Suy hô hấp - hướng dẫn điều trị

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

SUY HÔ HẤP


Suy hô hấp cấp tính sẽ làm rối loạn hoạt động trao đổi khí O2 và CO2 trong phổi.
Khi cơ thể bị thiếu hụt nguồn oxy cần thiết thì các bộ phận như tim, não cũng những cơ quan khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điều này khiến bệnh nhân bị rối loạn tri giác, mệt mỏi, da dẻ xanh tái và khó thở. 

1. Tổng quan về suy hô hấp cấp 
1.1. Khái niệm tình trạng ssuy hô hấp cấp
Suy hô hấp cấp xảy ra khi chức năng trao đổi khí và thông khí ở phổi bị suy giảm.
Những người bị suy hô hấp cấp sẽ có chỉ số áp lực khí oxy trong động mạch PaO2 giảm xuống dưới 60 mmHg, còn chỉ số CO2 trong động mạch PaCO2 có thể giảm, ở mức bình thường hoặc tăng.
Suy hô hấp cấp gồm 2 loại đó là:
Suy hô hấp cấp thiếu oxy, đồng thời giảm CO2;
Suy hô hấp cấp thiếu oxy, không bị ứ khí CO2.

1.2. Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp
Nguyên nhân tại phổi:
Tình trạng phù phổi cấp:
Phù phổi cấp trên tim lành:
Truyền quá nhiều dịch khiến áp lực mao mạch gia tăng hoặc bắt nguồn từ các vấn đề về thần kinh như viêm não, phẫu thuật tổn thương thân não, u não;
Phù phổi cấp do tim:
Huyết áp tăng liên tục, hẹp hở van động mạch chủ, nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim, hở van hai lá, tắc động mạch phổi,...;
Phù phổi tổn thương:
Thường gặp ở những bệnh nhân có thể chất yếu như hẹp hai lá, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, trẻ nhỏ bị nhiễm virus theo dạng viêm tiểu phế quản-phế nang. 
Nhiễm trùng phổi:
Đối với người khỏe mạnh nếu bị nhiễm vi khuẩn, virus ác tính, lao kê thì có thể gây nhiễm trùng phổi lan rộng ra nhiều thùy hoặc bị viêm phế quản.
Dần dần tình trạng này sẽ khiến bệnh nhân bị suy hô hấp cấp tính;
Suy hô hấp mạn gây mất bù cấp:
Tắc nghẽn động mạch phổi, nhiễm trùng phế quản-phổi, tràn khí màng phổi,... là những yếu tố dẫn đến suy hô hấp cấp;
Tắc nghẽn phế quản cấp:
Tình trạng này hiếm gặp, có thể xuất phát từ nguyên nhân có khối u, hay đặt nội khí quản gây xẹp phổi cấp ở người lớn, hoặc mắc dị vật ở trẻ em;
Hen phế quản nặng:
Bệnh lý này rất phổ biến có thể gây suy hô hấp cấp do không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Nguyên nhân ngoài phổi:
Hiện tượng tràn dịch màng phổi:
Lượng dịch nhiều, tăng nhanh gây tràn dịch cấp có thể dẫn đến suy hô hấp cấp;
Tràn dịch màng phổi tự do:
Do vỡ bóng khí phế thũng, tự phát, mắc lao phổi, vỡ áp xe phổi hay vỡ kén khí bẩm sinh,...;
Tắc nghẽn thanh quản - khí quản:
Xuất hiện bướu giáp chìm, có u thanh quản/thực quản, mắc dị vật lớn, nhiễm trùng (uốn ván, viêm thanh quản);
Cơ hô hấp gặp tổn thương:
Bệnh viêm đa cơ, nhược cơ nặng, uốn ván, ngộ độc thuốc trừ sâu (loại có gốc phospho hữu cơ), viêm sừng trước tủy sống, rắn cắn, hội chứng Guillain Barré kèm liệt lên cấp Landry;
Chấn thương lồng ngực:
Gãy xương sườn chọc vào phổi và màng phổi;
Vấn đề tại hệ thần kinh trung ương:
Do tăng áp lực nội sọ, hội chứng giảm thông khí vô căn, nhiễm trùng thần kinh, rối loạn hô hấp khi ngủ (giảm thông khí do béo bệu, ngưng thở khi ngủ), tác dụng phụ của thuốc (gây mê, thuốc ngủ, thuốc an thần), tổn thương trung tâm điều hòa hô hấp tại hành não (bệnh mạch não, chấn thương đầu, nhược giáp).

2. Biểu hiện của suy hô hấp cấp
Nhịp thở nhanh, co kéo cơ hô hấp, lõm vùng ngực, đặc biệt trẻ nhỏ thở phập phồng cánh mũi.
Đối với những người có tổn thương do liệt (nhược cơ nặng, tổn thương tủy sống gây liệt tứ chi, viêm đa rễ thần kinh) thì nhịp thở giảm, hô hấp yếu hơn và không thể ho.
Điều này khiến đờm dãi bị ứ đọng trong phế quản;
Niêm mạc tím tái:
Nhận thấy rõ tại đầu các chi, môi, mặt hoặc toàn thân.
Bệnh nhân thiếu máu nặng sẽ khó thấy tím rõ, nhưng triệu chứng này sẽ biểu hiện rõ ở những người có nồng độ hemoglobin trong máu cao do suy hô hấp mạn tính.
Tím tái thường kèm theo giãn mạch đầu các chi, tăng CO2 máu và đổ nhiều mồ hôi;
Suy tim phải cấp:
Thường xảy ra trong đợt cấp tính trên nền suy hô hấp mạn.
Triệu chứng tuần hoàn:
Huyết áp tăng, mạch nhanh, cung lượng tim tăng, có thể xảy ra loạn nhịp trên thất, về sau có thể hạ huyết áp;
Biểu hiện thần kinh tâm thần:
Là diễn biến khi bệnh nhân suy hô hấp nặng, có thể gây kích thích, lơ mơ, rối loạn tri giác, vật vã, thậm chí là hôn mê.

3. Một số biện pháp điều trị suy hô hấp cấp
Suy hô hấp cấp là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Càng được điều trị sớm thì cơ hội sống sót của bệnh nhân sẽ càng cao.

3.1. Khai thông đường dẫn khí
Bao gồm những thủ thuật như sau:
Móc miệng, họng, mũi cho bệnh nhân, hút sạch bùn cát, đất, máu, thức ăn ra khỏi đường thở;
Nếu bệnh nhân bị tụt lưỡi do chấn thương vùng hàm mặt thì cần kéo lưỡi hoặc đặt đầu bệnh nhân ngửa ra sau, nâng hàm lên;
Bệnh nhân có quá nhiều đờm dãi tắc bên trong mà không thể hút hết, hút kịp thì cần kích thích phản xạ ho để tống xuất đờm dãi, chất dịch ra ngoài bằng cách luồn dây polyten vào khí quản.
Tiếp theo bơm thêm thuốc kháng sinh, long đờm để phòng tránh nhiễm trùng và hỗ trợ khơi thông đường thở;
Kết hợp hút dịch, máu mủ, đờm dãi trong khí quản và phế quản;
Đặt nội khí quản và mở khí quản.

3.2. Hỗ trợ hô hấp, hô hấp nhân tạo
Có thể thực hiện biện pháp này ở những người bị giảm thông khí:
Thổi ngạt:
Áp dụng ngay tại hiện trường tai nạn, sơ cứu ngoài viện.
Mặc dù đơn giản nhưng phương pháp này đem lại hiệu quả cao.
Trên thực tế thổi ngạt kết hợp cùng ép tim ngoài lồng ngực đã giúp cứu được nhiều bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim và khắc phục khẩn cấp tình trạng thiếu oxy lên não, hỗ trợ hồi phục vỏ não;
Thở máy:
Chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với biện pháp hỗ trợ hô hấp thông thường. 

3.3. Dẫn lưu màng phổi
Phương pháp này thường được chỉ định trong các trường hợp tràn dịch, tràn máu màng phổi, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi.
Nếu phế quản bị rách, vỡ, tràn khí màng phổi nặng và không đáp ứng dẫn lưu thì cần thực hiện phẫu thuật ngay lập tức, kết hợp đặt nội phế quản hoặc ống Carlens để mổ.

3.4. Mở khí quản
Mở khí quản áp dụng đối với bệnh nhân:
Phải thở máy lâu ngày;
Đường hô hấp gặp trở ngại như:
Phù nề và co thắt thanh quản, chấn thương thanh khí quản, viêm loét thanh quản.

3.5. Đặt nội khí quản
Chỉ định đặt nội khí quản tương tự như mở khí quản, gồm 2 phương pháp là đặt qua mũi hoặc qua miệng.
Đặt qua miệng thì dễ đặt hơn nhưng sẽ khó vệ sinh răng miệng, bệnh nhân sẽ cắn ống đặt và phải dùng đèn soi thanh quản.
Còn đặt qua mũi thì không cần đèn và đặt được lâu.
Tuy nhiên đặt qua mũi có thể làm chảy máu mũi, loét niêm mạc mũi, dễ bị tắc ống và chăm sóc khó hơn.

3.6. Liệu pháp Oxy 
Giúp hỗ trợ hoạt động hô hấp của bệnh nhân vì thiếu oxy.
Nếu người bệnh vừa thiếu oxy, vừa dư thừa CO2 thì trước khi cho thở oxy cần giúp bệnh nhân khôi phục chức năng thở để đẩy hết CO2 dư thừa ra ngoài.
Thở oxy gồm các phương pháp sau:
Mặt nạ oxy, dùng ống thông đặt mũi, thở oxy cao áp và thở oxy trong lồng ấp.

3.7. Dùng thuốc 
Thuốc kháng sinh và thuốc kích thích hô hấp sẽ được dùng bổ trợ cùng với các phương pháp trên trong trường hợp cần thiết.
Thuốc kích thích hô hấp thường được sử dụng sau khi bệnh nhân đã được khơi thông đường hô hấp, đang thở oxy.
Những thuốc này phát huy tác dụng đối với các trường hợp bị suy thở cấp tính hoặc mạn tính.
Thuốc kháng sinh thì được chỉ định ở những bệnh nhân xuất hiện nhiễm trùng (COPD cấp đã nhiễm khuẩn, viêm phổi).
Suy hô hấp cấp là một biến chứng hô hấp nguy hiểm, gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bệnh nhân ngay khi có các triệu chứng của suy hô hấp cấp cần được đưa đi cấp cứu sớm sẽ giúp tăng cơ hội sống sót cho người bệnh.


TIP1


BIẾN CHỨNG SUY HÔ HẤP
Biến chứng suy hô hấp rất nghiêm trọng, đặc biệt là hình thành cục máu đông, thuyên tắc phổi, nhiễm trùng, tràn khí màng phổi,…
Bệnh diễn tiến nhanh và có thể để lại nhiều di chứng đáng lo ngại kể cả sau khi điều trị.
Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) có thể phát triển nhanh như thế nào?
Hội chứng suy hô hấp đặc trưng bởi tình trạng khó thở và thiếu oxy máu, tiến triển nặng dần trong vòng 6 – 72 giờ kể từ khi khởi phát.
Bệnh nhân thường xuyên phải thở máy và được chăm sóc đặc biệt.
Cụ thể, ban đầu người bệnh cảm thấy khó thở nhẹ.
Trong vòng 12 – 24 giờ kế tiếp, tình trạng suy hô hấp càng trở nên nghiêm trọng, người bệnh buộc phải thở máy để ngăn ngừa tình trạng thiếu oxy.
Tổn thương tế bào biểu mô và nội mô phổi được đặc trưng bởi tình trạng viêm, chết tế bào theo chương trình (apoptosis), hoại tử, tăng tính thấm của phế nang – mao mạch, dẫn đến phù phế nang và nhiễm protein.
Trong khi đó, phù phế nang làm giảm trao đổi khí, dẫn đến thiếu oxy máu.
Tổn thương do suy hô hấp cũng không đồng nhất.
Phần đáy phổi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn phần đỉnh, dẫn đến giảm độ giãn nở phổi theo vùng.

11 biến chứng suy hô hấp thường gặp

1. Tạo cục máu đông
Bệnh nhân bị suy hô hấp phải nằm yên trong bệnh viện để dùng máy thở, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt là ở các tĩnh mạch sâu ở chân.
Nếu cục máu đông hình thành ở chân, một phần trong đó có thể vỡ ra và di chuyển đến một hoặc cả hai phổi, gây ra tình trạng thuyên tắc phổi.

2. Tràn khí màng phổi
Một trong những biến chứng suy hô hấp rất đáng lo ngại là tràn khí màn phổi.
Trong hầu hết các trường hợp suy hô hấp, máy thở được sử dụng như một thiết bị giúp cung cấp oxy cần thiết cho cơ thể và đẩy dịch ra khỏi phổi.
Tuy nhiên, áp suất và thể tích không khí của máy thở có thể đẩy khí đi qua một lỗ nhỏ ở bên ngoài phổi, gây ra tình trạng tràn khí màng phổi.

3. Nhiễm trùng
Trong quá trình điều trị suy hô hấp, máy thở sẽ được gắn trực tiếp vào một ống và đưa vào khí quản.
Dễ dẫn đến lây nhiễm vi trùng, gây ra nhiễm trùng và khiến tình trạng tổn thương phổi càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Đây là một trong những biến chứng suy hô hấp rất đáng lo ngại.

4. Biến chứng suy hô hấp – Xơ phổi
Trong vòng vài tuần kể từ khi bị suy hô hấp, sẹo sẽ hình thành và mô giữa các túi khí cũng dày lên.
Tình trạng này làm cho phổi bị cứng lại, cản trợ vận chuyển oxy từ túi khí vào máu, dẫn đến xơ phổi.

5. Vấn đề với trí nhớ
Ở người bệnh bị suy hô hấp, lượng oxy trong máu thấp kết hợp với việc sử dụng thuốc an thần có thể dẫn đến mất trí nhớ và các vấn đề liên quan đến nhận thức.
Tổn thương có thể vĩnh viễn hoặc cải thiện theo thời gian tùy vào từng trường hợp.

6. Trầm cảm
Phần lớn bệnh nhân bị suy hô hấp đều có dấu hiệu trầm cảm, luôn cảm thấy vô vọng, rối loạn cảm xúc và mất hứng thú với những hoạt động hàng ngày.
Tình trạng này có thể điều trị được.
Là biến chứng suy hô hấp cần được quan tâm.

7. Biến chứng suy hô hấp – Khó thở
Nhiều người bệnh bị suy hô hấp sau điều trị có thể phục hồi hầu hết chức năng phổi trong vòng từ vài tháng đến hai năm.
Các vấn đề về hô hấp có thể tồn tại vĩnh viễn trong suốt quãng đời còn lại, bao gồm:
Khó thở, mệt mỏi,…
Nhiều trường hợp có thể cần phải thở oxy tại nhà trong nhiều tháng.

8. Nhịp thở nhanh, thở gấp
Biến chứng suy hô hấp nghiêm trọng là khó thở, đi kèm cảm giác tức ngực, nhịp thở nhanh, thở gấp, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cơn đau tim.
Tình trạng này xảy ra do cơ thể không tiếp nhận đủ oxy, buộc phải hoạt động nhiều hơn để hấp thụ lượng oxy bị thiếu hụt.

9. Giảm khả năng vận động
Người bị suy hô hấp thường rất khó khăn khi di chuyển hay thực hiện các hoạt động hàng ngày do các cơ và nhiều bộ phận khác trong cơ thể bị ảnh hưởng.
Về lâu dài, triệu chứng mệt mỏi, suy nhược, giảm vận động càng trở nên nghiêm trọng.

10. Rối loạn giấc ngủ
Suy hô hấp có thể gây ra rối loạn giấc ngủ, với các triệu chứng dễ nhận thấy như:
Ngủ không ngon, không sâu giấc, ngủ nhiều vào ban ngày, mất ngủ do khó thở, lo nghĩ,…
Tình trạng này nếu không được kiểm soát có nguy cơ gây trầm cảm.

11. Mệt mỏi và yếu cơ – Biến chứng suy hô hấp nguy hiểm
Ở trong bệnh viện và sử dụng máy thở có thể khiến cơ bắp yếu đi.
Có thể cảm thấy rất mệt mỏi sau khi điều trị.
Bệnh nhân bị suy hô hấp thường phải thở máy vì thiếu oxy.
Thở máy kéo dài thường dẫn đến lở loét trên cơ thể do không thể vận động, huyết khối tĩnh mạch sâu, suy đa cơ quan, sụt cân và giảm chức năng tổng thể.
Điều đáng lo ngại là hội chứng này có khả năng ảnh hưởng đến đồng thời nhiều cơ quan trong cơ thể.
Bệnh nhân có thể cần hỗ trợ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu ngực, điều trị nhiễm trùng huyết và chạy thận nhân tạo.
Nhiều trường hợp phải nằm viện trong nhiều tháng.
Ngay cả những người sống sót sau điều trị suy hô hấp cũng phải đối mặt với những di chứng nghiêm trọng do mất khối lượng cơ và thay đổi nhận thức (do thiếu oxy).

Suy hô hấp có nguy hiểm không?
Suy hô hấp rất nguy hiểm và có tiên lượng kém.
Tỷ lệ tử vong dao động từ 30 – 40%, đến nay có giảm đáng kể (9 – 20%) nhờ y học trang bị hệ thống máy thở tiên tiến, hiện đại, kết hợp điều trị kháng sinh và sự hiểu biết nhiều hơn của người bệnh.
Nguyên nhân tử vong chủ yếu ở bệnh nhân mắc suy hô hấp là nhiễm trùng huyết hoặc suy đa cơ quan.
Diễn tiến bệnh nhanh, nguy hiểm hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi.
Tình trạng thiếu oxy cũng dẫn đến những thay đổi và ảnh hưởng tiêu cực về nhận thức, có thể tồn tại trong nhiều tháng sau khi xuất viện.
Theo kết quả xét nghiệm chức năng, dung tích phổi được phục hồi gần như hoàn toàn ở bệnh nhân điều trị thành công.
Triệu chứng khó thở vẫn tồn tại khi hoạt động gắng sức.
Di chứng này khiến việc quay trở lại cuộc sống bình thường gặp rất nhiều khó khăn.

Suy hô hấp có chết không?
Suy hô hấp là một chứng rối loạn nghiêm trọng ở phổi, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có khả năng gây tử vong, tiên lượng kém và diễn tiến nhanh, đặc biệt là ở bệnh nhân lớn tuổi.

Cách phòng ngừa bệnh suy hô hấp
Suy hô hấp liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau nhưng không có cách nào để ngăn ngừa suy hô hấp một cách hoàn toàn.
Nhóm nguy cơ cao nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đường hô hấp, chức năng phổi, điều trị và kiểm soát các bệnh nhiễm trùng, tránh hút thuốc lá,…
Khi truyền dịch nên kiểm soát chặt chẽ, tránh quá nhiều dẫn đến tích tụ dịch trong phổi hoặc quá ít gây áp lực cho tim và các cơ quan khác, có thể dẫn đến sốc, khi cho ăn ở tư thế nằm nên kê cao đầu giường để tránh sặc,…

TIP2

NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG THUỐC ĐIỀU TRỊ SUY HÔ HẤP

Một số nguyên tắc cơ bản khi dùng thuốc điều trị suy hô hấp gồm:
Thuốc điều trị suy hô hấp cần được sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh cần dùng đúng liều lượng, tránh tự ý tăng liều, bỏ liều hoặc ngưng thuốc khi chưa được bác sĩ chỉ định.
Một số loại thuốc cần được dùng dưới sự giám sát trực tiếp của bác sĩ.
Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng bất thường nào khi dùng thuốc, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Nếu quên liều người bệnh cần dùng thuốc ngay khi nhớ ra, nhưng nếu đã quá gần với thời điểm dùng liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục sử dụng thuốc đúng lịch.
Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng gấp đôi liều để bù cho liều thuốc đã quên.
Người bệnh cần cẩn trọng, tham khảo ý kiến bác sĩ nếu dùng thuốc điều trị suy hô hấp cùng những loại thuốc khác để tránh xảy ra tình trạng tương tác thuốc, dẫn đến các phản ứng bất lợi.

Nên cho bác sĩ biết về những loại thuốc mà bản thân đang sử dụng (bao gồm cả thuốc không kê đơn, thảo dược, thực phẩm chức năng…); qua đó, bác sĩ có thể cân nhắc, chỉ định phác đồ dùng thuốc phù hợp.

Người đang mắc phải một số bệnh lý mạn tính, có thai hoặc nghi đang mang thai, bị dị ứng thuốc… cần thông báo cho bác sĩ biết trước khi dùng thuốc.

Tham khảo danh sách các nhóm thuốc điều trị suy hô hấp thường gặp
Lưu ý, các loại thuốc mang tính tham khảo, không có ý nghĩa chỉ định hay giới thiệu.

1. Nhóm thuốc điều trị suy hô hấp oxit nitric
Oxit nitric là loại thuốc điều trị suy hô hấp ở dạng khí, được sử dụng bằng cách hít vào (qua mũi hoặc miệng).
Oxit nitric hoạt động bằng cách làm giãn cơ trơn để mạch máu mở rộng (giãn nở), đặc biệt là ở phổi.
Oxit nitric thường được bác sĩ chỉ định dùng cùng máy thở để chữa trị chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh (đủ tháng hoặc gần đủ tháng) do tăng áp phổi…
Trẻ sơ sinh sẽ được dùng loại thuốc này ở phòng chăm sóc đặc biệt dành riêng cho trẻ sơ sinh (NICU) hoặc ở đơn vị y tế tương tự.
Oxit nitric cũng có thể được dùng cho những mục đích khác, tùy vào sự cân nhắc, chỉ định của bác sĩ.
Nhóm thuốc oxit nitric được sản xuất và cung ứng thông qua các thương hiệu như INOmax, Genosyl, Noxivent, Ulspira… và chỉ được dùng khi có sự chỉ định, giám sát trực tiếp của bác sĩ.

2. Caffeine và sodium benzoate
Thuốc tiêm caffeine và sodium benzoate (natri benzoat) có thể được bác sĩ chỉ định dùng cùng những liệu pháp hỗ trợ khác để chữa trị chứng suy hô hấp (thở rất chậm) do sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau gây nghiện hoặc uống quá nhiều rượu.
Loại thuốc này chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định, giám sát của bác sĩ.

3. Một số thuốc điều trị suy hô hấp khác

Thuốc Baloxavir: 
Viên nén Baloxavir marboxil được chỉ định để điều trị cúm hoặc cúm cấp tính không biến chứng ở những người bệnh từ 12 tuổi trở lên.

Thuốc Beractant: 
Beractant là chất hoạt động bề mặt, giúp phổi hoạt động bình thường.
Chất này tương tự như chất lỏng tự nhiên trong phổi, giúp duy trì hơi thở hiệu quả.
Beractant là thuốc tiêm vào khí quản, được chỉ định để chữa trị hội chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non.

Lucinactant: 
Lucinactant là chất hoạt động bề mặt tổng hợp có chứa peptide, được chỉ định dùng để chữa trị chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non.

Metaproterenol/Orciprenaline: 
Đây là loại thuốc giãn phế quản, được chỉ định cho người bị hen suyễn và những bệnh lý khác về đường hô hấp.

Peramivir: 
Peramivir được chỉ định để điều trị bệnh cúm cấp tính không biến chứng ở những người bệnh từ 18 tuổi trở lên, biểu hiện triệu chứng không quá 2 ngày.

Pirbuterol Acetate: 
Pirbuterol Acetate là loại thuốc giãn phế quản được chỉ định dùng cho người bệnh hen suyễn.

Sulfadimidin: 
Loại thuốc này được chỉ định để chữa trị tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt và nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn.

Tác dụng phụ của thuốc trị suy hô hấp
Các loại thuốc điều trị suy hô hấp có thể gây ra tác dụng phụ.
Tùy vào loại thuốc được sử dụng, người bệnh có thể gặp những phản ứng phụ khác nhau, ví dụ như:
Oxit nitric gây ra ít tác dụng phụ nhưng trẻ khi dùng thuốc có thể thở khò khè, trong nước tiểu có máu hoặc có khả năng bị xẹp phổi ở trẻ sơ sinh.
Trẻ cũng có nguy cơ gặp khó khăn khi thở sau khi đã ngừng chữa trị bằng oxit nitric…

Thuốc tiêm caffeine và sodium benzoate (natri benzoat) có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như:
Tăng nhịp tim; mạch đập nhanh, mạnh hoặc không đều; run rẩy tay, chân…

Thuốc Baloxavir có thể dẫn đến các tác dụng phụ thường gặp như tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phế quản, đau đầu, buồn nôn…

Thuốc Beractant có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hô hấp.
Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng bao gồm thở có tiếng ồn, gặp vấn đề về đường ruột…
Trong trường hợp trẻ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng chẳng hạn như da nhợt nhạt, nhịp tim chậm, đi tiểu ít hơn bình thường, có máu trong nước tiểu… người thân cần nhanh chóng thông báo ngay cho bác sĩ.

Thuốc Lucinactant có thể dẫn đến các tác dụng phụ như khó thở, suy giảm chức năng phổi, chảy máu phổi, nhiễm trùng…

Metaproterenol/Orciprenaline có thể dẫn đến các tác dụng phụ như khó tiêu, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, kích ứng cổ họng, run, ho, hen suyễn nghiêm trọng hơn…

Thuốc Peramivir có thể dẫn đến các tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy, nhịp tim bất thường, khàn giọng, ho, khó thở, nổi ban đỏ, sốt, ớn lạnh…

Thuốc Pirbuterol Acetate có thể dẫn đến các tác dụng phụ như run rẩy, nhức đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, ho, khô miệng, buồn nôn, thay đổi mùi/vị, phát ban, tê ở tứ chi…

Thuốc Sulfadimidin có thể dẫn đến các tác dụng phụ như phát ban, tiêu chảy, thiếu máu, nước tiểu đục…

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết nếu gặp phải các tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống.

Suy hô hấp dùng thuốc bao lâu khỏi?
Dùng thuốc điều trị suy hô hấp bao lâu thì khỏi bệnh còn tùy vào loại thuốc được sử dụng, tình trạng bệnh lý, khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh…
Thông qua kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cho người bệnh dùng loại thuốc phù hợp, mang đến kết quả tối ưu.
Để nâng cao hiệu quả chữa trị, người bệnh cần tuân theo phác đồ dùng thuốc của bác sĩ.
Cách điều trị suy hô hấp khác
Ngoài cách sử dụng thuốc điều trị suy hô hấp, bác sĩ có thể chỉ định áp dụng thực hiện thêm một số phương pháp như:

Liệu pháp oxy: 
Hiện có nhiều phương pháp giúp đưa oxy vào phổi, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định liệu pháp oxy phù hợp tùy theo mức độ bệnh, chẳng hạn như:

Ống thông mũi: 
Ống nhựa được sử dụng để gắn với bình oxy di động rồi đặt vào mũi của người bệnh.

Mặt nạ thông khí: 
Người bệnh được đeo mặt nạ gắn vào túi khí để giúp đưa lượng oxy đi vào phổi nhiều hơn.

Thông khí áp lực dương không xâm lấn (NPPV): 
Kỹ thuật này dùng một chiếc mặt nạ, hay thiết bị trùm qua mũi hoặc miệng người bệnh.
Sẽ có một ống nối mặt nạ với máy thổi khí vào ống để đảm bảo rằng đường thở của người bệnh được mở trong lúc ngủ.

Máy thở cơ học: 
Máy thở giúp thổi không khí với lượng oxy cao vào đường thở và phổi người bệnh.
Thế nhưng kỹ thuật này lại không được áp dụng trong thời gian dài.

Mở khí quản: 
Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạo ra một lỗ đi qua trước cổ vào khí quản (được gọi là mở khí quản hoặc ống khí quản để giúp người bệnh thở dễ dàng hơn).

Oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO): 
Kỹ thuật này bơm máu qua phổi nhân tạo để giúp bổ sung oxy, loại bỏ carbon dioxide trước khi máu được đưa trở lại cơ thể.
ECMO có thể được ứng dụng trong khoảng vài ngày đến vài tuần để giúp phổi có thời gian hồi phục…

Những phương pháp hỗ trợ điều trị khác: 
Nếu người bệnh phải nhập viện chữa trị trong khoảng thời gian dài, bác sĩ có thể chỉ định áp dụng một số phương pháp bổ sung để giúp quản lý, ngăn ngừa các biến chứng suy hô hấp khác  ví dụ như:

Chất lỏng: 
Chất lỏng được truyền vào mạch máu của người bệnh qua đường tĩnh mạch để giúp cải thiện lưu lượng máu đi đến khắp cơ thể.

Hỗ trợ dinh dưỡng: 
Để đảm bảo cơ thể nhận đủ những dưỡng chất cần thiết, người bệnh cần được truyền chất dinh dưỡng trong suốt quá trình thở máy.

Vật lý trị liệu: 
Đây là phương pháp giúp duy trì sức mạnh cho cơ thể, ngăn ngừa sự hình thành các vết loét, đồng thời giúp rút ngắn thời gian thở máy, góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục.

Phục hồi chức năng phổi: 
Người bệnh được hướng dẫn thực hiện những bài tập giúp cải thiện mức oxy và hỗ trợ phục hồi chức năng phổi.




HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ SUY HÔ HẤP NẶNG DO BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH


1. ĐẠI CƯƠNG
Những trường hợp đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT, COPD) có đe dọa cuộc sống (bảng 10.3) hoặc những bệnh nhân có ≥ 2 dấu hiệu nặng trong bảng 12.1, cần được điều trị tại khoa hồi sức.

2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Chẩn đoán xác định
Triệu chứng lâm sàng.
- Đã được chẩn đoán BPTNMT.
- Xuất hiện các dấu hiệu:
+ Khó thở tăng lên, thở rít.
+ Nghe phổi có nhiều ran ngáy, ran rít; có thể có ran nổ hoặc ran ẩm.
+ Khạc đờm nhiều hơn, đờm đục.
+ Có thể có tím, vã mồ hôi.
+ Rối loạn tinh thần, nếu khó thở nguy kịch có thể rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê.
Triệu chứng cận lâm sàng.
- PaO2 giảm nặng, SpO2 giảm, PaCO2 tăng cao, pH giảm.
- X-quang phổi: hình ảnh thành phế quản dày, phổi quá sáng, có hình lưới, nốt, thâm nhiễm hai bên phổi.

2.2. Chẩn đoán nguyên nhân
- Nguyên nhân trực tiếp thường gặp nhất gây đợt cấp là nhiễm trùng khí phế quản phổi cấp do virus hoặc vi khuẩn (các vi khuẩn thường gặp là Streptococcus pneumoniae, Hemophilus influenzaeMoraxella catarrhalis), Pseudomonas aeruginosa.
- Nguyên nhân khác: nhiễm lạnh, bụi ô nhiễm, khói khí độc.
- Không rõ nguyên nhân: 1/3 các trường hợp.

2.3. Chẩn đoán phân biệt
- Lao phổi.
- Hen phế quản.
- Tràn khí màng phổi.
- Nhồi máu phổi.

2.4. Đánh giá mức độ nặng của đợt cấp BPTNMT

Bảng 12.1: Đánh giá mức độ nặng của đợt cấp BPTNMT
Các chỉ số Nặng Nguy kịch
Lời nói Từng từ Không nói được
Tri giác Ngủ gà, lẫn lộn Hôn mê
Co kéo cơ hô hấp Rất nhiều Thở nghịch thường
Tần số thở /phút 25-35 Thở chậm, ngừng thở
Khó thở Liên tục Liên tục
Tính chất đờm:
- Thay đổi màu sắc
- Tăng số lượng
- Kèm theo sốt
- Kèm theo tím và phù mới xuất hiện
Có 3 trong 4 đặc điểm Có thể cả 4, nhưng thường bệnh nhân không ho khạc được nữa
Mạch/phút > 120 Chậm, loạn nhịp
SpO2 % 87-85 < 85
PaO2 mmHg 40-50 <40
PaCO2 mmHg 55-65 > 65
pH máu 7,25-7.30 < 7,25

Chú ý: Chỉ cần có 2 tiêu chuẩn của mức độ nặng trở lên ở một mức độ là đủ.

3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Đợt cấp BPTNMT có suy hô hấp nặng
- Thở oxy qua gọng kính, giữ SpO2: 90% - 92%.
- Dùng thuốc giãn phế quản tại chỗ:
+ Thuốc cường beta-2, khí dung qua mặt nạ 5 mg (salbutamol, terbutalin), nhắc lại tuỳ theo tình trạng BN, có thể dùng nhiều lần.
+ Thuốc kháng cholinergic: ipratropium (0,5 mg) khí dung qua mặt nạ, nhắc lại nếu cần thiết.
+ Dạng kết hợp thuốc kháng cholinergic và cường beta-2 adrenergic (Fenoterol/Ipratropium; Salbutamol/ Ipratropium) khí dung qua mặt nạ.
- Kết hợp truyền tĩnh mạch các thuốc cường beta-2 (salbutamol, terbutalin).
+ Tốc độ khởi đầu 0,5 mg/giờ, điều chỉnh liều theo đáp ứng của bệnh nhân (tăng tốc độ truyền 30 phút/lần cho tới khi có đáp ứng hoặc đạt liều tối đa 3 mg/giờ).
+ Có thể dùng aminophylin 0,24 g pha với 100 ml dịch glucose 5%, truyền trong 30- 60 phút, sau đó truyền duy trì với liều 0,5 mg/kg/giờ. Tổng liều theophyllin không quá 10 mg/kg/24 giờ.
- Methylprednisolon 2 mg/kg/24 giờ tiêm tĩnh mạch chia 2 lần.
- Kháng sinh:
+ Cephalosporin thế hệ 3 (cefotaxim hoặc ceftazidim 3 g/ngày).
+ Kết hợp với nhóm aminoglycosid hoặc fluoroquinolon.
+ Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn bệnh viện: dùng kháng sinh theo phác đồ xuống thang, dùng kháng sinh phổ rộng và có tác dụng trên trực khuẩn mủ xanh.

Thở máy không xâm nhập
- Thường lựa chọn phương thức BiPAP:
+ Bắt đầu với: IPAP = 8 - 10 cmH2O.
+ EPAP: 4 - 5 cmH2O.
+ FiO2 điều chỉnh để có SpO2 > 90%.
+ Điều chỉnh thông số: tăng IPAP mỗi lần 2 cmH2O.
- Mục tiêu: bệnh nhân dễ chịu, tần số thở < 30/phút, SpO2 > 90%, xét nghiệm không có nhiễm toan hô hấp.
- Nếu thông khí không xâm nhập không hiệu quả hoặc có chống chỉ định: đặt ống nội khí quản và thông khí nhân tạo qua ống nội khí quản.

Thở máy xâm nhập
- Phương thức: nên chỉ định thông khí nhân tạo hỗ trợ/điều khiển thể tích
+ Vt = 5 - 8 ml/kg
+ I/E = 1/3.
+ Trigger 3-4 lít/phút.
+ FiO2 lúc đầu đặt 100%, sau đó điều chỉnh theo oxy máu.
+ PEEP = 5 cmH2O hoặc đặt bằng 0,5 auto PEEP.
- Các thông số được điều chỉnh để giữ Pplat < 30 cmH2O, auto-PEEP không tăng, SpO2 > 92%, pH máu > 7,20. Duy trì tần số thở ở khoảng 20 lần/phút bằng thuốc an thần.
- Trong trường hợp bệnh nhân khó thở nhiều, không thở theo máy, có thể chuyển sang thông khí điều khiển (thể tích hoặc áp lực).

Việc dùng an thần liều cao hoặc giãn cơ có thể làm khó cai thở máy.

- Đánh giá tình trạng bệnh nhân hàng ngày để xem xét cai thở máy khi các yếu tố gây mất bù đã được điều trị ổn định.

3.2. Đợt cấp BPTNMT có suy hô hấp nguy kịch
- Bóp bóng qua mặt nạ với oxy 100%.
- Đặt ống nội khí quản, thông khí nhân tạo.
- Hút đờm qua nội khí quản lèm xét nghiệm vi khuẩn học.
- Dùng thuốc giãn phế quản truyền tĩnh mạch (xem phần 3.1.).
- Tiêm tĩnh mạch corticoid (xem phần 3.1.).
- Dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch (xem phần 3.1).

3.3. Kháng sinh
Dùng kết hợp kháng sinh: nhóm cephalosporin thế hệ 3 (ceftazidim 3 g/ngày) hoặc imipenem 50 mg/kg/ngày, kết hợp amikacin 15 mg/kg/ngày hoặc ciprofloxacin 800 mg/ngày levofloxacin 750 mg/ngày.

4. Theo dõi - Dự phòng
- Theo dõi tình trạng suy hô hấp, tắc nghẽn phế quản để điều chỉnh liều thuốc và thông số máy thở.
- Theo dõi phát hiện biến chứng của thở máy.
- Đánh giá ý thức bệnh nhân, tiến triển của bệnh hàng ngày để xem xét chỉ định cai thở máy.
- Dự phòng: xem bài hướng dẫn chẩn đoán và điều trị BPTNMT.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Burge S., Wedzicha J.A. (2003), “COPD exacerbations: definitions and classifications”. Eur Respir J; 21 (41); pp.46-53.
2. Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease (2011), “Global Strategy for Diagnosis, Management, and Prevention of COPD”, Internet version, updated 2011, http://www.goldcopd.com/guidelinesresources.asp?l1=2&l2=0
3. Stoller J.K. (2010), “Management of acute exacerbations of chronic obstructive pulmonary disease”, UpToDate online 18.3, http://www.uptodate.com/contents/management-of-acute- exacerbations-of-chronic-obstructive-pulmonary-disease
4. Witt ChA., Kollef M.H. (2008), “Acute exacerbations of chronic obstructive pulmonary disease", The Washington Manual of Critical care, 32nd ed , Lippincott Williams & Wilkins, pp.71-76.





HƯỚNG DẪN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP VÀ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

1. ĐẠI CƯƠNG

Phục hồi chức năng hô hấp giúp làm giảm triệu chứng khó thở, cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng khả năng gắng sức, giúp ổn định hoặc cải thiện bệnh, giảm số đợt kịch phát phải nhập viện điều trị, giảm số ngày nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị.

Phục hồi chức năng hô hấp bao gồm 3 nội dung chính:
- Giáo dục sức khỏe:
Người bệnh được tư vền cai thuốc lá, kiến thức về bệnh, hướng dẫn sử dụng thuốc, thở oxy đúng cách, kỹ năng dùng ống bơm xịt, bình hít hay máy khí dung, các phương pháp ho khạc đờm, tập thở.
Bệnh nhân cũng được tư về để có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm cải thiện tình trạng gầy yếu, sút cân, suy dinh dưỡng thường đi kèm với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT, COPD).

- Vật lý trị liệu hô hấp:
Bệnh nhân được hướng dẫn và thực hành các kỹ thuật cải thiện thông khí, ho khạc đờm, học các bài tập thể dục và vận động để tăng cường thể chất và khắc phục hậu quả căn bệnh.
Các bài tập cần được thiết kế phù hợp với mỗi bệnh nhân.

- Hỗ trợ tâm lý và tái hòa nhập xã hội:
Rối loạn tâm thần kiểu trầm cảm thường đi kèm với BPTNMT.
Nếu bệnh nhân được tư vền và hỗ trợ tâm lý sẽ cải thiện được tình trạng này.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi đề cập đến nội dung vật lý trị liệu hô hấp cho bệnh nhân BPTNMT.

2. VẬT LÝ TRỊ LIỆU - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP

2.1. Phương pháp thông đờm làm sạch đường thở
- Mục đích: giúp bệnh nhân biết cách loại bỏ đờm, dịch tiết phế quản làm cho đường thở thông thoáng.
- Chỉ định: bệnh nhân có nhiều đờm gây cản trở hô hấp hoặc gặp khó khăn khi khạc đờm.

Phương pháp này bao gồm 2 kỹ thuật chính:

2.1.1. Ho có kiểm soát
- Ho thông thường:
Là một phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm tống những vật lạ ra ngoài.
- Để thay thế những cơn ho thông thường dễ gây mệt, khó thở, cần hướng dẫn bệnh nhân sử dụng kỹ thuật ho có kiểm soát:
+ Ho có kiểm soát là động tác ho hữu ích giúp tống đờm ra ngoài, làm sạch đường thở và không làm cho người bệnh mệt, khó thở.
+ Mục đích của ho có kiểm soát không phải để tránh ho mà lợi dụng động tác ho để làm sạch đường thở.

+ Ở bệnh nhân BPTNMT cần có một luồng khí đủ mạnh tích lũy phía sau chỗ ứ đọng đờm để đẩy đờm di chuyển ra ngoài.

Kỹ thuật ho có kiểm soát.
+ Bước 1: Ngồi trên giường hoặc ghế thư giãn, thoải mái.
+ Bước 2: Hít vào chậm và thật sâu.
+ Bước 3: Nín thở trong vài giây.
+ Bước 4: Ho mạnh 2 lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài.
+ Bước 5: Hít vào chậm và nhẹ nhàng.
Thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho.

Lưu ý:
- Khạc đờm vào lọ để xét nghiệm hoặc khạc vào khăn giấy, sau đó bỏ vào thùng rác tránh lây nhiễm.
- Khi có cảm giác muốn ho, đừng cố gắng nín ho mà nên thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát để giúp tống đờm ra ngoài.
- Tùy lực ho và sự thành thạo kỹ thuật của mỗi người, có khi phải lặp lại vài lần mới đẩy được đờm ra ngoài.
- Một số người bệnh có lực ho yếu có thể thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh.

2.1.2. Kỹ thuật thở ra mạnh

Nhằm thay thế động tác ho có kiểm soát trong những trường hợp người bệnh yếu mệt, không đủ lực để ho.

Kỹ thuật thở ra mạnh.
+ Bước 1: Hít vào chậm và sâu.
+ Bước 2: Nín thở trong vài giây.
+ Bước 3: Thở ra mạnh và kéo dài.
+ Bước 4: Hít vào nhẹ nhàng. Hít thở đều vài lần trước khi lập lại.

Lưu ý:
Để hỗ trợ thông đờm có hiệu quả cần phải.

- Uống đủ nước hàng ngày, trung bình từ 1 lít 1,5 lít nước, nhất là những bệnh nhân có thở oxy, hoặc trong điều kiện thời tiết nóng bức.
- Chỉ nên dùng các loại thuốc long đờm, loãng đờm, không nên dùng các thuốc có tác dụng ức chế ho.

2.2. Bảo tồn và duy trì chức năng hô hấp
- Mục đích:
+ Hướng dẫn các bài tập thở để khắc phục sự ứ khí trong phổi.
+ Hướng dẫn các biện pháp đối phó với tình trạng khó thở.
- Ở bệnh nhân COPD nhất là ở nhóm viêm phế quản mạn, thường có tình trạng tắc nghẽn các đường đẫn khí do đờm nhớt hay viêm nhiễm phù nề gây hẹp lòng phế quản.
Còn ở nhóm khí phế thũng, các phế nang thường bị phá hủy, mất tính đàn hồi.
Hậu quả không khí thường bị ứ đọng trong phổi, gây thiếu oxy cho nhu cầu cơ thể.
Các bài tập thở là các kỹ thuật nhằm khắc phục tình trạng ứ khí trong phổi và tăng cường cử động hô hấp của lồng ngực.

2.2.1. Bài tập thở chúm môi
- Khí bị nhốt trong phổi làm cho người bệnh khó thở; đẩy được lượng khí cặn ứ đọng trong phổi ra ngoài mới có thể hít được không khí trong lành.
- Thở chúm môi là phương pháp giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn.

Kỹ thuật thở chúm môi.
+ Tư thế ngồi thoải mái.
+ Thả lỏng cổ và vai.
+ Hít vào chậm qua mũi.
+ Môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra bằng miệng chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

Lưu ý:
+ Nên lặp lại động tác thở chúm môi nhiều lần cho đến khi hết khó thở.
+ Tập đi tập lại nhiều lần sao cho thật nhuần nhuyễn và trở thành thói quen.
+ Nên dùng kỹ thuật thở chúm môi bất cứ lúc nào cảm thấy khó thở, như khi leo cầu thang, tắm rửa, tập thể dục.

2.2.2. Bài tập thở hoành
Các lý do cần tập thở hoành cho bệnh nhân có BPTNMT:
- Do tình trạng ứ khí trong phổi nên lồng ngực bị căng phồng làm hạn chế hoạt động của cơ hoành.
- Cơ hoành là cơ hô hấp chính, nếu hoạt động kém sẽ làm thông khí ở phổi kém và các cơ hô hấp phụ phải tăng cường hoạt động.
- Tập thở cơ hoành sẽ giúp tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp và tiết kiệm năng lượng.

Kỹ thuật thở hoành.

+ Ngồi ở tư thế thoải mái. Thả lỏng cổ và vai.
+ Đặt 1 bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực.
+ Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên. Lồng ngực không di chuyển.
+ Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Lưu ý:
+ Nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen.
+ Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế nằm hoặc ngồi, nên tập thở cơ hoành khi đứng, khi đi bộ và cả khi làm việc nhà.

2.2.3. Các biện pháp đối phó với cơn khó thở
- Chọn các tư thế đứng hoặc ngồi sao cho phần thân trên từ hông trở lên hơi cúi về phía trước.
Có thể tìm các điểm tựa như tường, mặt bàn, bệ gạch,... tư thế này giúp cơ hoành di chuyển dễ dàng hơn.
- Luôn kết hợp với thở chúm môi.
- Ở tư thế ngồi, tay nên đặt ở tư thế sao cho khuỷu tay hoặc bàn tay chống lên đầu gối hay đầu tựa vào cẳng tay. ở tư thế này, các hoạt động của các cơ hô hấp ở lồng ngực hỗ trợ tốt nhất để làm nở phổi.

2.2.4. Cơn khó thở về đêm

Nếu bệnh nhân có cơn khó thở về đêm, thường phải thức giấc vì khó thở cần lưu ý:

Trước khi ngủ:
+ Dùng thuốc giãn phế quản loại tác dụng kéo dài.
+ Dùng nhiều gối để kê đầu cao khi ngủ.
+ Đặt thuốc bơm xịt loại để cắt cơn ngay cạnh giường, trong tầm tay.

Khi thức giấc vì khó thở:

+ Ngồi ở cạnh mép giường với tư thế hơi cúi người ra phía trước, khuỷu tay chống gối.
+ Thở chúm môi chậm rãi và điềm tĩnh cho đến khi hết khó thở.

2.3. Tập thể dục và luyện tập
2.3.1. Xây dựng chương trình luyện tập
Thể dục và vận động liệu pháp là một phương pháp giúp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ.

Trong BPTNMT, thể dục và vận động liệu pháp giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh tật tốt hơn, dễ thích nghi với bệnh tật và mang lại niềm vui sống cho bệnh nhân.

- Tập thể dục giúp cho khí huyết lưu thông, cơ bắp mạnh khỏe hơn, cơ hô hấp mạnh hơn.
- Các bài tập được xây dựng phù hợp với khả năng và thể lực của từng người và được tăng dần cường độ để đạt được hiệu quả cần thiết.
- Các động tác đơn giản, từ nhẹ đến nặng, khi bệnh nhân cảm thấy khó thở thì dừng lại.

2.3.2. Các bài tập vận động
Bài tập vận động tay
- Bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập vận động tay để tăng cường sức cơ chi trên, cơ hô hấp.
- Các bắp cơ vai, ngực và cánh tay khỏe mạnh sẽ hỗ trợ tốt cho động tác hô hấp và những động tác thường ngày như nấu ăn, quét dọn, vệ sinh cá nhân.
- Các loại hình vận động tay thường dùng: nâng tạ, máy tập chi trên đa năng.

Bài tập vận động chân.
- Giúp cho các bắp cơ ở chân rắn chắc hơn, bên cạnh đó còn giữ vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện chức năng tim - phổi, giúp cho cơ thể có được sức bền cần thiết, dẻo dai và người bệnh sẽ lâu mệt hơn khi phải gắng sức.
- Bài tập vận động chân còn giúp cho người bệnh đi lại tốt hơn, đem lại sự năng động và tự tin cho bệnh nhân và không lệ thuộc vào người khác.
- Bài tập được xây dựng phù hợp với khả năng và thể lực của từng người và được tăng dần cường độ để đạt được hiệu quả cần thiết.
- Loại hình thường được sử dụng: xe đạp lực kế, thảm lăn, đi bộ trên mặt phẳng, leo cầu thang.

2.3.3. Thời gian, liệu trình tập luyện
- Chương trình tập luyện được xây dựng trong khoảng thời gian ít nhất 8 tuần, mỗi tuần 3 buổi.
Bệnh nhân BPTNMT tham gia chương trình phải tham gia đầy đủ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Khi đã thành thạo các bài tập, bệnh nhân sẽ tự tập luyện tại nhà.
- Luyện tập vận động không đều đặn, không đầy đủ, không đúng phương pháp sẽ không đem lại những kết quả như mong muốn.

2.3.4. Hướng dẫn bệnh nhân tập luyện các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày

- Đi bộ
+ Bắt đầu bằng đi bộ một thời gian ngắn trên mặt phẳng, có thể dùng oxy nếu cần thiết.

Khi có cảm giác khó thở phải dừng lại ngay.

+ Khuyên bệnh nhân đi theo tốc độ của riêng mình, phù hợp với gắng sức của họ.
+ Trong khi đi bách bộ cần kết hợp với bài tập thở hoành, khi hít vào bụng giãn nở to, khi thở ra bụng xẹp lại.

Lưu ý:
- Tránh những động tác thừa không cần thiết, tránh mang những vật nặng.
- Kéo dài khoảng cách đi bộ của mình theo nỗ lực tập luyện hàng ngày của bệnh nhân.
Dần dần bệnh nhân sẽ thấy hài lòng vì khả năng gắng sức đã được cải thiện.
- Đặt mục tiêu hợp lý để đạt được, không nên cố gắng mọi cách để đạt được mục tiêu đó.

- Leo cầu thang
+ Leo cầu thang là một gắng sức thể lực nặng do vậy có thể phải thở oxy bổ sung trong quá trình leo.
+ Bệnh nhân cần bước từng bước một tay bám vào tay vịn của cầu thang để giữ thăng bằng tránh ngã.
+ Vừa leo cầu thang vừa phối hợp với thở hoành và thở chúm môi để giảm khó thở và tăng khả năng gắng sức.
+ Khi bệnh nhân cảm thấy khó thở thì dừng lại và ngồi nghỉ tại bậc hoặc chiếu nghỉ của cầu thang.

- Tắm rửa, vệ sinh cá nhân
+ Tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân là một trong những việc thường gây khó thở.
+ Không nên tắm khi thấy trong người không khỏe và ở nhà một mình.
+ Nên dùng vòi hoa sen loại cầm tay, ống dẫn nước đủ dài di động dễ dàng.
+ Dùng bàn chải có cán dài để kỳ cọ, tránh phải cúi người hoặc với tay.
+ Để tránh khó thở, nên dùng ghế để ngồi khi tắm.
Chọn ghế loại chắc chắn, nhẹ, chiều cao thích hợp, có chỗ dựa hoặc không tuỳ ý.
+ Nên đặt những thanh vịn trong nhà tắm để có chỗ bám, tựa khi cần thiết.
+ Không nên dùng các loại xà bông, dầu gội có mùi hắc khó chịu.
+ Nếu bệnh nhân đang thở oxy dài hạn tại nhà, trong khi tắm cũng vẫn cần phải thở oxy.
Đặt bình oxy cạnh cửa phòng tắm, dây dẫn oxy đủ dài đưa vào nhà tắm.

- Mặc quần áo
+ Sắp xếp tủ quần áo gọn gàng, ngăn nắp sao cho dễ lấy, vừa tầm tay.
+ Tránh các loại quần áo chật, bó sát, quá nhiều lớp, các loại áo cổ kín, cổ cao, áo cài nút sau lưng.
+ Nếu khó chịu khi dùng thắt lưng, nên thay bằng quần chun hoặc quần có dây đeo vai.
+ Phụ nữ nên dùng áo ngực loại mềm mại, co giãn hoặc thay bằng áo lót.
+ Nên ngồi xuống giường hoặc ghế khi mặc quần áo để tránh khó thở.
+ Nếu thấy mệt khi cúi gập người, nên sử dụng các dụng cụ mang tất có dây kéo, dụng cụ mang giày có cán dài.
Tốt nhất dùng các loại giày không cột dây.

- Làm việc nhà
+ Sắp xếp để có thể đi một vòng, tránh đi tới đi lui nhiều lần.
+ Nên dùng loại xe đẩy nhỏ có bánh xe để chất đồ đạc lên.
+ Hạn chế đi cầu thang.
Nếu bắt buộc phải đi, nên nghỉ ở khoảng giữa cầu thang và đặt ghế ở cuối để ngồi nghỉ.
+ Tránh dùng các loại có mùi gắt như dầu lửa, long não, thuốc tẩy.

- Làm bếp
+ Sắp xếp các dụng cụ làm bếp vừa tầm tay, dễ lấy, tránh đi tới, đi lui.
+ Nên ngồi khi chuẩn bị món ăn.
Chọn món ăn đơn giản, dễ làm, không cầu kỳ.
Ưu tiên cho các thức ăn làm sẵn và tận dụng khả năng bảo quản thức ăn của tủ lạnh.
+ Khi dọn dẹp nên dùng mâm hoặc xe đẩy nhỏ.
+ Tuyệt đối tránh các loại bếp có nhiều khói hoặc các món nướng.
Ưu tiên sử dụng bếp điện hoặc lò vi sóng.
+ Nhà bếp cần thông thoáng, nên có quạt thông gió hoặc quạt máy nhỏ.

- Ra ngoài
+ Sắp xếp công việc sao cho không lúc nào phải vội vã, làm việc gì cũng khoan thai, vừa với sức mình.
+ Không nên đi xe điện ngầm.
Nếu đi xe buýt, tránh đi những xe quá đông người.
Nếu đi ô tô riêng, tránh vào xe ngay sau khi xe đỗ lâu ở ngoài nắng.
Nên vặn máy điều hòa trước hoặc mở cửa xe cho thoáng.
+ Tránh đến những nơi đông người mà kém thoáng khí như trong tầng hầm, trong nhà kín vì không khí có nhiều CO2 và dễ bị lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp.
+ Chú ý giữ ấm nếu khí hậu bên ngoài lạnh và nhiều gió.
+ Nên tiêm vaccin phòng cúm hàng năm và vaccin phòng phế cầu mỗi 3 - 5 năm.

- Đi mua sắm
+ Nên sử dụng các loại xe đẩy khi đi mua sắm, tránh xách hoặc mang vác nặng.
+ Mua và thử quần áo có thể làm cho bệnh nhân rất mệt.
Nên biết trước số đo của mình hoặc mang theo thước dây.
Cách khác là chỉ mua sắm ở những tiệm quen để có thể đổi lại nếu không vừa.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bartolome R. Celli (2011), “Pulmonary rehabilitation in COPD”, UpToDate version 19.1.
2. Geddes E.L., O'Brien K., Reid W.D. et al. (2008), “Inspiratory muscle training in adults with chronic obstructive pulmonary disease: an update of a systematic review”, Respir Med; 102; pp.1715.
3. Nici L., Donner C., Wouters E. et al. (2006), “American Thoracic Society/European Respiratory Society statement on pulmonary rehabilitation", Am J Respir Crit Care Med; 173; pp.1390.
4. Salman G.F., Mosier M.C., Beasley B.W. et al. (2003), "Rehabilitation for patients with chronic obstructive pulmonary disease: meta-analysis of randomized controlled trials", J Gen Intern Med; 18; pp.213.
5. Seymour J.M., Moore L., Jolley C.J. et al. (2010), “Outpatient pulmonary rehabilitation following acute exacerbations of COPD”, Thorax; 65; pp.423.
6. Troosters T., Casaburi R., Gosselink R., et al. (2005), “Pulmonary rehabilitation in chronic obstructive pulmonary disease", Am J Respir Crit Care Med; 172; pp.19.