch vành: 
Xơ vữa động mạch làm hẹp các động mạch gần tim, thiếu máu đến tim, gây đau ngực (đau thắt ngực), đau tim hoặc suy tim.
Bệnh động mạch cảnh: 
Xơ vữa động mạch làm hẹp các động mạch gần não, gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ.
Bệnh động mạch ngoại vi: 
Xơ vữa động mạch làm hẹp các động mạch ở cánh tay hoặc chân, lưu lượng máu tuần hoàn giảm.
Khiến ít nhạy cảm hơn với nóng và lạnh, làm tăng nguy cơ bị bỏng hoặc tê cóng.
Một số trường hợp, các mô vùng cánh tay/ chân bị hoại tử do thiếu chất nuôi dưỡng.
Chứng phình động mạch: 
Hầu hết những người mắc bệnh này không có triệu chứng.
Đau và nhói ở vùng phình động mạch có thể xảy ra và là một trường hợp cấp cứu y tế.
Nếu phình động mạch vỡ ra, nó có thể gây chảy máu bên trong cơ thể và đe dọa tính mạng.
Bệnh thận mạn tính: 
Xơ vữa động mạch có thể khiến các động mạch dẫn đến thận bị thu hẹp, máu giàu oxy không thể đến thận.
Lưu lượng máu cũng không được cấp đầy đủ đến thận để lọc chất thải và loại bỏ chất lỏng dư thừa.
Chẩn đoán phát hiện bệnh
Lắng nghe mô tả triệu chứng từ người bệnh.
Khai thác tiền sử bệnh.
Nghe tim, bắt mạch tứ chi.
Một số xét nghiệm chỉ định đi kèm sẽ tùy vào cơ quan nghi ngờ bị thiếu máu:
Mạch vành: 
Điện tâm đồ ECG (tìm dấu hiệu vùng cơ tim bị thiếu máu),
CT-scan mạch vành, siêu âm tim gắng sức...
Động mạch ngoại biên: 
Đo ABI, siêu âm doppler mạch máu chi dưới, so sánh huyết áp ở mỗi chi (tìm kiếm sự tắc nghẽn ở cánh tay hoặc chân)...
Não: 
MRI/CT-scan não...
Thận: 
Siêu âm mạch máu thận...
Siêu âm bụng đánh giá động mạch chủ.
Động mạch cảnh: 
Siêu âm doppler.
Test gắng sức khi tập thể dục để theo dõi đánh giá nhịp tim, huyết áp và triệu chứng đau thắt ngực.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy chú ý đến các triệu chứng ban đầu do thiếu lưu lượng máu, chẳng hạn như đau ngực (đau thắt ngực), đau hoặc tê bì tay chân.
Chẩn đoán, điều trị sớm có thể ngăn xơ vữa động mạch trở nên trầm trọng hơn và ngăn ngừa cơn đau tim, đột quỵ.
Cách điều trị xơ vữa động mạch
Điều trị xơ vữa động mạch cần kết hợp thay đổi lối sống hiện tại và sự hỗ trợ y tế như: thuốc, phẫu thuật.
Các loại thuốc thường dùng trong điều trị bệnh xơ vữa động mạch bao gồm:
Thuốc giảm lipid máu (statin, các dẫn xuất của axit fibric, ezetimibe, acid mật cô đặc, Bempedoic acid, PCSK9-i...)
Giảm lượng cholesterol trong máu, giúp thoái triển mảng xơ vữa mạch máu.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu:
Tác dụng ngăn chặn huyết khối và tắc nghẽn động mạch (dự phòng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não).
Thuốc giãn mạch: 
Giúp bảo vệ thành mạch, ổn định mãng xơ vữa, chống quá trình tái cấu trúc thành động mạch.
Nếu triệu chứng của bệnh đặc biệt nghiêm trọng có thể dùng phẫu thuật để điều trị xơ vữa động mạch, các phương pháp phẫu thuật bao gồm:
Nong mạch: 
Dùng một ống thông để nong động mạch, đặt stent mạch máu bị hẹp nặng hoặc tắc nghẽn.
Phẫu thuật bắc cầu: 
Dùng một tĩnh mạch hoặc động mạch từ các nơi khác trong cơ thể hoặc một ống tổng hợp để chuyển dòng chảy của máu quanh động mạch bị tắc hoặc bị hẹp.
Tiêu sợi huyết: 
Tiêm thuốc tiêu huyết khối vào động mạch bị tắc nghẽn để làm tan khối máu đông.
Cắt bỏ nội mạc động mạch để loại bỏ chất béo lắng đọng trong động mạch.
Nạo mảng xơ vữa sử dụng một ống thông với một lưỡi dao sắc ở một đầu để loại bỏ mảng bám động mạch
Phương pháp phòng ngừa
Lối sống lành mạnh được khuyến nghị là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn bệnh xơ vữa động mạch.
Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
Ăn thực phẩm lành mạnh.
Tập thể dục thường xuyên.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Kiểm tra và duy trì huyết áp ổn định.
Kiểm tra và duy trì đảm bảo mức cholesterol và lượng đường trong không vượt quá quy định

TIP
HIỂU BIẾT VỀ BỆNH TIM MẠCH DO XƠ VỮA Ở NGƯỜI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2
Ngày nay, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường, có thể chiếm 52 – 80% ở người đái tháo đường típ 2.
Các nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình giảm đi 12 năm ở những bệnh nhân đái tháo đường kèm bệnh tim mạch.
Khoảng 85% bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ tim mạch cao và rất cao hoặc đã từng có biến cố bệnh tim mạch do xơ vữa.
Bệnh tim mạch do xơ vữa là gì?
Xơ vữa động mạch là tình trạng hẹp lòng các động mạch trong cơ thể do quá trình lắng đọng các chất béo, chất thải của tế bào và canxi ở trong thành động mạch như động mạch vành, động mạch não và các động mạch ngoại biên.
Ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch xảy ra có thể do xơ vữa động mạch hoặc do các nguyên nhân khác.
Bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường gồm có bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh động mạch ngoại biên.
Bệnh mạch vành gồm có nhiều bệnh cảnh như thiếu máu cục bộ cơ tim thầm lặng, đau thắt ngực ổn định, nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực không ổn định.
Bệnh mạch máu não gồm có đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não và cơn thoáng thiếu máu não.
Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng xơ vữa động mạch ở chi dưới, chi trên, động mạch cảnh, động mạch mạc treo, động mạch thận … gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ.
Tại sao bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa?
Bệnh nhân đái tháo đường típ 2 tăng hai đến bốn lần nguy cơ bệnh tim mạch so với người không đái tháo đường.
Bệnh nhân đái tháo đường có tình trạng tăng đường huyết mạn tính, đề kháng insulin, tạo ra nhiều chất trung gian hóa học làm tổn thương và rối loạn chức năng của các tế bào ở lớp áo trong của động mạch, hình thành các vệt mỡ, tiến triển đến mảng xơ vữa gây hẹp, sau đó có thể nứt vỡ mảng xơ vữa và hình thành cục máu đông làm tắc các động mạch.
Người đái tháo đường còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác đi kèm góp phần thúc đẩy diễn tiến của xơ vữa động mạch, dẫn đến các biến cố tim mạch.
Các yếu tố nguy cơ này có thể không thay đổi được như lớn tuổi, giới tính nam hay nữ mãn kinh, chủng tộc, tiền sử gia đình bệnh tim mạch sớm.
Một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm các yếu tố nguy cơ chuyển hóa như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, bệnh thận mạn;
Các yếu tố nguy cơ hành vi như hút thuốc lá, ít vận động thể lực, ăn uống không lành mạnh, sử dụng thức uống có cồn quá mức và các yếu tố môi trường xã hội như tiếp xúc với ô nhiễm không khí hoặc chất độc hại, tình trạng kinh tế xã hội thấp, stress, lo âu và trầm cảm.
Bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
Bệnh tim mạch do xơ vữa nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
 Nhồi máu cơ tim cấp có thể gây ra cơn đau thắt ngực đột ngột, dữ đội, sau xương ức, lan lên vai, hàm dưới, mặt trong cánh tay và cẳng tay trái, kéo dài hơn 20 phút kèm khó thở, vã mồ hôi.
 Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân nhồi máu cơ tim có thể tử vong do suy tim cấp, rối loạn nhịp tim ác tính, vỡ tim …
Hoặc diễn tiến thành suy tim mạn về sau, làm giảm khả năng gắng sức, tái nhập viện nhiều lần và có nguy cơ tử vong dài hạn.
Bệnh nhân đái tháo đường nếu bị đột quỵ do tắc hay vỡ các động mạch não với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, giảm thị lực, nói khó, yếu liệt tay chân …,
Có thể gây tử vong trong giai đoạn cấp hoặc để lại di chứng tàn tật, rối loạn về vận động, cảm giác và ngôn ngữ.
Bệnh đái tháo đường có thể biến chứng bệnh động mạch ngoại biên, thường xảy ra ở chi dưới với triệu chứng đau cách hồi khi đi lại hay nghỉ ngơi, diễn tiến đến loét chân, hoại tử chi và hậu quả là đoạn chi, để lại tàn tật lâu dài.
Điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường như thế nào?
Người đái tháo đường mắc bệnh tim mạch do xơ vữa cần được điều trị bằng điều chỉnh lối sống, dùng thuốc và can thiệp thủ thuật hay phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.
Nhiều loại thuốc khác nhau giúp kiểm soát đường huyết, huyết áp, mỡ máu, cải thiện triệu chứng như đau ngực, đau cách hồi, phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong.
Các thuốc giảm đường huyết như ức chế SGLT2 hay đồng vận GLP1 có thể phòng ngừa tiên phát lẫn thứ phát bệnh tim mạch do xơ vữa.
Ví dụ, thuốc Liraglutide được chứng minh giảm 13% nguy cơ biến cố gồm tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim không tử vong và đột quỵ không tử vong, đồng thời giảm 15% tử vong do mọi nguyên nhân ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần được tái thông mạch máu bằng cách dùng thuốc tiêu sợi huyết, nong và đặt stent trong lòng động mạch hay phẫu thuật bắc cầu mạch máu qua chỗ hẹp.
Điều chỉnh lối sống là liệu pháp nền tảng cũng như giúp phòng ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường.
Ngưng hút thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa tiến trình xơ vữa động mạch.
Bệnh nhân cần lưu ý tránh xa khói thuốc lá nếu không phải là người hút thuốc.
Mỗi người không nên uống quá 2 đơn vị rượu mỗi ngày đối với nam và 1 đơn vị rượu đối với nữ.
Có nghĩa một ngày nam giới không nên uống quá 2 lon bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu mạnh;
Nữ giới thì không uống quá một nửa số lượng đó.
Bệnh nhân cần vận động cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần (30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần).
Bệnh nhân đái tháo đường cần hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, chọn  thức ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều cá (ít nhất 1-2 lần/tuần), giảm ăn mặn và hạn chế chất béo bão hòa.
Nếu thừa cân hoặc béo phì, bệnh nhân đái tháo đường cần giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể thích hợp bằng chế độ ăn thích hợp, hoạt động thể lực và đôi khi cần dùng thuốc theo toa thuốc của bác sĩ.
Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch do xơ vữa gồm bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh động mạch ngoại biên.
Bệnh tim mạch do xơ vữa có thể gây ra tử vong ngắn hạn và dài hạn hoặc tàn phế, giảm khả năng vận động và suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ để phòng ngừa các bệnh tim mạch do xơ vữa.

THUỐC LIRAGLUTIDE:
Nhóm thuốc đồng vận GLP-1 (tương tự incretin)
Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Liraglutide
Loại thuốc
Nhóm thuốc đồng vận GLP-1 (tương tự incretin)
Dạng thuốc và hàm lượng
Bút tiêm: 6mg/ml liraglutide
Bút tiêm dạng phối hợp: 100 units/ml insulin degludec + 3.6 mg/ml liraglutide
Chỉ định
Đái tháo đường type 2 ở những bệnh nhân mà chế độ ăn và luyện tập chưa đủ kiểm soát đường huyết, có thể sử dụng phối hợp với metformin hoặc sulphonylurea.
Béo phì, hoặc thừa cân với ít nhất một bệnh đi kèm liên quan đến cân nặng.
Rối loạn hệ thống tim mạch; Dự phòng - Đái tháo đường type 2.
Dược lực học
Liraglutide là một chất tương tự peptide-1 giống glucagon ở người được acyl hóa (GLP-1) với 97% trình tự axit amin tương đồng với GLP-1 nội sinh của người.
Liraglutide liên kết và kích hoạt thụ thể GLP-1 (GLP-1R) thông qua đó làm tăng cảm giác no và giảm tín hiệu đói chính, dẫn đến giảm trọng lượng cơ thể.
Ngoài ra liraglutide kích thích bài tiết insulin và giảm bài tiết glucagon theo cách phụ thuộc vào glucose, dẫn đến giảm lượng glucose lúc đói và sau ăn.
Tác dụng hạ đường huyết rõ rệt hơn ở bệnh nhân tiền đái tháo đường.
Động lực học
Hấp thu
Sự hấp thu của liraglutide sau khi tiêm dưới da chậm, đạt nồng độ tối đa khoảng 11 giờ sau khi dùng thuốc. Sinh khả dụng tuyệt đối của liraglutide sau khi tiêm dưới da là khoảng 55%.
Phân bố
Thể tích phân bố sau khi tiêm dưới da khoảng 13L. Liraglutide liên kết mạnh với protein huyết tương (> 98%).
Chuyển hóa
Liraglutide ít nhạy cảm với chuyển hóa hơn GLP-1 nội sinh và do đó, dipeptidyl peptidase-4 và endopeptidase trung tính chuyển hóa chậm hơn thành các polypeptide nhỏ hơn khác nhau chưa được xác định cấu trúc.
Một phần liraglutide có thể được chuyển hóa hoàn toàn thành carbon dioxide và nước.
Thải trừ
6% bài tiết qua nước tiểu và 5% bài tiết qua phân. Thời gian bán thải khoảng 13 giờ.
Tương tác thuốc
Giảm nồng độ đỉnh trong huyết tương và tốc độ hấp thu của các thuốc: Atorvastatin, acetaminophen, digoxin, thuốc tránh thai nội tiết đường uống (ethinyl estradiol và levonorgestrel), lisinopril.
Tăng nồng độ đỉnh trong huyết tương của các thuốc: Griseofulvin.
Nguy cơ hạ đường huyết tăng lên khi sử dụng cùng với insulin, sulfonylurea.
Chống chỉ định
Quá mẫn với liraglutide hoặc bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.
Bệnh nhân ĐTĐ type 1 hoặc ĐTĐ nhiễm ceton.
Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư biểu mô tuyến giáp thể tuỷ hoặc bệnh đa u tuyến nội tiết loại 2.
Điều trị béo phì ở bệnh nhân mang thai.
Liều lượng & cách dùng
Người lớn
Sử dụng bút tiêm dưới da vào bụng, đùi hoặc cánh tay trên nên luân phiên thay đổi các vị trí trên tránh gây kích ứng nơi tiêm.
Dùng một lần mỗi ngày vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không liên quan đến bữa ăn.
Đái tháo đường tuýp 2
Liều khởi đầu 0,6 mg x 1 lần/ngày trong 1 tuần, liều này không có hiệu quả để kiểm soát đường huyết, liều này để giảm các triệu chứng tiêu hóa trong quá trình chỉnh liều.
 Sau 1 tuần tăng lên liều duy trì 1,2mg x 1 lần/ngày.
Nếu sau ít nhất 1 tuần đáp ứng lâm sàng không tốt có thể tăng liều đến 1,8 mg x 1 lần/ngày.
Liều tối đa 1,8 mg/ngày.
Béo phì, hoặc thừa cân với ít nhất một bệnh đi kèm liên quan đến cân nặng
Liều khởi đầu, 0,6 mg x 1 lần/ngày trong 1 tuần, tăng liều hàng tuần với mức tăng 0,6 mg mỗi tuần cho đến khi đạt được liều duy trì 3 mg x 1 lần/ngày.
Nếu trong quá trình tăng liều bệnh nhân không dung nạp được (ví dụ, các tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa), có thể trì hoãn việc tăng liều trong khoảng 1 tuần.
Nếu đã trôi qua hơn 3 ngày kể từ liều cuối cùng, bắt đầu lại với liều 0,6 mg để giảm thiểu tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa.
Điều chỉnh thành liều duy trì 3 mg một lần mỗi ngày.
Nếu không dung nạp được liều 3 mg mỗi ngày, hãy ngừng điều trị; hiệu quả không được thiết lập ở liều <3 mg mỗi ngày.
Đánh giá mức giảm cân sau 16 tuần; nếu ít nhất 4% trọng lượng cơ thể không bị mất, ngừng sử dụng vì điều trị tiếp tục không có khả năng hiệu quả.
Rối loạn hệ thống tim mạch; Dự phòng - Đái tháo đường týp 2.
Liều khởi đầu, 0,6 mg x 1lần/ngày trong 1 tuần (để giảm các triệu chứng tiêu hóa trong quá trình điều chỉnh liều), sau đó tăng lên liều duy trì 1,2 mg x 1lần/ngày; có thể tăng lên 1,8 mg/ ngày nếu cần.
Trẻ em
Đái tháo đường type 2.
Trẻ em và thanh thiếu niên ≥10 tuổi:
Liều khởi đầu 0,6 mg x 1 lần/ngày. Sau ≥ 1 tuần, có thể tăng lên 1,2 mg x 1 lần/ngày nếu cần kiểm soát đường huyết bổ sung.
Nếu cần, có thể tăng thêm lên 1,8 mg x 1 lần/ngày sau ≥ 1 tuần điều trị với liều 1,2 mg mỗi ngày.
Nếu đã hơn 3 ngày kể từ liều cuối cùng, bắt đầu lại với liều 0,6 mg để giảm thiểu tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa và điều chỉnh liều lượng theo quyết định của bác sĩ.
Béo phì, hoặc thừa cân với ít nhất một bệnh đi kèm liên quan đến cân nặng.
Liều khởi đầu 0,6 mg x 1 lần/ngày trong 1 tuần;
Tăng hàng tuần với mức tăng 0,6 mg mỗi tuần cho đến khi đạt được liều duy trì 3 mg x 1 lần/ngày;
Nếu bệnh nhân không dung nạp được 3 mg mỗi ngày (ví dụ, các tác dụng bất lợi trên đường tiêu hóa), có thể giảm liều duy trì xuống 2,4 mg mỗi ngày;
Ngưng sử dụng nếu không dung nạp được liều 2,4 mg;
Nếu một liều tăng lên không được dung nạp trong quá trình tăng liều, liều cũng có thể được hạ xuống mức trước đó.
Tăng liều có thể mất đến 8 tuần.
Đánh giá mức giảm cân sau 12 tuần; nếu ít nhất 1% trọng lượng cơ thể không bị mất, ngừng sử dụng vì điều trị tiếp tục không có khả năng hiệu quả.
Đối tượng khác
Người cao tuổi (≥65 tuổi)
Không cần điều chỉnh liều.
Suy thận
Không cần điều chỉnh liều đối với bệnh nhân suy thận nhẹ hoặc trung bình (độ thanh thải creatinin ≥30 ml / phút).
Liraglutide không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin <30 ml/phút) kể cả bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối.
Suy gan
Không cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy gan nhẹ hoặc trung bình.
Liraglutide không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân suy gan nặng và nên sử dụng thận trọng cho bệnh nhân suy gan nhẹ hoặc trung bình.
Tác dụng phụ
Thường gặp: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, rối loạn tiêu hóa.
Ít gặp
Hạ đường huyết, mất ngủ (chủ yếu gặp trong 3 tháng đầu điều trị), phản ứng tại chỗ tiêm, suy nhược, mệt mỏi chóng mặt, mất vị giác, khô miệng, rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày-thực quản, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, sỏi mật.
Hiếm gặp
Mất nước, nhịp tim nhanh, viêm tụy, chậm làm rỗng dạ dày, viêm túi mật, mày đay, bứt rứt khó chịu, phản ứng phản vệ, suy thận cấp, suy thận.
Lưu ý
Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 dùng liraglutide kết hợp với insulin và/hoặc sulfonylurea có thể tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Nguy cơ hạ đường huyết có thể giảm khi giảm liều insulin và hoặc sulfonylurea.
Tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường được điều trị bằng insulin.
Liraglutide không được dùng thay thế insulin.
Nhiễm toan ceton do đái tháo đường đã được báo cáo ở những bệnh nhân phụ thuộc insulin sau khi ngừng nhanh hoặc giảm liều insulin.
Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng mất nước, bao gồm suy thận và suy thận cấp, đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chủ vận thụ thể GLP-1.
Đã quan sát thấy sự gia tăng nhịp tim khi dùng liraglutide trong các thử nghiệm lâm sàng.
Nhịp tim nên được theo dõi định kỳ.
Cần thông báo cho bệnh nhân về các triệu chứng tăng nhịp tim (đánh trống ngực hoặc cảm giác tim đập nhanh khi nghỉ ngơi).
Đối với những bệnh nhân có nhịp tim lúc nghỉ tăng liên tục có liên quan về mặt lâm sàng, nên ngừng điều trị bằng liraglutide.
Nguy cơ khối u tế bào C tuyến giáp, nên thận trọng khi sử dụng liraglutide cho những bệnh nhân bị bệnh tuyến giáp.
Tỷ lệ sỏi đường mật và viêm túi mật cao hơn được quan sát thấy ở những bệnh nhân được điều trị bằng liraglutide so với những bệnh nhân dùng giả dược.
Bệnh nhân cần được thông báo về các triệu chứng đặc trưng của sỏi đường mật và viêm túi mật.
Viêm tụy cấp đã được quan sát thấy khi sử dụng các chất chủ vận thụ thể GLP-1.
Bệnh nhân cần được thông báo về các triệu chứng đặc trưng của viêm tụy cấp.
Nếu nghi ngờ viêm tụy, nên ngừng dùng liraglutide;
Nếu viêm tụy cấp được xác nhận, không nên bắt đầu lại liraglutide.
Phản ứng phản vệ (hạ huyết áp, đánh trống ngực, khó thở và phù nề) có thể đe dọa tính mạng.
Nếu nghi ngờ phản ứng phản vệ, nên ngừng liraglutide và không nên bắt đầu lại điều trị.
Lưu ý với phụ nữ có thai
Liraglutide không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Nếu bệnh nhân muốn có thai hoặc có thai, nên ngừng điều trị bằng liraglutide.
Lưu ý với phụ nữ cho con bú
Vì chưa có kinh nghiệm, không nên dùng liraglutide trong thời kỳ cho con bú.
Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
Liraglutide không có hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc.
Có thể bị chóng mặt chủ yếu trong 3 tháng đầu điều trị bằng liraglutide.
Cần thận trọng khi lái xe hoặc sử dụng máy móc nếu bị chóng mặt.
Quá liều
Quá liều Liraglutide và xử trí
Quá liều và độc tính
Các triệu trứng quá liều được báo cáo bao gồm buồn nôn, nôn mửa dữ dội và hạ đường huyết nghiêm trọng.
Cách xử lý khi quá liều
Trong trường hợp quá liều, nên bắt đầu điều trị hỗ trợ thích hợp tùy theo các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.
 Bệnh nhân cần được quan sát các dấu hiệu lâm sàng của tình trạng mất nước và theo dõi đường huyết.
Quên liều và xử trí
Nếu bỏ lỡ một liều trong vòng 12 giờ kể từ khi thường dùng, bệnh nhân nên dùng liều đó càng sớm càng tốt.
Nếu còn ít hơn 12 giờ đến liều tiếp theo, bệnh nhân không nên dùng liều đã quên và tiếp tục chế độ một ngày một lần với liều kế tiếp theo lịch trình.
Không nên dùng thêm hoặc tăng liều để bù cho liều đã quên.