Viêm phổi cộng đồng

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

VIÊM PHỔI CỘNG ĐỒNG


Bệnh viêm phổi mắc phải ở cộng đồng xảy ra ở ngoài bệnh viện, là hiện tượng nhiễm khuẩn của nhu mô phổi bao gồm phế nang, tiểu phế quản tận hay viêm tổ chức kẽ của phổi.
Biểu hiện ở viêm phổi gồm có viêm phổi đốm, viêm phổi thuỳ hoặc viêm phổi không điển hình.
Các thể này có đặc điểm chung đó là xuất hiện hội chứng bóng mờ phế nang và đông đặc phổi hoặc mô kẽ trên hình ảnh chụp X-quang phổi.
Tác nhân gây bệnh là do virus, vi khuẩn, nấm,... nhưng không phải là do vi khuẩn lao.
Mức độ viêm phổi có thể là từ nhẹ đến nặng, thậm chí là cướp đi cả mạng sống của người bệnh.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi và đối tượng bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh lý nền thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi viêm phổi.
Các số liệu về bệnh viêm phổi cộng đồng:
Tại Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 4 triệu người bị nhiễm viêm phổi, trong đó số trường hợp cần phải nhập viện chiếm tỷ lệ 20%;
Tỷ lệ tử vong của các ca bệnh nội trú là 15 - 30%, còn trường hợp điều trị ngoại trú chiếm 1- 5%;
Chi phí điều trị bệnh viêm phổi hàng năm chiếm khoảng 9,7 tỷ Đô la;
Trung bình cứ 1000 người thì có từ 8 - 15 người bị nhiễm viêm phổi cộng đồng;
Ở nước ta, giai đoạn 1997 - 2000 tại bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 3.606 bệnh nhân điều trị tại khoa Hô hấp, trong đó có 345 (khoảng 9,57%) trường hợp bị viêm phổi - xếp thứ 4 trong số các bệnh về đường hô hấp.

Nguyên nhân Viêm phổi cộng đồng
Viêm phổi cộng đồng được cho là rất phổ biến, gây ra bởi các yếu tố sau:
- Virus:
Các virus có khả năng gây bệnh cúm và cảm lạnh là nguyên nhân gây nên bệnh viêm phổi;
- Vi khuẩn: 
Vi khuẩn có tên khoa học Streptococcus pneumoniae chính là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm phổi ở Mỹ.
Loại viêm phổi do vi khuẩn này gây nên có thể tự phát tác sau khi người bệnh nhiễm lạnh hoặc cảm cúm, gây ảnh hưởng đến thuỳ phổi, còn được gọi là viêm phổi thuỳ;
- Nấm: 
Thường tấn công những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh lý mạn tính.
Các loại nấm có khả năng gây bệnh viêm phổi có thể tồn tại trong đất hoặc phân chim, tuỳ thuộc vào khu  vực địa lý;
- Các loại sinh vật giống như vi khuẩn: 
Mycoplasma pneumoniae cũng có thể gây viêm phổi nhưng các biểu hiện chúng gây ra thường nhẹ hơn khi so với những loại viêm phổi khác.

Triệu chứng Viêm phổi cộng đồng
Biểu hiện của viêm phổi mắc phải ở cộng đồng có thể từ nhẹ đến nặng và tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác như yếu tố gây bệnh (do virus, nấm hay vi khuẩn, vi sinh), tuổi tác và thể trạng của bệnh nhân.
Những triệu chứng nhẹ thường giống với cảm lạnh hoặc cảm cúm nhưng lại kéo dài hơn.
Dấu hiệu cho thấy một người bị viêm phổi cộng đồng đó là: 
Ho khan hoặc ho có đờm;
Khó thở và đau ngực khi thở hoặc ho;
Cơ thể mệt mỏi;
Bị sốt, người đổ nhiều mồ hôi, run rẩy;
Buồn nôn, nôn mửa hoặc bị tiêu chảy;
Nhận thức thay đổi, hay bị nhầm lẫn (thường gặp ở người từ 65 tuổi trở lên);
Nhiệt độ cơ thể giảm (đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu và người trên 65 tuổi).

Các biến chứng Viêm phổi cộng đồng
Khó thở: 
Nếu bệnh nhân bị viêm phổi nặng hoặc cơ thể đang có những bệnh phổi mạn tính tiềm ẩn, người bệnh sẽ có nguy cơ bị khó thở và có thể phải sử dụng đến máy thở;
Nhiễm khuẩn huyết: 
Vi khuẩn khi xâm nhập vào phổi đi theo đường máu gây bệnh cho những cơ quan khác, khiến suy tạng rất nguy hiểm;
Tràn dịch màng phổi: 
Là tình trạng các chất lỏng tích tụ nhiều trong màng phổi do vi khuẩn gây nên;
Áp xe phổi:  
Các áp xe hình thành khi một khoang trong phổi có mủ và thường được loại bỏ bằng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật.

Đối tượng nguy cơ Viêm phổi cộng đồng
Có 2 nhóm tuổi dễ phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh:
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi;
Người cao tuổi ( > 65 tuổi).

Những yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng bị viêm phổi cộng đồng:
- Người nghiện thuốc lá, thuốc lào: 
Hút thuốc sẽ gây tàn phá hệ thống phòng thủ của cơ thể trước sự xâm lăng của virus, vi khuẩn gây bệnh viêm phổi;
- Người mắc bệnh mạn tính: 
Các bệnh như hen suyễn, bệnh tim hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh viêm phổi;
- Người có hệ thống miễn dịch yếu: 
Bệnh nhân sử dụng steroid, những người được ghép tạng, hoá trị liệu hoặc người bị HIV/AIDS rất dễ bị viêm phổi cộng đồng.
Phòng ngừa Viêm phổi cộng đồng
- Mỗi năm nên tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.
Đối với những người bị bệnh viêm phổi mạn tính, bị suy tim, tuổi cao trên 65 hoặc đã thực hiện cắt lách thì nên tiêm phòng phế cầu định kỳ 5 năm 1 lần;
- Cai thuốc lá, thuốc lào - những yếu tố kích thích đầu độc hệ hô hấp;
- Điều trị hiệu quả những ổ nhiễm trùng khu vực răng hàm mặt, tai mũi họng;
- Giữ ấm cổ, đặc biệt là vùng cổ và ngực trong mùa lạnh.

Các biện pháp chẩn đoán Viêm phổi cộng đồng
Chẩn đoán xác định bệnh
- Viêm phổi khởi phát đột ngột, có thể thấy các yếu tố khiến bệnh nhân bị viêm phổi do phế cầu như:
Suy giảm miễn dịch, cắt lách, bệnh hồng cầu hình liềm, nghiện rượu lâu năm;
- Sốt cao từ 39 - 40 độ C và rét run.
Thường cảm thấy đau ngực, ho khạc đờm màu xanh hoặc màu rỉ sét, có mủ, lưỡi bẩn, môi khô, bạch cầu máu tăng cao.
Xuất hiện hội chứng đông đặc phổi:
Tiếng thổi ống, gõ đục, rì rào phế nang giảm, rung thanh tăng;
- Hình ảnh sau khi chụp X-quang phổi:
Có hiện tượng tràn dịch màng phổi, hội chứng lấp đầy phế nang hoặc hình rãnh liên thuỳ dày. Hình kính mờ thể hiện viêm phổi do vi khuẩn không điển hình.
Trường hợp nghi ngờ bệnh nhân mắc viêm phổi, các xét nghiệm sau là cần thiết:
- Chụp X-quang ngực:  
Giúp bác sĩ có thể chẩn đoán và xác định vị trí nhiễm trùng nhưng không thể hiện loại vi khuẩn mà bệnh nhân mắc phải;
- Xét nghiệm máu: 
Phương pháp này nhằm xác nhận nhiễm trình và giúp xác định loại vi khuẩn gây bệnh nhưng không phải lúc nào cũng đưa ra câu trả lời chính xác;
- Xét nghiệm đờm: 
Bệnh nhân sẽ được lấy một ít chất lỏng từ phổi để phân tích nhằm điều tra nguyên nhân nhiễm trùng là do đâu;
- Nuôi cấy dịch màng phổi: 
Cũng là một phương pháp để giúp tìm ra loại nhiễm trùng, bằng cách đặt một cây kim giữa xương sườn của bệnh nhân tại khu vực màng phổi để phân tích mẫu chất lỏng được lấy ra ở đây;
- Chụp CT: 
Được tiến hành khi hình ảnh viêm phổi không thể hiện rõ ràng.
Chụp CT sẽ giúp thu lại hình ảnh chi tiết hơn về phổi của bệnh nhân.
Chẩn đoán nguyên vi sinh
- Bệnh nhân bị nặng và nhập viện thì cần được nuôi cây và làm kháng sinh đồ với các mẫu vật như dịch phế quản, đờm, dịch màng phổi nếu có máu;
- Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện kháng nguyên hòa tan của vi khuẩn;
- Phương pháp gián tiếp:
Miễn dịch huỳnh quang, test ngưng kết bổ thể và huyết thanh học đặc hiệu với các vi khuẩn hoặc virus khó nuôi cấy.

Chẩn đoán phân biệt các loại bệnh về phổi
Lao phổi;
Tràn dịch màng phổi;
Xẹp phổi;
Giãn phế quản bội nhiễm;
Viêm phổi với cơ chế tự miễn do dùng thuốc;
Tắc mạch phổi gây nhồi máu phổi;
Phù phổi bán cấp không điển hình.

Các biện pháp điều trị Viêm phổi cộng đồng
Nguyên tắc điều trị
- Sớm điều trị bằng kháng sinh cho các bệnh nhân bị viêm phổi do vi khuẩn gây nên;
- Dùng kháng sinh có hiệu quả đối với nguyên nhân gây bệnh và lưu ý việc vi khuẩn kháng kháng sinh;
- Khai thác tiền sử tương tác thuốc và dị ứng thuốc của bệnh nhân trước khi dùng thuốc;
- Trung bình thời gian dùng kháng sinh là trong khoảng 10 ngày trừ các trường hợp ngoại lệ;
- Tuân thủ các nguyên tắc khoa học về việc dùng kháng sinh cho bệnh nhân.
Đặc biệt những loại kháng sinh phụ thuộc vào thời gian sử dụng cần duy trì liều lượng như thế nào để đảm bảo việc điều trị luôn đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Điều trị cụ thể
Việc điều trị viêm phổi nhằm mục đích là thanh toán nhiễm trùng, ngăn ngừa và điều trị các biến chứng.
Phần lớn các trường hợp bị viêm phổi cộng đồng có thể điều trị tại nhà bằng kháng sinh.
Hầu như sau khi điều trị khoảng vài ngày hoặc vài tuần thì các triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm hoặc biến mất, tuy nhiên biểu hiện mệt mỏi vẫn có thể dai dẳng trong vòng một tháng hoặc lâu hơn.
Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác cũng như điều kiện sức khỏe của bệnh nhân mà sẽ áp dụng phương pháp điều trị khác nhau, cụ thể là:
- Sử dụng kháng sinh: 
Dùng thuốc nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh viêm phổi.
Điều trị theo kháng sinh đồ để đạt hiệu quả cao;
- Kiểm soát triệu chứng - giảm đau, hạ sốt: 
Dùng các loại thuốc như sau:
Ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác), aspirin, acetaminophen (Tylenol, những loại khác).
Điều trị tại nhà
- Đảm bảo cơ thể không thiếu nước: 
Giữ thói quen uống nước ngay cả khi không khát để làm giãn lỏng chất nhầy chứa trong phổi;
- Dành thời gian nghỉ ngơi: 
Không nên quay trở lại vận động mạnh hoặc làm việc, học tập cho tới khi  ngừng ho ra chất nhầy hoặc thấy cơ thể không còn dấu hiệu sốt;
- Dừng thuốc theo chỉ dẫn: 
Tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng kháng sinh và phác đồ như bác sĩ đã hướng dẫn.
Không tự ý bỏ thuốc nếu thấy đã hết triệu chứng viêm phổi vì vi khuẩn có thể nhân cơ hội này mà tiếp tục sinh sôi phát triển.


TIP1
Viêm phổi cộng đồng (bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng) là bệnh truyền nhiễm khá phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Viêm phổi cộng đồng, thuật ngữ y khoa đầy đủ là viêm phổi mắc phải trong cộng đồng (CAP) là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất.
Bệnh này còn được định nghĩa là tình trạng nhiễm trùng cấp tính tại nhu mô phổi, xảy ra bên ngoài bệnh viện.

Nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng
1. Vi khuẩn điển hình
Một số loại vi khuẩn điển hình có thể dẫn đến chứng viêm phổi mắc phải tại cộng đồng hay viêm phổi mắc phải cộng đồng bao gồm:
S.Pneumoniae (nguyên nhân vi khuẩn phổ biến nhất), vi khuẩn Haemophilus gây bệnh cúm, vi khuẩn Moraxella Catarrhalis, liên cầu khuẩn nhóm A, Staphylococcus Aureus, vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí, vi khuẩn gram âm hiếu khí (ví dụ, Enterobacteriaceae như Escherichia Coli hoặc Klebsiella spp),…

2. Vi khuẩn không điển hình
Vi khuẩn không điển hình có thể là tác nhân gây bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng. “Không điển hình” ở đây chỉ khả năng kháng beta-lactam nội tại của những vi khuẩn này và không thể quan sát được chúng thông qua cách nhuộm gram hoặc nuôi cấy bằng những kỹ thuật truyền thống.
Một số vi khuẩn không điển hình có thể dẫn đến bệnh viêm phổi cộng đồng bao gồm: Legionella spp, Chlamydia gây viêm phổi, Mycoplasma gây viêm phổi, Chlamydia Psittaci, Coxiella Burnetii,…

3. Nấm
Nấm thường tấn công người bị bệnh mạn tính hoặc có hệ miễn dịch yếu.
Những loại nấm có khả năng dẫn đến bệnh viêm phổi có thể tồn tại trong phân chim, đất… (tùy vào vùng địa lý).
Một số loại nấm đặc hữu (gây viêm phổi bán cấp hoặc mạn tính) có thể dẫn đến bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, ví dụ như:
Histoplasma Capsulatum, Coccidioides Immitis, Cryptococcus Neoformans và Neoformans Gattii, Pneumocystis Jirovecii,…

4. Virus
Một số virus đường hô hấp có thể là tác nhân dẫn đến bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, chẳng hạn như:
Virus cúm A và B, Rhinovirus, virus Parainfluenza, virus SARS-CoV-2, Adenovirus, virus thể hợp bào gây bệnh hô hấp, Bocavirus ở người,…

Triệu chứng viêm phổi cộng đồng
Các triệu chứng của bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng bao gồm ho, sốt, rét run, ớn lạnh, khó chịu, đau ngực, khó thở.
Triệu chứng ho có đờm thường xảy ra ở trẻ vị thành niên và người trưởng thành.
Ho khan thường xảy ra ở người lớn tuổi, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.
Triệu chứng khó thở thường diễn ra ở mức độ nhẹ, khi người bệnh gắng sức và hiếm khi xuất hiện trong lúc nghỉ ngơi.
Đau ngực là tình trạng đau màng phổi ở cạnh vùng bị nhiễm trùng.
Người bệnh viêm phổi mắc phải tại cộng đồng còn có thể bị đau bụng trên khi thùy dưới bị nhiễm trùng, làm kích thích cơ hoành.
Những triệu chứng về đường tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn cũng thường xảy ra.
Biểu hiện trạng thái của người bị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng cũng thay đổi tùy theo độ tuổi.
Trẻ sơ sinh có thể cáu kỉnh, bồn chồn do tình trạng nhiễm trùng.
Với người lớn tuổi, tình trạng nhiễm trùng khiến người bệnh bị lú lẫn, một số trường hợp bị mất ý thức.
Người bệnh cũng có thể xuất hiện triệu chứng thở nhanh, sốt, tim đập nhanh, âm thở phế quản, có tiếng Egophony (trong quá trình bác sĩ nghe tim phổi, người bệnh nói chữ E, bác sĩ nghe thấy chữ A), thấy âm thanh đục khi bác sĩ gõ kiểm tra phổi,…
Một số triệu chứng tràn dịch màng phổi cũng có thể xuất hiện.
Ở trẻ sơ sinh có thể biểu hiện dấu hiệu phập phồng cánh mũi, dùng các cơ phụ và bị tím tái.
Người lớn tuổi lớn thường không gặp triệu chứng sốt.
Triệu chứng ở những người bệnh viêm phổi mắc phải tại cộng đồng do tác nhân điển hình và không điển hình có nhiều điểm tương đồng.
Không có dấu hiệu, triệu chứng đơn lẻ nào đủ nhạy cảm hoặc đặc hiệu để giúp bác sĩ chẩn đoán tác nhân gây bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi mắc phải trong cộng đồng thậm chí còn tương tự với các căn bệnh viêm phổi không do nhiễm trùng khác, ví dụ như viêm phổi tổ chức ẩn danh, viêm phổi quá mẫn,…

Viêm phổi cộng đồng có lây không?
Viêm phổi cộng đồng (CAP) có thể lây truyền từ người này sang người khác.
CAP được xem là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi, chủ yếu do virus hoặc vi khuẩn gây ra những tác nhân gây bệnh đường hô hấp, lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn, hoặc ít phổ biến hơn là qua đường hít phải khí dung (chẳng hạn như đối với các loài Coxiella hoặc Legionella).
Tác nhân gây bệnh sẽ xâm chiếm vùng vòm họng, đến phế nang phổi thông qua quá trình hít phải vi khuẩn.
Khi chất gây bệnh có kích thước đủ lớn hoặc khả năng miễn dịch của người bệnh bị suy yếu, tình trạng nhiễm trùng sẽ xảy ra.
Sự nhân lên của các tác nhân gây bệnh làm sản sinh ra những yếu tố độc lực và phản ứng miễn dịch của người nhiễm bệnh, dẫn đến tình trạng viêm, tổn thương nhu mô phổi, gây viêm phổi.

Viêm phổi cộng đồng có nguy hiểm không?
Viêm phổi cộng đồng là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, diễn biến đến mức độ nặng đe dọa tính mạng (đặc biệt là với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trên 65 tuổi, người có hệ thống miễn dịch yếu, mắc bệnh mạn tính).
Ước tính bệnh viêm phổi mắc phải tại cộng đồng tác động đến khoảng 450 triệu người hàng năm trên toàn cầu và có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Bệnh lý này là một trong những tác nhân chính gây tử vong ở mọi độ tuổi, ước tính có khoảng 4 triệu ca tử vong hàng năm (chiếm khoảng 7% tổng số ca tử vong).
Tỷ lệ bị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng tại các nước đang phát triển cao gấp 5 lần so với những quốc gia phát triển.
Tại Việt Nam, viêm phổi mắc phải tại cộng đồng là bệnh nhiễm khuẩn thường gặp nhất trong những bệnh nhiễm khuẩn trên lâm sàng, ước tính chiếm khoảng 12% trên tổng số các bệnh về phổi.

Yếu tố nguy cơ của viêm phổi cộng đồng

Hút thuốc và lạm dụng rượu: 
Hút thuốc, lạm dụng rượu và dùng thuốc phiện là các yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.

Tuổi cao: 
Nguy cơ bị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng gia tăng theo độ tuổi.
Tỷ lệ nhập viện hàng năm do viêm phổi mắc phải trong cộng đồng ở người ≥ 65 tuổi là khoảng 2,000/100,000 người tại Hoa Kỳ.
Tỷ lệ này cao hơn gấp 3 lần so với dân số nói chung, cho thấy khoảng 2% người lớn tuổi phải nhập viện do viêm phổi cộng đồng hàng năm.

Bệnh mạn tính đi kèm: 
Bệnh đi kèm khiến người bệnh có nguy cơ nhập viện do viêm phổi mắc phải trong cộng đồng cao nhất là phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tỷ lệ mắc hàng năm là 5,832/100,000 người tại Hoa Kỳ.
Những bệnh đi kèm khác có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ bị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng bao gồm:
Các dạng bệnh phổi mạn tính khác (ví dụ như hen suyễn, giãn phế quản), đái tháo đường, đột quỵ, bệnh tim mạn tính (đặc biệt là suy tim sung huyết), suy dinh dưỡng và những tình trạng suy giảm miễn dịch.

Nhiễm trùng đường hô hấp do virus: 
Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do virus có thể dẫn đến chứng viêm phổi do virus nguyên phát, viêm phổi do vi khuẩn thứ phát.
Điều này xảy ra rõ ràng nhất với người bị nhiễm virus cúm.

Suy giảm khả năng bảo vệ đường thở: 
Những tình trạng làm gia tăng nguy cơ hít phải dịch dạ dày hoặc hít dịch tiết đường hô hấp trên (ở mức độ nhỏ) cũng làm gia tăng nguy cơ bị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, ví dụ như:
Thay đổi ý thức (chẳng hạn do co giật, đột quỵ, gây mê, dùng rượu hoặc ma túy), khó nuốt do tổn thương thực quản hoặc bị rối loạn nhu động thực quản.

Những yếu tố lối sống khác: 
Những yếu tố khác liên quan đến việc làm gia tăng nguy cơ bị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng bao gồm:
Điều kiện sống đông đúc (như nơi trú ẩn của người vô gia cư, nhà tù), sống, làm việc ở nơi tiếp xúc với độc tố trong môi trường (như sơn, dung môi, xăng).

Chẩn đoán bệnh viêm phổi cộng đồng
Chẩn đoán xác định bệnh:
Người bệnh gặp triệu chứng sốt cao khoảng 39 – 40 và rét run, thường b đau ngc, ho khc ra đờm có màu xanh hoc màu như r sét, có m, môi khô, lưỡi bn, bch cu trong máu tăng cao.
Người bnh còn có th gp hi chng đông đặc phi.
Hình ảnh sau khi chụp X-quang phổi cho thấy có hiện tượng tràn dịch màng phổi, xuất hiện hội chứng lấp đầy phế nang hoặc xuất hiện hình rãnh liên thùy dày.
Hình kính mờ cho thấy tình trạng viêm phổi do vi khuẩn không điển hình.
Thông qua kỹ thuật chụp X-quang, bác sĩ có thể chẩn đoán, xác định vị trí nhiễm trùng nhưng chưa thể xác định loại vi khuẩn mà người bệnh mắc phải.
Ngoài kỹ thuật chụp X-quang, khi nghi ngờ người bệnh bị viêm phổi tại cộng đồng, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, cụ thể bao gồm:
Xét nghiệm máu (giúp xác nhận tình trạng nhiễm trùng, xác định loại vi khuẩn gây bệnh, thế nhưng không phải lúc nào cũng cho ra kết quả chính xác);
Xét nghiệm đờm (một ít chất lỏng từ phổi người bệnh sẽ được thu thập để mang đi phân tích, giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng);
Nuôi cấy dịch màng phổi (mẫu dịch màng phổi được thu thập để mang đi phân tích, tìm ra loại nhiễm trùng);
Chụp CT (có thể được thực hiện khi hình ảnh viêm phổi trên X-quang chưa rõ ràng).

Chẩn đoán nguyên vi sinh: 
Người bị bệnh mức độ nặng, nhập viện cần được thực hiện kỹ thuật nuôi cấy, làm kháng sinh đồ với các mẫu như đờm, phế quản, dịch màng phổi (nếu có máu).
Thực hiện xét nghiệm nước tiểu để tìm kháng nguyên hòa tan của vi khuẩn.
Thực hiện phương pháp gián tiếp, cụ thể là miễn dịch huỳnh quang, test ngưng kết bổ thể và huyết thanh học đặc hiệu với những loại virus hoặc vi khuẩn khó nuôi cấy.

Chẩn đoán phân biệt những bệnh lý về phổi:
Bao gồm các bệnh lao phổi, xẹp phổi, tràn dịch màng phổi, giãn phế quản bội nhiễm, tắc phổi gây nhồi máu phổi, viêm phổi với cơ chế tự miễn do dùng thuốc, phù phổi bán cấp không điển hình,…

Cách điều trị viêm phổi cộng đồng
Tùy vào triệu chứng và tác nhân gây bệnh viêm phổi cộng đồng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Người mắc bệnh ở mức độ nặng có thể phải ở lại bệnh viện để chữa trị.
Nếu bệnh diễn biến nhẹ, người bệnh có thể chữa trị tại nhà theo phác đồ điều trị viêm phổi trong cộng đồng do bác sĩ đề ra, tái khám định kỳ.

1. Điều trị tại bệnh viện
Nếu bị viêm phổi cộng đồng do vi khuẩn, người bệnh có thể được chỉ định cho dùng thuốc kháng sinh ngay sau khi nhập viện.
Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định loại thuốc kháng sinh cũng như liều dùng phù hợp tùy vào loại vi khuẩn gây bệnh (đã được xác định khi cấy đờm, cấy máu).
Nếu bệnh diễn biến nặng hoặc người bệnh không thể uống thuốc, cần tiến hành truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
Người bệnh bị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng do virus không sử dụng kháng sinh mà được chỉ định dùng thuốc kháng virus.
Nếu phải tiếp tục chữa trị tại bệnh viện, người bệnh có thể được bổ sung chất lỏng trong trường hợp bị mất nước, thực hiện những bài tập thở, được cung cấp thêm oxy, hỗ trợ hô hấp với máy thở khi bệnh diễn biến nặng.

2. Điều trị tại nhà
Một số người bị viêm phổi tại cộng đồng mức độ nhẹ được chữa trị tại nhà bằng cách sử dụng kháng sinh đường uống (trong khoảng 5 – 7 ngày).
Khi điều trị viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, người bệnh cần lưu ý:

Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
Người bệnh cần sử dụng thuốc kháng sinh đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Uống thuốc đúng liều, đúng giờ, không tự ý ngưng dùng thuốc ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn.
Không tự ý dùng thuốc cảm, thuốc ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Uống nhiều nước như nước lọc, trà loãng, nước trái cây.
Hít không khí ấm giúp người bệnh làm lỏng chất nhầy dính, qua đó tạo cảm giác dễ thở hơn.
Không uống rượu bia.

Biến chứng của viêm phổi cộng đồng
1. Nhiễm trùng huyết
Khi vi khuẩn ở phổi xâm nhập vào máu, khiến tình trạng nhiễm trùng huyết có thể xuất hiện, làm suy nội tạng do tình trạng nhiễm trùng lây khắp cơ thể.

2. Khó thở
Người bị viêm phổi trong cộng đồng mức độ nặng (đặc biệt là ở những người bị bệnh phổi mạn tính tiềm ẩn) có thể gặp chứng suy hô hấp nghiêm trọng.
Lúc này, phổi sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ oxy cho máu, người bệnh buộc phải dùng máy thở để hỗ trợ hô hấp.

3. Tràn dịch màng phổi
Có thể làm tích tụ chất lỏng ở giữa khoang ngực và các lớp mô lót phổi (được gọi là chứng tràn dịch màng phổi).
Người bệnh bị tràn dịch màng phổi có thể cảm thấy khó thở, đau ngực.
Việc xác định cũng như quản lý kịp thời chứng tràn dịch màng phổi có thể giúp làm giảm triệu chứng, góp phần ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng hơn.

4. Áp xe phổi
Bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng có thể làm hình thành một khoang chứa đầy mủ trong phổi (tình trạng này được gọi là áp xe phổi).
Các áp xe này cần được chữa trị bằng thuốc kháng sinh cũng như kết hợp can thiệp phẫu thuật trong trường hợp nặng, tùy theo sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ.

Phòng ngừa viêm phổi cộng đồng
Bên cạnh việc thăm khám bác sĩ khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh, mỗi người có thể chủ động phòng ngừa bệnh viêm phổi cộng đồng thông qua các biện pháp sau:

Chủng ngừa vắc xin cúm 1 lần/năm.
Đối với người bị suy tim, viêm phổi mạn tính, có tiền sử thực hiện cắt lách, trên 65 tuổi nên tiêm ngừa phế cầu định kỳ mỗi 5 năm 1 lần.
Thường xuyên rửa tay, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh.
Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất.
Giữ cho nhà cửa, môi trường sống, làm việc sạch sẽ.
Đeo khẩu trang ở nơi đông người hoặc khi ra ngoài trời.
Bỏ hút thuốc lào, thuốc lá để bảo vệ hệ hô hấp.
Chú ý giữ ấm phần cổ, ngực khi thời tiết lạnh, chuyển mùa.
Tiến hành chữa trị dứt điểm các ổ nhiễm trùng tại vùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
 



HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI MẮC PHẢI Ở CỘNG ĐỒNG



1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng là tình trạng nhiễm khuẩn của nhu mô phổi xảy ra ở ngoài bệnh viện, bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi.
Tác nhân gây viêm phổi có thể là các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm, nhưng không do trực khuẩn lao.

2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Chẩn đoán xác định
2.1.1. Lâm sàng
- Khởi phát đột ngột với sốt cao 39 - 40oC, rét run.
- Đau ngực: thường có, đôi khi là triệu chứng nổi bật, đau bên tổn thương.
- Ho mới xuất hiện, tăng dần, lúc đầu ho khan, về sau ho có đờm đặc, màu vàng, xanh hoặc màu gỉ sắt. Có khi nôn, chướng bụng, đau bụng.
- Khó thở trong trường hợp tổn thương phổi lan tỏa, nặng hoặc xẩy ra ở những bệnh nhân có các bệnh mạn tính kèm theo: thở nhanh, tím môi đầu chi.
- Khám:
+ Hội chứng nhiễm trùng: sốt cao, thở hôi, môi khô lưỡi bẩn.
+ Hội chứng đông đặc ở phổi, ran ẩm, ran nổ bên tổn thương.
- Dấu hiệu gợi ý viêm phổi do phế cầu: mụn Herpes ở mép, môi, cánh mũi
- Trường hợp đặc biệt:
Người nghiện rượu có thể có lú lẫn, trẻ con có co giật, người cao tuổi triệu chứng thường không rầm rộ, có khi bắt đầu bằng lú lẫn, mê sảng (tỷ lệ tử vong cao do suy hô hấp cấp, hạ nhiệt độ).
- Thể không điển hình:
Biểu hiện ho khan, nhức đầu, đau cơ.
Khám thường không rõ hội chứng đông đặc;
Thấy rải rác ran ẩm, ran nổ.
X-quang phổi tổn thương không điển hình (mờ không đồng đều, giới hạn không rõ hình thuỳ).

2.1.3. Cận lâm sàng
- Công thức máu:
Số lượng bạch cầu tăng > 10 giga/lít, bạch cầu đa nhân trung tính tăng trên 75%.
Khi số lượng bạch cầu giảm < 4,5 giga/lít: hướng tới viêm phổi do virus.
- Tốc độ lắng máu tăng, CRP, procalcitonin tăng.
- Cấy máu hoặc đờm có thể thấy vi khuẩn gây bệnh.
- X-quang phổi:
Đám mờ hình tam giác đỉnh ở phía rốn phổi, đáy ở phía ngoài hoặc các đám mờ có hình phế quản hơi, có thể mờ góc sườn hoành.
- Chụp cắt lớp vi tính ngực:
Có hội chứng lấp đầy phế nang với dấu hiệu phế quản hơi, thuỳ phổi viêm không giảm thể tích, bóng mờ phế nang hoặc mô kẽ, tổn thương mới xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên, có thể kèm theo tràn dịch màng phổi.

2.3. Chẩn đoán phân biệt
2.3.1. Lao phổi
- Tiền sử tiếp xúc với người mắc lao.
- Ho khạc đờm kéo dài, có thể ho máu, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân.
- X-quang phổi có tổn thương nghi lao (nốt, thâm nhiễm, hang xơ), hay gặp ở nửa trên (vùng hạ đòn) 2 bên.
Có khi không điển hình nhất là ở người suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, dùng corticoid kéo dài, ....).
- Chẩn đoán xác định:
Tìm thấy trực khuẩn kháng cồn, kháng toan (AFB) trong đờm hoặc dịch phế quản qua soi trực tiếp,
PCR-MTB dương tính, hoặc nuôi cấy MGIT.

2.3.2. Nhồi máu phổi
- Có yếu tố nguy cơ:
Bệnh nhân sau đẻ, sau phẫu thuật ở vùng tiểu khung, sau chấn thương, gãy xương, bất động lâu ngày, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, dùng thuốc tránh thai.
- Đau ngực dữ dội, ho ra máu, khó thở, có thể có dấu hiệu sốc.
- Điện tâm đồ có thể thấy dấu hiệu tâm phế cấp: S sâu ở D1, Q sâu ở D3, trục phải, block nhánh phải.
- Khí máu có thể thấy tăng thông khí: PaO2 giảm và PaCO2 giảm.
- D-dimer máu tăng cao.
- Chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch có thể phát hiện vị trí nhồi máu.

2.3.3. Ung thư phổi
- Thường gặp ở người > 50 tuổi, có tiền sử nghiện thuốc lá, thuốc lào.
- Ho khạc đờm lẫn máu, gầy sút cân.
- X-quang phổi có đám mờ.
- Chụp cắt lớp vi tính ngực, soi phế quản và sinh thiết cho chẩn đoán xác định.
- Nên chú ý những trường hợp nghi ngờ hoặc sau khi điều trị hết nhiễm khuẩn mà tổn thương phổi không cải thiện sau 1 tháng hoặc viêm phổi tái phát ở cùng một vị trí.

2.3.4. Giãn phế quản bội nhiễm
- Bệnh nhân có tiền sử ho khạc đờm mủ kéo dài, có sốt.
Khám phổi: có ran ẩm, ran nổ cố định.
- Cần chụp phim cắt lớp vi tính lồng ngực lớp mỏng 1 mm độ phân giải cao để chẩn đoán.

2.4. Chẩn đoán nguyên nhân
- Dựa vào xét nghiệm vi sinh đờm, máu hoặc dịch phế quản.
- Các vi khuẩn gây viêm phổi điển hình:
Streptococcus pneumonia, Hemophilus influenza.
- Các vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình:
Legionella pneumonia, Mycoplasma pneumonia, Chlamydiae pneumonia.
- Các vi khuẩn gây viêm phổi nặng:
Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn yếm khí.
- Một số trường hợp do virus, nấm, ký sinh trùng.

2.5. Chẩn đoán mức độ nặng
Có nhiều cách đánh giá mức độ nặng của viêm phổi;
Trong khuôn khổ bài trình bày, chúng tôi sử dụng bảng điểm CURB65.
Khi lựa chọn thuốc cho điều trị, bên cạnh điểm CURB65, còn cần cân nhắc các yếu tố khác như: bệnh mạn tính, mức độ tổn thương trên X-quang, những yếu tố liên quan vi khuẩn học…
- C: Rối loạn ý thức.
- U: Urê > 7 mmol/L.
- R: Tần số thở ≥ 30 lần/phút.

- B: Huyết áp:
+ Huyết áp tâm thu < 90 mmHg hoặc.
+ Huyết áp tâm trương < 60 mmHg.

- 65: Tuổi ≥ 65.
- Đánh giá: Mỗi biểu hiện trên được tính 1 điểm, từ đó đánh giá mức độ nặng của viêm phổi như sau:
• Viêm phổi nhẹ: CURB65 = 0-1 điểm: điều trị ngoại trú.
• Viêm phổi trung bình: CURB65 = 2 điểm: điều trị tại bệnh viện.
• Viêm phổi nặng: CURB65 = 3-5 điểm: điều trị tại bệnh viện.

3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc chung
- Xử trí tuỳ theo mức độ nặng.
- Điều trị triệu chứng.
- Điều trị nguyên nhân:
Lựa chọn kháng sinh theo căn nguyên gây bệnh, nhưng ban đầu thường theo kinh nghiệm lâm sàng, yếu tố dịch tễ, mức độ nặng của bệnh, tuổi bệnh nhân, các bệnh kèm theo, các tương tác, tác dụng phụ của thuốc.

- Thời gian dùng kháng sinh:
Từ 7 đến 10 ngày nếu do các tác nhân gây viêm phổi điển hình, 14 ngày nếu do các tác nhân không điển hình, trực khuẩn mủ xanh.

3.2. Điều trị
3.2.1. Điều trị ngoại trú: CURB65: 0-1 điểm
- Amoxicillin 500 mg-1g: uống 3 lần/ngày.
- Hoặc clarithromycin 500 mg x 2 lần/ngày.
- Hoặc amoxicilin 50 mg/kg/ngày + macrolide (Erythromycin 2 g/ngày, hoặc clarithromycin 500 mg x 2 lần/ngày) khi nghi do vi khuẩn không điển hình.
- Hoặc có thể dùng β - lactam/ức chế men β - lactamase (amoxicilin clavulanat) kết hợp với 1 thuốc nhóm macrolid (clindamycin: 500 mg x 2 lần/ngày hoặc azithromycin 500 mg/ngày).
- Hoặc dùng nhóm cephalosporin thế hệ 2:
Cefuroxim 0,5 g/lần x 3 lần/ngày hoặc kết hợp với 1 thuốc nhóm macrolid.
- Đảm bảo cân bằng nước - điện giải và thăng bằng kiềm - toan.

3.2.2. Điều trị viêm phổi trung bình: CURB65 = 2 điểm
- Kháng sinh:
+ Amoxicilin- acid clavulanic: 1g x 3 lần/ngày (uống) kết hợp với 1 thuốc nhóm macrolid (clindamycin: 500 mg x 2 lần/ngày hoặc azithromycin 500 mg/ngày).

+ Nếu không uống được: amoxicilin - acid clavulanic: 1g x 3 lần/ngày (tiêm tĩnh mạch) kết hợp với 1 thuốc nhóm macrolid dùng theo đường tĩnh mạch (clindamycin: 500 mg x 2 lần/ngày hoặc azithromycine 500 mg/ngày), hoặc levofloxacin 750 mg/ngày hoặc moxifloxacin 400 mg/ngày.
- Đảm bảo cân bằng nước - điện giải và thăng bằng kiềm - toan.
- Dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ > 38,5oC.

3.2.3. Điều trị viêm phổi nặng: CURB65 = 3-5 điểm
- Kháng sinh.
+ Kết hợp amoxillin acid clavulanic 1 g/lần x 3 lần/ngày (tiêm tĩnh mạch) kết hợp thêm: clarithromycin 500 mg (uống 2 lần/ngày) hoặc levofloxacin 750 mg/ngày.
+ Hoặc cephalosporin phổ rộng (cefotaxim 1 g x 3 lần/ngày hoặc ceftriaxon 1 g x 3 lần/ngày hoặc ceftazidim 1 g x 3 lần/ngày) kết hợp với macrolid hoặc aminoglycosid hoặc fluoroquinolon (levofloxacin 0,75 g/ngày, moxifloxacin 400 mg/ngày).
+ Xem xét thay đổi kháng sinh tuỳ theo diễn biến lâm sàng và kháng sinh đồ nếu có.
- Thở oxy, thông khí nhân tạo nếu cần, đảm bảo huyết động, điều trị các biến chứng nếu có.

3.4. Điều trị một số viêm phổi đặc biệt (Phác đồ điều trị cho bệnh nhân nặng khoảng 60 kg)
3..4.1. Viêm phổi do Pseudomonas aeruginosa
- Ceftazidime 2 g x 3 lần/ngày + gentamycin hoặc tobramycin hoặc amikacin với liều thích hợp.
- Liệu pháp thay thế: ciprofloxacin 500 mg x 2 lần/ngày + piperacilin 4g x 3 lần /ngày + gentamycin hoặc tobramycin hoặc amikacin với liều thích hợp.

3.4.2. Viêm phổi do Legionella:
- Clarithromycin 0,5 g x 2 lần/ngày rifampicin 0,6 g x 1- 2 lần/ngày x 14 - 21 ngày.
- Hoặc fluoroquinolon (ciprofloxacin, ofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin).

3.4.3. Viêm phổi do tụ cầu vàng
- Tụ cầu vàng nhạy cảm với methicillin: oxacilin 1 g x 2 lần/ngày rifampicin 0,6 g x 1- 2 lần/ngày.
- Viêm phổi do tụ cầu vàng kháng với methicillin: vancomycin 1 g x 2 lần/ngày.

3.4.4. Viêm phổi do virus cúm
- Điều trị triệu chứng là chính: hạ sốt, giảm đau.
- Oseltamivire 75 mg x 2 viên/ngày uống chia 2 lần.
Trường hợp nặng có thể dùng liều gấp đôi.
- Dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn.

3.4.5. Một số viêm phổi khác
- Do nấm: Dùng một số thuốc chống nấm như: amphotericin B, itraconazol, voriconazol.
- Pneumocystis Jiroveci:
Cotrimoxazol: liều dựa trên TMP (15 mg/kg/ngày chia 4 lần) x 21 ngày; người bệnh < 40 kg: TMP- SMX 480 mg, 2 viên/lần x 4 lần; người bệnh > 40 kg: TMP- SMX 480 mg, 3 viên/lần x 4 lần.
Trong trường hợp suy hô hấp: prednisolon (uống hoặc tĩnh mạch) (40 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày, sau đó 40 mg x 1 lần/ngày x 5 ngày rồi 20 mg x 1 lần/ngày x 11 ngày).
- Do a-míp: metronidazol 0,5 g x 3 lọ/ngày truyền tĩnh mạch chia 3 lần.

4. PHÒNG BỆNH
- Điều trị tốt các ổ nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
- Tiêm vaccin phòng cúm mỗi năm 1 lần, phòng phế cầu 5 năm 1 lần cho những trường hợp có bệnh phổi mạn tính, suy tim, tuổi trên 65 hoặc đã cắt lách.
- Loại bỏ những yếu tố kích thích độc hại: thuốc lá, thuốc lào.
- Giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Armitage K., Woodhead M. (2007), “New guidelines for the management of adult community-acquired pneumonia”, Curr Opin Infect Dis, 20 (2); pp.170-176.
2. Cunha B.A. (2007), “Severe Community-acquired Pneumonia in the Critical Care Unit”, Infectious Disease in Critical Care Medicine 22nd ed, New York: Informa Healthcare, pp.157-168.
3. Cunha B.A. (2008), “Pneumonia Essentials”, 2nd ed, Royal Oak, MI: Physicians Press, pp.55-63.
4. Lim W.S., Baudouin S.V., George R.C. et al. (2009). BTS guidelines for the management of community acquired pneumonia in adults update 2009”, Thorax, 2009; 64 (Suppl_3): pp.1-55.
5. Marrie T.J. (2008), “Community-acquired pneumonia”, Fishmans Pulmonary Diseases and Disorder, 4th ed, McGraw-Hill, pp.2097-2115.
6. Torres A., Menyndez R., Wunderink R. (2010), “Pyogenic Bacterial Pneumonia and Lung Abcess”, Murray and Nadels Textbook of Respiratory Medicine, 5th ed, Saunder, Elsevier.