Rong kinh (sản phụ khoa)

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

RONG KINH
Rong kinh (có tên tiếng Anh là Menorrhagia) là hiện tượng lượng máu kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc kéo dài hơn so với một chu kỳ bình thường.
Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28-32 ngày, thời gian hành kinh là 3-5 ngày.
Lượng máu kinh nguyệt khoảng 50-80ml chính là lớp niêm mạc tử cung bong ra. Tiếp đó, hình thành lớp niêm mạc tử cung mới cho chu kỳ tiếp theo.
Hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày hoặc lượng máu kinh hơn 80ml được xem là rong kinh.
Để đánh giá lượng máu kinh vào mỗi chu kỳ là nhiều hay ít, có thể dựa trên số lượng và số lần thay băng vệ sinh.
Nếu phải thay băng vệ sinh liên tục hàng giờ hoặc sử dụng trên hai băng vệ sinh cùng lúc, điều đó chứng tỏ lượng máu kinh đang ra nhiều bất thường
Bên cạnh đó, tình trạng máu kinh ra nhiều vào ban đêm hoặc máu đông thành cục lớn cũng là dấu hiệu của hiện tượng này. 
Rong kinh kéo dài có thể làm thiếu máu, mệt mỏi và xanh xao.
Nguy hiểm hơn, căn bệnh này còn tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại sinh sôi và phát triển, gây viêm nhiễm các cơ quan sinh dục, dễ gây các bệnh lý phụ khoa và gây vô sinh.
Dấu hiệu khi bị rong kinh
Đau bụng kinh;
Lượng máu kinh ra nhiều trong thời gian hành kinh, kéo dài liên tục trên 7 ngày, thậm chí có thể lên tới 10 ngày;
Lượng máu kinh nhiều hơn 80ml thay vì 50-80ml ở một chu kỳ bình thường;
Phải thay băng vệ sinh liên tục sau vài giờ;
Phải sử dụng cùng lúc hai hoặc nhiều băng vệ sinh;
Xuất hiện cục máu đông có kích thước lớn;
Xuất hiện các triệu chứng của thiếu máu như cảm giác mệt mỏi, khó thở, kiệt sức.
Khi bị thiếu máu, có thể gặp phải các triệu chứng của một tình trạng gọi là PICA, bao gồm rụng tóc, da nhợt nhạt và muốn ăn những thứ không phải là thực phẩm như tóc, giấy, bụi bẩn…
Khi có những triệu chứng này, nên đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Nguyên nhân rong kinh
Rong kinh có thể do nhiều nguyên nhân, từ các vấn đề liên quan đến hormone, các bệnh lý khác hoặc đôi khi là do căng thẳng.
Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất:
1. Mất cân bằng hormone
Sự cân bằng giữa hormone Estrogen và Progesterone ở phụ nữ sẽ giúp điều chỉnh sự tích tụ ở niêm mạc tử cung bong ra trong chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu có một loại hormone nào thiếu hụt gây mất cân bằng, niêm mạc tử cung sẽ phát triển quá mức, dẫn đến lượng máu kinh ra nhiều.
Những nguyên nhân có thể làm mấy cân bằng hormone ở phụ nữ gồm hội chứng buồng trứng đa nang PCOS, bệnh lý tuyến giáp, tình trạng béo phì, kháng insulin…

2. Rối loạn chức năng buồng trứng
Nếu trứng không rụng vào chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ không thể sản xuất ra hormone Progesterone như một chu kỳ kinh nguyệt bình thường làm mất cân bằng hormone, hệ quả là rong kinh.

3. U xơ tử cung
Những khối u xơ tử cung lành tính cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chu kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.

4. Lạc nội mạc tử cung
Tình trạng lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể gây đau đớn và chảy máu, khiến người bệnh thấy lượng máu vào chu kỳ ra nhiều hơn.

5. Polyp tử cung
Polyp lành tính, kích thước nhỏ nằm trên niêm mạc tử cung có thể gây ra tình trạng chảy máu kéo dài.

6. Đặt vòng tránh thai
Rong kinh cũng là một trong những tác dụng phụ thường gặp của phương pháp vòng tránh thai để ngăn ngừa việc mang thai.

7. Liên quan đến thai kỳ
Sảy thai (thai nhi tử vong trong tử cung) hoặc  mang thai ngoài tử cung  có thể gây tình trạng chảy máu bất thường.

8. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc chống đông máu, thuốc nội tiết… có thể gây nên tình trạng chảy máu kinh nguyệt kéo dài.

9. Các bệnh lý khác
Tình trạng rối loạn đông máu di truyền như bệnh Von Willebrand có thể gây chảy máu kinh nguyệt bất thường.
Ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung hoặc ung thư buồng trứng cũng có thể dẫn đến rong kinh.

10. Các yếu tố nguy cơ khác
Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, buồng trứng sẽ giải phóng trứng (sự rụng trứng) để sản xuất hormone Progesterone cho cơ thể, giữ cho chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Nếu trứng không rụng, lượng hormone Progesterone có thể gây chảy máu nặng.
Tình trạng rong kinh ở trẻ vị thành niên là do rối loạn của quá trình rụng trứng.
Đối với bé gái tuổi vị thành niên, thường năm đầu tiên trứng không thể được giải phóng khỏi buồng trứng.
Đối với phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, hiện tượng này có liên quan đến các bệnh lý như u xơ tử cung, polyp tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung.
Các bệnh lý khác như ung thư tử cung, rối loạn đông máu di truyền, bệnh gan, thận hoặc tác dụng phụ của thuốc cũng có thể gây nên tình trạng này.
Rong kinh cũng là một trong những tình trạng phổ biến ở phụ nữ đang độ tuổi trung niên.

Rong kinh kéo dài bao lâu?
Thông thường, thời gian hành kinh sẽ diễn ra từ 3-5 ngày, nếu thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày được gọi là rong kinh.
 Tuy nhiên, thời gian rong ở mỗi người sẽ khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh

Rong kinh có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng gì không?
1. Thiếu máu
Bệnh có thể gây thiếu máu do mất máu quá nhiều vào mỗi chu kỳ kinh. Khi bị thiếu máu, sẽ thấy khó thở, cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, thiếu sức sống…

2. Đau bụng dữ dội
Bên cạnh lượng máu kinh nhiều, có thể cảm thấy đau bụng dữ dội (triệu chứng giống đau bụng kinh). Một vài trường hợp hiện tượng chuột rút có liên quan đến rong kinh.

3. Nguy cơ vô sinh – hiếm muộn
Khi bị rong kinh, máu sẽ có màu đen do bị ứ đọng lâu trong tử cung, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại xâm nhập gây bệnh.
Vi khuẩn có thể đi theo hướng từ âm đạo lên vòi trứng, buồng tử cung… gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Ngoài ra, hiện tượng chảy máu nhiều còn là triệu chứng của nhiều bệnh lý phụ khoa khác như viêm nội mạc tử cung, polyp tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang…
Nếu lơ là, không thăm khám và điều trị từ sớm, bệnh có thể gây vô sinh – hiếm muộn, cướp đi “thiên chức” làm mẹ của chị em phụ nữ.

Bị rong kinh phải làm sao?
1. Điều chỉnh lối sống khoa học
Chế độ sinh hoạt là một trong những cách cải thiện tình trạng rong kinh hữu hiệu.
Nghỉ ngơi hợp lý, tránh những hoạt động và vận động mạnh;
Giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng, stress;
Ngủ nghỉ đúng giờ và đủ giấc;
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay bằng vệ sinh mới đều đặn.

2. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý
Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi, bổ sung chất cho cơ thể tránh tình trạng thiếu máu, cũng như nạp thêm năng lượng giúp cơ thể khỏe khoắn hơn.
Bổ sung thêm trái cây và rau củ xanh vào thực đơn hàng ngày để ổn định đường huyết trong máu, cân bằng nội tiết tố, hạn chế nhiễm trùng;
Ăn thêm cá biển hoặc cá giàu chất béo để giúp giảm đau, giảm viêm;
Tăng cường thực phẩm giàu sắt và vitamin B6 để cải thiện tình trạng thiếu máu;
Nên ăn thêm ngũ cốc bởi chúng chứa ít glycemic sẽ giúp cân bằng nội tiết tố;
Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê;
Không ăn những món cay, nóng như nhiều ớt, tiêu.

3. Thăm khám với bác sĩ phụ khoa
Đi khám phụ khoa là việc làm cần thiết và quan trọng nhất khi phát hiện bị rong kinh.
Thông qua thăm khám, tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, bác sĩ sẽ có tư vấn và hướng dẫn cách xử trí hiệu quả nhất, giải quyết triệt để tình trạng này, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.

Phương pháp chẩn đoán
Siêu âm:
Sử dụng sóng âm thanh để quan sát hình ảnh trong tử cung, buồng trứng và xương chậu;
Xét nghiệm PAP:
Lấy mẫu nhỏ tế bào ở bề mặt cổ tử cung để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, tế bào ung thư hoặc mầm mống của ung thư;
Sinh thiết nội mạc tử cung:
Lấy mẫu mô ở nội mạc tử cung để kiểm tra sự hiện diện của ung thư.
Soi ổ bụng:
Rạch một đường nhỏ để quan sát ổ bụng.
Soi tử cung:
Dùng ống soi có gắn camera ghi hình để quan sát tử cung.
Chụp cản quang tử cung vòi trứng:
Đưa chất cản quang vào tử cung và ống dẫn trứng để quan sát tử cung trên phim X-quang.

Cách điều trị rong kinh
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: nguyên nhân và nguyện vọng sinh con của chị em phụ nữ.
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để cải thiện tình trạng rong kinh.
Có thể là thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc bổ sung hormone Progesterone hoặc thuốc bổ sung sắt để tránh thiếu máu.
Nếu việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Các thủ thuật điều trị có thể là nong nạo tử cung, cắt đốt nội mạc tử cung hoặc cắt bỏ tử cung (bao gồm cả tử cung và cổ tử cung)…
Tuy nhiên, hạn chế của những thủ thuật này là có thể gây vô sinh, do đó chỉ được áp dụng cho trường hợp phụ nữ lớn tuổi hoặc không còn nhu cầu sinh con.
Phòng ngừa rong kinh
Không thể phòng ngừa được nguyên nhân gây bệnh.
Tham khảo ý kiến bác sĩ, tuân thủ lịch khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định riêng để được kiểm soát tốt tình trạng, không ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản, sống vui khỏe và hạnh phúc.



RONG KINH RONG HUYẾT


1. KHÁI NIỆM
- Chảy máu bất thường từ niêm mạc tử cung, thường được gọi là rong kinh - rong huyết là một vấn đề thường gặp trong lâm sàng phụ khoa với rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Rong kinh, rong huyết đều là triệu chứng của nhiều tình trạng hoặc bệnh lý khác nhau.
- Rong kinh là hiện tượng ra máu từ đường sinh dục kéo dài quá 7 ngày, có chu kỳ.
- Rong huyết là hiện tượng ra máu từ đường sinh dục kéo dài trên 7 ngày, không có chu kỳ.

2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Lâm sàng
Khai thác bệnh sử: tần suất, thời gian và lượng kinh, xác định chảy máu có chu kỳ hay không.
Chảy máu có chu kỳ thường liên quan với có phóng noãn.
Các đặc điểm khác bao gồm tuổi người bệnh, tiền sử tình dục (xác định nguy cơ của bệnh lây truyền qua đường tình dục),
Các bệnh phụ khoa trước đó, sử dụng thuốc hoặc các hormon ngừa thai và các bệnh nội khoa mãn tính.
Tìm các dấu hiệu toàn thân khi khám thực thể.
Cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng của nhược năng giáp, bệnh gan, tăng prolactin máu, các rối loạn ăn uống và bệnh đông máu.
Khám phụ khoa cẩn thận,nên bao gồm cả khám trực tràng phối hợp với nắn bụng để xác định có hay không có các tổn thương thực thể trên đường sinh dục nữ.

2.2. Cận lâm sàng
Tùy theo từng tình huống để chỉ định xác xét nghiệm, thăm dò phù hợp:
- Công thức máu.
- Test thử thai đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
- Tế bào cổ tử cung
- Siêu âm phụ khoa (đường bụng ± đường âm đạo) khảo sát tử cung và 2 phần phụ
- Xét nghiệm nội tiết tố phụ khoa: estrogen, progesteron, FSH, LH, prolactin.
- Xét nghiệm dịch âm đạo - cổ tử cung để tìm lậu cầu hoặc Trichomonas vaginalis nếu nghi ngờ.
- Soi buồng tử cung
- Nạo sinh thiết từng phần ống cổ tử cung và niêm mạc tử cung.

2.3. Chẩn đoán xác định
Dựa vào kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.

2.4. Chẩn đoán phân loại
2.4.1. Rong kinh, rong huyết tuổi trẻ
Trước kia người ta cho rằng cường estrogen (tồn tại nang noãn) làm cho niêm mạc tử cung quá sản tuyến nang.
Ngày nay, người ta thấy estrogen có thể thấp, bình thường hoặc cao.
Cơ bản là do FSH và LH không đầy đủ để kích thích buồng trứng, nguyên do rối loạn hoạt động của vùng dưới đồi.
Thường là giai đoạn hoàng thể kém, không phóng noãn, không có giai đoạn hoàng thể.
Biểu hiện lâm sàng:
- Kinh nguyệt kéo dài, thường là máu tươi, xảy ra sau một vòng kinh dài (chậm kinh).
- Toàn trạng thiếu máu.
- Khám thực thể nhiều khi tử cung to mềm, cổ tử cung hé mở (cần phân biệt với sẩy thai)

2.4.2. Rong kinh, rong huyết tiền mãn kinh
Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh cần phải loại trừ các nguyên nhân ác tính.
- Trong giai đoạn tiền mãn kinh sinh thiết niêm mạc tử cung thường có hình ảnh quá sản dạng tuyến nang, gặp nhiều gấp 10 lần so với lứa tuổi 20 - 45.
- Trong giai đoạn sau mãn kinh hay gặp hình ảnh niêm mạc tử cung teo, niêm mạc tử cung không hoạt động.

2.4.3. Cường kinh (kinh nhiều)
So với hành kinh bình thường, lượng huyết ra nhiều.
Thường kèm với rong kinh.
- Nguyên nhân
Phần lớn do tổn thương thực thể ở tử cung, u xơ tử cung, polype tử cung, lạc nội mạc tử cung tại cơ tử cung làm tử cung không co bóp được, niêm mạc tử cung khó tái tạo nên khó cầm máu.
Cũng có thể do tử cung kém phát triển.
Cường kinh cơ năng ít gặp hơn.

2.4.4. Rong kinh do chảy máu trước kinh
Có thể do tổn thương thực thể như viêm niêm mạc tử cung, polype buồng tử cung, nhưng cũng có thể do giai đoạn hoàng thể ngắn vì hoàng thể teo sớm, estrogen và progesteron giảm nhanh.

2.4.5. Rong kinh do chảy máu sau kinh
- Thực thể: khá thường gặp, có thể do viêm niêm mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, u ác tính trong buồng tử cung.
- Cơ năng: có thể do niêm mạc tử cung có những vùng bong chậm hoặc những vùng tái tạo chậm.
- Điều trị

2.5. Chẩn đoán phân biệt:
Ra máu từ đường tiêu hóa: trĩ, ung thư đường tiêu hóa thấp.
Ra máu từ đường tiết niệu: nhiễm trùng đường tiểu, u đường tiểu, sỏi đường tiểu.

3. ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc chung, mục tiêu điều trị
Điều trị rong kinh rong huyết bao gồm điều trị nguyên nhân (nếu có), làm ngừng tình trạng ra máu từ niêm mạc tử cung, tái lập chu kỳ kinh bình thường (nếu người phụ nữ nằm trong độ tuổi sinh đẻ) và điều trị hỗ trợ, nâng cao thể trạng.

3.2. Điều trị cụ thể một số rong kinh rong huyết thường gặp (nội khoa, ngoại khoa, hướng dẫn chuyển tuyến)
Rong kinh rong huyết cần được bác sĩ sản phụ khoa điều trị tại cơ sở y tế tuyến Huyện trở lên.
Trong phần này chủ yếu đề cập đến xử trí rong kinh - rong huyết cơ năng.

3.2.1. Rong kinh, rong huyết tuổi trẻ
Bước đầu tiên là loại trừ những nguyên nhân ác tính, các bệnh về máu nhất là ở những người con gái trong lần thấy kinh đầu tiên đã bị rong kinh, sau đó mới đặt vấn đề điều trị cầm máu.
Nạo bằng hormon: tiêm progesteron hoặc uống progestagen 20mg/ngày.
Thông thường 4 - 5 ngày cầm máu.
Ngừng thuốc 2 - 3 ngày ra huyết trở lại làm bong triệt để niêm mạc tử cung.
Thời gian và lượng máu khi ra huyết trở lại tương tự như huyết kinh của người bình thường.
Đề phòng rong kinh trong vòng kinh sau cho tiếp vòng kinh nhân tạo, có thể cho progestagen đơn thuần vào nửa sau dự kiến của vòng kinh, có thể cho kết hợp estrogen với progestagen như kiểu viên thuốc tránh thai.
Có thể cho thuốc kích thích phóng noãn như clomifen.
Kết hợp với các thuốc cầm máu, thuốc co hồi tử cung (oxytocin, ergotamin).
Nếu trong những trường hợp rất hạn hữu, điều trị bằng mọi biện pháp không kết quả mới phải nạo buồng tử cung bằng dụng cụ.
Để cầm máu nhanh có thể dùng loại estrogen phức hợp sulfat tan trong nước: Premarin 25mg, tiêm tĩnh mạch, có thể cầm máu trong vòng nửa giờ.

Bảng 1: Lựa chọn điều trị nội khoa trong rong kinh cơ năng
Loại chảy máu Lựa chọn điều trị Bàn luận
Cấp Thuốc ngừa thai uống 2-3v/ngày trong 7 ngày sẽ cầm được máu sau đó duy trì 1v/ngày trong 14 ngày Sử dụng thuốc tránh thai 1 pha liều thấp
Estrogen phức hợp (Premarin) 25 mg TM mỗi 4-6 giờ x 1 ngày, hoặc 1,25mg uống mỗi 4-6 giờ x 1 ngày, sau đó uống thuốc tránh thai như trên. Tất cả các biện pháp điều trị chỉ có estrogen phải được theo sau bởi progestin
Mãn Thuốc ngừa thai viên kết hợp uống 1 viên/ngày Các phụ nữ quanh mãn kinh nên sử dụng viên 20mg
Medroxyprogesterone acetate, 10mg/ngày x 10 ngày/tháng Chảy máu xuất hiện sau viên cuối cùng 2-7 ngày
Clomiphen Citrate (Clomid, Serophen, Ovofar), 50-150mg/ngày vào các ngày 5-9 của vòng kinh Sử dụng cho những phụ nữ mong muốn có thai.

3.2.2. Rong kinh, rong huyết tiền mãn kinh
Điều trị triệu chứng tốt nhất là nạo niêm mạc tử cung, có 3 lợi ích:
+ Cầm máu nhanh (đỡ mất máu).
+ Giải phẫu bệnh lý (loại trừ ác tính).
+ Xác định rõ ràng tình trạng quá sản niêm mạc tử cung (điều trị hormon tiếp theo).
Ngày nạo được tính là ngày đầu tiên của kỳ kinh tới.
Thông thường cho progestin từ ngày thứ 16 của vòng kinh, mỗi ngày 10mg, uống trong 10 ngày, uống trong 3 vòng kinh liền.

3.2.3. Rong kinh, rong huyết tuổi sinh đẻ (18 - 45 tuổi)
- Cường kinh (kinh nhiều)
+ Trẻ tuổi:
Tử cung co bóp kém: thuốc co tử cung.
Tử cung kém phát triển: vòng kinh nhân tạo hoặc cho viên thuốc tránh thai nữa sau chu kỳ kinh.
+ Lớn tuổi:
Nếu có tổn thương thực thể nhỏ chưa có chỉ định phẫu thuật có thể chỉ định progestin vài ngày trước khi hành kinh.
Cũng có thể cho progestin liều cao (gây vô kinh 3 - 4 tháng liền).
Trên 40 tuổi, điều trị thuốc không hiệu quả nên mổ cắt tử cung.
- Rong kinh do chảy máu trước kinh:
Trên 35 tuổi: nạo niêm mạc tử cung.
Thuốc: progestin hoặc thuốc uống tránh thai nửa sau vòng kinh.
- Rong kinh do chảy máu sau kinh
Trước hết phải loại trừ nguyên nhân thực thể.
Nếu do hoàng thể kéo dài thì cho progestin hoặc estrogen kết hợp với progestin vào các ngày 20 - 25 của vòng kinh.
Sau khi ngưng thuốc vài ngày, niêm mạc tử cung sẽ bong gọn và không rong kinh.
Nếu do niêm mạc tử cung tái tạo chậm có thể cho Ethinyl - estradiol 0,05mg mỗi ngày 1 - 2 viên trong các ngày 3 - 8 của vòng kinh.
- Rong kinh do quá sản tuyến nang niêm mạc tử cung
+ Nạo niêm mạc buồng tử cung (50% khỏi trong một thời gian dài)
+ Thuốc: Progestin 10mg/ngày trong 10 ngày, kể từ ngày thứ 16 của vòng kinh trong 3 tháng.
+ Có thể xem xét mổ cắt tử cung ở phụ nữ trên 40 tuổi, đã đủ con.

3.2.4. Điều trị hỗ trợ
Truyền máu/các sản phẩm từ máu nếu thiếu máu nặng.
Tăng cường dinh dưỡng giàu đạm, bổ sung sắt.

4. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
Các trường hợp rong kinh rong huyết cơ năng kéo dài nếu không được điều trị sớm và đúng phương pháp sẽ dẫn đến thiếu máu nhược sắc, suy nhược cơ thể.

5. TIÊN LƯỢNG VÀ PHÒNG BỆNH
Rong kinh rong huyết có nguyên nhân thực thể có tiên lượng tùy theo từng bệnh cảnh lành tính hay ác tính.
Rong kinh rong huyết cơ năng nhìn chung có tiên lượng tốt.
Để dự phòng cần khám phụ khoa định kỳ hàng năm và đến khám sớm tại cơ sở y tế nếu có hiện tượng ra máu bất thường từ đường sinh dục.