Điều trị Ho kéo dài

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 


HO



Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp loại bỏ các chất gây kích ứng ra khỏi đường hô hấp. Phản xạ ho cũng là cách để cơ thể tự bảo vệ và chữa lành.
Nguyên nhân bị ho
Nguyên nhân phổ biến nhất của ho cấp tính ở người lớn là nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus cấp tính, còn được gọi là cảm lạnh thông thường và viêm phế quản cấp tính.
Viêm phế quản cấp tính thường do virus nhưng nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây ra bệnh.
Các nguyên nhân gây ho cấp tính phổ biến khác bao gồm viêm mũi xoang cấp tính, ho gà, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, suy tim sung huyết, viêm phổi và thuyên tắc phổi.
Ho bán cấp thường gặp nhất sau nhiễm trùng thứ phát do viêm phế quản hoặc viêm mũi xoang hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus chưa hồi phục.

Ho mạn tính rất khó chẩn đoán, cần thăm khám chuyên khoa để đánh giá nguyên nhân.
Các nguyên nhân có thể bao gồm bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan không do hen, viêm phế quản mạn tính, ho do nhiễm trùng, không dung nạp thuốc ức chế men chuyển, bệnh ác tính, bệnh phổi kẽ, viêm xoang mạn tính.
Tình trạng chảy nước mũi sau một thời gian dài gây kích ứng đường hô hấp trên và gây ho.
Có nhiều loại bệnh bao gồm viêm mũi xoang dị ứng, viêm mũi xoang xuất tiết, viêm mũi xoang nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.
1. Viêm mũi xoang cấp tính
Nguyên nhân gây ho chủ yếu là do phản ứng của việc tăng tiết chất nhầy và chảy dịch mũi sau.
Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc của các xoang cạnh mũi, thường có nguyên nhân từ virus nếu bệnh kéo dài dưới 7-10 ngày, nhưng có thể liên quan đến nhiễm vi khuẩn nếu bệnh kéo dài hơn 10 ngày.
2. Ho gà
Một bệnh có triệu chứng lâm sàng đặc trưng bởi những cơn ho dữ dội kịch phát kéo dài vài phút, sau đó người bệnh phát ra tiếng thở hổn hển.
Đây là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis dẫn đến hình thành chất nhầy trong đường hô hấp.
Quá trình nhiễm trùng ho gà kéo dài đến 6 tuần và được đặc trưng bởi 3 giai đoạn bao gồm, giai đoạn khởi phát, giai đoạn kịch phát và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn khởi phát:
Được đặc trưng bởi triệu chứng buồn nôn, hắt hơi, sốt nhẹ, chảy nước mắt và nghẹt mũi.
Giai đoạn kịch phát:
Xảy ra trong vòng 2 tuần và đặc trưng bởi các đợt ho đặc trưng, sau đó là nôn mửa.
Giai đoạn hồi phục:
Là tình trạng ho mạn tính có thể kéo dài hàng tuần.
Căn bệnh này là một chẩn đoán nghiêm trọng cần được chú ý kịp thời vì có nguy cơ cao gây bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh.
3. Hen suyễn
Là một bệnh phức tạp, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng mạnh với tác nhân kích thích từ môi trường, dẫn đến viêm, tăng tiết chất nhầy, niêm mạc phù nề, làm hẹp và tắc nghẽn đường thở.
4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Là tình trạng phổi bị mất tính đàn hồi và gặp các vấn đề về lưu thông khí, dẫn đến sự phát triển các bệnh nhiễm trùng như viêm phế quản cấp tính và viêm phổi do vi khuẩn.
Khi đợt cấp xảy ra, nhu mô phổi bị viêm và tăng phản ứng dẫn đến co thắt đường thở, làm suy giảm chức năng của phổi.
Gây ra sự tích tụ các chất tiết nhầy có mủ và đặc trong tiểu phế quản và phế nang dẫn đến phản ứng ho.
5. Viêm mũi dị ứng
Là tình trạng viêm niêm mạc mũi thứ phát do dị ứng với các tác nhân từ môi trường như bụi khói, hóa chất, phấn hoa…
Sự kích ứng này dẫn đến tăng tiết chất nhầy và chảy nước mũi sau làm kích thích đường thở gây ra phản ứng ho.
6. Suy tim sung huyết
Là tình trạng bơm máu của tim suy giảm dẫn đến tắc nghẽn mạch máu phổi dẫn đến phù nề và gây ho.
7. Viêm phổi
Viêm phổi có thể do virus hoặc vi khuẩn.
Viêm phổi do virus và vi khuẩn đều dẫn đến viêm và kích ứng đường thở, gây ho do tăng tiết dịch nhầy mủ.
8. Bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi thường có biểu hiện sốt và ho có đờm hoặc ho khan kèm theo sụt cân.
Tình trạng nặng có thể ho ra máu.
9. Viêm phổi hít
Bệnh viêm phổi hít xảy ra khi thanh môn không đóng kín trong khi nuốt.
Điều này cho phép thức ăn hoặc chất lỏng đi vào đường thở, thay vì thực quản dẫn đến viêm phổi hít.
10. Thuyên tắc phổi
Khi một khối thuyên tắc hình thành và đọng lại trong các mao mạch phổi sẽ dẫn đến thuyên tắc phổi.
Thuyên tắc phổi sẽ gây ra phản ứng ho dai dẳng.
11. Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân phổ biến gây ho mạn tính.
Quá trình đẩy dịch axit từ dạ dày lên họng và thanh quản sẽ gây kích thích các thụ thể của thanh quản dẫn đến phản ứng ho.
Tình trạng ho thường nặng hơn vào ban đêm do tư thế nằm của người bệnh khiến axit dạ dày dễ trào lên thực quản gây kích thích niêm mạc họng.
12. Viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan
Là tình trạng tăng phản ứng của tiểu phế quản mà không có dấu hiệu hen suyễn và có thành phần tăng bạch cầu ái toan do hệ thống miễn dịch hoạt động kém.
Tăng bạch cầu ái toan dẫn đến tăng nồng độ các cytokine gây viêm và kích ứng đường thở.
13. Viêm phế quản mạn tính
Là tình trạng ho kéo dài hơn ba tháng liên tục trong hai năm do chất nhầy tiết ra quá nhiều gây bít tắc đường thở.
Ho sau nhiễm trùng xảy ra do tăng độ nhạy cảm của thụ thể ho và tăng phản ứng tạm thời của phế quản trong quá trình hồi phục sau nhiễm trùng phổi nặng.
Có thể liên quan chặt chẽ đến tổn thương biểu mô được phát triển từ bệnh lý ban đầu.
14. Bệnh hen phế quản
Bệnh hen phế quản biểu hiện chủ yếu bằng ho, không phải thở khò khè như trong bệnh hen suyễn điển hình.
Các triệu chứng thường gặp là ho không có đờm lặp đi lặp lại, xảy ra cả ngày lẫn đêm và trầm trọng hơn khi vận động, trời lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.
15. Một số bệnh ung thư
Các bệnh ác tính có thể gây ra hàng loạt hiệu ứng như tắc nghẽn hoặc suy yếu đường thở, dẫn đến tích tụ chất nhầy, nhiễm trùng thứ cấp và kích thích ho.
16. Bệnh phổi kẽ
Thuộc các rối loạn gây ra sẹo và xơ cứng mô phổi tiến triển do tiếp xúc lâu dài với các nhân tố nguy hiểm khác nhau, chẳng hạn như amiăng, silicone, bụi than, bức xạ hoặc kim loại nặng.
Công nhân nhà máy điện hạt nhân, công nhân khai thác than, công nhân phun cát hoặc những người làm các công việc tương tự có nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ dẫn đến ho mãn tính.
Một số loại bệnh tự miễn bao gồm viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm đa cơ, hội chứng Sjogren và bệnh sarcoidosis có thể gây ra bệnh phổi kẽ.
17. Chứng ngưng thở khi ngủ
Xảy ra do sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở tạm thời trong khi ngủ.
Sự gia tăng sức cản đường thở này gây ra phản xạ co thắt cơ hoành, cơ ngực và ho để mở đường thở bị tắc nghẽn.
Ngưng thở khi ngủ thường xảy ra ở những người bị tắc nghẽn đường hô hấp, có cơ vùng hầu họng yếu hoặc người béo phì.
18. Viêm xoang mạn tính
Tình trạng viêm và kích ứng kéo dài của xoang và niêm mạc mũi với dịch mủ thứ phát do vi khuẩn gây bệnh thường dẫn đến ho.
Các vi khuẩn dễ phát triển khi nhiễm trùng xoang tái đi tái lại nhiều lần như tụ cầu và các vi khuẩn gram âm khác.
19. Bệnh tâm lý
Đây là hành động ho như một thói quen chứ không phải là một phần của quá trình bệnh.
Kiểu ho này có thể phản ánh một tình trạng tâm lý tiềm ẩn.

Những đối tượng dễ bị ho
Hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, dùng chất kích thích;
Bị bệnh mạn tính, đặc biệt là các bệnh liên quan đến phổi hoặc hệ thần kinh;
Bị dị ứng;
Trẻ em do hệ miễn dịch non nớt nên dễ bị mắc các bệnh về hô hấp;
Người già do hệ thống hô hấp suy yếu;
Công nhân làm việc trong các nhà máy hạt nhân, mỏ than, hóa chất…

Các loại ho thường gặp
Có nhiều kiểu ho, người ta có thể mô tả ho theo cách thời gian kéo dài của bệnh hoặc mô tả theo cảm giác hoặc âm thanh khi ho.
Mỗi loại ho có thể phản ánh một tình trạng sức khỏe khác nhau của con người.
Ho cấp tính:
Là chứng ho bắt đầu một cách đột ngột và kéo dài từ 2-3 tuần.
Ho bán cấp:
Là chứng ho kéo dài từ 3 đến 8 tuần.
Ho mạn tính:
Là tình trạng ho kéo dài hơn 8 tuần với những cơn ho kéo dài dai dẳng.
Ho khan:
Là một chứng ho mạn tính không có đờm.
Ho có đờm:
Là tình trạng ho kèm đờm khiến tiếng ho nghe đặc.
Ho gà:
Là những cơn ho dữ dội kịch phát kéo dài đến vài phút sau đó là tiếng thở hổn hển.
Ho thóc:
Tiếng ho giống như tiếng sủa có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi.
Ho hen:
Là một căn bệnh phức tạp do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mạnh với tác nhân kích thích từ môi trường, dẫn đến viêm, tăng tiết chất nhầy và tắc nghẽn, co thắt đường thở.
Ho ra máu:
Loại ho này thường gặp ở bệnh lao phổi, ung thư phổi.
Ho khó thở/tức ngực:
Tình trạng ho khó thở, đau tức ngực thường là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, thuyên tắc phổi, viêm phế quản.
Ho về đêm:
Ho về đêm thường là ho khan hoặc ho có đờm.
Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng đường hô hấp, hội chứng chảy mũi sau, hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản, giãn phế quản, ung thư phổi.

Các triệu chứng ho
Tùy vào từng nguyên nhân gây ho mà mỗi loại ho có thể đi kèm với các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng thường thấy nhất bao gồm:
Khô cổ họng, miệng
Đau rát hoặc ngứa cổ họng
Nghẹt mũi, chảy nước mũi
Sốt
Chảy nước mắt
Mệt mỏi, đau đầu
Tức ngực, khó thở
Khó nuốt
Hay bị sặc khi ăn
Ợ hơi, ợ chua
Hay khạc nhổ
Thở khò khè

Các phương pháp chẩn đoán ho
Có thể dựa vào các triệu chứng ho trên lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
Ho kéo dài dưới 2 tuần là ho cấp tính thường do cảm cúm gây ra.
Các loại ho kéo dài trên 3 tuần kèm các triệu chứng tức ngực, khó thở, thể trạng suy nhược hoặc ho ra máu sẽ cần chỉ định thêm các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm.
Chụp X-quang phổi:
Hình ảnh X-quang có thể giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương trong phế quản và phổi.
​​Xét nghiệm đờm AFB:
Một mẫu đờm có thể được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích nhằm xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Xét nghiệm này thường được chỉ định trong chẩn đoán lao phổi.
Đo hô hấp ký:
Bệnh nhân có thể được yêu cầu thở vào và thở ra bằng một ống gắn với máy để giúp xác định đường thở có bị tắc nghẽn hay không.
Xét nghiệm này thường chỉ định trong chẩn đoán bệnh hen suyễn hoặc khí phế thủng.

Các phương pháp điều trị ho
1. Thuốc chống dị ứng
Có thể sử dụng để làm giảm các triệu chứng tắc nghẽn mũi do dị ứng dẫn đến phải thở bằng miệng gây khô họng và ho.
Khuyến cáo, không nên dùng thuốc chống dị ứng trong thời gian dài vì có thể gây nhờn thuốc hoặc các tác dụng phụ không tốt cho mũi, họng.
2. Thuốc long đờm
Có thể sử dụng khi có quá nhiều đờm gây bít tắc đường thở.
3. Thuốc ức chế ho
Có thể sử dụng để giảm bớt cơn ho bằng cách làm giảm phản xạ ho.
Các thuốc ức chế được dùng điều trị ho phổ biến như dextromethorphan và guaifenesin.
Khuyến cáo, ho là một cơ chế bảo vệ cơ bản và đóng một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Việc làm giảm phản xạ ho có thể gây tác động bất lợi đến thời gian khỏi bệnh.
Điều trị ho mạn tính nên cố gắng nhắm vào căn nguyên cơ bản bất cứ khi nào có thể để giảm ho thay vì kìm hãm cơn ho.
4. Thuốc kháng sinh
Nếu ho do nhiễm trùng cần điều trị bằng kháng sinh phù hợp với mầm bệnh.
Đối với các nguyên nhân gây viêm mãn tính đường hô hấp trên, điều trị kháng sinh liên tục ít nhất 1 tuần bằng kháng sinh thích hợp.

5. Các dung dịch khí dung albuterol và ipratropium dạng hít
Có thể sử dụng với tác dụng giãn phế quản trong đường thở bị co thắt để giảm triệu chứng trong các tình huống khẩn cấp.

6. Steroid dạng hít hoặc thuốc kháng cholinergic
Hai loại thuốc này có thể chỉ định để điều trị ho đối với bệnh đường hô hấp do dị ứng.

7. Điều trị bệnh tim mạch
Nếu ho do chức năng tim, người bệnh cần phải điều trị theo các khuyến nghị tim mạch phù hợp tùy vào các triệu chứng cụ thể của mỗi cá nhân.

8. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản cần được điều trị tích cực bằng cách tránh ăn các chất dễ gây trào ngược như sô cô la, caffeine, rượu và thuốc lá;
Ngăn ngừa trào ngược dịch vị dạ dày bằng cách kê cao đầu, không ăn trong vài giờ trước khi đi ngủ.
Có thể điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton ở liều lượng tối đa.

9. Điều trị các tình trạng rối loạn thần kinh gây ho
Việc điều trị cơn ho do rối loạn thần kinh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự ý mua thuốc sử dụng vì có thể gây hệ lụy nguy hiểm.

Cách phòng ngừa ho
Khi niêm mạc họng bị kích thích sẽ gây ho.
Để phòng ngừa ho, tốt nhất cần giữ cho cổ họng khỏe mạnh bằng cách.
Giữ ấm mũi, họng bằng cách mặc ấm, quàng khăn khi thời tiết lạnh; ăn/uống đồ ấm nóng; tránh ăn/uống đồ lạnh.
Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
Phòng ngừa các bệnh cảm cúm bằng cách tránh tiếp xúc với người bệnh, tiêm phòng vắc xin, luôn đeo khẩu trang khi tới nơi đông người.
Tránh để mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ho mãn tính.
Tránh để mắc các bệnh về tai mũi họng như viêm xoang, viêm mũi dị ứng… có thể dẫn đến ho.
Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm.
Ăn uống điều độ để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Đánh răng hàng ngày để bảo vệ răng, miệng và họng khỏi vi khuẩn, virus.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, hoặc cồn sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với đồ vật nơi công cộng.

Tập các thói quen hàng ngày như.
Súc nước muối ngày 2 lần (lúc thức dậy vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ).
Uống mật ong pha với nước ấm và buổi sáng.
Vệ sinh lưỡi hàng ngày.
Uống các loại trà hoa cúc, trà gừng giàu chất kháng viêm.
Thêm tỏi, gừng vào chế độ ăn để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.


Các thắc mắc thường gặp về ho
1. Ho có lây không?
Nếu ho do nhiễm các loại virus gây bệnh truyền nhiễm như virus cúm A, B, C; virus cúm gia cầm; virus Corona… thì trường hợp này có tính chất lây nhiễm.
Các trường hợp ho do vi khuẩn hoặc là biến chứng của một số bệnh lý như ung thư phổi, trào ngược dạ dày thực quản không phải do vi khuẩn HP thì không lây nhiễm.

2. Khi nào bị ho nên tới bệnh viện?
Nếu bị ho kèm các triệu chứng sau đây, người bệnh nên tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Thở khò khè;
Sốt trên 38,5 hoc st kéo dài hơn 2-3 ngày;
Ớn lạnh;
Đờm, đặc biệt là đờm có màu vàng, xanh hoặc lẫn máu.

Hãy gọi cấp cứu khi:
Khó thở, phải thở dốc.
Ho ra máu.
Đau tức ngực dữ dội.

3. Mang thai có gây ho không?
Mang thai không gây ho nhưng do khi mang thai, hệ miễn dịch bị suy yếu nên dễ mắc các bệnh về mũi họng, hô hấp hơn bình thường và các bệnh này thường dẫn đến ho.
Bà bầu bị ho còn do sự thay đổi một số hormone trong thai kỳ thể dẫn đến trào ngược axit dạ dày thực quản gây ho.
Cụ thể nếu hormone progesterone vượt quá giới hạn cho phép sẽ không thể ngăn được axit ở dạ dày trào ngược lên họng.
Hoặc nồng độ hormone relaxin tăng đột ngột trong thai kỳ cũng có thể gây trào ngược axit dạ dày.
4. Hay bị ho khi đang ăn là bị gì?
Đường hô hấp trên có cấu trúc để ngăn thức ăn hoặc đồ uống đi từ cổ họng vào phổi.
Do một số khuyết tật bẩm sinh có thể khiến thức ăn bị lọt vào phổi, chẳng hạn như khuyết tật nắp thanh quản hoặc chứng khó nuốt (dysphagia).
Chứng trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể gây ra ho khi đang ăn hoặc sau khi ăn.
Nếu thường xuyên bị ho, sặc trong khi ăn uống, nên tới bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

5. Nhiễm Covid-19 có gây ho không?
Covid-19 gây nhiễm trùng đường hô hấp với triệu chứng đặc hiệu là ho, khó thở và kèm theo nhiều triệu chứng khác như mất vị giác, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi…
Ho có thể kéo dài vài tuần tới vài tháng sau khi đã điều trị khỏi Covid-19.

6. Ho là dấu hiệu của bệnh gì?
Ho thường là triệu chứng của các bệnh viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, ung thư phổi, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư phổi, viêm xoang, hen suyễn, viêm mũi dị ứng.
Các bệnh cảm cúm, Covid-19 cũng gây ho.

7. Ho ra máu là bị gì?
Ho ra máu ở người lớn thường là triệu chứng của các bệnh viêm phế quản, lao, giãn phế quản, hoại tử phổi, áp xe phổi hoặc ung thư phổi.
Ho ra máu ở trẻ em thì thường có nguyên nhân từ nhiễm trùng đường hô hấp dưới hoặc mắc dị vật đường thở.




HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ HO KÉO DÀI



1. ĐẠI CƯƠNG
Ho kéo dài là biểu hiện rất thường gặp, chiếm khoảng 40% các trường hợp khám ngoại trú tại các phòng khám hô hấp.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Chẩn đoán xác định
Ho kéo dài bao gồm những trường hợp ho > 3 tuần và được chia thành:
- Ho bán cấp: ho từ 3- 8 tuần
- Ho mạn tính: ho kéo dài > 8 tuần
2.2. Chẩn đoán nguyên nhân
- Bệnh lý đường hô hấp trên:
Là nguyên nhân thường gặp nhất gây ho kéo dài, các bệnh lý thường gặp bao gồm: viêm mũi vận mạch, viêm xoang, polyp mũi.
- Hen phế quản:
Là nguyên nhân gây ho kéo dài thứ hai sau bệnh lý mũi xoang. Ho thường xuất hiện vào nửa đêm về sáng, khi thay đổi thời tiết, tiếp xúc dị nguyên, có thể thấy khó thở cò cử ở những trường hợp điển hình.
- Trào ngược dạ dày - thực quản:
Là nguyên nhân thường gặp. Các biểu hiện thường bao gồm: ho kéo dài, ho tăng khi nằm, vào lúc đói. Cảm giác nóng rát sau xương ức, ợ hơi, ợ chua, đau thượng vị.
- Nhiễm trùng đường hô hấp:
Một số ít trường hợp nhiễm trùng hô hấp còn ho kéo dài (ngay cả sau khi đã điều trị kháng sinh hiệu quả), thậm chí ho kéo dài quá 8 tuần.
- Dùng thuốc chẹn thụ thể angiotensin:
Ho kéo dài là biểu hiện gặp ở khoảng 15% các trường hợp được dùng thuốc chẹn thụ thể angiotensin.
- Lao phổi
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Giãn phế quản
- Ung thư phổi
- Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan
- Một số nguyên nhân hiếm gặp khác: dị dạng động tĩnh mạch phổi, nhuyễn sụn khí, phế quản, phì đại amidan, tăng cảm thanh quản...
2.3. Tiếp cận chẩn đoán ho kéo dài
Bệnh nhân ho kéo dài cần được tiến hành:
- Khai thác tiền sử dùng thuốc ức chế men chuyển
- Khám phát hiện các bệnh lý đường hô hấp trên
- Tiến hành các thăm dò phát hiện
+ Hen phế quản
+ Lao phổi, lao nội phế quản
+ Giãn phế quản
+ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
+ Trào ngược dạ dày thực quản
- Khi không rõ chẩn đoán, có thể tiến hành làm thêm một số thăm dò như: test kích thích phế quản (methacholin test), đo pH thực quản
- Trong trường hợp chưa rõ chẩn đoán, có thể tiến hành điều trị thử với hỗn hợp thuốc kháng histamin - co mạch trong 1-2 tuần.
3. Điều trị
3.1. Điều trị nguyên nhân
♦ Bệnh lý đường hô hấp trên:
- Viêm mũi, xoang dị ứng, viêm mũi vận mạch:
Xịt rửa mũi ngày 2-4 lần với dung dịch rửa mũi (natriclorua 0,9%, Vesim hoặc sterimar), sau đó dùng corticoid xịt mũi (budesonid hoặc flixonase) liều 1-2 xịt cho mỗi bên mũi x 2 lần/ngày. Hoặc có thể dùng nang budesonide pha với 5 ml dung dịch natriclorua 0,9%, bơm nhẹ nhàng vào mũi, kết hợp thay đổi tư thế bao gồm: nằm nghiêng 1 bên, nằm ngửa.
- Polyp mũi: phẫu thuật cắt bỏ polyp
♦ Hen phế quản:
Hiện nay thường hay dùng kết hợp thuốc điều trị duy trì (fluticason/salmeterol; budesonid/formoterol) với 1 thuốc cắt cơn (salbutamol, terbutalin). Thay đổi liều thuốc điều trị theo diễn biến của bệnh.
Bên cạnh việc dùng thuốc, cần tránh các yếu tố nguy cơ như: không nuôi chó, mèo, tránh khói thuốc lá, thuốc lào, bếp than (tham khảo thêm bài hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản).
♦ Trào ngược dạ dày - thực quản:
- Tránh các yếu tố nguy cơ: không hút thuốc, tránh đồ uống có cồn, giảm cân, tránh đồ ăn mỡ.
- Dùng thuốc ức chế bơm proton: omeprazol 20 mg/ngày, esomeprazol 40 mg/ngày; dùng liên tục trong 10 ngày.
- Thuốc khác: metoclopramid viên 10 mg x 4 viên/ngày, chia 4 lần, uống trước ăn 30 phút. Thời gian dùng thuốc: 2 tuần
♦ Ho do dùng thuốc chẹn thụ thể angiotensin: dừng thuốc chẹn thụ thể angiotensin. Ho thường hết sau dừng thuốc 1-6 tuần.

Bảng 1.1: Tóm tắt điều trị ho
Nguyên nhân ho Điều trị
Điều trị theo nguyên nhân gây ho  
Hen phế quản Thuốc giãn phế quản và corticoid dạng hít
Viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan Hít corticosteroid; thuốc kháng leukotrien
Viêm mũi dị ứng Thuốc steroid xịt mũi, kháng histamin
Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản Thuốc ức chế bơm proton hoặc kháng histamin H2
Ho do thuốc ức chế men chuyển Dừng thuốc và thay sang nhóm khác
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Ngừng hút thuốc và tiếp xúc khói, bụi.
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Giãn phế quản Dẫn lưu tư thế
Điều trị các đợt nhiễm trùng và rối loạn thông khí tắc nghẽn (nếu có)
Viêm khí phế quản nhiễm khuẩn Kháng sinh phù hợp
Điều trị triệu chứng (chỉ dùng sau khi đã tìm và điều trị nguyên nhân đầy đủ)  
Ho do viêm phế quản cấp do virus Dùng thuốc bổ phế dạng xi rô
Ho kéo dài, đặc biệt xuất hiện về đêm Opiat và các chế phẩm
Ho kéo dài, khó điều trị, do bệnh lý ác tính Các opiat (morphin hoặc diamorphin)
Thuốc giảm ho dạng khí dung tại chỗ

3.2. Các điều trị không đặc hiệu
♦ Chỉ định:
- Ho quá nhiều, không cầm được, gây mệt nhiều cho bệnh nhân ở những trường hợp ho chưa xác định rõ nguyên nhân, hoặc một số trường hợp đã xác định được nguyên nhân (ung thư phổi, viêm phế quản, viêm phổi kẽ) nhưng không có rối loạn thông khí tắc nghẽn.
- Bệnh nhân đang có ho máu.
- Không nên dùng thuốc giảm ho cho những bệnh nhân đang có nhiễm trùng đường hô hấp dưới, những trường hợp này, bệnh nhân cần được ho để thải đờm ra ngoài.
♦ Thuốc điều trị:
- Thuốc ho tác dụng lên trung ương:
+ Morphin và các chế phẩm chỉ định ở bệnh nhân kéo dài do ung thư phổi: có thể dùng morphin 5 mg/lần x 2 lần/ngày, dùng trong 2-3 ngày. Hoặc terpincodein (5 mg codein) x 4 viên/ngày x 5-7 ngày.
+ Dextromethorphan: liều dùng 30 mg/lần x 3 lần/ngày x 5-7 ngày.
- Thuốc ho tác dụng tại chỗ.
+ Corticoid dạng phun hít: có thể dùng liều nhỏ corticoid dạng hít: budesonid, fluticason,.. (hoặc dạng kết hợp: salmeterol/fluticason; budesonid/formoterol) liều 250-500 mcg/ngày x 10 ngày.
+ Lidocain: có thể dùng tạm thời trong trường hợp ho nhiều, pha 2 ml lidocain với 3 ml dung dịch natriclorua 0,9%, khí dung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chung K.F., Widdicombe J.G., Phil D. (2005), “Cough”, Murray & Nadel's Textbook of Respiratory Medicine, 4th ed, Saunders, Elsevier.
2. Fauci A.S. et al. (2008) , “Cough and hemoptysis”, Harrisons principle of internal medicine, 17th ed, McGraw-Hill.