Bệnh động kinh

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

BỆNH ĐỘNG KINH LÀ GÌ?
Động kinh là một bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh xảy ra do sự bất thường trong não, dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát.
Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra những biểu hiện khác nhau. Co giật không phải là biểu hiện duy nhất, các cơn vắng ý thức đột ngột, co cứng chân tay cũng là biểu hiện của người bị động kinh.
Động kinh không phải là bệnh tâm thần vì ngoài những cơn co giật, người bệnh vẫn có thể học tập và sinh hoạt bình thường.
Bên cạnh khám và điều trị bệnh sớm, người bệnh cần có sự quan tâm của gia đình, người thân và cả cộng đồng để kiểm soát bệnh hiệu quả và có cuộc sống bình thường.
Ước tính trên toàn thế giới có khoảng 50 triệu người mắc bệnh động kinh, khiến động kinh trở thành một trong những căn bệnh thần kinh phổ biến nhất.
Ước tính tỷ lệ dân số nói chung bị bệnh động kinh thể đang hoạt động (tức tình trạng bệnh đang có những cơn động kinh thường xuyên xảy ra hay tình trạng bệnh đang cần được chữa trị) tại một thời điểm nhất định là từ 4 – 10/10.000 người.
Ước tính trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 5 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh động kinh.
Nguyên nhân động kinh
Động kinh là căn bệnh phổ biến do nhiều nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ gây ra, điển hình như:
Yếu tố di truyền: 
Theo các nhà khoa học, một số loại động kinh có sự liên kết với các gen cụ thể. Tuy nhiên, những gen này chỉ là yếu tố khiến người bệnh nhạy cảm hơn khi bị tác động bởi môi trường có thể gây ra những cơn động kinh. Nói một cách khác, gen chỉ là yếu tố có thể tác động chứ không phải yếu tố quyết định và chắc chắn gây bệnh.
Chấn  thương sọ não:
Những tai nạn nghiêm trọng khiến vùng não liên quan bị chấn thương chính là một trong những nguyên nhân gây bệnh động kinh.
Những bệnh gây tổn thương não: Trường hợp xuất hiện những khối u trong não hoặc người từng bị đột quỵ có nguy cơ cao mắc bệnh động kinh. Tổn thương não sẽ gây rối loạn hệ thần kinh trung ương, khiến hoạt động não có nhiều thay đổi và tăng nguy cơ bị động kinh.
Một số bệnh như:
Viêm màng não, viêm não, bệnh sán dây thần kinh, cấu trúc bất thường trong não không rõ nguyên nhân,… cũng được cho là yếu tố có thể gây bệnh động kinh.
Chấn thương trước khi sinh: 
Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non nớt, rất nhạy cảm với những tổn thương ở não. Trong trường hợp mẹ bị nhiễm trùng, thiếu dinh dưỡng, em bé sinh ra có nguy cơ tổn thương não, … dẫn đến chứng động kinh ở trẻ sơ sinh.
Với trẻ nhỏ, ngay cả khi sốt cao, co giật kéo dài cũng dễ tiến triển thành bệnh động kinh.
Thói quen lạm dụng các loại thuốc chống trầm cảm, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá và ma túy cũng là một trong những nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới bệnh động kinh.
Một số nguyên nhân khác bao gồm chứng tự kỷ, rối loạn điện giải, ngộ độc CO2, thiếu O2, bệnh Alzheimer…
Đối tượng nào dễ mắc bệnh động kinh?
Bệnh động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người già và trẻ em. Bệnh động kinh ở trẻ dưới 10 tuổi chiếm khoảng 40%, động kinh xuất hiện ở người dưới 20 tuổi chiếm khoảng 50% và có xu hướng tăng lên sau 60 tuổi.
Người có tiền sử gia đình mắc bệnh động kinh.
Những đối tượng có vấn đề về não như bị chấn thương não, tổn thương não và nhiễm trùng não như viêm não, viêm tủy sống…
Người bị đột quỵ và các bệnh về mạch máu.
Người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ (Dementia) có thể mắc bệnh động kinh.
Những em bé bị sốt giật đều phải được thăm khám vì khi sốt cao dẫn đến co giật, nếu không được điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ mắc động kinh khi trưởng thành.
Dấu hiệu động kinh hay triệu chứng động kinh
Triệu chứng hay dấu hiệu động kinh khá đa dạng, biểu hiện tùy thuộc vào dạng động kinh mà người bệnh đang mắc phải, thường gặp như sau:
Triệu chứng dạng động kinh cục bộ: 
Cơn động kinh chỉ xuất hiện tại một vài vùng nhất định ở não bộ:
Động kinh cục bộ đơn giản: 
Chỉ xảy ra triệu chứng co giật tại một số bộ phận trên cơ thể kèm theo tình trạng ảo giác về âm thanh, mùi vị, hình ảnh… Các dấu hiệu này thường chỉ tồn tại trong khoảng 90 giây nhưng không khiến người bệnh bị mất ý thức.
Động kinh cục bộ phức tạp: 
Biểu hiện triệu chứng co giật ở phạm vi lớn hơn (so với động kinh cục bộ đơn giản), chẳng hạn như nửa người hoặc cả tay chân, tồn tại không vượt quá 2 phút.
Ước tính khoảng 80% cơn động kinh cục bộ phức tạp xuất phát từ vùng não ở gần tai (thùy thái dương) khiến người bệnh có cảm xúc thất thường, khó kiểm soát hành vi, nói những lời vô nghĩa, bị mất ý thức…
Triệu chứng dạng động kinh toàn thể: 
Cơn động kinh xuất hiện tại mọi vùng của não bộ, bao gồm 5 thể:
Động kinh co giật – co cứng (bao gồm hai giai đoạn của cơn co cứng): Ở giai đoạn đầu, các cơ đột ngột co lại, khiến người bệnh ngã xuống và hoàn toàn mất ý thức (khoảng 10 đến 20 giây).
Ở giai đoạn sau, tình trạng co giật liên tục xuất hiện (khoảng vài phút) rồi giãn dần các cơ ra. Lúc này, người bệnh không còn cảm giác, thậm chí không biết điều gì đã xảy ra trước đó.
Co giật đơn thuần/động kinh co cứng: Trường hợp này ít khi xuất hiện và chỉ là tình trạng co giật/co cứng toàn thân đơn thuần.
Động kinh vắng ý thức: 
Người bệnh đột ngột bị mất ý thức với những triệu chứng như: đột ngột dừng việc đang làm lại, nhìn chăm chú vào một vật bất kỳ (trong khoảng 3 – 30 giây) rồi tỉnh lại, tiếp tục thực hiện công việc trước đó nhưng không biết bản thân vừa trải qua vấn đề gì.
Động kinh rung giật cơ: 
Cơ bắp đột ngột bị co giật, người bệnh không có khả năng tự chủ tại một phần của cơ thể (thậm chí toàn thân). Triệu chứng xảy ra tương đối giống với tình trạng sốc điện.
Mất trương lực cơ: 
Người bệnh bất ngờ bị ngã xuống đất, sụp mí mắt, đầu gật về trước, đánh rơi/buông bỏ đồ vật đang cầm trên tay… khi vẫn còn ý thức.
CÁCH XỬ TRÍ SƠ CỨU KHI PHÁT HIỆN NGƯỜI BỊ ĐỘNG KINH
Thực hiện mọi cách để giúp người bệnh dễ thở hơn, chẳng hạn như nới lỏng cổ áo, cà vạt…
Đặt người bệnh nằm nghiêng sang một bên, kê cao đầu bằng đồ vật mềm, tránh di chuyển người bệnh đến vị trí khác;
Loại bỏ những vật dụng xung quanh người bệnh có thể gây thương tích.
Không được trói người bệnh để làm giảm tình trạng co giật.
Đừng cố gắng “đánh thức” người bệnh bằng cách lắc người hoặc la hét.
Không cho người bệnh ăn uống gì khi bị co giật để tránh dẫn đến tình trạng sặc hoặc gặp phải chấn thương khác.
Không được đặt ngón tay hay bất kỳ thứ gì khác vào miệng người bệnh.
Theo dõi, ghi nhận các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải để kể lại cho bác sĩ/người bệnh được biết.
Tính thời gian người bệnh bị co giật, nếu cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút thì tiến hành gọi cấp cứu và tìm sự giúp đỡ từ nhân viên y tế.
Khi cơn động kinh kết thúc, cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám.
Nếu cần, hãy giúp người bệnh liên lạc với thân nhân để đưa họ về nhà một cách an toàn.
Các dạng động kinh phổ biến
1. Động kinh cục bộ
Những cơn động kinh cục bộ xuất hiện khi một phần trong não có hoạt động bất thường.
Thế nên, những biểu hiện của bệnh cũng chỉ xảy ra ở một vài bộ phận trong cơ thể. C
ó thể chia động kinh cục bộ thành 2 dạng là động kinh cục bộ đơn giản và động kinh cục bộ phức tạp. Động kinh cục bộ có thể xuất phát từ thùy thái dương, thùy chẩm, thùy trán.
2. Động kinh toàn thể
Những cơn động kinh toàn thể xuất hiện khi hoạt động phóng điện trong não xảy ra quá nhiều ảnh hưởng đến toàn thể não bộ. Hai dạng động kinh toàn thể thường gặp là cơn vắng ý thức (thường xảy ra ở trẻ em và hiếm gặp ở người lớn) và cơn co cứng – co giật toàn thể (dạng động kinh phổ biến ở người trưởng thành và có những biểu hiện khá rõ ràng, được cho là dễ nhận biết nhất).
Ngoài ra còn có các thể khác, bao gồm: co giật đơn thuần/động kinh co cứng, động kinh rung giật cơ, mất trương lực cơ.
Hội chứng West cũng là một dạng động kinh toàn thể thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 3 đến 8 tháng tuổi, sau đó dừng lại và chuyển sang một dạng động kinh khác khi trẻ lên 4 tuổi. Bệnh còn có tên gọi khác là chứng co thắt sơ sinh.
Nguyên nhân phổ biến là do những vấn đề về gen, rối loạn chuyển hóa, ngạt khi sinh, nhiễm trùng não dẫn đến bất thường trong cấu trúc và chức năng của não.
Dạng động kinh đặc biệt này khiến trẻ bị chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ, ảnh hưởng đến quá trình học tập sau này, có thể dẫn tới tự kỷ.
Bệnh động kinh có nguy hiểm không?
Bệnh động kinh có thể chữa được nhưng nếu không điều trị, biến chứng của bệnh sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Đối với trẻ sơ sinh bị động kinh, trẻ có nguy cơ bị ngạt chu sinh, nhiễm trùng hệ thần kinh, dị tật bẩm sinh, xuất huyết não, giảm canxi, giảm đường máu, rối loạn chuyển hóa.
Đối với trẻ nhỏ bị động kinh, trẻ có thể phải đối mặt với những di chứng tổn thương não.
Thanh thiếu niên bị động kinh (đặc biệt là động kinh thể vắng) có nguy cơ bị đuối nước khi bơi lội, ngã khi leo trèo, kết quả học tập bị sa sút nghiêm trọng do giảm khả năng tập trung.
Đối với những người trưởng thành, động kinh rất nguy hiểm nếu người bệnh bị tái phát khi đang lái xe, hoặc điều khiển những loại máy móc ở trên cao… Những tình huống như vậy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Với phụ nữ và người cao tuổi, động kinh là một căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc hằng ngày, thậm chí là thiên chức làm mẹ.
Bệnh động kinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây áp lực tâm lý rất lớn. Đối với nhiều người bệnh động kinh, chính thái độ tiêu cực của cộng đồng đã khiến họ luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti và khó hòa nhập với cuộc sống.
Cách chẩn đoán bệnh động kinh
Để chẩn đoán bệnh động kinh, các chuyên gia sẽ thực hiện khám lâm sàng trước, sau đó kết hợp với phương tiện kỹ thuật hiện đại để có được kết quả chính xác nhất. (3)
1. Khám lâm sàng
Khai thác về tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng của người bệnh.
Kiểm tra hành vi, kỹ năng vận động của người bệnh để xác định dạng động kinh mà người đó có thể mắc phải.
Thông qua kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể nhận biết dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng, di truyền và một số rối loạn khác có thể liên quan đến bệnh động kinh…
2. Thực hiện các cận lâm sàng, chụp chiếu, xét nghiệm để thấy rõ tổn thương trong não
Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, phương pháp xét nghiệm dưới đây để xác định chính xác tình trạng bệnh:
Điện não đồ: Đây là phương pháp phổ biến nhất được sử dụng trong quá trình chẩn đoán bệnh động kinh. Chuyên gia sẽ dùng các điện cực để ghi lại hoạt động điện của não. Nếu người bệnh bị động kinh thì mô hình sóng não cũng thay đổi bất thường ngay cả khi họ chưa lên cơn co giật.
Điện não đồ mật độ cao: Đây là biến thể của kỹ thuật điện não đồ. Đối với kỹ thuật xét nghiệm này, các điện cực được đặt gần nhau hơn. Kỹ thuật điện não đồ mật độ cao giúp bác sĩ xác định chính xác hơn các vùng não đang bị cơn động kinh tác động.
Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Kỹ thuật này cho phép bác sĩ quan sát hình ảnh não được cắt ngang, có thể phát hiện những tổn thương của não như khối u hay hiện tượng chảy máu não…
Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI): Đây là cách sử dụng sóng vô tuyến và nam châm để giúp bác sĩ quan sát chi tiết về bộ não, có thể phát hiện những tổn thương hay bất thường trong não – nguyên nhân động kinh.
Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm một số kỹ thuật khác để xác định chẩn đoán chứng động kinh, ví dụ như: chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), chụp cắt lớp gamma đơn năng phát xạ (SPECT), chụp ảnh nguồn điện (ESI), từ não đồ (MEG)…
Cách điều trị bệnh động kinh
1. Điều trị bệnh động kinh bằng phương pháp nội khoa
Phần lớn, người bệnh bị động kinh sẽ được sử dụng thuốc kháng động kinh để hạn chế những cơn co giật.
Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc tùy theo thể trạng và mức độ động kinh của người bệnh, loại động kinh, độ tuổi của người bệnh…
Khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, tăng cân và xuất hiện tình trạng phát ban, chóng mặt.
Sự kiên trì mang tính quyết định trong quá trình điều trị bệnh vì các loại thuốc kháng động kinh thường phải sử dụng lâu dài và theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ về các thuốc điều trị khác trước khi sử dụng.
Dù ở bất cứ trường hợp nào, người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc. Người bệnh cần được các bác sĩ chuyên khoa thần kinh theo dõi và điều trị liên tục.
Trong quá trình điều trị, nếu cảm thấy tâm trạng chán nản, mệt mỏi hoặc gặp phải tình trạng bất thường về sức khỏe thì người bệnh cần thông báo với bác sĩ ngay lập tức. Nếu người bệnh vẫn sử dụng rượu, bia, thuốc lá, cà phê… sẽ khiến hệ thần kinh càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc điều trị, khiến bệnh dễ tái phát.
2. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Với một số người bệnh bị kháng thuốc hoặc điều trị bằng thuốc nhưng không mang lại hiệu quả cao, vẫn xuất hiện những cơn co giật thì bác sĩ có thể ứng dụng phương pháp phẫu thuật.
Bác sĩ có thể chỉ định làm phẫu thuật chữa trị bị động kinh trong những trường hợp như: trạng thái động kinh bắt nguồn từ vị trí nhỏ trong não, xác định một cách cụ thể, rõ ràng vùng não bất thường không đảm nhận tốt các chức năng liên quan như thị giác, ngôn ngữ, vận động; các bệnh lý cụ thể như u não…
Sau khi hoàn tất quá trình thăm khám, kiểm tra, đảm bảo người bệnh đáp ứng các tiêu chuẩn để phẫu thuật và xác định được những vị trí bị tổn thương, bác sĩ sẽ tiến hành làm phẫu thuật.
3. Những liệu pháp khác
Bác sĩ cũng có thể chỉ định cho người bệnh động kinh điều trị thông qua một số liệu pháp khác như: kích thích não sâu (DBS), kích thích thần kinh phế vị (VNS)…
Người bệnh cũng có thể được tư vấn chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học để hỗ trợ điều trị bệnh như áp dụng chế độ ăn Keto…
Cách phòng ngừa động kinh
Mỗi người có thể áp dụng một số cách để phòng ngừa động kinh như sau:
Phòng ngừa tình trạng chấn thương đầu, chẳng hạn như giảm nguy cơ té ngã, chấn thương khi chơi thể thao, tai nạn giao thông… là cách hiệu quả để phòng tránh chứng động kinh sau chấn thương.
Chăm sóc chu sinh đầy đủ có thể giúp làm giảm những ca trẻ sinh ra bị bệnh động kinh do chấn thương sinh.
Đối với trẻ bị sốt cao, đi khám hoặc dùng thuốc và áp dụng những phương pháp khác để giúp hạ nhiệt độ cơ thể phù hợp có thể làm giảm nguy cơ gặp chứng co giật do sốt.
Để ngăn ngừa bệnh động kinh liên quan đến đột quỵ, mỗi người cần tập trung vào việc làm giảm những yếu tố nguy cơ liên quan, chẳng hạn như các biện pháp ngăn ngừa/kiểm soát tình trạng tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, tránh dùng quá nhiều rượu, tránh hút thuốc.
Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương là tác nhân phổ biến dẫn đến bệnh động kinh tại những vùng nhiệt đới. Việc loại bỏ ký sinh trùng và áp dụng biện pháp tránh nhiễm trùng có thể giúp làm giảm nguy cơ bị động kinh (chẳng hạn như động kinh do bệnh sán não).
Thăm khám sức khỏe thần kinh định kỳ để chủ động tầm soát, phát hiện sớm các bất thường có thể gây ra động kinh.
Những quan niệm sai lầm về động kinh
1. Động kinh là do ma quỷ gây ra
Là quan điểm sai lầm và cần được loại bỏ ngay.
2. Phụ nữ mắc bệnh động kinh không thể hoặc không nên mang thai
Phụ nữ mắc động kinh thường phải chịu “tiếng ác” là không thể sinh con hoặc nếu sinh được thì có thể di truyền bệnh cho con.
Khi bệnh bị tiết lộ, người bệnh khó có cơ hội lập gia đình.
Đây là quan niệm sai lầm và cần loại bỏ, thậm chí trên thế giới từng có những phong trào bảo vệ quyền có con của phụ nữ bị động kinh.
3. Người mắc bệnh động kinh luôn bị co giật
Các loại động kinh khác nhau sẽ có biểu hiện khác nhau.
Ngoài những cơn co giật, sùi bọt mép hay mắt trợn ngược, người mắc động kinh có thể gặp phải nhiều dấu hiệu khác như cảm giác sợ hãi, mặt đờ đẫn…
4. Động kinh là một dạng bệnh tâm thần
Phần lớn, trường hợp mắc bệnh động kinh phải chịu tiếng oan là người bệnh tâm thần. Sự thật là, động kinh không phải là một bệnh tâm thần.
Ngoại trừ những lúc lên cơn, người mắc động kinh vẫn tỉnh táo và có thể sinh hoạt bình thường.
5. Sơ cứu bằng cách nhét gì đó vào miệng bệnh nhân
Khi phát hiện người bệnh lên cơn động kinh, nhiều người nghĩ rằng, nhét vật gì đó vào miệng sẽ tránh để người bệnh cắn lưỡi, nhưng hành động đó lại có thể khiến người bệnh dễ bị ngạt thở và dẫn tới tử vong.
Chỉ nên nghiêng đầu người bệnh sang một bên, giúp họ nới lỏng quần áo và giữ người bệnh ở một tư thế thoải mái nhất.
Cần phải liên tục để ý tới người bệnh khi bị co giật.
6. Bệnh động kinh không thể chữa khỏi
Bệnh động kinh là bệnh cần chữa và hoàn toàn có thể điều trị khỏi.
Thực tế, rất nhiều người bệnh đã được điều trị thành công và trở lại cuộc sống bình thường.
Một số phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật hoặc dùng thuốc kháng động kinh. Bên cạnh đó, tùy vào dạng bệnh và thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Câu hỏi thường gặp
1. Bệnh động kinh có di truyền không?
Một số loại bệnh động kinh có tính di truyền trong gia đình. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thực hiện liên kết một số loại bệnh động kinh với các gen cụ thể. Tuy nhiên, các thay đổi di truyền có thể xuất hiện ở trẻ em mà không được truyền từ bố mẹ. Với hầu hết mọi người, gen chỉ là một phần tác nhân dẫn đến động kinh. Một số gen nhất định có thể khiến một người trở nên nhạy cảm hơn với những điều kiện môi trường dẫn đến cơn động kinh.
2. Bệnh động kinh có lây không?
Động kinh là một bệnh lý không lây, tác động đến khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới.
Căn bệnh này đặc trưng bởi những cơn động kinh tái phát – các tình trạng co giật không tự chủ ngắn có thể liên quan đến một phần/toàn bộ cơ thể, đôi khi kèm theo tình trạng mất ý thức, mất kiểm soát chức năng ruột/bàng quang.
3. Cơn co giật và động kinh có gì khác nhau?
Co giật liên quan đến những cử động cơ giật, mất kiểm soát và thay đổi ý thức.
Thuật ngữ co giật và động kinh thường được dùng để thay thế cho nhau.
Thuật ngữ co giật cũng có xu hướng được sử dụng để chỉ cơn tăng trương lực – một loại động kinh nặng.
Co giật là kết quả của hoạt động điện bất thường từ những tế bào trong não. Người bệnh có thể bị co giật mà không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Các chuyên gia gọi đây là co giật EEG (phát hiện trong lúc kiểm tra EEG – đo điện não).
Co giật là triệu chứng của căn bệnh động kinh, nhưng không phải tất cả những cơn co giật đều do động kinh gây ra. Động kinh là bệnh lý thần kinh được xác định thông qua tình trạng xuất hiện nhiều cơn động kinh liên tục. Bệnh động kinh có thể là tình trạng kéo dài trong suốt cuộc đời nếu không được điều trị, hoặc không tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
4. Bệnh động kinh nên ăn gì và kiêng gì?
Người bị động kinh nên tăng cường bổ sung vào khẩu phần các nhóm thực phẩm giàu chất béo và protein (phô mai, dầu cá, bơ, thịt nạc, cá, cua, tôm, hải sản…), nguồn thực phẩm có hàm lượng chất xơ hòa tan cao (táo, chuối, bơ, hạnh nhân, bột yến mạch, rau mồng tơi, gạo lứt, súp lơ…), thực phẩm giàu vi chất (hạt óc chó, dầu ô liu…), trái cây tươi, rau xanh.
Bệnh động kinh cần kiêng dùng một số thực phẩm có thể khiến não bộ bị kích thích, làm gia tăng tần suất và mức độ của những cơn co giật, chẳng hạn như: thực phẩm chứa hàm lượng đường cao (bánh mì trắng, nước có ga, bánh kẹo ngọt, khoai tây chiên…), thực phẩm giàu gluten (lúa mì, lúa mạch, súp đóng hộp…), thực phẩm chứa phụ gia và chất bảo quản, bia rượu, sữa chưa qua tiệt trùng…
5. Bệnh động kinh có chữa khỏi được không?
Bệnh động kinh càng được điều trị sớm thì cơ hội khỏi bệnh sẽ càng cao.
Với những trường hợp cần phẫu thuật, người bệnh nên thực hiện sớm vì nếu để lâu, tổn thương não “lan rộng” sẽ khiến quá trình phẫu thuật gặp khó khăn, trở nên phức tạp hơn; khiến bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

--
THUỐC CHỐNG ĐỘNG KINH


Lịch sử điều trị bệnh động kinh bắt đầu với việc sử dụng kali bromid khi Locock ghi nhận tác dụng chống động kinh của thuốc này vào năm 1857. Đến những năm 1900 – 1985, đã có nhiều thuốc chống động kinh thế hệ 1 được đưa vào sử dụng như barbiturat, benzodiazepin, carbamazepin, ethosuximid, phenyltoin, acid valproic… Từ năm 1989 đến 2021, đã có hơn 18 loại thuốc chống động kinh (antiseizure medication – AMS) thế hệ 2 được đưa ra thị trường giúp gia tăng đáng kể chọn lựa điều trị cho bác sĩ và bệnh nhân. Tuy nhiên, không có thuốc nào kiểm soát tất cả các thể động kinh, và mỗi bệnh nhân lại cần các loại thuốc khác nhau, số lượng thuốc khác nhau.
Vì cơ chế bệnh sinh của động kinh chưa được hoàn toàn biết rõ cho nên các thuốc chữa động kinh chỉ ức chế được các triệu chứng của bệnh chứ không dự phòng và điều trị được bệnh. Thuốc phải được sử dụng lâu dài, có nhiều tác dụng không mong muốn. Do đó cần được giám sát nghiêm ngặt.
1. Nguyên tắc sử dụng thuốc chống động kinh
Có một số nguyên tắc chung khi sử dụng thuốc chống động kinh:
Chỉ dùng thuốc khi đã có chẩn đoán lâm sàng chắc chắn.
Chọn các thuốc đặc trị cho từng loại cơn theo thứ tự ưu tiên, thường bắt đầu bằng đơn trị liệu. Nên tránh sử dụng nhiều loại thuốc nếu có thể vì có thể xảy ra tác dụng phụ, kém tuân thủ và tăng nguy cơ tương tác thuốc tăng.
Cho liều từ thấp tăng dần, thích ứng với các cơn. Cần điều chỉnh liều phù hợp với mức dung nạp thuốc của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có triệu chứng nhiễm độc thuốc ngay cả khi nồng độ thuốc trong máu chỉ ở mức thấp; những người khác chịu được mức cao mà không có triệu chứng.
Không ngừng thuốc đột ngột. Khi động kinh được kiểm soát, phải tiếp tục dùng thuốc cho đến khi bệnh nhân không gặp phải các cơn động kinh trong ít nhất 2 năm. Vào thời điểm đó, có thể cân nhắc ngưng dùng thuốc. Hầu hết các thuốc này có thể được giảm liều 10% mỗi 2 tuần.
Phải đảm bảo cho bệnh nhân uống đều hàng ngày, không quên.
Cấm uống rượu trong quá trình dùng thuốc.
Chờ đợi đủ thời hạn để đánh giá hiệu quả của điều trị:
Vài ngày với ethosuximid, benzodiazepin
Hai ba tuần với phenobarbital, phenytoin
Vài tuần với valproic acid.
Các thuốc điều trị động kinh khác nhau có đặc điểm khác nhau. Một số loại thuốc như phenytoin, valproat… có thể dùng tiêm tĩnh mạch hoặc uống, nên đạt đến ngưỡng điều trị mục tiêu rất nhanh. Các thuốc khác như lamotrigin, topiramat… phải bắt đầu với liều tương đối thấp và tăng dần trong vài tuần tới liều điều trị chuẩn, dựa trên cân nặng của người bệnh.
Hiểu rõ các tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn của từng thuốc để theo dõi kịp thời. Nếu bệnh nhân gặp phải độc tính của thuốc trước khi kiểm soát được động kinh, giảm liều xuống dưới liều gây độc trước đó. Sau đó, thêm một loại thuốc khác với liều thấp, tăng liều dần cho đến khi kiểm soát được động kinh. Cần phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân vì 2 thuốc có thể tương tác, ảnh hưởng tới tỷ lệ trao đổi chất, giáng hóa của một trong hai thuốc. Thuốc ban đầu nên giảm liều chậm, rồi mới có thể dừng hoàn toàn.
Nếu có thể, kiểm tra nồng độ của thuốc trong máu khi cần. Liều thích hợp của thuốc chống động kinh là liều thấp nhất ngăn chặn tất cả các cơn động kinh với ít tác dụng phụ nhất, bất kể nồng độ thuốc trong máu. Nồng độ thuốc trong máu chỉ mang tính hướng dẫn điều trị. Khi đã đáp ứng với thuốc, đánh giá lâm sàng sau đó sẽ hữu ích hơn việc đo nồng độ thuốc trong máu.
2.Danh sách các loại thuốc chống động kinh phổ biến
Có nhiều loại thuốc điều trị động kinh khác nhau.
Trong số đó, phổ biến là các thuốc sau nhưng người bệnh chỉ được sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2.1. Natri valproat
Thuốc được sử dụng theo đơn của bác sĩ. Natri valproat được bào chế ở nhiều dạng để người bệnh thuận tiện sử dụng. Ngoài điều trị động kinh, thuốc còn dùng để kiểm soát bệnh rối loạn lưỡng cực hoặc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
2.2. Carbamazepin
Carbamazepin cũng là thuốc chống động kinh thông dụng. Một số trường hợp bị đau thần kinh, mắc chứng rối loạn lưỡng cực cũng có thể sử dụng carbamazepin nếu các thuốc khác không cho tác dụng như ý.
2.3. Lamotrigine
Ngoài chữa bệnh động kinh, thuốc lamotrigine còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh trầm cảm ở người trưởng thành. Các hoạt chất trong thuốc sẽ làm chậm hoạt động điện não, từ đó ngăn ngừa các cơn co giật. Tương tự với các thuốc điều trị bệnh động kinh khác, lamotrigine là thuốc kê đơn.
Ngoài ra, còn rất nhiều thuốc chống động kinh khác như Clonazepam, gabapentin, lacosamide, levetiracetam, lorazepam, oxcarbazepine, phenobarbital, phenytoin, pregabalin, rufinamide, topiramate, axit valproic, vigabatrin, zonisamide,…
Nguyên tắc khi sử dụng thuốc điều trị động kinh
Người bệnh dùng thuốc kháng động kinh cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Uống thuốc theo chỉ định cụ thể của bác sĩ.
Không nên dùng nhiều loại thuốc chữa trị động kinh cùng lúc để tránh tác dụng phụ hoặc tăng tương tác thuốc.
Cần dùng thuốc thích hợp với tình trạng bệnh, bắt đầu từ liều thấp nhất sau đó tăng dần dựa trên tình hình bệnh tình cụ thể.
Không nên ngưng uống thuốc giữa chừng, nhất là khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Ngay cả khi các cơn động kinh đã được kiểm soát, người bệnh vẫn phải tiếp tục dùng thuốc. Duy trì cho đến khi không còn bị co giật trong ít nhất 2 năm, bác sĩ có thể cân nhắc việc ngừng dùng thuốc cho người bệnh.
Người bệnh cần uống thuốc đều đặn, đúng liều và đúng lượng.
Trong thời gian dùng thuốc chống động kinh, người bệnh tuyệt đối không uống rượu bia, các chất kích thích.
Phải theo sát liệu trình điều trị và kiên trì dùng thuốc để đạt hiệu quả chữa bệnh cao nhất.
Người bệnh nên tìm hiểu và hiểu rõ các tác dụng phụ của thuốc để theo dõi và can thiệp kịp thời.
Chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc chống động kinh
1. Chỉ định
Động kinh ở mọi thể loại (căn cứ vào từng loại thuốc).
Co giật cục bộ hoặc toàn thân.
Giảm triệu chứng đối với người bị đau dây thần kinh sinh ba.
2. Chống chỉ định
Người có tiền sử dị ứng hoặc có phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Người mắc bệnh suy gan.
Người mắc bệnh suy thận hoặc các bệnh lý khác liên quan đến thận.
Thận trọng khi sử dụng cho trẻ em và người lớn tuổi.