Tràn khí màng phổi (hô hấp)

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI

1. ĐẠI CƯƠNG
Tràn khí màng phổi (TKMP) là tình trạng xuất hiện khí trong khoang màng phổi.
TKMP thường được chia thành TKMP tự phát nguyên phát, TKMP tự phát thứ phát, TKMP do chấn thương và TKMP do các thủ thuật chẩn đoán và điều trị gây ra.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Chẩn đoán xác định
2.1.1. Triệu chứng lâm sàng
- Đau ngực:
Thường đột ngột và ở bên bị tràn khí.
- Khó thở, thở nhanh nông khi nghỉ hoặc khi gắng sức.
- Ho khan.
- Lồng ngực bên tràn khí căng vồng kém di động, gõ vang, rì rào phế nang giảm, rung thanh giảm.
Có thể có dấu hiệu tràn khí dưới da:
Cổ bạnh, mắt híp, ấn da lạo xạo.
2.1.2. Cận lâm sàng
- XQ phổi:
+ Khoảng tăng sáng, mất hình nhu mô phổi (vân phổi) giữa thành ngực và nhu mô phổi, hình đường viền ngăn giữa nhu mô phổi và vùng tràn khí.
+ Khoang liên sườn giãn rộng.
+ Trung thất bị đẩy lệch sang bên đối diện trong trường hợp TKMP áp lực dương.
2.2. Chẩn đoán phân biệt
- Kén khí phổi với TKMP khu trú:
Kén khí xuất hiện từ trước, bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, trên phim X-quang: thành kén khí mỏng, góc tiếp giáp với thành ngực là góc nhọn (TKMP khu trú: góc tiếp giáp với màng phổi là góc tù).
Chẩn đoán xác định bằng chụp cắt lớp vi tính ngực.
- Giãn phế nang nặng:
Bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp mạn tính, trên phim chụp X-quang phổi thấy trường phổi 2 bên quá sáng, tuy nhiên, còn thấy nhu mô phổi đến sát thành ngực.
- Nếp da cơ ở thành ngực, bóng vú ở phụ nữ.
2.3. Phân loại tràn khí màng phổi
- TKMP tự phát nguyên phát:
Không rõ nguyên nhân, thường gặp ở người trẻ, cao gầy, hút thuốc.
- TKMP tự phát thứ phát sau một số bệnh phổi:
+ BPTNMT, giãn phế nang, hen phế quản.
Cần nghĩ tới TKMP khi bệnh nhân đang ổn định, đột nhiên xuất hiện suy hô hấp nặng.
+ Nhiễm khuẩn phổi:
Do tụ cầu vàng, viêm phổi hoại tử do vi khuẩn Gram âm, viêm phổi do Pneumocystis jiroveci, lao phổi.
+ Các bệnh phổi mô kẽ như xơ phổi mô kẽ lan toả, bụi phổi silic, bệnh sacoit, bệnh phổi đột lỗ, nhồi máu phổi đều có thể có biến chứng TKMP.
+ Bệnh tự miễn:
Viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ, xơ cứng bì.
+ Ung thư phế quản gây di căn màng phổi làm thủng màng phổi: hiếm gặp.
- Tràn khí màng phổi do chấn thương hoặc vết thương: vết thương ngực hở hoặc gẫy xương sườn gây tổn thương phổi, dập nhu mô phổi.
- Tràn khí màng phổi do các thủ thuật chẩn đoán và điều trị: chọc dịch màng phổi, sinh thiết màng phổi, sinh thiết phổi xuyên thành ngực hay soi phế quản, đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn, bóp bóng quá mạnh hoặc thở máy áp lực cao, bệnh nhân chống máy (chấn thương phổi do áp lực).
3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc:
Hút hết khí khoang màng phổi và phòng tái phát
3.2. Hút hết khí màng phổi
* Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát, lượng khí màng phổi ít
(< 15% thể tích bên tràn khí; chiều ngang của dải khí sát màng phổi < 2 cm):
Không cần hút dẫn lưu, thở oxy 2-3 lít/phút trong 2-3 ngày, sau đó chụp lại XQ phổi, nếu ổn định, có thể cho ra viện.
* Chọc hút khí màng phổi đơn thuần
+ Chỉ định cho những bệnh nhân TKMP tự phát nguyên phát > 15% thể tích bên phổi tràn khí (chiều ngang của dải khí sát màng phổi > 2 cm).
TKMP thứ phát sau các thủ thuật:
Chọc dịch màng phổi, sinh thiết màng phổi, sinh thiết phổi xuyên thành ngực; lượng khí ít < 15% thể tích bên phổi tràn khí.
+ Sử dụng kim nhỏ nối với ba chạc và bơm tiêm 50 ml.
Sau khi hút hết khí thì rút kim.
Nếu hút được 4 lít mà khí vẫn ra đều, không có cảm giác khí sắp hết cần xét chỉ định mở màng phổi. Hoặc:
+ Sử dụng kim luồn (14-16G) nối với dây truyền dịch, ba chạc và bơm tiêm 50 ml.
Sau khi hút hết khí, kẹp dây truyền và khóa ba chạc trong12 giờ, sau chụp lại, nếu không thấy tái phát thì rút kim luồn. Hoặc:
+ Đặt catheter có nòng polyethylen vào khoang màng phổi.
Hút áp lực âm 20 cm nước liên tục cho đến khi hết khí màng phổi, sau đó kẹp ống dẫn lưu 24 giờ.
Rút ống dẫn lưu nếu không thấy TKMP tái phát sau 24 giờ dựa vào:
Khám lâm sàng và chụp X-quang phổi.
Sau kẹp ống dẫn lưu nếu thấy bệnh nhân khó thở tăng và/hoặc tràn khí dưới da, cần mở kẹp và hút khí trở lại ngay.
* Mở màng phổi - đặt ống dẫn lưu
- Chỉ định:
+ TKMP áp lực dương: nhịp thở > 30 lần/phút, nhịp tim > 120 lần/phút, huyết áp tụt.
Trung thất bị đẩy lệch về bên đối diện, vòm hoành hạ thấp dẹt và thẳng, có khi đảo ngược, tràn khí dưới da.
Nếu chọc kim vào khoang màng phổi sẽ thấy khí xì ra.
+ Tất cả các trường hợp TKMP tự phát thứ phát (TKMP ở bệnh nhân BPTNMT, lao phổi, áp xe phổi).
+ TKMP do chấn thương.
+ TKMP thứ phát sau thông khí nhân tạo.
+ TKMP tự phát tiên phát lượng khí nhiều hoặc thất bại với các biện pháp điều trị nêu trên.
+ Tràn khí tràn dịch màng phổi (vì có thể do tràn máu màng phổi).
- Tiến hành:
+ Mở màng phổi với ống thông 16-28F tuỳ từng trường hợp:
24-28F cho những bệnh nhân TKMP cần thở máy hoặc TKMP kèm tràn máu màng phổi.
+ Nên sử dụng van Heimlich hoặc van nước trong 12-24 giờ đầu để tránh nguy cơ phù phổi do phổi giãn nở nhanh nếu TKMP đã có từ trước khi dẫn lưu nhiều ngày.
+ Hút áp lực âm 20 cm nước liên tục cho đến khi hết khí màng phổi, sau đó kẹp ống dẫn lưu 24 giờ.
+ Rút ống dẫn lưu nếu không thấy TKMP tái phát sau 24 giờ:
Khám lâm sàng và chụp X-quang phổi.
+ Sau kẹp ống dẫn lưu nếu thấy bệnh nhân khó thở tăng và/hoặc tràn khí dưới da, cần mở kẹp và hút khí trở lại ngay.
- Thất bại: khí tiếp tục ra sau 5 ngày hút dẫn lưu liên tục.
3.3. Dự phòng tái phát
- Chỉ định:
+ Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát đã tái phát từ lần 2 trở đi.
+ Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát sau các bệnh: BPTNMT, lao phổi cũ, bệnh phổi mô kẽ.
+ Hình ảnh bóng, kén khí trên phim chụp X-quang, hoặc CLVT.
- Bơm bột talc y tế qua ống dẫn lưu:
+ Chỉ định:
Bệnh nhân TKMP có suy hô hấp hoặc không có điều kiện nội soi màng phổi, hoặc có các chống chỉ định của nội soi màng phổi.
+ Thực hiện ngay sau đặt dẫn lưu màng phổi.
+ Pha 10 gam bột talc y tế vô trùng với 50 ml natriclorua 0,9% và 10 ml lidocain 2%, rồi bơm qua ống dẫn lưu màng phổi.
+ Dừng hút dẫn lưu, thay đổi tư thế 15 phút/lần. Hút dẫn lưu liên tục sau bơm bột talc 2 giờ.
+ Lưu ý:
Không kẹp ống dẫn lưu trong trường hợp bệnh nhân khó thở khi kẹp ống dẫn lưu, có thể tiến hành hút dẫn lưu sớm nếu bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp sau kẹp ống dẫn lưu.
+ Tác dụng phụ:
Bệnh nhân thường có đau nhiều (có thể tiêm thuốc giảm đau trước và sau bơm bột talc), sốt sau bơm bột talc.
- Bơm iodopovidon qua ống dẫn lưu:
+ Chỉ định:
Tương tự bơm bột talc qua ống dẫn lưu.
Nên chỉ định bơm iodopovidone trong trường hợp đã đặt ống dẫn lưu nhiều ngày, hoặc bệnh nhân có suy hô hấp nhiều.
+ Bơm dung dịch pha 40 ml iodopovidon 10% với 60 ml natriclorua 0,9%.
+ Dừng hút dẫn lưu, thay đổi tư thế 15 phút/lần. Hút dẫn lưu liên tục sau bơm iodopovidon 2 giờ.
+ Lưu ý:
Sau bơm iodopovidon bệnh nhân có thể đau nhiều, có thể sốt, tràn dịch màng phổi (có thể tràn dịch khá nhiều).
Cần theo dõi và hút hết dịch ngay khi phát hiện để đảm bảo 2 lá màng phổi dính sát nhau.
- Nội soi màng phổi can thiệp:
Nơi có điều kiện, nên được xem xét can thiệp sớm trong các trường hợp thất bại điều trị sau 5 ngày dẫn lưu.
Qua nội soi có thể tiến hành:
Gây dính màng phổi với bột talc dạng phun mù, chà sát màng phổi;
Đốt điện, cắt bỏ bóng khí, thắt, kẹp hoặc khâu các bóng khí.
- Mở lồng ngực:
+ Chỉ định:
Không có điều kiện nội soi màng phổi hoặc nội soi màng phổi thất bại.
+ Mở lồng ngực để xử lý các bóng khí hoặc lỗ rò phế quản - màng phổi.
Kết hợp gây dính màng phổi với hoá chất hoặc gây viêm dính bằng cách chà sát màng phổi.
4. MỘT SỐ THỂ TKMP
4.1. TKMP và tràn dịch (máu, mủ...) màng phổi
- Mở màng phổi hút dẫn lưu kín.
- Nếu có điều kiện, chỉ định nội soi can thiệp khoang màng phổi sớm hoặc phẫu thuật sau khi thất bại với biện pháp điều trị nêu trên.
4.2. TKMP áp lực dương
- Ngay khi phát hiện, cần chọc ngay một kim thường hoặc ống thông nhỏ vào khoang liên sườn 2, đường giữa đòn để giảm áp lực khoang màng phổi.
- Mở màng phổi hút dẫn lưu sớm.
4.3. TKMP do các thủ thuật chẩn đoán và điều trị
- TKMP sau các thủ thuật:
Lượng khí ít chỉ cần chọc hút kim nhỏ hoặc đặt ống thông dẫn lưu khoang màng phổi.
Mở MP nếu lượng khí nhiều (>15% thể tích bên phổi tràn khí) hoặc chọc hút kim nhỏ không hiệu quả.
- TKMP ở bệnh nhân mắc BPTNMT do bóp bóng hoặc thở máy, cần mở màng phổi với ống cỡ 24-28F, sau đó hút dẫn lưu liên tục và có thể gây dính màng phổi bằng bột talc hoặc iodopovidon qua ống dẫn lưu.
Nội soi can thiệp khi có điều kiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Henry M., Arnold T., Harvey J. (2003), “BTS guidelines for the management of spontaneous pneumothorax”, Thorax, 58 Suppl 2: ii 39-52.
2. Levin D.J., Sako E.Y., Peters J. (2008), Fishmans Pulmonary Diseases and Disorder (4th ed), McGraw-Hill, pp.1517-1535.
3. Light R.W, Y. C. Gary Lee (2010), “Pneumothorax, chylothorax, hemothorax, and fibrothorax”, Textbook of Pulmonary Medicine 5rd ed, pp.2043-2066.
4. Sahn S.A., Heffner J.E. (2000), “Spontaneous pneumothorax”, N Engl J Med, 342 (12); pp.868-874.


HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TÁI PHÁT TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI
1. ĐẠI CƯƠNG
Tràn khí màng phổi (TKMP) là bệnh lý thường gặp.
Điều trị TKMP bao gồm hút hết khí trong khoang màng phổi và dự phòng TKMP tái phát.
Các phương pháp dự phòng tái phát TKMP:
- Gây dính lá thành với lá tạng MP bằng cách bơm dung dịch gây dính qua dẫn lưu MP, hoặc phun bột talc, chà sát MP qua nội soi MP.
- Nội soi lồng ngực hoặc phẫu thuật mở ngực để đốt, thắt hoặc cắt các bóng khí trên bề mặt lá tạng MP, cắt bán phần lá thành MP.
2. Chỉ định gây dính màng phổi
- TKMP đã hút dẫn lưu 5 ngày không hết khí.
- TKMP tái phát.
- TKMP thứ phát do các bệnh lý như: BPTNMT, xơ phổi, kén khí phổi.
- TKMP có liên quan đến nghề nghiệp: phi công, thợ lặn.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH CỦA GÂY DÍNH MÀNG PHỔI
- Chống chỉ định tương đối.
+ Có rối loạn đông máu: tỷ lệ prothrombin < 60% và/hoặc tiểu cầu < 60 G/l.
+ Rối loạn huyết động: huyết áp tối đa < 90 mmHg và/hoặc nhịp tim nhanh > 100 ck/ph.
+ Suy hô hấp: PaO2 < 60 mmHg và/hoặc SpO2 < 90%.
+ Bệnh toàn thân nặng, thể trạng suy kiệt.
Cần điều chỉnh các rối loạn này trước khi gây dính MP.
- Chống chỉ định tuyệt đối: gây dính MP với iodopovodon cho bệnh nhân cường giáp.
4. CÁC PHƯƠNG PHÁP GÂY DÍNH MÀNG PHỔI
4.1. Gây dính màng phổi qua dẫn lưu
Thường thực hiện gây dính màng phổi qua dẫn lưu với bột talc hoặc iodopovidon.
Kỹ thuật này đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém và có thể thực hiện được ở những cơ sở y tế có khả năng đặt dẫn lưu màng phổi.
Nhược điểm là các chất bơm qua ống dẫn lưu có thể phân bố không đều trong khoang MP, làm giảm hiệu quả gây dính.
* Chuẩn bị bệnh nhân:
+ Phim X-quang phổi, chụp CLVT ngực.
+ Các xét nghiệm máu: công thức máu, đông máu cơ bản, HIV, HBsAg.
+ Ăn nhẹ trước khi làm thủ thuật.
+ Tiêm thuốc giảm đau 15 phút trước khi làm thủ thuật.
+ Thử phản ứng với lidocain 2%.
+ Nếu gây dính màng phổi bằng iodopovidon cần thử phản ứng với chất này và định lượng hormon tuyến giáp.
+ Tư thế BN nằm ngửa, tay phía bên gây dính MP giơ cao lên đầu. BN khó thở không nằm được có thể ngồi tư thế ôm ghế.
* Chuẩn bị của điều dưỡng:
+ Thuốc:
Natriclorua 0,9%: 250 ml, lidocain 2% ống 2 ml: 10 ống, atropin 1/4 mg: 2 ống, paracetamol 1 g x 1 lọ, piroxicam 20mg x 2 ống, methylprednisolon 40 mg x 2 lọ, iodopovidon 10%: lọ 125 ml, bột talc y tế vô khuẩn: 5-10 gram.
+ Dụng cụ:
Hộp chống sốc, găng vô trùng, găng sạch, gạc, cồn iod 1,5%, cồn trắng 70o, bộ dụng cụ mở màng phổi, ống dẫn lưu, bơm ăn 50 ml, bơm tiêm 50 ml, bơm 20 ml.
* Bác sĩ làm thủ thuật:
+ Giải thích cho bệnh nhân và người nhà mục đích của thủ thuật, các tai biến có thể xảy ra khi gây dính MP, cho ký cam đoan làm thủ thuật.
+ Hướng dẫn BN cách thay đổi tư thế sau khi gây dính MP để dung dịch gây dính láng đều khắp bề mặt khoang màng phổi.
* Các bước tiến hành:
- Đặt dẫn lưu màng phổi:
+ Chọn vị trí dẫn lưu:
TKMP ít: khoang liên sườn 2 hoặc 3 đường giữa đòn.
TKMP nhiều: khoang liên sườn 3 hoặc 4 đường nách trước.
+ Sát trùng vị trí dẫn lưu:
Sát trùng rộng (50 cm) vùng đặt dẫn lưu màng phổi 2 lần bằng cồn iod 1,5% và 1 lần cồn trắng 700.
+ Trải săng vô khuẩn lên ngực BN, bộc lộ vị trí đặt dẫn lưu.
+ Gây tê tại chỗ từng lớp từ da đến lá thành MP bằng lidocain 2%.
+ Đặt và cố định dẫn lưu.
Rạch da dọc theo bờ trên xương sườn, đường rạch bằng đường kính ngoài của ống dẫn lưu và thêm 0,5 cm.
Dùng kẹp cong không mấu, tách dần qua các lớp dưới da, cân, cơ liên sườn.
Đầu kẹp luôn đi sát bờ trên xương sườn để tránh làm tổn thương bó mạch thần kinh liên sườn.
Khi kẹp xuyên qua thành ngực vào khoang màng phổi, dùng kẹp thẳng cặp đầu ống dẫn lưu đưa qua lỗ đã tách vào khoang màng phổi theo hướng từ sau ra trước, từ dưới lên trên.
Độ dài ống dẫn lưu trong khoang màng phổi từ 8-10 cm.
Cố định ống dẫn lưu MP vào da bằng một đường khâu chữ U, khâu chỉ chờ để thắt lại sau khi rút dẫn lưu. Nối ống dẫn lưu với bộ hút dẫn lưu kín 1 chiều.
+ Hút áp lực âm khoang màng phổi:
Áp lực hút -15 đến -20 cm H2O.
TKMP toàn bộ nên hút áp lực âm sau 3 giờ, tăng dần áp lực hút và theo dõi tình trạng đau ngực, khó thở và lượng dịch, khí ra qua dẫn lưu để điều chỉnh áp lực cho phù hợp, đảm bảo nhu mô phổi nở tốt và không bị phù phổi do hút áp lực quá mạnh.
- Gây dính màng phổi với iodopovidon (hoặc bột talc).
+ Ngâm đầu nối dẫn lưu (vị trí đầu ống sẽ bơm dung dịch gây dính qua) chìm trong dung dịch cồn iod 1,5% ít nhất 5 phút.
+ Pha 40 ml iodopovidone 10% + 60 ml natriclorua 0,9% + 10 ml lidocain 2% vào dung dịch gây dính. (Nếu gây dính với bột talc pha 5g talc + 100 ml natriclorua 0,9%).
+ Bơm dung dịch gây dính qua ống dẫn lưu vào khoang màng phổi.
+ Kẹp dẫn lưu trong 2 giờ. Nếu bệnh nhân xuất hiện khó thở, đau ngực thì có thể mở kẹp nhưng không nên hút dẫn lưu ngay.
+ Bệnh nhân thay đổi lần lượt các tư thế nằm nghiêng, nằm ngửa, nằm xấp (nếu có thể) mỗi 15 phút.
+ Tháo kẹp dẫn lưu sau 2 giờ và hút liên tục áp lực -15 đến -20 cm H2O.
- Theo dõi sau gây dính màng phổi qua dẫn lưu
+ Các biểu hiện lâm sàng: đau ngực, khó thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp.
+ Lượng dịch dẫn lưu, khí trong bình dẫn lưu.
+ Kiểm tra kỹ đầu nối dẫn lưu, chân dẫn lưu để không bị hở.
+ TKMP: chụp X-quang phổi hàng ngày.
Nếu hết khí:
Kẹp dẫn lưu, sau đó chụp lại X-quang phổi sau 24 giờ, nếu không có TKMP tái phát: rút dẫn lưu MP.
Nếu còn TKMP: xét gây dính bổ sung.
4.2. Nội soi màng phổi gây dính với bột talc
* Chuẩn bị BN
+ BN được giải thích kỹ trước khi tiến hành nội soi màng phổi (NSMP).
+ BN viết cam đoan để NSMP.
+ Tối hôm trước NSMP ăn nhẹ, sáng ngày NSMP nhịn ăn.
* Chuẩn bị của bác sỹ, điều dưỡng
+ Trang bị mũ, áo, khẩu trang như mọi cuộc phẫu thuật.
* Chuẩn bị thuốc, dụng cụ
+ Dụng cụ NSMP:
Ống nội soi nối với nguồn sáng lạnh: hai ống để nguyên soi 00 và 500.
Nguồn sáng nối với màn hình và ống kính nội soi.
Camera.
+ Dụng cụ can thiệp trong khi NSMP:
Kìm sinh thiết MP lá thành, kìm cầm máu bằng đốt điện qua nội soi.
Đầu đốt điện và nguồn đốt.
+ Dụng cụ và thiết bị bơm bột talc:
Bộ bơm bột talc gây dính màng phổi dạng phun mù.
Bột talc vô trùng.
+ Dụng cụ dẫn lưu:
Ống dẫn lưu khoang MP bằng chất dẻo.
Hệ thống dẫn lưu kín, hút áp lực âm.
+ Các dụng cụ gây mê và phẫu thuật:
Hệ thống gây mê nội khí quản.
Hệ thống theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, độ bão hòa oxy máu động mạch.
Lưỡi dao mổ, bơm, kim tiêm, trocar loại đường kính 8 và 10 mm.
Lam kính sạch, dung dịch bảo quản và cố định bệnh phẩm (dùng trong trường hợp sinh thiết).
+ Chuẩn bị thuốc:
Thuốc gây mê, thuốc tê lidocain 2%, lidocain 5%, thuốc cầm máu, morphin, atropin, methylprednisolon.
* Tiến hành nội soi màng phổi
+ BN nằm ngửa trên giường.
+ Tiến hành gây mê toàn thân, đặt ống nội khí quản 2 nòng.
Sau đó làm xẹp bên phổi cần soi (trường hợp gây tê tại chỗ dùng lidocain 1% gây tê từng lớp sau khi đặt BN nằm nghiêng).
+ Đặt BN nằm nghiêng sang bên đối diện, bàn được uốn cong sao cho có thể giãn tối đa các khoang liên sườn.
+ Xác định vị trí lỗ mở MP:
Tùy thuộc vào vị trí tràn khí, tràn dịch và vùng định can thiệp, tuy nhiên thường lựa chọn lỗ mở màng phổi như sau:
Lỗ mở 1: khoang liên sườn 4, 5 hoặc 6 đường nách trước.
Lỗ mở 2: khoang liên sườn 6, 7, 8 đường nách sau.
Lỗ mở 3: sau khi xác định vùng phổi cần can thiệp hoặc những trường hợp nhu mô phổi dính nhiều.
+ Sát khuẩn rộng bằng cồn iod 1,5%, sau đó bằng cồn 70o
+ Trải khăn mổ để hở vùng định đưa ống soi vào khoang MP.
+ Chọc thăm dò khoang MP.
+ Rạch da, tổ chức dưới da dọc theo khoang liên sườn dài 1,5 cm sát bờ trên xương sườn, sau đó bóc tách cân cơ bằng kìm cong qua từng lớp tới lá thành MP.
+ Đưa troca sát bờ trên xương sườn vào khoang MP.
+ Đưa ống kính nội soi qua troca vào khoang MP để quan sát, đánh giá tổn thương:
Nhu mô phổi: thuỳ đỉnh, đáy, phía trước, phía sau.
Quan sát toàn bộ khoang MP: lá thành, lá tạng, vùng rãnh liên thùy, tìm vị trí các chỗ rách trên MP, xác định vị trí, kích thước các bóng khí.
Cơ hoành, thành ngực.
+ Kỹ thuật gây dính MP qua NSMP:
Bơm 5 - 10 g bột talc y tế vô trùng dạng phun mù vào khoang MP.
Bơm theo nhiều hướng cho đến khi toàn bộ MP được phủ một lớp bột talc mỏng.
+ Đặt ống dẫn lưu MP:
Thường dùng lỗ mở thành ngực phía trước, đầu ống dẫn lưu hướng lên phía trước trên.
Khâu, cố định ống dẫn lưu ở tư thế không ảnh h-ởng đến sinh hoạt của BN.
Nối ống dẫn lưu với hệ thống dẫn lưu kín.
+ Thông khí trở lại bên phổi can thiệp dưới sự kiểm tra qua ống soi.
+ Sát khuẩn và băng ép vết mổ.
+ Đưa người bệnh ra phòng hậu phẫu, đặt ở tư thế nằm ngửa đầu hơi cao.
+ Hút dẫn lưu liên tục sau 2 giờ với áp lực -15 đến -20 cmH2O.
* Theo dõi sau nội soi màng phổi
+ Theo dõi toàn trạng: mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, tình trạng thông khí.
+ Lượng dịch dẫn lưu, khí trong bình dẫn lưu.
+ Kiểm tra kỹ đầu nối dẫn lưu, chân dẫn lưu để không bị hở.
+ Chụp X-quang phổi để đánh giá tình trạng tràn khí, tràn dịch, phân bố bột talc ở MP.
Nếu hết khí, tiến hành kẹp ống dẫn lưu và chụp lại X-quang phổi sau 24 giờ không có TKMP: rút dẫn lưu MP.
Nếu còn TKMP: xét gây dính bổ sung.
+ Gây dính bổ sung sau NSMP bằng bột talc dạng nhũ dịch, hoặc iodopovidon bơm qua ống dẫn lưu.
+ Các BN được theo dõi định kỳ 1, 3, 6, 12, 24 tháng để theo dõi tác dụng .
4.3. Nội soi lồng ngực hoặc phẫu thuật mở ngực:
Để đốt, thắt hoặc cắt các bóng khí trên bề mặt lá tạng MP, cắt bán phần lá thành MP.
5. CÁC TÁC DỤNG PHỤ VÀ BIẾN CHỨNG CỦA GÂY DÍNH MÀNG PHỔI
- Nhiễm trùng khoang màng phổi.
- Viêm phổi.
- Suy hô hấp.
- Phù phổi cấp.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Campos J.R., Vargas F.S., Werebe E.D. et al. (2001), “Thoracoscopy talc poudrage: a 15-year experience”, Chest, 119 (3); pp.801-806.
2. Ibrahim E. et al. (2010), “Medical thoracoscopy: update, indications, methodology, and outcomes”, Egyptian Journal of Bronchology, 4 (1).
3. MacDuff A., Arnold A. et al. (2010), “Management of spontaneous pneumothorax: British Thoracic Society pleural disease guideline”, Thorax; 65 (2); pp.8-31.
4. Rahman N.M. et al. (2010), “Local anaesthetic thoracoscopy: British Thoracic Society pleural disease guideline”, Thorax, 65 (2); pp.54-60.


TIP

Tràn khí màng phổi là tình trạng không khí bị tràn vào giữa phổi và thành ngực, làm ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của phổi và gây đau đớn, khó thở cho người bệnh.
Mức độ bệnh càng nguy hiểm khi khí tụ càng nhiều không được dẫn ra gây xẹp phổi.
1. Nguyên nhân gây tràn khí màng phổi
Màng phổi là một khoang nằm giữa các lá màng phổi, tạo lớp bao bọc lấy các lá phổi.
Bình thường giữa màng phổi là một lớp dịch hỗ trợ việc di động dễ dàng, thuận lợi.
Tuy nhiên vì rách, hở màng phổi mà không khí có thể đi vào lớp này. 
Có những trường hợp tràn khí màng phổi tìm ra nguyên nhân và nhiều trường hợp vô căn, được gọi là tràn khí màng phổi tự phát.
1.1. Tràn khí màng phổi tự phát
Tràn khí màng phổi tự phát xảy ra ở người khỏe mạnh, không có bệnh lý phổi, chấn thương hay phẫu thuật liên quan nào.
Một số giả thuyết cho rằng, hoạt động trao đổi khí của phổi hoặc tổn thương đột ngột khiến một phần nhỏ của màng phổi bị rách, từ đó không khí tràn ngược vào màng phổi.
Khi tình trạng này xảy ra, khí ứ đọng sẽ làm tổn thương phế nang, khiến phổi xẹp lại và không thể thực hiện chức năng trao đổi khí.
Theo một thống kê y tế tại Anh, trung bình cứ 10.000 người trưởng thành lại có khoảng 2 người mắc chứng tràn khí màng phổi tự phát.
Trong đó, nam giới dễ mắc bệnh hơn nữ giới, lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là dưới 40 tuổi.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc bệnh hơn, nguyên nhân là hóa chất trong khói thuốc khiến cho thành màng phổi mỏng hơn, dễ rách hơn.
Ngoài ra còn 1 dạng tràn khí màng phổi xảy ra ở phụ nữ độ tuổi sinh sản là tràn khí màng phổi theo chu kỳ kinh nguyệt.
Đặc điểm bệnh khá giống với trường hợp tự phát thông thường, song khởi phát bệnh liên quan đến các chu kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân là do trong chu kỳ, một lượng nhỏ mô tử cung di chuyển lên làm tổ ở màng phổi, gây rách, tổn thương và tràn dịch.
Những người từng bị tràn dịch màng phổi dù được điều trị tích cực thì nguy cơ tái phát khá cao, khoảng 30%.
Hầu hết trường hợp tái phát xảy ra ở cùng bên phổi, trong vòng 3 năm đầu kể từ lần phát bệnh trước.
1.2. Tràn khí màng phổi thứ phát
Nguyên nhân của bệnh chủ yếu là do:
Biến chứng của vỡ phế nang ở bệnh phổi cấp tính hoặc mạn tính và không liên quan tới chấn thương.
Có thể xảy ra ở những bệnh nhân có các bệnh lý nền tại phổi như viêm phổi, dị vật đường thở, hít nước ối phân xu,...
Hầu hết trường hợp tràn khí màng phổi thứ phát nguy hiểm hơn, có tiên lượng xấu hơn tự phát do bệnh lý nền ở phổi khiến chức năng phổi suy giảm nặng hơn. 
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây tràn khí ở màng phổi như:
Chấn thương ngực, phẫu thuật vùng ngực làm tổn thương màng phổi, biến chứng bệnh lạc nội mạc tử cung,… 
2. Triệu chứng và chẩn đoán tràn khí màng phổi
Triệu chứng điển hình của chứng tràn khí màng phổi là chức năng hô hấp bị suy giảm và dấu hiệu toàn thân do thiếu oxy.
2.1. Đau ngực đột ngột
Đây là triệu chứng thường gặp của bệnh nhân tràn khí màng phổi, tuy nhiên không phải tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng này.
Cơn đau ngực khởi phát đột ngột, mức độ đau tăng lên khi hít thở.
Tuy nhiên người bệnh vẫn phải thở gắng sức để đáp ứng nhu cầu oxy thiếu hụt do chức năng phổi suy giảm.
2.2. Khó thở
Tràn khí màng phổi thường khiến 1 bên phổi bị xẹp, chức năng hô hấp suy giảm.
Tình trạng khó thở tăng lên theo diễn biến bệnh, nếu không cấp cứu kịp thời có thể khiến bệnh nhân nguy kịch do biến chứng suy hô hấp, xẹp phổi.
2.3. Choáng
Triệu chứng choáng điển hình ở bệnh nhân tràn khí màng phổi bao gồm:
Vã mồ hôi, người tái xanh, tụt huyết áp, tinh thần hốt hoảng, tay chân lạnh, mạch đập nhanh và nông,…
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có triệu chứng đau nhói vai theo cơn ho.
Tuy nhiên không nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng này, nếu có thì triệu chứng cũng không kéo dài lâu và không thường nặng lên.
Chẩn đoán tràn khí màng phổi sẽ dựa trên các triệu chứng hô hấp và toàn thân trên, cùng với đó là dấu hiệu cận lâm sàng, thường là chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp điện toán, khám thực thể,…
Triệu chứng bệnh đa phần là rầm rộ, dễ nhận biết song ở 1 số bệnh nhân, biểu hiện lâm sàng rất nghèo nàn, dễ gây nhầm lẫn và bỏ sót. 
3. Điều trị tràn khí màng phổi thế nào?
Mọi trường hợp tràn khí màng phổi đều phải chụp X-quang phổi.
Nếu bị nhẹ, có thể theo dõi.
Tùy từng trường hợp và mức độ tràn khí, nguyên nhân tràn khí, bác sĩ sẽ có những chỉ định can thiệp điều trị khác nhau.
Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ để đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất.
Nếu bệnh nhân có bệnh lý phổi hoặc lượng khí tràn lớn, bác sĩ có thể phải can thiệp dẫn lưu khí nhanh chóng.
Phương pháp thường được lựa chọn là dùng 1 ống dẫn lưu mỏng, xuyên qua thành ngực và đưa khí ra khỏi màng phổi qua ống tiêm. 
Tình trạng tái phát sau điều trị rất thường gặp do màng phổi từng bị tổn thương trở nên yếu ớt, dễ rách hơn.
Cần phòng ngừa tích cực bằng một số biện pháp như:
Phẫu thuật làm dính màng phổi, bỏ thuốc lá,… 
Tràn khí màng phổi là tình trạng cấp cứu nguy hiểm, có thể khiến người bệnh tử vong do biến chứng hô hấp.
Nếu phát hiện các dấu hiệu bệnh nghi ngờ, cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế điều trị.
Sau điều trị, cần theo dõi và phòng ngừa bệnh tái phát dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

TIP2

Tràn khí màng phổi là một tình trạng bệnh lý hô hấp cấp cứu phổi.
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, ảnh hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thậm chí có thể dẫn tới suy hô hấp và tử vong.
Ước tính có tới 50% bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bị tái phát .
Tràn khí màng phổi là gì?
Tràn khí màng phổi xảy ra khi có không khí trong khoảng không giữa thành ngực và phổi (khoang màng phổi).
Không khí trong khoang màng phổi có thể tích tụ và gây áp lực lên phổi, khiến phổi xẹp một phần hoặc toàn bộ.
Lúc này, chức năng hô hấp bị ảnh hưởng, gây đau ngực và khó thở.
Tùy theo mức độ tràn khí, nguyên nhân tràn khí, bệnh có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng, thậm chí suy hô hấp, có thể đe dọa tính mạng.

Phân loại tràn khí màng phổi
1. Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát
Tràn khí phổi nguyên phát xảy ra ở người không có bệnh lý phổi, không bị chấn thương hay các phẫu thuật liên quan.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do hoạt động trao đổi khí của phổi hoặc tổn thương đột ngột làm rách 1 phần nhỏ của màng phổi, tạo điều kiện cho không khí tràn ngược vào màng phổi.
Tình trạng này xảy ra khiến khí ứ đọng làm tổn thương phế nang và gây xẹp phổi khiến phổi khó thực hiện chức năng trao đổi khí.

2. Khí tràn màng phổi tự phát thứ phát
Trường hợp tràn khí phổi thứ phát nguyên nhân chính là do người bệnh đã từng bị bệnh lý nền như viêm phổi, có dị vật đường thở, ảnh hưởng từ biến chứng vỡ phế nang ở bệnh phổi cấp tính hoặc mãn tính nhưng không liên quan đến chấn thương.

3. Tràn khí phổi do chấn thương
Tràn khí màng phổi do chấn thương xảy ra khi người bệnh bị chấn thương ở ngực như gãy xương sườn hoặc vết thương do dao đâm thủng phổi.
Thậm chí bất kì chấn thương nào vào ngực đều có nguy cơ gây xẹp phổi.

4. Tràn khí phổi do thầy thuốc
Tràn khí phổi do thầy thuốc xảy ra khi thực hiện thủ thuật y khoa, chẳng hạn như sinh thiết phổi hoặc đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm.

5. Tràn khí tại màng phổi áp lực (có van)
Tràn khí màng phổi áp lực (có van) là tình trạng bệnh gây ra tăng dần dần áp lực khoang màng phổi đến mức dương trong suốt chu kỳ hô hấp và làm xẹp phổi, dịch chuyển trung thất và làm suy giảm khả năng hồi lưu tĩnh mạch về tim.
Không khí tiếp tục đi vào khoang màng phổi nhưng không thể thoát ra.
Nếu không điều trị thích hợp thì tình trạng suy giảm lượng máu tĩnh mạch hồi lưu có thể gây hạ huyết áp toàn thân, ngừng hô hấp và ngừng tim (hoạt động điện vô mạch) trong vòng vài phút.
Khí tràn màng phổi áp lực thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân được thở máy áp lực dương (thở máy hoặc đặc biệt là trong quá trình hồi sức).
Hiếm gặp là biến chứng của bệnh do chấn thương, khi vết thương ở ngực hoạt động như một van một chiều giữ lại lượng không khí ngày càng tăng trong khoang màng phổi khi hít vào.

6. Tràn khí ở màng phổi theo chu kỳ kinh nguyệt
Khí tràn màng phổi theo chu kỳ kinh nguyệt là một dạng bệnh tràn khí màng phổi tự phát hiếm, xảy ra trong vòng 48 giờ khi bắt đầu có kinh nguyệt ở phụ nữ tiền mãn kinh và đôi khi ở phụ nữ sau mãn kinh đang dùng estrogen.
Nguyên nhân do lạc nội mạc tử cung trong lồng ngực, có thể do sự di chuyển của mô nội mạc tử cung qua phúc mạc qua lỗ khuyết cơ hoành hoặc do thuyên tắc mạch qua tĩnh mạch vùng chậu.
Mức độ tràn khí màng phổi
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng tràn khí màng phổi phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ xẹp phổi ở mỗi người.
Một số trường hợp không nghiêm trọng, còn lại là trường hợp cấp cứu y tế.
Các bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán và đánh giá mức độ xẹp phổi của từng bệnh nhân, sau đó lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp.

Nguyên nhân tràn khí màng phổi
Bệnh xảy ra khi không khí tích tụ trong khoang màng phổi, gây áp lực lên phổi.
Các nguyên nhân gây tràn khí màng phổi phổ biến bao gồm:

1. Chấn thương ngực
Bất kỳ chấn thương nào (vết đâm, súng bắn, vật cùn…) liên quan đến ngực cũng có nguy cơ gây bệnh.
Một số chấn thương có thể xảy ra trong các vụ tấn công vật lý hoặc tai nạn xe hơi, trong khi những chấn thương khác có thể vô tình xảy ra trong các thủ thuật y tế liên quan đến việc đâm kim vào ngực.

2. Bệnh phổi
Các bệnh về phổi có thể gây tổn thương mô phổi dẫn đến xẹp phổi.
Theo đó, tổn thương phổi có thể do nhiều loại bệnh tiềm ẩn gây ra, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ nang, ung thư phổi hoặc viêm phổi…
Các bệnh phổi dạng nang, chẳng hạn như bệnh u cơ trơn mạch bạch huyết và hội chứng Birt-Hogg-Dube, gây ra các túi khí tròn, thành mỏng trong mô phổi có thể vỡ, dẫn đến khí tràn màng phổi.

3. Vỡ các kén khí
Vỡ các kén khí (bẩm sinh hoặc mắc phải) trên bề mặt màng phổi dẫn đến tràn khí phổi.

4. Thông khí cơ học (thở máy)
Một loại tràn khí phổi nghiêm trọng có thể xảy ra ở những người bệnh thở máy Máy thở có thể tạo ra sự mất cân bằng áp suất không khí bên trong lồng ngực và có thể gây ra xẹp phổi.
Dấu hiệu tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi có thể biểu hiện từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào mức độ không khí tích tụ và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Một số dấu hiệu điển hình bao gồm:
1. Đau ngực đột ngột
Khi bị tràn khí ở màng phổi người bệnh có thể bị đau tức ngực đột ngột, triệu chứng này không xảy ra ở tất cả mọi người.
Một số trường hợp không bị đau ngực đột ngột.
Nhưng nếu đau ngực đột ngột sẽ kèm theo việt hít thở khó khăn, cơn đau tăng lên khi hít thở.
Mặc dù đau nhưng người bệnh vẫn cần cố gắng thở để đáp ứng nhu cầu về oxy do chức năng phổi suy giảm.

2. Khó thở
Tràn khí ở màng phổi có thể khiến phổi xẹp 1 bên hoặc hoàn toàn gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
Người bệnh cảm thấy khó thở, đôi lúc không thở được theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với biến chứng suy hô hấp, dẫn đến tử vong.

3. Choáng váng
Triệu chứng choáng điển hình ở bệnh nhân tràn khí tại màng phổi bao gồm:
Vã mồ hôi, người tái xanh, tụt huyết áp, tinh thần hốt hoảng, tay chân lạnh, mạch đập nhanh và nông,… Kèm theo khó thở, thở nhanh, đau tức ngực một bên.

Yếu tố nguy cơ tràn khí màng phổi
Những trường hợp dưới đây có nguy cơ cao bị tràn khí màng phổi:
Tiền sử gia đình.
Phụ nữ đang mang thai.
Người đã từng mắc hội chứng Marfan.
Người bị lạc nội mạc tử cung.
Trường hợp nghiện ma túy dạng hít.
Nghiện thuốc lá.
Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
Nam giới từ 20 – 40 tuổi cao, gầy, thiếu cân trầm trọng.
Trường hợp đã từng bị bệnh trước đó.

Tràn khí màng phổi có nguy hiểm không?
Tràn khí màng phổi là một bệnh nguy hiểm cần được điều trị sớm, người bệnh cần đề cao cảnh giác và không nên chủ quan khi triệu chứng bệnh xuất hiện.
Trong một số trường hợp nặng, bệnh có thể gây biến chứng suy hô hấp thậm chí có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tràn khí ở màng phổi có lây không?
Theo các bác sĩ chuyên môn, tràn khí ở màng phổi là bệnh không có khả năng lây nhiễm.
Sở dĩ như vậy là do nguyên nhân gây bệnh thường không liên quan đến các bệnh lý nền tại phổi có khả năng lây nhiễm, ví dụ như:
Lao phổi.
Do đó, người bệnh có thể an tâm điều trị bệnh, vì bệnh không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng và người chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân cũng không cần quá lo lắng về vấn đề này.

Chẩn đoán tràn khí màng phổi
Việc chẩn đoán nhanh và chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

1. X quang màng phổi
Xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán tràn khí màng phổi là chụp X-quang ngực.
Trong hầu hết các trường hợp, phương pháp này thường đủ để thấy phổi bị xẹp.
Ngoài chụp X-quang thì đôi khi bác sĩ có thể chỉ định chụp CT để đánh giá chi tiết hơn về tình trạng khí tràn màng phổi, hoặc nếu nhóm nghiên cứu không chắc chắn dựa trên phim X-quang ngực của người bệnh.

2. Siêu âm
Siêu âm cũng là phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện khí tràn màng phổi.
Với công nghệ và thiết bị hiện đại, siêu âm có thể giúp bác sĩ quan sát rõ lồng ngực và những bất thường ở vị trí ngực nếu có.
Phương pháp siêu âm không sử dụng tia X, mà sử dụng sóng siêu âm quan sát hình ảnh của phổi và màng phổi.
Qua hình ảnh chi tiết này có thể giúp bác sĩ xem xét kích thước và vị trí của khí trong màng phổi.

Cách điều trị tràn khí màng phổi
Việc điều trị tràn khí ở màng phổi chủ yếu là sử dụng thuốc và phẫu thuật.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị hợp lý.

1. Thuốc điều trị tràn khí màng phổi
Phương pháp điều trị tràn khí ở màng phổi sẽ phụ thuộc vào mức độ tràn khí và tình trạng sức khỏe.
Nếu người bệnh bị khí tràn màng phổi nhẹ có thể không cần điều trị, chỉ cần thở oxy và theo dõi.
Những trường hợp tràn khí nhiều (> 15% thể tích nửa ngực) sẽ cần can thiệp.

2. Phẫu thuật tràn khí ở màng phổi
Phẫu thuật tràn khí màng phổi đa số được áp dụng cho các trường hợp nặng hoặc cần cấp cứu y tế:

2.1. Sonde dẫn lưu màng phổi
Phương pháp sử dụng một ống dẫn lưu nhỏ được đưa vào khoang màng phổi bị tràn khí của người bệnh.
Sonde dẫn lưu được kết nối với hệ thống bình dẫn lưu kín van máy hút để hút khí ra ngoài, giúp cho phổi giãn nở trở lại, khôi phục chức năng hô hấp.

2.2. Hút khí màng phổi bằng kim
Đây là một thủ thuật khá đơn giản, được thực hiện khi người bệnh bị tràn khí màng phổi ít.

2.3. Dẫn lưu ngực (dẫn lưu liên sườn)
Dẫn lưu ngực là một thủ thuật trong đó sử dụng một ống nhựa nhỏ (lớn hơn một chút so với ống dùng để hút dịch màng phổi) được đưa vào giữa các xương sườn.
Ống này thường được đưa vào nách hoặc lưng của người bệnh và được giữ nguyên tại chỗ trong ít nhất 24-48 giờ.
Ống được gắn vào một hộp nhựa nhỏ chứa đầy chất lỏng đặt cạnh giường của bệnh nhân.
Điều này cho phép không khí thoát ra ngoài mà không quay trở lại ngực.
Ống dẫn lưu ngực được tháo ra khi không khí ngừng thoát ra khỏi ống dẫn lưu.

2.4. Gây dính màng phổi bằng hóa chất
Để ngăn ngừa tràn khí ở màng phổi tái phát, bác sĩ có thể thực hiện làm dính màng phổi. Bằng cách sử dụng hóa chất như doxycycline hoặc bột talc bơm vào khoang màng phổi dưới dạng nhũ dịch qua sonde dẫn lưu màng phổi hoặc phun mù th qua nội soi màng phổi.

Phòng ngừa tràn khí màng phổi
Nguyên nhân gây tràn khí màng phổi một phần do thói quen xấu của người bệnh.

Phòng ngừa bệnh tái phát sau điều trị, người bệnh nên:
Ngừng hút thuốc lá.
Tránh hoặc hạn chế các hoạt động có sự thay đổi áp suất không khí đột ngột như lặn sâu dưới nước hoặc đi máy bay.
Khám định kỳ để theo dõi các vấn đề liên quan đến phổi.
Tạo điều kiện để được sống trong không gian rộng thoáng, trong lành nhiều oxy.
Nên sử dụng máy lọc không khí để đảm bảo không gian luôn sạch và không bị ô nhiễm.
Xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt, thể dục lành mạnh để tạo sức đề kháng tốt.
Biến chứng tràn khí màng phổi
Các biến chứng tiềm ẩn khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và mức độ nghiêm trọng của tràn khí ở màng phổi cũng như nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Đôi khi khí có thể tiếp tục rò khí dai dẳng.
Một số biến chứng do tràn khí phổi có thể gặp bao gồm:
Phù phổi do giãn nở.
Tổn thương hoặc nhiễm trùng do điều trị.
Suy hô hấp.
Suy tim.
Tràn khí dưới da.
Tràn khí trung thất gây ép tim cấp.
Tắc mạch khí.
Tai biến mạch não.
Chăm sóc bệnh nhân tràn khí màng phổi
Người bệnh sau khi xuất viện, cần tuân thủ theo khuyến nghị của bác sĩ về cách chăm sóc bản thân, đặc biệt nên tránh một số hoạt động nhất định, bao gồm:
Hạn chế sử dụng đường hàng không, khi có việc cần viết phải đi máy bay nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tránh lặn sâu dưới nước bởi đây là môi trường có thể thay đổi áp suất đột ngột.
Hãy tái khám theo đúng lịch hẹn với bác sĩ.
Xây dựng thói quen sinh hoạt, ăn uống, vận động lành mạnh, nên thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe.

Câu hỏi thường gặp
1. Tràn khí màng phổi điều trị bao lâu?
Thời gian hồi phục phụ thuộc vào tình trạng bệnh.
Nếu bệnh mức độ nhẹ, có thể không cần thiết phải điều trị, bệnh có thể tự hết sau vài ngày, nhưng cần theo dõi người bệnh.
Nếu bệnh mức độ nặng, kèm mắc bệnh phổi trước đó gây khó thở thì cần phải dẫn lưu không khí bị tích tụ.
Thời gian điều trị và hồi phục trong khoảng 7 – 10 ngày.

2. Khí tràn màng phổi có tự khỏi không?
Ở một số trường hợp tràn khí màng phổi nhẹ, lượng khí vào phổi ít không đáng kể thì khả năng cao vài ngày sau bệnh sẽ tự khỏi mà không cần phải điều trị.
Sau khoảng 7 – 10 ngày bác sĩ kiểm tra, bệnh vẫn chưa thuyên giảm, người bệnh đau nhiều có thể được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau trong vài ngày.
Nếu bị tràn khí phổi mức độ nặng bệnh sẽ không tự khỏi mà cần phải có phương pháp điều trị thích hợp.

3. Tràn khí ở màng phổi có thể khỏi hoàn toàn không?
Điều trị tràn khí màng phổi có thể bình phục hoàn toàn, nếu người bệnh được bác sĩ điều trị theo đúng phác đồ, theo dõi cẩn thận và thực hiện các biện pháp phòng bệnh tái phát.
Đối với người bệnh, trong thời gian nằm viện điều trị nên vận động hợp lý, sau khi ra viện thời gian đầu nên tránh làm việc trong môi trường có áp suất thay đổi đột ngột như đi máy bay, lặn dưới dưới nước…

4. Tràn khí ở màng phổi có tái phát không?
Bệnh sau khi được điều trị vẫn có nguy cơ tái phát.
Ước tính có khoảng 3/10 người bị tràn khí ở màng phổi nguyên phát sẽ có 1 lần bị tái phát sau điều trị và thời điểm tái phát không xác định được.
Lúc này, để phòng ngừa tái phát, người bệnh nên tuân thủ uống thuốc theo chỉ dẫn, tránh lặn sâu dưới nước hoặc đi máy bay liên tục bởi sự thay đổi áp suất có thể dẫn đến nguy cơ khó thở.