Hội chứng ngừng thở khi ngủ (hô hấp)

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG NGỪNG THỞ KHI NGỦ
1. ĐỊNH NGHĨA
Hội chứng ngừng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc khi ngủ trong thời gian từ 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, sau đó động tác hô hấp hoạt động trở lại thường phối hợp với sự thức dậy ngắn.
2. PHÂN LOẠI
- Ngừng thở tắc nghẽn:
Thường gặp nhất, biểu hiện sự ngừng luồng khí thở do tắc nghẽn đường hô hấp trên và các cử động ngực - bụng được duy trì.
- Ngừng thở trung ương:
Ít gặp, biểu hiện sự ngừng luồng khí qua mũi, miệng và không có cử động ngực và bụng do trung tâm hô hấp không hoạt động.
Bệnh thường có kết hợp với bệnh lý thần kinh cơ.
- Ngừng thở hỗn hợp:
Phối hợp hai loại trên.
3. HỘI CHỨNG NGỪNG THỞ KHI NGỦ DO TẮC NGHẼN
3.1. Yếu tố nguy cơ
- Béo phì.
- Các bất thường vùng hàm mặt, phần mềm đường hô hấp trên:
Xương hàm ngắn, phần đáy mặt rộng, phì đại cuống lưỡi, phì đại amidal.
- Hiện đang hút thuốc.
- Phì đại cuốn mũi, sung huyết mũi.
3.2. Chẩn đoán xác định
- Buồn ngủ ban ngày không giải thích được bằng các lý do khác.
- Có hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau:
+ Ngừng thở hoặc thở gấp trong khi ngủ.
+ Thức dậy nhiều lần trong giấc ngủ.
+ Ngủ chập chờn.
+ Mệt mỏi, ngủ gật vào ban ngày.
+ Mất tập trung.
- Kết quả của đa ký hô hấp khi ngủ hoặc đa ký giấc ngủ:
Xuất hiện 5 - 10 lần/giờ hoặc nhiều hơn cơn ngừng /giảm thở trong thời gian một giờ hoặc số cơn ngừng/giảm thở khi ngủ trên 30 lần.
- Ba câu hỏi giúp chẩn đoán hội chứng ngừng thở:
Trong tháng qua có các triệu chứng sau đây xuất hiện khi ngủ không:
+ Thở phì phò, thở hổn hển.
+ Ngáy to.
+ Ngừng thở, ngạt thở.
- Khi nghi ngờ bệnh nhân có hội chứng ngừng thở khi ngủ tiếp tục khai thác các triệu chứng của hội chứng ngừng thở và đo thể tích vòng cổ.
3.3. Mức độ nặng của bệnh
Phân loại mức độ nặng thường dựa vào chỉ số AHI (Apnea Hypoapnea Index).
- Mức độ nhẹ:
Chỉ số AHI từ 5 - 15 lần/giờ, khoảng thời gian xuất hiện độ bão hòa oxy dưới 90% chiếm ít hơn 5% thời gian ngủ.
- Mức độ trung bình:
Chỉ số AHI từ 15 - 30 lần/giờ, khoảng thời gian xuất hiện độ bão hòa oxy mức dưới 90% chiếm 5% - 20% thời gian ngủ.
- Mức độ nặng:
Chỉ số AHI trên 30, khoảng thời gian xuất hiện độ bão hòa oxy mức dưới 90% chiếm trên 20% thời gian ngủ.
3.4. Biến chứng
- Bệnh nhân thường ngủ gật, có nguy cơ tai nạn xe cộ cao.
- Giảm chất lượng cuộc sống:
Giảm trí nhớ, mất tập trung, mệt mỏi kéo dài, cáu kỉnh....
- Nguy cơ tim mạch
+ Tăng huyết áp do tăng hoạt tính giao cảm gây ra do giảm nồng độ oxy trong máu.
+ Nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim.
+ Tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tim mạch có hội chứng ngừng thở.
+ Tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
- Tình trạng bệnh Đái tháo đường khó kiểm soát và xuất hiện tình trạng kháng insulin.
3.5. Điều trị
3.5.1. Điều trị nội khoa
 Thay đổi hành vi
- Tập thói quen đi ngủ sớm và đúng giờ.
- Tư thế nằm nghiêng khi ngủ.
- Giảm cân.
- Không uống rượu.
- Tránh sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc chống động kinh...vào ban đêm.
- Tránh uống các chất kích thích (cafê) và tập thể dục vào ban đêm.
 Thiết b trong ming
- Sử dụng thiết bị trong miệng là biện pháp điều trị hiệu quả ở các trường hợp bệnh nhân có hàm dưới nhỏ và đưa ra sau.
Phương pháp được lựa chọn điều trị ở các bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn nhẹ và vừa.
- Tác dụng:
Giữ hàm dưới và lưỡi ra phía trước, giữ vòm hầu lên trên như vậy ngăn cản sự đóng lại của đường thở.
Thở máy không xâm nhập với áp lực dương liên tục (CPAP - Continuous positive airway pressure)
- Là lựa chọn điều trị hiện nay, kỹ thuật không xâm nhập, làm giảm số lần ngừng thở, cải thiện tình trạng giảm nồng độ oxy trong máu, cải thiện chức năng thần kinh tâm thần ở bệnh nhân hội chứng ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ.
- CPAP với tính năng cung cấp khí liên tục cho đường thở sẽ ngăn ngừa nguy cơ xẹp đường hô hấp trong lúc ngủ và tình trạng co giãn đường hô hấp trên yếu.
- Áp lực CPAP tối ưu được xác định bởi kết quả đo đa ký giấc ngủ.
Thông thường với áp lực 5 - 20 cmH20 là đủ giúp loại trừ cơn ngừng thở, loại trừ triệu chứng ngáy và cải thiện tình trạng giảm độ bão hòa oxy hemoglobin ở mọi tư thế và trong giai đoạn ngủ REM.
Thở máy không xâm nhập thông khí áp lực dương với hệ thống hai áp lực (BiPAP- Bilevel positive airway pressure):
Không có hiệu quả nhiều hơn so với sử dụng CPAP, chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không dung nạp CPAP và bệnh nhân khó thở ra hay đau ngực do căng phồng ngực quá mức.
3.5.2. Điều trị ngoại khoa
Chỉ định:
Bệnh nhân không cải thiện với các biện pháp điều trị nội khoa hoặc không muốn điều trị nội khoa lâu dài cần xem xét điều trị ngoại khoa.
Các phương pháp phẫu thuật:
- Phẫu thuật mũi: tái tạo vách mũi, giải phẫu xoang.
- Cắt amidan: khi có amidan phì đại.
- Phẫu thuật chỉnh sửa lưỡi gà, vòm hầu, họng, lưỡi.
- Phẫu thuật làm nhô ra trước xương hàm dưới và cơ cằm lưỡi.
- Phẫu thuật treo xương móng.
4. NGỪNG THỞ TRUNG ƯƠNG
4.1. Định nghĩa
Ngừng thở trung ương khi ngủ là rối loạn trong đó bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở khi ngủ do thiếu sự gắng sức hô hấp, hiện tượng này xảy ra khi não không truyền tín hiệu chính xác đến các cơ hô hấp.
Ngừng thở khi ngủ trung ương thường phối hợp với bệnh lý thần kinh cơ.
4.2. Nguyên nhân
- Hội chứng ngừng thở trung ương khi ngủ xảy ra khi não không truyền được các tín hiệu đến các cơ hô hấp, do vậy, hội chứng ngừng thở trung ương khi ngủ là hậu quả của một số bệnh lý của thân não, đây là trung khu thần kinh kiểm soát nhiều chức năng như nhịp tim, nhịp thở...
- Có nhiều nguyên nhân gây hội chứng ngừng thở trung ương khi ngủ:
+ Không rõ nguyên nhân.
+ Bệnh lý nội khoa
Rung nhĩ, suy tim ứ huyết.
Bệnh lý thần kinh:
Bất kỳ một tổn thương tại thân não hay tổn thương dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu hô hấp (như đột quỵ, u não, chấn thương, nhiễm trùng (bại liệt), nhược cơ, xơ cứng cột bên teo cơ, tổn thương tủy sống và bệnh parkinson).
- Cheyne - stoke:
Là hình thức rối loạn nhịp thở thường gặp ở bệnh nhân suy tim, tình trạng sốc.
Nhịp thở bệnh nhân tăng dần nhờ sự gắng sức của cơ hô hấp và đến khi gắng sức không tiếp tục được nữa thì luồng khí ngừng hoàn toàn và hiện tượng ngừng thở xảy ra.
- Độ cao:
Ngủ ở độ cao hơn thói quen có thể là gia tăng nguy cơ mắc hội chứng ngừng thở trung ương khi ngủ, thường gặp khi ngủ ở độ cao > 450 m.
- Sử dụng thuốc nhóm opioids như morphin và codein trên 2 tháng có nguy cơ mắc hội chứng ngừng thở trung ương khi ngủ.
- Người già có thể mắc hội chứng ngừng thở trung ương khi ngủ nhưng không rõ mắc các bệnh lý thần kinh.
4.3. Triệu chứng
Những triệu chứng thường gặp của hội chứng ngừng thở trung ương là:
- Có những cơn ngừng thở hay kiểu thở bất thường trong lúc ngủ.
- Tỉnh giấc đột ngột phối hợp với thở ngắn.
- Các triệu chứng khó thở giảm khi bệnh nhân ngồi.
- Mất ngủ.
- Ngủ ngày nhiều.
- Thở ngắn tạm thời ban đêm.
- Khó tập trung.
- Ngáy có thể gặp nhưng ít hơn trong ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ.
- Trường hợp hội chứng ngừng thở khi ngủ trung ương do bệnh lý thần kinh có thể có những triệu chứng sau:
+ Chóng mặt khi đứng ở mọi tư thế, ngồi hoặc nằm.
+ Khó nuốt.
+ Yếu hay tê cóng toàn thân.
- Chẩn đoán bằng đo đa ký giấc ngủ:
Có hiện tượng ngừng thở và không có cử động ngực và bụng.
Tình trạng ngừng thở làm giảm nồng độ oxy trong máu, tăng CO2 và toan máu.
4.4. Điều trị
- Điều trị các bệnh lý nội khoa.
- Giảm liều dùng nhóm thuốc opioid.
- Thuốc acetazolamid có tác dụng kích thích hô hấp được sử dụng để phòng hội chứng ngừng thở trung ương khi ngủ ở độ cao.
- Thở oxy khi ngủ.
- Thở máy không xâm nhập với thông khí áp lực dương với hệ thống hai áp lực (BiPAP):
Hỗ trợ tình trạng thở yếu của bệnh nhân có hội chứng ngừng thở khi ngủ trung ương do áp lực đường thở sẽ được điều chỉnh cao hơn khi hít vào và giảm xuống thấp hơn khi thở ra.
Một số thiết bị của máy thở thuộc hình thức thông khí này còn được thiết lập để máy tự động có một chu kỳ thở tiếp nếu phát hiện sau một khoảng thời gian nhất định bệnh nhân không thở.
- Phương pháp thở máy không xâm nhập có thích nghi (ASV-Adaptive Servo Ventilation):
Phương pháp thông khí mới được chế tạo cho những bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở trung ương khi ngủ và hội chứng ngừng thở hỗn hợp.
Một thiết bị được sử dụng để theo dõi nhịp thở bình thường của bệnh nhân và các dữ liệu được sử dụng để lập một chương trình riêng phù hợp cho từng bệnh nhân để ngăn ngừa các cơn ngừng thở.
- Thở máy không xâm nhập CPAP ít có hiệu quả trong điều trị hội chứng ngừng thở trung ương vì đường thở không bị tắc nghẽn.
5. HỘI CHỨNG NGỪNG THỞ KHI NGỦ HỖN HỢP
Một số trường hợp bệnh nhân có phối hợp cả hai loại hội chứng ngừng thở tắc nghẽn và hội chứng ngừng thở trung ương khi ngủ.
Cơ chế bệnh sinh của nhóm bệnh nhân có hội chứng ngừng thở khi ngủ hỗn hợp này được cho rằng ở những đối tượng có hội chứng ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn nặng và kéo dài sẽ làm cho mất cân bằng kiềm - toan và rối loạn cơ chế phản hồi về nồng độ CO2 bất thường trong máu và hậu quả dẫn đến những rối loạn về hô hấp, tim mạch và thần kinh.
Bên cạnh đó cũng có những trường hợp có điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ bằng phương pháp thở máy áp lực dương liên tục có thể gặp bệnh nhân xuất hiện hội chứng ngừng thở khi ngủ trung ương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. American Academy of Sleep Medicine (2001), “The International Classification of Sleep Disorders”, revised: Diagnostic and coding manual. Chicago, Illinois.
2. Fauci A.S. et al. (2008), “Harrison's Principles of Internal Medicine”, 17th ed, McGraw-Hill.
3. Keith C.S, Humphries R.L. (2008), “Current Diagnosis & Treatment Emergency Medicine”, 6th ed, McGraw-Hill.
4. Mason R.J. et al. (2010), “Murray and Nadels Textbook of Respiratory Medicine”, 5th ed, Saunders, Elsevier.


TIP

Hội chứng ngưng thở khi ngủ liên quan đến sự tắc nghẽn đường hô hấp.
Nó có thể gây ra nhiều biến chứng và thậm chí tử vong ở cả người lớn và trẻ em.
Hội chứng ngưng thở là một rối loạn ngày càng phổ biến, có mối quan hệ đặc biệt mật thiết với bệnh béo phì.
Bệnh gây suy giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, làm suy giảm hiệu suất công việc.
Chứng ngưng thở khi ngủ cũng là yêu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa và ung thư theo một số nghiên cứu.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Ngưng thở khi ngủ là hội chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến gây ra tình trạng ngừng thở thường xuyên trong khi ngủ.
Hầu hết những người bị ngưng thở khi ngủ đều có các triệu chứng như ngáy to và buồn ngủ vào ban ngày.
Ngưng thở khi ngủ có 3 dạng chính gồm ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA) và ngưng thở khi ngủ hỗn hợp.
Phân loại ngưng thở khi ngủ
1. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)
Hiện tượng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn nhiều lần trong khi ngủ, làm giảm hoặc ngừng hoàn toàn luồng không khí.
Được định nghĩa là khoảng thời gian ngưng thở hoặc giảm thở >10 giây, sau đó là kích thích và thở gấp.
Cơn ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là hội chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất.
Bất cứ điều gì có thể thu hẹp đường thở như béo phì, amidan lớn hoặc thay đổi nồng độ hormone đều có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Trong đó, béo phì là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hội chứng này.
Các triệu chứng có thể bao gồm buồn ngủ quá mức vào ban ngày, bồn chồn, ngáy ngủ, tỉnh giấc thường xuyên và đau đầu vào buổi sáng.
Chẩn đoán dựa trên việc theo dõi giấc ngủ và đa ký giấc ngủ.
Đối với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, phương pháp điều trị gồm thở oxy cao áp lực dương liên tục qua đường mũi (NCPAP), dụng cụ qua đường miệng, và trong các trường hợp kháng trị thì cần thực hiện phẫu thuật.
Tiên lượng điều trị hội chứng ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn rất khả quan.
Những bệnh nhân không được điều trị có nguy cơ bị tăng huyết áp, rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác.
Suy tim và chấn thương hoặc tử vong do tai nạn xe cơ giới và các tai nạn khác do chứng buồn ngủ quá mức cũng có thể xảy ra.
2. Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA)
Hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương xảy ra khi não không gửi tín hiệu cần thiết để thở.
Tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến cách não kiểm soát đường thở và cơ ngực có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.
3. Ngưng thở khi ngủ hỗn hợp
Là loại ngưng thở khi ngủ bao gồm cả hai loại trên.
Triệu chứng ngừng thở khi ngủ
Các triệu chứng ngưng thở khi ngủ liên quan đến nhịp thở bất thường vào ban đêm, cũng như rối loạn giấc ngủ vào ban ngày.
1. Triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Các triệu chứng thường gặp của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bao gồm:
Ngủ ngày quá nhiều;
Ngáy to thường được ngắt quãng bởi tiếng thở hổn hển hoặc nghẹt thở;
Nhức đầu vào buổi sáng có thể kéo dài vài giờ sau khi thức dậy;
Khô miệng khi thức dậy;
Hay thức giấc giữa đêm, ngủ không yên giấc;
Tiểu đêm;
Giảm tập trung.
Một số triệu chứng ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn có thể không được nhận biết sớm.
Ví dụ, tiếng thở bất thường và tiếng ngáy chỉ có thể khiến một người chú ý sau khi họ được người ngủ cạnh quan sát thấy.
Nhiều triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng có thể do các vấn đề sức khỏe khác gây ra.
Không thể chẩn đoán tình trạng này dựa vào các triệu chứng.
2. Triệu chứng ngưng thở khi ngủ trung ương
Các triệu chứng thường liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ trung tâm bao gồm:
Kiểu thở bất thường, chẳng hạn như thở chậm lại, tăng tốc và tạm dừng trong khi ngủ;
Ngủ ngày quá nhiều;
Thức giấc vào ban đêm;
Khó thở đột ngột hoặc đau ngực vào ban đêm;
Khó tập trung;
Nhức đầu buổi sáng.
Thông thường những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ trung ương không nhận thức được nhịp thở bất thường của họ trong khi ngủ trừ khi họ được người ngủ cùng giường cho biết.
Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ
Nguyên nhân gây gián đoạn hô hấp khác nhau giữa ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ trung ương.
1. Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Ở những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, các cơ ở phía sau cổ họng thư giãn trong khi ngủ, thu hẹp không gian cho luồng không khí đi qua.
Tình trạng ngáy xảy ra khi đường thở bị thu hẹp và tắc nghẽn, không nhận đủ oxy.
Việc thiếu oxy dẫn đến sự thức tỉnh một phần hoặc toàn bộ của não để khôi phục luồng không khí.
Những sự gián đoạn hô hấp này xảy ra lặp đi lặp lại trong khi ngủ.
2. Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ trung ương
Ngưng thở khi ngủ trung ương phát sinh do các vấn đề về cách não giao tiếp với các cơ chịu trách nhiệm hô hấp.
Đối với những người bị CSA, một phần của bộ não được gọi là thân não không nhận biết đúng mức carbon dioxide trong cơ thể trong khi ngủ.
Điều này dẫn đến các đợt thở lặp đi lặp lại chậm hơn và nông hơn mức cần thiết.
Các yếu tố tăng nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng mắc chứng ngưng thở lúc ngủ và những yếu tố đó khác nhau đối với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ trung ương.
1. Các yếu tố, nguy cơ gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)
Các yếu tố, nguy cơ chính gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có liên quan đến tuổi tác, giới tính, trọng lượng cơ thể và một số đặc điểm giải phẫu nhất định của vùng đầu và cổ.
Tuổi:
Nguy cơ phát triển chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn tăng theo tuổi cho đến khi một người ở độ tuổi 60 và 70.
Giới tính:
Nam giới có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Đặc biệt là trong giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành.
Cấu tạo đầu cổ:
Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra thường xuyên hơn ở những người có các đặc điểm giải phẫu cụ thể bao gồm lưỡi lớn hơn và hàm dưới ngắn hơn.
Trọng lượng cơ thể:
Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn và nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Hút thuốc lá:
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở những người hút thuốc lá cao hơn đáng kể so với những người đã bỏ hoặc không bao giờ hút thuốc.
Bất thường về nội tiết tố:
Các tình trạng nội tiết tố như tuyến giáp hoạt động kém hoặc sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng có thể làm tăng nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Tư thế ngủ:
Ngưng thở khi ngủ có thể tiến triển hoặc trở nên tồi tệ hơn khi mọi người nằm ngửa khi ngủ.
Bởi vì tư thế ngủ đó ảnh hưởng đến hình dạng và vị trí của mô xung quanh đường thở.
Tiền sử gia đình bị ngưng thở khi ngủ:
Có một số dấu hiệu cho thấy tiền sử gia đình mắc OSA có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn của một người.
Sự di truyền này có thể liên quan đến các đặc điểm giải phẫu ở đầu và cổ được chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình.
Nghẹt mũi:
Khó thở bằng mũi có liên quan đến khả năng mắc OSA cao hơn.
Sử dụng rượu và một số loại thuốc:
Rượu và một số loại thuốc kê đơn và thuốc gây nghiện có liên quan đến nguy cơ cao mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
2. Các yếu tố nguy cơ đối với chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA)
Ngưng thở khi ngủ trung ương thường xảy ra do hậu quả của một vấn đề y khoa khác.
Chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc chấn thương ảnh hưởng đến não, suy tim hoặc suy thận, đột quỵ hoặc sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng.
Các nghiên cứu đã xác định một số yếu tố bổ sung có liên quan đến nguy cơ ngưng thở khi ngủ trung ương cao hơn như sau:
Tuổi:
Người trên 65 tuổi có nguy cơ cao bị gián đoạn hô hấp phù hợp với chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.
Giới tính:
Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương phổ biến hơn ở nam giới.
Điều này có thể liên quan đến mức độ của một số hormone giới tính.
Sử dụng một số loại thuốc:
Sử dụng lâu dài thuốc opioid và một số loại thuốc theo toa có thể ảnh hưởng đến hô hấp và có liên quan đến nguy cơ mắc CSA cao hơn.
Ở độ cao lớn:
Làm việc lâu trong môi trường có độ cao lớn có liên quan đến CSA do lượng oxy sẵn có giảm.
Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ phải được chẩn đoán bởi bác sĩ Tai Mũi Họng hoặc chuyên gia về giấc ngủ và cần thực hiện theo một số bước trong quy trình chẩn đoán.
1. Tiền căn và thăm khám
Việc đánh giá chứng ngưng thở khi ngủ thường bắt đầu bằng việc xem xét các triệu chứng và sức khỏe tổng thể của người bệnh, cũng như khám sức khỏe tổng thể.
Điều này được thiết kế để phát hiện các dấu hiệu ngưng thở khi ngủ và xác định các yếu tố rủi ro có thể góp phần gây ra tình trạng này.
Mặc dù cần phải xét nghiệm để xác nhận rằng một người mắc chứng OSA, nhưng sự hiện diện của các triệu chứng có thể là yếu tố củng cố chẩn đoán.
Điều đó cũng giúp bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.
2. Nghiệm pháp giấc ngủ
Nghiệm pháp về giấc ngủ là cần thiết để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hoặc trung ương.
Trong đó, nghiệm pháp đa ký giấc ngủ được ứng dụng nhiều.
Trong quá trình ghi đa ký giấc ngủ, nhiều cảm biến được sử dụng để theo dõi nhịp thở, sự thức giấc, nồng độ oxy, chuyển động của cơ, giai đoạn ngủ và các khía cạnh khác của giấc ngủ.
Một nghiệm pháp về giấc ngủ tại phòng khám có thể xác định xem hơi thở có bất thường hay không và phân biệt giữa ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và trung ương.
Đối với OSA, đa ký giấc ngủ có thể được tiến hành qua một hoặc hai lần đến phòng khám về giấc ngủ.
Một nghiệm pháp về giấc ngủ tại nhà đối với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn được chọn áp dụng cho một số bệnh nhân được cho là mắc OSA nặng hơn.
Thực hiện kiểm tra ngưng thở khi ngủ tại nhà có thể thuận tiện hơn, nhưng kết quả vẫn phải được giải thích bởi bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên, nghiệm pháp đa ký giấc ngủ tại nhà không được dùng để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.
Biến chứng ngừng thở khi ngủ
Nếu việc điều trị hiệu quả có thể ngăn ngừa hoặc giải quyết các biến chứng nghiêm trọng do ngưng thở khi ngủ.
Ngược lại nếu tình trạng này không được điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh.
Ngưng thở khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Giấc ngủ kém còn làm giảm nồng độ oxy trong cơ thể.
Theo đó, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe, có thể kể đến như:
Tai nạn giao thông do buồn ngủ hoặc ngủ gật khi lái xe;
Các bệnh tim mạch như huyết áp cao, đột quỵ, suy tim, bệnh tim và nhịp tim bất thường;
Rối loạn chuyển hóa bao gồm bệnh tiểu đường type 2;
Tăng huyết áp phổi gây căng thẳng quá mức cho tim;
Các vấn đề về tư duy như suy giảm trí nhớ và sự tập trung;
Rối loạn tâm trạng bao gồm cáu kỉnh và nguy cơ trầm cảm cao hơn;
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, là sự gia tăng chất béo tích tụ trong gan có thể góp phần gây tổn thương gan nghiêm trọng;
Tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến gây mê trong phẫu thuật.
Trong chứng ngưng thở khi ngủ trung ương, các biến chứng có thể xảy ra phụ thuộc phần lớn vào bệnh lý nền gây ra rối loạn hô hấp.

Phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ
1. Phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
1.1. Liệu pháp PAP
Liệu pháp áp lực đường thở dương (PAP) là phương pháp điều trị dành cho hầu hết những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Liệu pháp PAP giữ cho đường thở luôn mở với không khí có áp suất được bơm từ máy qua vòi và mặt nạ đeo trên mặt.
Liệu pháp này chỉ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Áp suất không khí của chúng phải được điều chỉnh dựa trên kết quả của nghiệm pháp đa ký giấc ngủ.
Một loại trị liệu PAP phổ biến là sử dụng thiết bị áp suất đường thở dương liên tục (CPAP) để đưa một luồng không khí luôn được đặt ở cùng một mức áp suất.
Các loại thiết bị PAP khác, chẳng hạn như áp suất đường thở dương hai cấp độ (BiPAP) và áp suất đường thở dương tự động chuẩn độ (APAP) sẽ cung cấp sự thay đổi về lượng áp suất không khí.
1.2. Một số dụng cụ cố định hàm hoặc lưỡi
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra khi các mô mềm ở đầu hoặc cổ, đặc biệt là quanh miệng và hàm, đè xuống khí quản.
Các thiết bị đặc biệt có thể giúp giữ hàm và lưỡi ở vị trí không gây áp lực lên khí quản. Phương pháp này thường được áp dụng cho người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ dạng nhẹ đến trung bình.
Mặc dù những thiết bị qua miệng này không cải thiện khả năng thở nhiều như liệu pháp PAP nhưng chúng có thể làm giảm tình trạng ngáy.
1.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ mô trong cổ họng và mở rộng đường thở có thể là một lựa chọn điều trị cho những bệnh nhân có mô làm tắc nghẽn đường thở.
Một phương pháp khác là cấy ghép một thiết bị để kích thích dây thần kinh giúp kiểm soát hơi thở cũng có thể được thực hiện.
1.4. Các yếu tố giúp hỗ trợ điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Giảm cân;
Tập thể dục thường xuyên, có thể giúp giảm các triệu chứng OSA;
Thay đổi tư thế ngủ, tránh nằm ngửa;
Kiêng rượu bia, thuốc lá.
2. Phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương
Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương thường tập trung vào việc giải quyết các vấn đề gây ra tình trạng thở bất thường.
Nếu tình trạng gián đoạn giấc ngủ ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể tiến hành điều trị nguyên nhân cơ bản.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng ngưng thở khi ngủ trung ương dai dẳng hoặc nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần điều trị bổ sung để cải thiện hơi thở bên cạnh việc giải quyết các vấn đề cơ bản.
Điều này có thể bao gồm việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ ngừng thở khi ngủ để thúc đẩy hơi thở ổn định hơn trong khi ngủ.
Các phương pháp điều trị khả thi khác bao gồm liệu pháp oxy bổ sung hoặc sử dụng thuốc có thể làm tăng tốc độ thở của một người
Phòng ngừa chứng ngừng thở lúc ngủ
Kiểm soát cân nặng:
Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, hoặc giảm cân nếu cân nặng vượt mức khuyến nghị;
Thay đổi tư thế ngủ:
Nếu một tư thế ngủ nào đó khiến bạn cảm thấy khó thở hoặc phát ra tiếng ngáy, hãy thử thay đổi để cải thiện tình trạng này;
Bỏ thuốc lá:
Các nghiên cứu đã chỉ ra thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ của chứng ngừng thở khi ngủ.
Không hút thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ gây bệnh này.
Khám sức khỏe định kỳ:
Những người có các yếu tố nguy cơ phát triển hội chứng ngưng thở khi ngủ như:
Tiền sử gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ, độ tuổi từ 65, gặp các bệnh lý mũi họng… nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần để phòng ngừa bệnh.
Lưu ý cho bệnh nhân ngưng thở khi ngủ
1. Phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị
Điều quan trọng là người bệnh cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc chuyên gia về giấc ngủ.
Người bệnh cần ghi lại bất kỳ triệu chứng nào đang diễn ra, những khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, các mối lo ngại khác… để thông báo với bác sĩ.
2. Vệ sinh, bảo trì thiết bị điều trị đúng cách
Cho dù người bệnh sử dụng thiết bị PAP hay ống ngậm, việc vệ sinh và bảo trì có thể giúp đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Điều này cũng giúp tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
3. Tránh các hoạt động có nguy cơ cao
Người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ buồn ngủ vào ban ngày nên tránh các hoạt động như lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng khi buồn ngủ.
4. Thay đổi tư thế ngủ
Mặc dù chúng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng các sản phẩm đặc biệt để tránh nằm ngửa khi ngủ có thể giúp một số người giảm các triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
5. Hạn chế uống rượu
Hạn chế uống rượu, bia có thể góp phần hỗ trợ điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.
Ở những người mắc chứng OSA không được điều trị, ngay cả việc uống rượu vào ban ngày cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp vào ban đêm.
Câu hỏi liên quan hội chứng ngừng thở khi ngủ
1. Ngưng thở khi ngủ có nguy hiểm không?
Ngưng thở khi ngủ không phải là bệnh nan y ác tính nhưng các nguy cơ tiềm ẩn do bệnh gây ra có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Rõ nhất là nguy cơ tai nạn giao thông cao khi ngủ không đủ giấc ban đêm, dẫn đến ban ngày ngủ gà ngủ gật.
Nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, gan nhiễm mỡ, tăng áp phổi, đái tháo đường… đều là các bệnh lý nghiêm trọng.
Đặc biệt, suy tim, đột quỵ là các hệ quả do ngưng thở khi ngủ gây ra đặc biệt nguy hiểm, gây tỷ lệ tử vong cao.
2. Ngưng thở khi ngủ có di truyền không?
Các nghiên cứu cho thấy, chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn có thể có yếu tố di truyền.
Sự di truyền này có thể liên quan đến các đặc điểm giải phẫu ở đầu và cổ di truyền qua các thế hệ, thành viên trong gia đình.


TIP2

TỔNG QUAN HỘI CHỨNG NGƯNG THỞ KHI NGỦ
Việc bị ngừng thở khi ngủ không phải là một bệnh lý hiếm gặp hiện nay, có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là khiến người bệnh bị tử vong.
Hầu hết bệnh nhân lại không biết mình đang bị bệnh vì hội chứng này ít khi được chẩn đoán, dó đó rất nhiều người phải đối mặt với nhiều rủi ro nguy hiểm khi bị ngừng thở khi ngủ mà không rõ nguyên nhân.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ hay còn được biết đến là một loại rối loạn giấc ngủ, xảy ra khi có ít nhất 10 lần những cơn ngừng thở lặp đi lặp lại trong giấc ngủ trong đêm của bệnh nhân. Có 3 loại chính của chứng rối loạn ngưng thở khi ngủ:
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): 
Đây là tình trạng phổ biến nhất, tỷ lệ nữ giới bị ảnh hưởng là 2% và ở nam giới là 4%.
Tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng chỉ có tầm khoảng 10% bệnh nhân bị hội chứng ngưng thở tắc nghẽn được chẩn đoán bệnh khi đi khám và được tiếp nhận điều trị, số còn lại thì không được phát hiện bệnh lý.
Hiện tượng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra khi xuất hiện các cơn tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đường hô hấp trên trong lúc ngủ, lặp lại nhiều lần. 
Trong quá trình ngủ, phần cơ họng được nghỉ ngơi, trong khi đó, phần mô mềm và lưỡi ở hầu họng sẽ giãn ra và có thể gây nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở.
Việc ngưng thở sẽ làm hạn chế lưu lượng không khí đi qua vùng bị nghẽn, dẫn đến sự sụt giảm nồng độ oxy trong máu.
Lúc này não sẽ nhận được tín hiệu về điều này và thức dậy một phần nhằm chỉ huy cơ thể thở lại.
Hai bộ phận là cơ hoành và cơ ngực bị thúc ép phải làm việc nhiều hơn để tống không khí đi qua vùng bị nghẽn, do đó hơi thở thường gấp gáp, khịt mũi và có hiện tượng ngáy. 
Khi cơ thể đã thở lại bình thường, não lại quay về trạng thái nghỉ ngơi, khi bị nghẹt thì quy trình này lại tiếp tục như vậy.
Hiện tượng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể lặp lại vài lần, hoặc thậm chí là vài trăm lần trong một giấc ngủ ban đêm của bệnh nhân phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của hội chứng.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ trung ương (CSA):
Xảy  ra khi phát tín hiệu đến não thì não lại không ý thức được và không gửi tín hiệu thích hợp, kịp thời đến các cơ để điều khiển nhịp thở.
Nguyên nhân Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra khi bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên trong lúc ngủ (do các vấn đề về xương hàm, lưỡi hoặc mô mềm thành sau họng quá to).
Ngừng thở khi ngủ trung ương là do não bộ không gửi tín hiệu để đánh thức các cơ hô hấp, chỉ đạo cơ thể thở lại bình thường (thường xảy ra trong trường hợp não bị tổn thương). Những bệnh lý có thể là nguyên nhân dẫn tới hội chứng ngừng thở khi ngủ:
Chứng béo phì;
Các bệnh về xoang;
Phì đại VA, lưỡi hoặc amidan.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ do trung ương là do những bệnh lý mà bệnh nhân mắc từ trước gây nên, gây mất cân bằng trung tâm điều khiển hô hấp của não bộ trong khi ngủ, chẳng hạn như bệnh suy tim hay các bệnh lý về hô hấp
Triệu chứng Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Có thể nhận thấy các biểu hiện sau khi hội chứng ngừng thở khi ngủ xuất hiện ở người bệnh:
Hiện tượng ngáy khi ngủ, kèm theo ngưng thở, ngạt thở;
Đêm ngủ bị thức giấc nhiều lần do khó thở hoặc không thở được, ngủ không ngon;
Ban đêm phải đi tiểu nhiều lần;
Buổi sáng thức dậy cảm thấy đau đầu, cổ họng đau rát;
Ban ngày hay bị buồn ngủ;
Giảm độ tập trung, giảm trí nhớ;
Tăng huyết áp kháng trị;
Thừa cân, béo phì, gặp bất thường ở vùng mặt.
Ở trẻ em, còn có thể gặp các biểu hiện như sau nếu bị ngưng thở khi ngủ:
Tiểu dầm khi ngủ;
Hiếu động thái quá;
Mất tập trung, giảm thành tích học tập;
Hay gây gổ.
Khi gặp các triệu chứng trên, người bệnh hoặc người nhà của bệnh nhân cần đưa họ đi khám ngay tại chuyên khoa hô hấp để được phát hiện bệnh cũng như điều trị hội chứng và nguyên nhân gây bệnh.
Mỗi người có cơ địa cũng như thể trạng bệnh lý khác nhau, do đó hãy luôn hỏi ý kiến và hướng dẫn của bác sĩ để có thể áp dụng các phương pháp chẩn đoán, điều trị phù hợp nhất.
Các biến chứng Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngừng thở khi ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống và kéo theo nhiều hệ luỵ có thể kể đến như sau:
- Do giấc ngủ đêm bị ngắt quãng nên ban ngày bệnh nhân hay bị buồn ngủ, ngủ gật. Tình trạng này rất nguy hiểm nếu bệnh nhân đang điều khiển phương tiện giao thông dễ gây tai nạn hoặc gặp tai nạn lao động khi đang làm việc;
- Trí nhớ giảm sút, mệt mỏi kéo dài, mất tập trung, hay cáu kỉnh;
Ngừng thở khi ngủ còn gây nên sự thiếu hụt oxy toàn thân, khiến cho các cơ quan khác trong cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng như tim, thận, tuyến tụy, phổi, não,... dẫn đến một loạt các hiệu ứng bất thường như: 

Rối loạn chuyển hóa:
Tăng nguy cơ bị tiểu đường hoặc khiến cho bệnh tiểu đường nghiêm trọng hơn, khó kiểm soát và xuất hiện hiện tượng kháng Insulin;

Tai biến mạch máu não;
Tăng huyết áp do nồng độ oxy trong máu giảm sút;
Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim;
Nhồi máu não;
 Đột quỵ, đột tử trong đêm.

Đối tượng nguy cơ Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường tăng dần theo độ tuổi, phổ biến nhất vẫn là tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ.
Những đối tượng có nguy cơ cao phải đối mặt với hội chứng này đó là:
- Người mắc chứng thừa cân, béo phì do chất béo tích tụ xung quanh các cơ, mô dễ khiến cho đường hô hấp bị cản trở  (khả năng bị ngưng thở khi ngủ cao gấp 3 lần so với người bình thường);
- Dị tật:
Bất thường ở đường hô hấp trên như cổ họng hẹp, phì đại amidan hoặc lưỡi quá to làm chặn đường thở, hàm nhỏ, hàm ra sau, tắc mũi,...;
- Do di truyền:
Nếu người thân trong gia đình bị hội chứng ngừng thở khi ngủ thì cũng có khả năng bạn bị rối loạn ngừng thở khi ngủ;
- Do thói quen sinh hoạt:
Người hay hút thuốc, uống nhiều rượu, hay dùng chất kích thích, chất gây nghiện hoặc sử dụng thuốc an thần;
- Đang mắc các bệnh lý như: 
Đái tháo đường;
Tăng huyết áp, suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim;
Nhược giáp;
Bệnh mạch máu não;
Tăng hồng cầu trong máu;
Parkinson.

Phòng ngừa Hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Nếu bị thừa cân, béo phì thì cần áp dụng phương pháp giảm cân an toàn, phù hợp để về chỉ số cân nặng bình thường.
Việc cân nặng hợp lý có ý nghĩa không chỉ đối với việc ngăn ngừa hội chứng ngừng thở khi ngủ, mà còn giúp phòng chống các bệnh về tim mạch, mỡ máu, huyết áp, rối loạn chuyển hoá và những bệnh lý khác,...;
- Trường hợp gặp vấn đề về giải phẫu như:
Bất thường về răng hàm mặt, lưỡi gà rủ thấp thì cần có sự can thiệp về chuyên khoa;
- Thay đổi tư thế ngủ:
Nằm nghiêng về một bên để tránh lưỡi hoặc vòm miệng đè xuống, lấp mất đường thở;
Duy trì thói quen tập luyện thể chất thường xuyên để củng cố hệ thống tuần hoàn của cơ thể;
- Không uống rượu bia, chất kích thích, bỏ hút thuốc lá, ngưng dùng chất gây nghiện;
- Không sử dụng thuốc an thần hoặc các loại thuốc khác mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn;
- Nếu mắc các dấu hiệu nghẹt mũi thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để làm thông thoáng đường thở.

Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu bệnh nhân gặp các vấn đề về giấc ngủ, nên đi khám và nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
Người bệnh cần thực hiện những thăm dò sâu hơn về giấc ngủ nhằm phục vụ cho công tác chẩn đoán và phát hiện bệnh, đó được gọi là:
Đo đa ký giấc ngủ.
Thử nghiệm này giúp kiểm chứng xem bệnh nhân có đang bị mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ hay không, đồng thời xác định bệnh nhân đang bị loại nào.
Phòng trường hợp người bệnh mắc những bệnh lý như suy tim, bệnh về thần kinh, bệnh hô hấp mạn tính hay bệnh về hoocmon,...
 bác sĩ sẽ tiến hành thêm các thử nghiệm cần thiết khác.
- Khám lâm sàng bệnh hô hấp;
Khám lâm sàng bệnh Tai - Mũi - Họng;
- Điện tim;
- Chuyên gia y tế về giấc ngủ sẽ thực hiện ghi đa ký hô hấp tại nhà hoặc ở bệnh viện, nhằm xác định chỉ số ngừng thở, thở yếu IAH.
Đây là chỉ số được áp dụng để đánh giá mức độ nặng hay nhẹ của hội chứng ngưng thở khi ngủ, đếm tổng số lần giảm thở một phần hoặc ngừng thở hoàn toàn trong một giờ ngủ.
Một lần ngừng thở được tính khi tình trạng này kéo dài trong 10 giây, dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu.
Có 3 mức độ đánh giá:
Nhẹ: 5 < IAH <= 15 khoảng ngưng thở trong vòng 1h ngủ;
Trung bình: 15 < IAH <= 30 khoảng ngưng thở trong vòng 1h ngủ;
Nặng: IAH > 30 khoảng ngưng thở trong vòng 1h ngủ.

Các biện pháp điều trị Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Tùy theo trình trạng y tế, thể chất cũng như hiện trạng bệnh lý nền của người bệnh mà sẽ áp dụng những phương án điều trị khác nhau.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ khoa Hô hấp có thể kết hợp hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa khác như khoa Tim mạch, Tai - Mũi - Họng,...
Kế hoạch điều trị cho bệnh nhân bị chứng ngừng thở khi ngủ có thể bao gồm những phương pháp như sau: 
- Đeo nẹp hàm;
- Liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục;
- Phẫu thuật;
- Thay đổi lối sống, giảm cân.