Bệnh ung thư vú

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

BỆNH UNG THƯ VÚ
Ung thư vú xảy ra trong trường hợp đó là u vú ác tính. Bởi vì khối u thì có dạng lành tính (không ung thư) và ác tính (bị ung thư). Phần lớn ung thư vú thường bắt nguồn từ những bất thường ở các ống dẫn sữa, một số trường hợp khác chiếm tỷ lệ nhỏ là phát  triển ở các tiểu thuỳ hoặc ở túi sữa. 
Nếu phát hiện và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn quá muộn, các tế bào ung thư có thể sẽ di căn sang các khu vực khác của cơ thể khiến bệnh nhân càng thêm đau đớn. Ngược lại, nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm, ung thư vú có cơ hội được chữa khỏi khá cao, khoảng 80%.
Tình hình bệnh ung thư vú ở nữ giới tại Việt Nam:
Theo ghi nhận của Globocan năm 2020, ung thư vú là căn bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh ung thư mắc ở nữ giới, với 21.555 trường hợp - chiếm 25.8% và xếp thứ 3 sau bệnh ung thư gan và ung thư phổi tính theo cả hai giới.
Ở Việt nam, cách đây từ 5 - 10 năm thì tỷ lệ bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh ung thư vú ở giai đoạn muộn là hơn 70%.
Các giai đoạn của ung thư vú ở nữ giới:
Giai đoạn 0 (Giai đoạn đầu)
Thông thường ở giai đoạn đầu, ung thư vú sẽ được phát hiện khi khu trú tại những ống dẫn sữa, hay còn được biết đến với tên gọi ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ. Để ngăn chặn sự di căn lan rộng của ung thư, bệnh nhân sẽ cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u kết hợp với phương pháp xạ trị để tiêu diệt hoàn toàn ung thư vú.
Giai đoạn 1
- Giai đoạn 1a:
Kích thước của khối u vẫn còn nhỏ (tầm dưới 2cm) và chưa ảnh hưởng tới các hạch bạch huyết xung quanh. 
- Giai đoạn 1b:
Khi bệnh chuyển sang giai đoạn này, bên cạnh sự xuất hiện của khối u còn có thể phát hiện ra khối u ở các hạch bạch huyết vùng nách. 
2 giai đoạn này vẫn được coi là sớm, bác sĩ sẽ kết hợp phương pháp phẫu thuật cùng những liệu pháp khác để điều trị ung thư vú.
Giai đoạn 2
Bước sang giai đoạn 2, các khối u đã gia tăng kích thước lên thành 2 - 5cm, có thể chia thành 2 giai đoạn nhỏ là 2a và 2b:
- Giai đoạn 2a:
Chưa có sự xuất hiện của u nguyên phát và có ít hơn 4 hạch bạch huyết. Khối u to khoảng 2 - 4cm và chưa có dấu hiệu lan rộng sang hạch bạch huyết và hạch ở dưới cánh tay.
- Giai đoạn  2b:
Kích thước các khối u từ 2 - 4cm, có các cụm tế bào ung thư ở trong 1 - 3 hạch bạch huyết tại vị trí nách hoặc ở gần xương ức. Hoặc cũng có trường hợp khối u đã to đến kích thước 5cm nhưng chưa lan sang các hạch bạch huyết.
Các biện pháp điều trị dành cho giai đoạn này đó là phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và kích thích tố.
Giai đoạn 3
Ở giai đoạn này khi được phát hiện thì các khối u đã lan rộng sang 4 - 9 hạch bạch huyết ở khu vực nách hoặc các hạch bạch huyết bên trong vú đã có dấu hiệu bị phù.
Liệu pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 3 cùng tương tự như ở giai đoạn 2. Nếu có sự tồn tại của khối u nguyên phát lớn thì người bệnh cần tích cực điều trị bằng biện pháp hoá trị để thu nhỏ kích thước khối u trước khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ.
Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối)
Ở giai đoạn cuối, các tế bào ung thư vú đã lan rộng và xâm nhập, tấn công các bộ phận khác trong cơ thể. Những địa điểm mà ung thư vú thường di căn tới đó là não, xương,  gan và phổi. Lúc này bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân điều trị toàn thân tích cực và đây cũng là phương pháp hay được áp dụng cho bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư vú.
Nguyên nhân Ung thư vú
- Phụ nữ không có khả năng sinh sản, sinh con muộn hoặc những người không cho con bú;
- Dậy thì có kinh nguyệt sớm hoặc mãn kinh quá muộn cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư vú;
- Do gen di truyền: tiền sử trong gia đình đã từng có người thân mắc bệnh ung thư vú;
- Bản thân bệnh nhân đã từng mắc các bệnh liên quan đến vú như u xơ hoặc u nang tuyến vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng,...;
- Chế độ ăn nghèo nàn vitamin và thiếu chất dinh dưỡng;
- Đối tượng người bệnh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều hoá chất độc hại và tia bức xạ.
Bệnh ung thư vú sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Có nhiều lý do mà cơ thể có các đột biến gen, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống.
Phụ nữ lớn tuổi (trên 50 tuổi), phụ nữ chưa có con hoặc sinh con sau 30 tuổi cũng có khả năng cao.
Do di truyền, nếu trong nhà có mẹ hoặc chị mắc bệnh trước thời kỳ mãn kinh thì nguy cơ các cặp gen kết hợp lại với nhau gây ra ung thư vú cao hơn.
Có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi).
Một số nghiên cứu cho hay phụ nữ có thói quen hút thuốc, uống rượu bia trong vòng 5 năm kể từ khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt có đến 70% phát triển ung thư trước tuổi 50 cao hơn so với những người không hút.
Phụ nữ có mô vú dày, điều trị xạ trị ở ngực trước tuổi 30, người béo phì.
Hormone thay thế trị liệu (HRT; estrogen cộng với progesterone) làm tăng nguy cơ ung thư vú nhẹ sau 5 năm điều trị.
Thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ một chút nếu được sử dụng trong nhiều năm.
Triệu chứng Ung thư vú
Bệnh nhân bị đau vùng ngực
Xuất hiện cảm giác đau âm ỉ vùng ngực và không theo quy luật rõ ràng nào. Nếu vùng ngực bị đau kèm nóng rát liên tục trong nhiều ngày, bị đau tăng nặng thì người bệnh nên khẩn trương đi kiểm tra tình trạng sức khoẻ vì rất có thể đây là triệu chứng cảnh báo ung thư vú giai đoạn đầu.
Bầu ngực trở nên to bất thường
Nếu người bệnh cảm thấy kích thước của vú to lên bất thường mà không có tác động nào (không phải to do tập gym hoặc sử dụng sản phẩm hỗ trợ tăng kích thước vòng ngực,...), 2 bên vú không cân xứng hoặc có dấu hiệu cương cứng thường xuyên thì cần hết sức cảnh giác vì đây cũng là một trong những biểu hiện ban đầu của bệnh ung thư vú.
Ngực sưng hoặc nổi hạch 
Ngoài các bệnh lý thông thường như nhiễm trùng, cảm cúm thì biểu hiện sưng hạch bạch huyết cũng là dấu hiệu của bệnh ung thư vú. Nếu bệnh nhân phát hiện có vết sưng đau hoặc các khối u sưng đau nằm dưới vùng da, kéo dài trong nhiều ngày mà không xác định được nguyên nhân thì cần đi khám để kiểm tra xem có mắc phải ung thư vú hay không.
Bị tụt núm vú và vùng da quanh đầu núm vú có sự thay đổi 
Tụt núm vú có thể là một hiện tượng bẩm sinh ở một số trường hợp, nhưng nếu đột nhiên núm vú của bạn bị tụt hẳn vào trong, có cảm giác cương cứng và không thể kéo ra ra được như bình thường, bên cạnh đó vùng da xung quanh trở nên nhăn nheo, co rút, thậm chí hiện diện những hạt nhỏ ở quầng vú gây ngứa ngáy không khỏi, núm vú chảy dịch bất thường,... thì tốt hơn hết bạn nên đi khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thường xuyên bị đau vai, lưng hoặc gáy 
Có những trường hợp khi mắc ung thư vú, thay vì đau ngực lại có biểu hiện đau ở lưng, vai hoặc gáy. Vị trí của những cơn đau thường là ở phía lưng bên trên hoặc đau giữa 2 bả vai.
Điều này gây nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh về cột sống hoặc là giãn dây chằng.
Nhìn chung, nếu phát hiện có các triệu chứng như da ngực biến đổi tính chất, màu sắc, chảy dịch, cảm giác có u cục dưới da, ngực sưng đau,... xảy ra nhiều ngày không rõ nguyên nhân thì bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán bệnh.
Đặc biệt những người phụ nữ chưa từng sinh con, trên 35 tuổi, có các dấu hiệu bất thường ở tuyến vú,... nên đi khám và tầm soát ung thư vú định kỳ 6 tháng/lần.
Biểu hiện của bệnh ung thư vú
 Đau: Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.
 Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.
 Chảy dịch-máu ở đầu vú: Đầu vú tư nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.
 Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định có thể đau hoặc không đau.
Phòng ngừa Ung thư vú
Một trong những yếu tố quyết định kéo dài sự sống cho bệnh nhân đó là phát hiện và chữa trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Nữ giới nên tiến hành khám sàng lọc ung thư vú, kiểm tra sức khỏe hàng năm. Trên thực tế, từ 8 - 10 năm được coi là thời kỳ tiền lâm sàng của ung thư vú nên việc khám sàng lọc định kỳ có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả các triệu chứng của bệnh.
Nếu phát hiện sớm:
Giai đoạn đầu của ung thư vú, tỷ lệ chữa khỏi là trên 80%.
Giai đoạn 2 là 60% và có thể bảo tồn được vú cho người bệnh.
Giai đoạn 3 thì khả năng khỏi hẳn sẽ thấp đi rất nhiều.
Giai đoạn cuối thì đã muộn, ung thư không những phá huỷ vú mà còn tấn công sang những bộ phận quan trọng của cơ thể, đồng thời việc điều trị lúc này chỉ còn mang tính chất duy trì sự sống và giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân.
Cần để lưu ý tới những dấu hiệu bất thường của bệnh, đồng thời cần xây dựng một lối sống khoa học, lành mạnh:
- Ăn những thực phẩm giàu phytoestrogènes, ăn nhiều rau củ quả;
- Cần lưu ý và cân nhắc sử dụng những loại thuốc lợi tiểu hoặc thuốc chống trầm cảm. Vì những thuốc này làm tăng khả năng mắc ung thư vú;
- Xem xét việc điều trị bằng biện pháp hormon ở giai đoạn mãn kinh:
Nhiều phụ nữ muốn tăng hàm lượng estrogen cho cơ thể nhưng điều này sẽ khiến tế bào vú gia tăng khả năng phân chia, vô tình kích thích sự sinh trưởng và phát triển của những tế bào bất thường ở vú.
Các biện pháp chẩn đoán Ung thư vú
Để phát hiện bệnh ung thư vú, bệnh nhân cần trải qua những phương pháp chẩn đoán sau:
- Khám lâm sàng: 
Dựa trên các biểu hiện lâm sàng nêu trên của bệnh nhân, bác sĩ còn có thể khai thác tiền sử bệnh lý đã từng mắc phải liên quan đến tuyến vú, di truyền,... ngoài ra còn phát hiện thêm những bất thường khác ở vú;
- Chụp nhũ ảnh: 
Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang giúp phát hiện những khối u bất thường có trong vú như u, u nang, mảng lắng đọng canxi;
- Siêu âm: 
Biện pháp này giúp hỗ trợ kiểm tra những khối u bất thường phát  hiện trên nhũ ảnh. Bên cạnh đó, nhờ siêu âm ta có thể phân biệt được đâu là khối đặc, có thể là ung thư tiềm ẩn, đâu là u nang chứa dịch đơn thuần không phải là ung thư;
- Chụp cộng hưởng từ (MRI):
Giúp kiểm tra sâu, kỹ hơn vùng vú đang nghi ngờ có thể chứa tế bào ung thư tiềm ẩn. Thường những bệnh nhân là phụ nữ trẻ có mật độ mô vú cao hơn thì phương pháp này thực sự có hiệu quả đối với họ. 
Các biện pháp điều trị Ung thư vú
Biện pháp phẫu thuật
Nếu bệnh ở giai đoạn sớm với khối u có kích thước nhỏ, thường bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành phẫu thuật bóc tách. Trong trường hợp tế bào ung thư đã lan rộng, bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật đoạn nhũ nhằm cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú gồm tuyến sữa, núm vú và phần da.
Để tạo thuận lợi cho việc tái tạo của tuyến nhũ sau này, bác sĩ sẽ tiến hành đoạn nhũ tiết kiệm da. Ngoài ra để kiểm tra xem ung thư đã di căn tới các hạch hay chưa, bác sĩ sẽ nạo hạch sinh thiết để phân tích tế bào. 
Có những trường hợp đề phòng ung thư sẽ lan rộng, bệnh nhân có thể lựa chọn cắt bỏ tuyến vú bên lành, hay còn được gọi là đoạn nhũ dự phòng vì trong gia đình có người đã từng bị ung thư vú, hoặc bệnh nhân có gen đột biến liên quan tới bệnh về vú.
Phương pháp xạ trị
Biện pháp này giúp tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách sử dụng ảnh hưởng của các chùm tia X và proton có năng lượng cao. Xạ trị thường được áp dụng sau khi bệnh nhân đã đoạn nhũ, nhằm đảm bảo rằng các tế bào ung thư còn sót lại sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, tận gốc.
Hoá trị liệu
Thay vì xâm lấn thì đây là biện pháp điều trị bằng thuốc để xoá bỏ các tế bào ung thư ra khỏi cơ thể. Thường các bệnh nhân mà có nguy cơ cao tái phát ung thư hoặc khi ung thư đã di căn sang những cơ quan khác sẽ được điều trị bằng phương pháp này. Tuy nhiên trong trường hợp nhằm thủ nhỏ kích thước khối u trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể được áp dụng phương pháp hoá trị.

 

Danh mục: Bệnh ung thư Từ khóa: