Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH


Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu, chỉ đứng sau bệnh tim mạch và bệnh ung thư.
Căn bệnh này được xem là căn bệnh nguy hiểm của những người cao tuổi, có tiền sử hút thuốc lào, thuốc lá, tiếp xúc khói bụi độc hại trong thời gian dài.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh khiến việc hít thở không khí cũng như hoạt động các cơ quan hệ hô hấp của người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Căn bệnh này cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng thậm chí dẫn tới tử vong lập tức nếu không được phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (hay còn được gọi là bệnh COPD) tuy là một căn bệnh nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng con người.
Bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Những biện pháp ngăn ngừa bệnh cũng cần được mọi người quan tâm và thực hiện ngay lập tức để giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên nhân Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Nguyên nhân của bệnh là do các phân tử khí độc hại gây ra tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí trong phổi từ đó khiến đứt gãy các mô liên kết, các sợi collagen, elastin,... trong các đường ống dẫn khí này làm cho phổi bị tắc nghẽn không hồi phục.
Một số loại khí độc hại có thể là mầm mống gây ra căn bệnh này như:
Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá:
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Khói từ việc đốt cháy các nhiên liệu, hóa chất
Khói độc từ các nhà máy công nghiệp
Khói bụi từ các phương tiện giao thông
Bụi bặm từ ô nhiễm không khí
Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động chính là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu.
Ngoài ra, những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý có liên quan đến hệ hô hấp cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Triệu chứng Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Ở giai đoạn đầu tiên mắc bệnh thường khó phát hiện ra bởi các triệu chứng khá mơ hồ.
Giai đoạn sau thì các triệu chứng của bệnh sẽ biểu hiện rõ hơn và có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh.
Để nhận biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì người bệnh có thể chú ý đến các dấu hiệu nhận biết đặc trưng như sau:
- Ho là triệu chứng xuất hiện đầu tiên với mức độ nhiều hay ít, có đờm hay không tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và thể bệnh cũng như tình trạng nhiễm trùng.
- Khó thở là triệu chứng quan trọng nhất để tiên lượng và đánh giá mức độ nặng của cơn cấp. Khó thở trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể xuất hiện thường xuyên, tăng lên khi gắng sức hoặc khi có đợt cấp.
- Đau tức ngực.
- Thường xuyên gặp phải tình trạng bị viêm nhiễm đường hô hấp. Có thể kèm theo các cơn sốt cao hoặc sốt âm ỉ kéo dài tùy thuộc vào loại nhiễm trùng.
- Bệnh gây thiếu Oxy mạn tính ở các trường hợp nặng nên bệnh nhân có thể thường xuyên mệt mỏi, chán ăn dẫn đến sụt cân, nhược cơ, suy nhược cơ thể.
- Ở giai đoạn cuối của bệnh, khi có biến chứng suy tim phải, bàn chân, cẳng chân và mắt cá chân của bệnh nhân có hiện tượng bị sưng phù do ứ trệ đại tuần hoàn.
Các biến chứng Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu được điều trị đúng sẽ giảm thiểu được những ảnh hưởng từ triệu chứng bệnh gây ra và hạn chế được nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp người bệnh không được điều trị bệnh từ sớm hoặc điều trị không phù hợp hay không tuân thủ điều trị thì rất có thể dẫn tới những biến chứng bệnh không mong muốn như sau:
- Suy hô hấp là hậu quả nặng nề và nguy hiểm nhất đối với những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tình trạng suy hô hấp nặng hoặc nguy kịch cần được đưa đi cấp cứu sớm nếu không sẽ có nguy cơ dẫn tới tử vong cao.
- Bệnh nhân COPD có nguy cơ bị suy tim nặng dẫn tới tử vong:
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi khiến cho tim phải bị suy dần, từ đó gây ra ứ trệ đại tuần hoàn.
Người bệnh có thể bị ứ nước ở các cơ quan, phù chi dưới hay tràn dịch các màng (màng bụng, màng phổi, màng tim,...)
- Rối loạn nhịp tim hoặc bệnh lý mạch vành cũng là những hậu quả có thể xảy ra với những người mắc COPD nếu không được kiểm soát tốt.
- Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có xu hướng dễ bị mắc các bệnh lý về hô hấp khác, bệnh nhân có thể có bội nhiễm phổi hoặc viêm phổi, tràn khí màng phổi,...

Đường lây truyền Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) chủ yếu là do việc hít phải nhiều khí độc hại vào cơ thể trong một khoảng thời gian dài, chính vì vậy bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không có khả năng lây truyền.
Hút thuốc lá hoặc sống và làm việc trong môi trường nhiều khói bụi độc hại có thể khiến cho một nhóm người hoặc một cộng đồng có nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Một nghiên cứu về di truyền học cũng cho thấy rằng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng được xem là một dạng bệnh có thể di truyền.
Cụ thể thì việc di truyền tình trạng thiếu men alpha-1-antitrypsin từ bố mẹ sang con cái sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh COPD.
Một số loại di truyền khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi bệnh nhân kết hợp hút thuốc lá.

Đối tượng nguy cơ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một dạng bệnh được hình thành trong một khoảng thời gian tiếp xúc nhiều với các loại khí độc hại.
Những đối tượng làm việc trong môi trường sau đây thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường:
- Công nhân từ các nhà máy xử lý chất thải, những người làm việc trong môi trường nghiên cứu hóa chất, làm việc gần khu nhà máy thải khí độc,...
- Việc hút thuốc lá luôn là yếu tố gây ra nhiều bệnh về hệ hô hấp, do vậy những đối tượng hút thuốc lá thường xuyên hoặc có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc lá đều có nguy cơ mắc bệnh COPD rất cao.
- Người mắc bệnh hen suyễn cùng với một số bệnh lý khác về đường hô hấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao hơn bình thường.
- Những trường hợp người có cơ địa thiếu hụt men Anti-alphatripsin cũng có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu hít phải khói bụi độc hại trong thời gian dài.

Phòng ngừa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Dù có dấu hiệu xuất hiện bệnh hay chưa thì cũng cần bỏ thuốc lá, thuốc lào và các loại chất cấm khác.
Có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ bỏ thuốc.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ để có được một sức khỏe tốt nhất, bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin A,C,E và các thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa cao.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ không bị ô nhiễm, hạn chế tối đa việc hít phải các loại khí độc hại. Có thể sử dụng khẩu trang y tế thường xuyên khi đi ngoài đường hoặc tới những nơi làm việc có chứa nhiều khí độc hại.
- Thăm khám bệnh định kỳ nếu thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đặc biệt là đối tượng người cao tuổi trên 65.

Các biện pháp chẩn đoán Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ cần đi khám và kiểm tra bệnh sớm để kịp thời phát hiện và điều trị.
Các bác sĩ sẽ kiểm tra lại tình trạng sức khỏe hiện tại, các bệnh lý nền hiện có, các triệu chứng bất thường và tiền sử hút thuốc lá.
Sau đó, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau đây để xác định bệnh:
- Chụp X-quang phổi sẽ xác định được các dạng viêm nhiễm do bệnh gây ra và có thể có hội chứng khí phế thũng hoặc hội chứng phế quản.
- Đo thông khí phổi:
Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh được xác định khi đo chức năng hô hấp có rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoặc hồi phục không hoàn toàn sau test hồi phục phế quản.
Dựa vào chỉ số FEV1, bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ tắc nghẽn của bệnh nhân.
- Khí máu động mạch:
Nhằm đánh giá mức độ suy hô hấp của bệnh nhân trong các đợt khó thở cấp.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định làm các xét nghiệm khác nhằm phân biệt bệnh với các bệnh lý khác tương tự như:
Hen phế quản, viêm phổi, thoái hóa nhầy nhớt, tắc nghẽn đường thở phía trên, u phổi và viêm tiểu phế quản vùng tận cùng.
Trong các dạng bệnh lý kể trên thì bệnh hen phế quản được xem là dễ bị nhầm lẫn nhất bởi các triệu chứng của căn bệnh này khá tương đồng với triệu chứng điển hình của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tuy nhiên, test hồi phục phế quản trong hen phế quản sẽ có kết quả dương tính.

Các biện pháp điều trị Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể chữa trị khỏi hoàn toàn thế nhưng việc điều trị sẽ giúp bệnh không tiến triển nặng thêm, tránh các đợt cấp phải nhập viện và cải thiện cuộc sống của bệnh nhân.
Điều trị đúng cách kết hợp với việc giữ gìn một lối sống lành mạnh sẽ giúp người bệnh giảm thiểu được các nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng cũng như hạn chế được một số căn bệnh về hệ hô hấp khác.
Trước khi lựa chọn phương pháp điều trị bệnh phù hợp thì việc phát hiện và chẩn đoán giai đoạn bệnh sẽ giúp bác sĩ lựa chọn được phác đồ phù hợp cho bệnh nhân. 
Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc làm giãn phế quản (SABA, LABA, SAMA, LAMA) nhằm giúp cải thiện thông khí phổi.
Các thuốc này phối hợp cùng các thuốc Corticoid đường phun, hít, xịt (ICS) là lựa chọn tối ưu cho các phác đồ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Trong các đợt cấp, các bác sĩ có thể sử dụng các thuốc uống, đường tiêm, truyền, khí dung để giúp khống chế bệnh.
Các loại thuốc khác cũng được chỉ định nhằm:
Phòng ngừa nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp, giảm thiểu các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh (ho, sốt,...) và hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Các loại vaccine phòng ngừa bệnh liên quan đến hệ hô hấp cùng cần được sử dụng như vaccine cúm, phế cầu, Hemophilus influenza,....
Trong trường hợp người bệnh sử dụng thuốc điều trị không có kết quả tốt thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật cắt thùy phổi hoặc đặt van một chiều phế quản phân thùy,... để cải thiện tình trạng bệnh.

Một số lưu ý cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang được điều trị:
- Tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian cũng như các vấn đề kiêng cữ.
- Tuyệt đối không được hút thuốc lá, thuốc lào và tránh xa những nơi có khói thuốc lá cũng như các loại khí độc hại khác.
- Trường hợp bệnh trở nặng cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa sớm nhất có thể để tránh những biến chứng nặng.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, kết hợp với chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh có thể chống chọi với nhiều loại bệnh tật.


TIP

Các giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Theo quy ước chung hiện nay, để đánh giá độ nặng của bệnh COPD, có thể chia các giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thành 4 giai đoạn chính tương ứng với mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các giai đoạn này được đánh giá dựa trên thể tích thở ra gắng sức (FEV-1) của người bệnh khi thực hiện đo phế dung.
FEV-1 cho biết lượng không khí người bệnh có thể thở ra từ phổi trong 1 giây.
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 1 – Giai đoạn nhẹ
Ở giai đoạn này, FEV-1 ≥ 80%.
Người bệnh có thể không có triệu chứng nhận biết hoặc chỉ có triệu chứng thoáng qua, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác.
Các triệu chứng chính của COPD giai đoạn 1, nếu có, là có thể khó thở và ho, đôi khi kèm theo chất nhầy khi ho.
Người bệnh mắc bệnh COPD giai đoạn 1 có thể bị khó thở khi đi nhanh trên mặt đất bằng phẳng hoặc khi leo dốc.
Mặc dù các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài của bệnh COPD giai đoạn 1 thường không rõ ràng và rất dễ bị bỏ qua, tuy nhiên, các tổn thương ở phổi vẫn xảy ra.

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 2 – Giai đoạn trung bình
Giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2 được xem là giai đoạn bệnh ở mức độ trung bình, người bệnh có chỉ số FEV-1 đo được là từ 50-79%.
Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu có những biểu hiện lâm sàng rõ rệt như khó thở, thở khò khè, cảm thấy mệt khi gắng sức, ho nhiều, có dịch nhầy khi ho, mất ngủ,…
Đây thường là giai đoạn mà người bệnh bắt đầu có thể nhận biết được các triệu chứng và tìm cách điều trị.
Thậm chí, khi hoạt động mạnh như tập thể thao hoặc đi nhanh trên mặt đất bằng phẳng, người bệnh phải dừng lại để lấy hơi sau mỗi vài phút.

3. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3 – Giai đoạn nặng
Giai đoạn 3 được xác định khi người bệnh thực hiện đo phế dung kế và có chỉ số FEV-1 đo được là từ 30-49%.
Ở giai đoạn 3, chức năng phổi đã giảm đáng kể.
Khi thành của các túi khí trong phổi tiếp tục yếu đi, việc hấp thụ oxy và loại bỏ carbon dioxide trong khi thở ra sẽ trở nên khó khăn hơn.
Các triệu chứng trước đây như ho, khó thở, thở khò khè, có chất nhầy trong cổ họng,… diễn ra thường xuyên hơn và ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng như:
Tức ngực.
Mệt mỏi hoặc suy nhược cực độ.
Cảm giác bối rối, mất trí nhớ tạm thời, quên đi việc mình vừa làm.
Sưng mắt cá chân, bàn chân và cẳng chân.
Trong giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính này, người bệnh có thể phải nhập viện cấp tốc khi các triệu chứng đột nhiên trở nên nghiêm trọng hơn và chức năng phổi thay đổi đáng kể.

Cần lưu ý đến bệnh viện ngay lập tức nếu:
Người bệnh bị khó thở.
Gia tăng các cơn ho.
Tiếng thở khò khè hoặc có tiếng như tiếng huýt sáo khi người bệnh thở.
Tăng chất nhầy trong cổ họng, chất nhầy đặc gây khó thở.
Mệt mỏi hoặc gặp vấn đề về giấc ngủ.
Suy giảm nhận thức bao gồm nhầm lẫn, trầm cảm hoặc mất trí nhớ.

4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 – Giai đoạn rất nặng
Khi FEV-1 ≤ 30%, người bệnh đang ở giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 4, tức giai đoạn rất nặng hay giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh.
Ở giai đoạn 4 của COPD, chức năng phổi suy yếu rất thấp.
Các triệu chứng ở giai đoạn 4 càng trở nên nghiêm trọng hơn và dai dẳng hơn.
Khó thở và tức ngực xảy ra trong các hoạt động hàng ngày và người bệnh phải cố gắng rất nhiều mới có thể thở được bình thường.

Các triệu chứng khác của COPD giai đoạn 4 bao gồm:
Có tiếng tanh tách khi hít vào.
Mê sảng.
Nhịp tim không đều hoặc nhanh.
Giảm cân.
Tăng huyết áp phổi (một dạng huyết áp cao ảnh hưởng đến các động mạch trong phổi và bên phải tim của người bệnh).
Ở giai đoạn 4, người bệnh cần phải nhập viện vì biến chứng hô hấp, nhiễm trùng phổi hoặc suy hô hấp,… có thể đe dọa tính mạng.

Các nhóm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Hệ thống thang điểm GOLD thường được các bác sĩ áp dụng để phân loại bệnh COPD thành 4 nhóm A-B-C-D.
Thang điểm GOLD cũng dựa trên kết quả đo phế dung và chia bệnh COPD làm 4 mức độ:
GOLD 1: Nhẹ
GOLD 2: Vừa phải
GOLD 3: Nghiêm trọng
GOLD 4: Rất nghiêm trọng
Tuy nhiên, bác sĩ thường sẽ xem xét thêm các yếu tố khác để phân loại bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thành nhóm A-B-C-D, như: các triệu chứng hiện tại của người bệnh nghiêm trọng đến mức nào, khả năng bệnh trở nên trầm trọng hơn, người bệnh có đang gặp các vấn đề sức khỏe khác hay không. Cụ thể:

1. Nhóm A – Thang điểm GOLD 1 hoặc 2
Các triệu chứng lâm sàng của người bệnh lúc này hầu như rất nhẹ.
FEV-1 của người bệnh có thể đạt từ 80% trở lên.
Người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhóm A thường là mới mắc bệnh hoặc không có triệu chứng bùng phát bệnh trong hơn một năm qua và hiện tại không phải nhập viện vì các triệu chứng của mình.

2. Nhóm B – Thang điểm GOLD 1 hoặc 2
Mặc dù nhóm B vẫn có thang điểm GOLD 1 hoặc 2 nhưng chỉ số FEV-1 của người bệnh nằm trong khoảng từ 50% đến 80% (gần tương ứng với giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 2).
Lúc này, người bệnh có nhiều triệu chứng hơn, bao gồm ho, thở khò khè và khó thở.
Người bệnh có thể đã từng bị một đợt bùng phát nặng nhưng chưa phải nhập viện vì các triệu chứng này.

3. Nhóm C – Thang điểm GOLD 3 hoặc 4
Với người bệnh trong nhóm C, chỉ số FEV-1 nằm trong khoảng từ 30% đến 50%
Luồng không khí vào và ra khỏi phổi của người bệnh bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Người bệnh đã có hơn hai đợt bùng phát trong vòng một năm qua hoặc người bệnh đã phải nhập viện ít nhất một lần do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

4. Nhóm D – Thang điểm GOLD 3 hoặc 4
Việc hít vào hoặc thở ra của người bệnh ở nhóm D cực kỳ khó khăn.
Người bệnh đã có ít nhất hai đợt bùng phát trong năm qua hoặc đã phải nhập viện ít nhất một lần.
Các bác sĩ gọi đây là bệnh COPD giai đoạn cuối, giai đoạn mà người bệnh có rất ít chức năng phổi.
Bất kỳ đợt bùng phát mới nào cũng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Cách điều trị theo giai đoạn khác nhau của COPD
Tùy theo từng giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định các biện pháp điều trị khác nhau:
Giai đoạn 1: 
Ngoài việc yêu cầu người bệnh cai thuốc lá, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc giãn phế quản, giúp thư giãn các cơ đường thở để người bệnh dễ thở hơn.
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm khô miệng, chóng mặt, run, sổ mũi và kích ứng họng.
Nếu người bệnh gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như mờ mắt; nhịp tim nhanh hoặc không đều; có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban hoặc sưng tấy miệng, mắt, môi;…
Cần đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức.

Giai đoạn 2: 
Bác sĩ có thể kê toa thuốc giãn phế quản nếu chưa có, cùng với khuyến nghị các bài tập thở.
Các kỹ thuật như thở mím môi và thở phối hợp có thể giúp người bệnh bớt gắng sức hơn trong các hoạt động thể chất và duy trì lối sống năng động.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh đến bệnh viện thường xuyên để luyện tập các bài tập phục hồi chức năng phổi.

Giai đoạn 3: 
Tập trung vào việc kiểm soát các đợt bùng phát và cải thiện các triệu chứng bệnh.
Steroid đường uống bao gồm prednisone, methylprednisolone và dexamethasone có thể được chỉ định điều trị các đợt cấp của bênh COPD.
Tác dụng phụ do sử dụng ngắn hạn các loại thuốc này thường rất nhỏ.
Nếu người bệnh thường xuyên có những đợt COPD bùng phát, bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticosteroid dạng hít bao gồm Flovent® HFA và Qvar Redihaler® ;
Thuốc long đờm để làm loãng và làm lỏng chất nhầy; hoặc liệu pháp oxy.
Người bệnh cũng có thể cần đến bệnh viện hai tuần đến một tháng một lần để theo dõi các triệu chứng liên tục.

Giai đoạn 4: 
Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau cho các triệu chứng ở giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nghiêm trọng, bao gồm bổ sung oxy, phục hồi chức năng phổi và dùng steroid bằng đường uống, tiêm tĩnh mạch hoặc qua ống hít.
Biện pháp bổ sung oxy giúp đưa nhiều oxy vào phổi hơn và tăng khả năng chịu đựng khi người bệnh hoạt động thể chất.
Có một số thiết bị trị liệu bằng oxy.
Việc điều chỉnh để bổ sung oxy là một quá trình dài, người bệnh có thể cảm thấy hơi khó chịu ban đầu nhưng sẽ cảm thấy ngày càng thoải mái hơn theo thời gian.
Với biện pháp sử dụng steroid, các tác dụng phụ tiềm ẩn khi dùng steroid lâu dài bao gồm sưng đường hô hấp và miệng, yếu cơ, sụt cân, mệt mỏi và tăng nguy cơ viêm phổi.
Phẫu thuật phổi hoặc ghép phổi cũng là lựa chọn cho một số người mắc bệnh COPD nặng.
Bác sĩ sẽ cân nhắc xem người bệnh đủ điều kiện phẫu thuật hay không.
Không phải trường hợp nào ở giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 4 cũng được phẫu thuật.

Bị phổi tắc nghẽn mãn tính sống được bao lâu?
Tiên lượng sống đối với người bệnh mắc được xác định dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm người bệnh đang ở giai đoạn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nào, người bệnh trước đây có từng hút thuốc không, người bệnh có được điều trị đúng cách hay không, người bệnh có cai thuốc lá và tuân thủ các nguyên tắc điều trị hay không,…
Một số nghiên cứu cho thấy tuổi thọ có giảm nhẹ (khoảng 1 năm) đối với những người mắc bệnh COPD chưa bao giờ hút thuốc.
Nhưng với những người đang và đã từng hút thuốc, tuổi thọ có sự suy giảm mạnh hơn.
Đối với nam giới 65 tuổi hút thuốc, tuổi thọ giảm đi là:
Giai đoạn 1: 0,3 năm
Giai đoạn 2: 2,2 năm
Giai đoạn 3: 5,8 năm
Giai đoạn 4: 5,8 năm
Nhiều người bệnh vẫn có thể sống đến 70, 80 hoặc 90 tuổi mặc dù mắc bệnh COPD.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là người bệnh cần thăm khám, điều trị kịp thời và đúng cách.





HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ CẤP CỨU ĐỢT CẤP BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH TẠI NHÀ


1. ĐẠI CƯƠNG
- Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT, COPD) là tình trạng thay đổi cấp tính của các biểu hiện lâm sàng: khó thở tăng, ho tăng, khạc đờm tăng và hoặc thay đổi màu sắc của đờm.
Những biến đổi này đòi hỏi phải có thay đổi trong điều trị.
- Căn nguyên đợt bùng phát.
+ Nhiễm trùng hô hấp: Haemophilus influenza, phế cầu, Moraxella catarrhalis.
+ Ô nhiễm không khí (khói thuốc, tiếp xúc nghề nghiệp, ozon).
Nhiễm trùng hô hấp là nguyên nhân gây bùng phát thường gặp nhất. Khoảng 1/3 số trường hợp bùng phát không rõ căn nguyên.

2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Các triệu chứng của đợt cấp BPTNMT

Bảng 10.1: Các triệu chứng của đợt cấp BPTNMT
Bộ phận cơ thể Triệu chứng
Hô hấp Ho tăng
Khó thở tăng
Khạc đờm tăng và/hoặc thay đổi màu sắc của đờm
Nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm, có thể thấy ran rít, ngáy
Các biểu hiện khác có thể có hoặc không tùy theo mức độ nặng của bệnh  
Tim Nặng ngực
Nhịp nhanh
Cơ, xương Giảm khả năng gắng sức
Tâm thần Rối loạn ý thức
Trầm cảm
Mất ngủ
Buồn ngủ
Toàn thân Mệt
Sốt, rét run

2.2. Các đánh giá ban đầu khi nghi có đợt cấp BPTNMT
Tiến hành làm các xét nghiệm (nếu có thể):
Chụp X-quang phổi, đo SpO2, đo PEF hoặc chức năng hô hấp.

2.3. Chẩn đoán xác định đợt cấp BPTNMT
Tiêu chuẩn Anthonisen.
- Khó thở tăng.
- Khạc đờm tăng.
- Thay đổi màu sắc của đờm.

2.4. Đánh giá mức độ nặng của bệnh
Các yếu tố làm tăng mức độ nặng của đợt cấp BPTNMT tại nhà.
- Rối loạn ý thức.
- Có ≥ 3 đợt cấp BPTNMT trong năm trước.
- Chỉ số khối cơ thể ≤ 20.
- Các triệu chứng nặng lên rõ hoặc có rối loạn dấu hiệu chức năng sống.
- Bệnh mạn tính kèm theo (bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết, viêm phổi, đái tháo đường, suy thận, suy gan).
- Hoạt động thể lực kém.
- Không có trợ giúp xã hội.
- Đã được chẩn đoán BPTNMT mức độ nặng hoặc rất nặng.
- Đã có chỉ định thở oxy dài hạn tại nhà.

Bảng 10.2: Phân loại mức độ nặng của đợt cấp theo ATS/ERS sửa đổi
Mức độ nặng Mô tả
Nhẹ Có thể kiểm soát bằng việc tăng liều các thuốc điều trị hàng ngày
Trung bình Cần điều trị corticoid toàn thân hoặc kháng sinh
Nặng Cần nhập viện hoặc khám cấp cứu

3. ĐIỀU TRỊ ĐỢT CẤP BPTNMT TẠI NHÀ
3.1. Hướng xử trí đợt cấp BPTNMT
Sơ đồ 1: Hướng dẫn xử trí đợt cấp BPTNMT

3.2. Điều trị cụ thể
Tăng tối đa điều trị các thuốc giãn phế quản và corticoid dạng khí dung khi có đợt cấp BPTNMT.
• Thở oxy tại nhà.
- áp dụng cho những trường hợp người bệnh đã có sẵn hệ thống oxy tại nhà.
- Thở oxy 1-3 lít/phút, duy trì SpO2 ở mức 90-92%.
• Thuốc giãn phế quản.
- Nguyên tắc sử dụng.
+ Kết hợp nhiều nhóm thuốc giãn phế quản.
+ Tăng liều tối đa các thuốc giãn phế quản dạng khí dung và dạng uống.
- Nhóm cường beta-2:
+ Salbutamol 5mg x 3 - 6 nang/ngày (khí dung), hoặc terbutalin 5mg x 3- 6 nang/ngày (khí dung) hoặc salbutamol 100 mcg x 2 nhát xịt/mỗi 3 giờ.
+ Salbutamol 4 mg x 4 viên/ngày, uống chia 4 lần.
+ Terbutalin 2,5 mg x 4 viên/ngày, uống chia 4 lần.
+ Bambuterol 10 mg x 1-2 viên (uống).
- Nhóm kháng cholinergic:
+ Ipratropium nang 2,5 ml x 3-6 nang/ngày (khí dung), hoặc:
+ Tiotropium 18 mcg x 1 viên/ngày (hít).
- Nhóm xanthin: theophyllin 100 mg: 10 mg/kg/ngày, uống chia 4 lần.
• Corticoid.
- Budesonid 0,5 mg x 4 nang/ngày, khí dung chia 4 lần dùng đơn thuần hoặc kết hợp một trong các thuốc sau:
+ Prednisolon 1-2 mg/kg/ngày (uống buổi sáng).
+ Methylprednisolon 1 mg/kg/ngày (uống buổi sáng).
• Dạng kết hợp:
- Kết hợp kháng cholinergic và thuốc cường beta-2: Fenoterol/ Ipratropium x 6ml/ngày, khí dung chia 3 lần hoặc Salbutamol/Ipratropium nang 2,5 ml x 3-6 nang/ngày, khí dung chia 3 lần.
• Thuốc kháng sinh
- Chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng rõ: ho khạc đờm nhiều, đờm đục (nhiễm khuẩn) hoặc có sốt và các triệu chứng nhiễm trùng khác kèm theo.
- Nên sử dụng một trong các thuốc sau, hoặc có thể kết hợp 2 thuốc thuộc 2 nhóm khác nhau:
+ Nhóm betalactam: ampicillin/amoxillin + kháng betalactamase: liều 3g/ngày, chia 3 lần; hoặc dùng cefuroxim: liều 2 g/ngày, uống chia 4 lần; hoặc dùng: ampicillin/amoxillin/cephalexin: liều 3 g/ngày, chia 3 lần.
+ Levofloxacin 750 mg/ngày, moxifloxacin 400 mg/ngày, ciprofloxacin 1g/ngày.

3.4. Theo dõi và chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị
Các trường hợp đợt cấp BPTNMT nhẹ thường được chỉ định điều trị tại nhà.
Cần chỉ định nhập viện cho các bệnh nhân này khi có 1 hoặc nhiều dấu hiệu sau:

Bảng 10.3: Chỉ định nhập viện cho đợt cấp BPTNMT
- Khó thở nặng - Có bệnh mạn tính nặng kèm theo
- Đợt cấp đã thất bại với các điều trị ban đầu - Cơn bùng phát thường xuyên xuất hiện
- Đã có chẩn đoán BPTNMT nặng hoặc rất nặng - Nhịp nhanh mới xuất hiện
- Xuất hiện các dấu hiệu thực thể mới: tím môi, đầu chi, phù ngoại biên - Tuổi cao
  - Không có hỗ trợ từ gia đình


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hanley M.E. and Welsh C.H. (2008), "Chronic Obstructive Pulmonary Disease" Current Diagnosis & Treatment Emergency Medicine.
2. Global strategy for diagnosis, management, and prevention of chronic obstructive pulmonary disease. Update 2010.
3. Global strategy for diagnosis, management, and prevention of chronic obstructive pulmonary disease. Update 2011.