Viêm Mũi Xoang Cấp Tính (tai mũi họng)

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

VIÊM MŨI XOANG CẤP TÍNH


1. ĐỊNH NGHĨA
Viêm mũi xoang được hiểu theo nghĩa rộng là viêm mũi và các xoang cạnh mũi, gây ra một nhóm các rối loạn.
Phân loại viêm mũi xoang theo thời gian bị viêm gồm có:
Cấp tính (từ 4 tuần trở lại), bán cấp tính (4-12 tuần) và mạn tính (trên 12 tuần).
Có thể phân chia thành viêm mũi xoang cấp tính tái phát (lớn hơn hoặc bằng 4 đợt trong một năm mà không có triệu chứng của viêm mũi xoang mạn tính) và viêm mũi xoang cấp tính kịch phát.
2. NGUYÊN NHÂN
Viêm mũi xoang do các nhóm nguyên nhân chính như sau:
2.1. Sau cảm cúm (viêm nhiễm virus đường hô hấp trên)
Viêm mũi xoang do nhiễm khuẩn cấp tính điển hình thường bắt đầu với viêm nhiễm virus đường hô hấp trên kéo dài hơn 10 ngày.
Trong một số trường hợp, viêm mũi xoang nhiễm khuẩn cấp tính thứ phát do hậu quả của sự bít tắc lỗ thông mũi xoang (do phù nề niêm mạc) và có thể do sự tổn thương hệ thống màng nhầy lông chuyển.
Kết quả cuối cùng là ứ đọng chất nhầy trong xoang và tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Các tác nhân phổ biến nhất gây ra viêm xoang cấp tính bao gồm Streptococcus Pneumonia, Haemophilus Influenza, và Moraxella Catarrahalis.
2.2. Các nguyên nhân khác
- Dị ứng.
- Trào ngược dạ dày - thực quản.
- Hít phải các chất kích thích (bụi, khói thuốc lá, hóa chất…).
- Bất thường về giải phẫu mũi xoang (vẹo vách ngăn, xoang hơi cuốn giữa, quá phát mỏm móc, bóng sàng).
- VA quá phát.
- Chấn thương mũi xoang.
- Các khối u vòm mũi họng.
- Bệnh toàn thân:
Suy giảm miễn dịch, rối loạn chức năng lông chuyển, bệnh xơ nang (Cystic fibrosis)…
3. CHẨN ĐOÁN VIÊM MŨI XOANG CẤP TÍNH DO VI KHUẨN
3.1. Chẩn đoán xác định
3.1.1. Triệu chứng lâm sàng
Cần phải nghĩ tới viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn khi viêm nhiễm đường hô hấp trên do virus sau 5-7 ngày triệu chứng ngày càng xấu đi hoặc kéo dài hơn 10 ngày chưa khỏi bệnh.
Các triệu chứng giúp chẩn đoán viêm mũi xoang cấp tính gồm có:
- Các triệu chứng chính:
+ Cảm giác đau và nhức ở vùng mặt
+ Sưng và nề vùng mặt
+ Tắc ngạt mũi
+ Chảy mũi, dịch đổi mầu hoặc mủ ra mũi sau.
+ Ngửi kém hoặc mất ngửi
+ Có mủ trong hốc mũi
+ Sốt
- Các triệu chứng phụ:
+ Đau đầu
+ Thở hôi
+ Mệt mỏi
+ Đau răng
+ Ho
+ Đau nhức ở tai
- Soi mũi trước:
Là cần thiết với tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bị viêm mũi xoang.
Cần chú ý phát hiện chất nhầy mủ, sung huyết, dị hình vách ngăn…
Thăm khám nội soi:
Phương pháp nội soi mũi là cần thiết để xác định viêm mũi xoang.
Những dấu hiệu có giá trị bao gồm:
Mủ nhầy tại phức hợp lỗ ngách và ngách sàng bướm, sự phù nề, sung huyết… niêm mạc mũi. Đối với viêm mũi xoang cấp tính do nhiễm khuẩn, nội soi rất hữu ích cho chẩn đoán và lấy bệnh phẩm từ khe giữa.
3.1.2. Triệu chứng cận lâm sàng
- Chẩn đoán hình ảnh:
+ Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) là phương pháp đang được lựa chọn trong chẩn đoán viêm mũi xoang.
Tuy nhiên hình ảnh trong viêm mũi xoang cấp tính do nhiễm khuẩn sẽ không được rõ ràng trừ khi có biến chứng.
+ Chụp cộng hưởng từ (MRI) của xoang thường ít được thực hiện hơn CT Scanner bởi vì phương pháp này không tạo được hình ảnh xương rõ ràng.
Tuy nhiên, MRI thường có thể giúp phân biệt được dịch nhầy còn đọng lại trong xoang với khối u của nhu mô khác dựa trên những đặc điểm đậm độ tín hiệu, mà có thể không phân biệt được trên phim CT Scanner;
Chính vì vậy, MRI có thể rất có giá trị để phân biệt xoang có khối u với xoang có ứ đọng dịch. MRI cũng là một phương pháp hữu ích khi nghi ngờ có bệnh tích xâm lấn ổ mắt - nội sọ.
- Xét nghiệm:
Xét nghiệm không thực sự có giá trị trong việc đánh giá viêm mũi xoang cấp tính.
Tuy nhiên trong một số trường hợp viêm mũi xoang cấp tính cũng cần tiến hành một số xét nghiệm để đánh giá tình trạng suy giảm miễn dịch, HIV, bệnh tự miễn…
3.2. Chẩn đoán phân biệt
Viêm mũi xoang cấp tính cần chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh khác gồm có:
Viêm mũi do virus (cảm cúm), đau nhức khớp thái dương hàm, đau đầu (bao gồm cả hội chứng đau nửa đầu - Migraine);
Đau răng, đau mũi, đau dây thần kinh V và khối u tân sinh trong xoang.
Triệu chứng đau nhức vùng mặt, chảy mũi mủ, sung huyết mũi, ngửi giảm, đau răng và kém đáp ứng với thuốc co mạch có thể giúp phân biệt.
3.2.1. Viêm mũi do virus (cảm cúm)
Trong chẩn đoán viêm mũi xoang cấp, vấn đề khó khăn nhất là phân biệt nó với viêm mũi do virus vì diễn biến của bệnh và sự giống nhau về triệu chứng.
Tuy nhiên, khi thăm khám thấy có mủ trong hốc mũi có thể nghĩ tới viêm mũi xoang cấp.
Đặc biệt phải nghĩ đến viêm xoang nếu các triệu chứng viêm mũi xấu đi sau 5 ngày hoặc kéo dài hơn 10 ngày.
Triệu chứng cấp tính của một bên mặt cũng liên quan hơn tới viêm xoang.
3.2.2. Đau nhức khớp thái dương hàm
Đau nhức khớp thái dương hàm rất phổ biến và dễ bị nhầm lẫn với đau của viêm xoang.
Đau nhức khớp thái dương hàm thường gây ảnh hưởng đến trí nhớ, trí tuệ, tinh thần và chất lượng cuộc sống.
3.2.3. Đau đầu và đau nửa đầu
Đau đầu và đau nửa đầu có thể rất dễ nhầm lẫn với đau do viêm xoang.
Đau nửa đầu có đặc điểm là đau ở một bên và kéo dài từ 4-72 giờ.
Sự xuất hiện của những cơn này thường ngắn và đáp ứng với thuốc chữa đau nửa đầu như là ergot alkaloids.
Cảm giác căng ở vùng trán như đeo đai cùng với đau đầu đặc thù sẽ giảm đi ở những ngày sau đó.
3.2.4. Đau răng và đau dây thần kinh số V
Đau răng có thể là do viêm xoang và có thể nhầm với đau do viêm xoang.
Đau dây thần kinh số V thường không phổ biến, nhưng có thể gây ra cơn đau nhói kịch phát theo đường đi của dây thần kinh V.
Cảm giác này trái với triệu chứng đau kéo dài liên tục của viêm xoang.
3.2.5. U xoang
U xoang thường không phổ biến, nhưng với tiền sử tắc mũi và chảy máu mũi một bên cần chụp CT Scanner và nội soi mũi.
X quang, u xoang được thể hiện ở một bên và xương bị ăn mòn.
4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
Đối với viêm mũi xoang cấp tính chủ yếu là điều trị nội khoa.
Phẫu thuật chỉ đặt ra trong những trường hợp cần thiết.
4.2. Điều trị cụ thể
4.2.1. Thuốc kháng sinh
Tỷ lệ các vi khuẩn thường gặp trong viêm mũi xoang cấp tính kháng thuốc ngày càng cao.
Đối với S. Ppneumoniae có 25% kháng lại penicillin và kháng lại macrolides cũng như trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX) rất phổ biến.
Có 30% H. Influenzae và hầu hết nhóm M. Catarrhalis tạo ra β-Lactamase.
Những hướng dẫn gần đây cho sự lựa chọn thuốc kháng sinh trong điều trị viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn cần phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và cần cân nhắc bệnh nhân đã sử dụng thuốc kháng sinh trong 4-6 tuần gần đây không.
- Đối với thể nặng thời gian điều trị từ 10-14 ngày.
- Với thể trung bình và gần đây không sử dụng thuốc kháng sinh, nên sử dụng amoxicillin/clavulanate hoặc cefpodoxime, cefuroxime hoặc cefdinir.
Nếu người lớn dị ứng với β-Lactam thì nên dùng TMP/SMX, doxycycline hoặc macrolide và trẻ em dị ứng β-Lactam nên sử dụng TMP/SMX hoặc macrolide.
Tuy nhiên tỉ lệ thất bại với thuốc kháng sinh không phải nhóm β-Lactam có thể tới 25%.
Đối với những người sử dụng thuốc kháng sinh gần đây hoặc bệnh chưa ở mức nguy hiểm, việc lựa chọn thuốc uống ban đầu nên bao gồm thuốc quinolone đường hô hấp, amoxicillin/clavulanate, ceftriaxone hoặc kết hợp với kháng sinh phổ rộng đối với người lớn và amoxicillin/clavulanate, ceftriaxone đối với trẻ em.
Người lớn bị dị ứng β- Lactam nên được điều trị với thuốc quinolone đường hô hấp hoặc clindamycin và rifampin, trong khi, trẻ em dị ứng β-Lactam nên sử dụng TMP/SMX, macrolide hoặc clindamycin.
Nếu phương pháp chữa trị trong 72 giờ thất bại, nên đánh giá lại và thay đổi phương pháp điều trị.
Trong trường hợp này, CT Scanner, nội soi mũi và nuôi cấy vi khuẩn nên được cân nhắc.
Hiệu quả của kháng sinh trong điều trị viêm xoang cấp tính được thể hiện trong bảng dưới đây:
Kháng sinh đường uống Tác nhân gây bệnh
S. Pneumonia Haemophilus SPP Moraxella Catarrahalis
Penicillin/Amoxicillin + 0 0
Cephalosporins Thế hệ thứ nhất ± 0 0
Thế hệ thứ 2 + + +
Thế hệ thứ 3 ± + +
Amoxicillin/Clavulanate + + +
Macrolides ± ± ±
Clindamycin + 0 0
Imipenem/Meropenem + + +
Trimethoprim/Sulfamethoxazole - + +
Quiniolones (cũ) hoặc Aminoglycosides ± + +
Quinolones (mới) + + +

0: Không hoặc rất ít tác dụng (<30%)
±: Tương đối tác dụng (30 - 80%)
+ Tác dụng tốt (>80%)
- Rửa mũi và xịt mũi:
Cùng với liệu pháp kháng sinh toàn thân, điều trị tại mũi là rất cần thiết:
+ Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương có thể giúp giữ ẩm và làm sạch dịch trong hốc mũi.
+ Xịt trực tiếp corticoid vào mũi có thể làm giảm tiết dịch (ít gây ảnh hưởng đến toàn thân).
+ Xịt oxymetazoline hydrochloride thời gian ngắn (ví dụ 3 ngày) để giảm các triệu chứng của viêm mũi xoang cấp hoặc tránh viêm mũi xoang cấp chuyển thành mạn tính. Ngược lại nếu xịt kéo dài có thể làm bệnh nặng hơn.
4.2.2. Liệu pháp corticoid toàn thân, thuốc làm thông mũi và những liệu pháp điều trị khác
Sử dụng corticoid toàn thân có hiệu quả chống viêm cao tuy nhiên chỉ sử dụng giới hạn và cần được kiểm soát cẩn thận.
Các thuốc làm thông mũi và tan nhầy theo đường toàn thân như là guaifenesin có thể giúp giảm các triệu chứng.
Các thuốc đối kháng thụ thể Leukotriene (montelukast, zafirlukast) và thuốc kháng sinh macrolide có hiệu quả chống viêm, có thể chữa trị có hiệu quả.
4.2.3. Điều trị dị ứng
Đối với bệnh nhân dễ bị dị ứng, kiểm soát dị ứng là cần thiết để ngăn chặn sự phát triển của viêm mũi, chính vì vậy có thể ngăn chặn quá trình phát triển thành viêm xoang.
4.2.4. Phẫu thuật xoang
Tối đa sau 4-6 tuần điều trị bằng thuốc kháng sinh phù hợp, corticoid tại chỗ và liệu pháp corticoid toàn thân không kết quả nên cân nhắc phẫu thuật.
Điều trị phẫu thuật có thể cần thiết nếu có những bằng chứng về tổn thương niêm mạc hoặc tắc phức hợp lỗ ngách (khi được xác định bằng CT Scanner hoặc khám nội soi) vẫn dai dẳng mặc dù đã điều trị liên tục.
Bệnh nhân chắc chắn có các bất thường về giải phẫu mũi xoang có thể cũng phải phẫu thuật.
- Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang: Chỉ định:
+ Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang dựa trên một số quan sát quan trọng:
+ Quan sát rõ ràng tại vị trí của lỗ thông mũi xoang không bình thường có thể sẽ không đảm bảo cho dẫn lưu xoang trực tiếp của dòng niêm dịch.
+ Chít hẹp giải phẫu phức hợp lỗ ngách.
+ Niêm mạc mũi xoang bị tổn thương khó hồi phục và làm mất chức năng hệ thống lông chuyển ảnh hưởng đến sự dẫn lưu dịch.
- Phẫu thuật xoang mở:
Mặc dù phương pháp nội soi chức năng mũi xoang có nhiều ưu điểm, đôi khi vẫn cần dùng tới phương pháp phẫu thuật xoang mở như phẫu thuật Caldwel-Luc.
Phẫu thuật này mở vào xoang, cho phép sinh thiết xoang và mở lỗ dẫn lưu vào hốc mũi.
5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
5.1. Tiên lượng
Tiên lượng viêm xoang cấp tính là rất tốt, với ước tính khoảng 70% bệnh nhân mắc bệnh sẽ tự khỏi mà không được chữa trị.
Kháng sinh đường uống có thể giảm thời gian bệnh nhân có triệu chứng.
Tuy nhiên trong một số trường hợp viêm xoang có thể gây ra một số biến chứng.
5.2. Biến chứng
5.2.1. Viêm nhiễm ổ mắt
Hốc mắt được ngăn cách với xoang sàng bởi xương giấy vốn rất mỏng và dễ bị rạn nứt.
Mặt khác hệ thống tĩnh mạch mắt có liên hệ với mạch sàng, bởi vậy nhiễm khuẩn hốc mắt là biến chứng phổ biến nhất của viêm xoang cấp.
Tỷ lệ mắc biến chứng của hốc mắt ở trẻ nhỏ thường cao hơn so với ở người lớn.
Một số nhiễm khuẩn hốc mắt do biến chứng của viêm xoang là:
Phù nề, viêm nhiễm ở mi mắt; viêm mô tế bào ổ mắt; viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.
5.2.2. Viêm màng não
Viêm màng não thường xảy ra do nhiễm khuẩn từ xoang sàng và xoang bướm.
Khi thăm khám, bệnh nhân có biến chứng này có thể giảm hoặc không đáp ứng với các kích thích.
Có thể có các dấu hiệu của viêm màng não như Kernig và Brudzinski (+).
Nếu phát hiện viêm màng não do biến chứng của viêm xoang, cần phải chụp CT Scanner não, CT Scanner xoang và chọc rò tủy sống giúp chẩn đoán.
5.2.3. Áp xe ngoài màng cứng
Áp xe ngoài màng cứng là sự tích tụ mủ giữa xương sọ và màng cứng, điển hình liên quan đến viêm xoang trán.
Một mặt do viêm nhiễm trực tiếp từ xoang lan rộng, mặt khác theo đường máu, có thể dẫn tới viêm mủ dưới màng cứng và cuối cũng dẫn tới áp xe não.
5.2.4. Tắc tĩnh mạch xoang hang
Cục huyết khối nhiễm khuẩn từ mắt có thể chảy về phía sau thông qua hệ tĩnh mạch mắt tới xoang hang, gây ra nhiễm khuẩn, viêm nhiễm và cuối cùng là nghẽn mạch xoang.
Bệnh nhân có những triệu chứng ở mắt như:
Phù kết mạc, đồng tử phản ứng chậm chạp, liệt mắt và mù lòa.
5.2.5. Khối sưng phồng của Pott
Nếu viêm nhiễm trong xoang trán lan đến tủy xương trán, hiện tượng viêm xương tủy khu trú kết hợp với phá hủy xương có thể gây ra khối sưng mềm vùng trán được mô tả kinh điển là khối sưng phồng của Pott.
6. PHÒNG BỆNH
- Có chế độ điều trị, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý khi mắc cảm cúm.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích (bụi, khói thuốc lá, hóa chất…).
- Quan tâm điều trị trào ngược dạ dày - thực quản.
- Giải quyết các bất thường về giải phẫu mũi xoang (vẹo vách ngăn, xoang hơi cuốn giữa, quá phát mỏm móc, bóng sàng).
- Nạo VA quá phát.
- Điều trị các khối u vòm mũi họng.
- Quan tâm, điều trị các bệnh toàn thân.

TIP

Viêm xoang cấp là bệnh lý mũi xoang thường gặp, chiếm khoảng 30 triệu lượt thăm khám và chăm sóc ban đầu trên toàn cầu.
Thống kê có khoảng 6-7% trẻ em có triệu chứng hô hấp bị viêm xoang cấp tính.
Trong khi đó, khoảng 16% người trưởng thành được chẩn đoán mắc phải căn bệnh này mỗi năm.
Viêm xoang cấp tính không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Nhiễm trùng xoang lan sang các cấu trúc xung quanh, chẳng hạn như não và ổ mắt, thông qua các tĩnh mạch lưỡng cực không có van có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Viêm xoang cấp là gì?
Dựa trên sự đồng thuận nhiều hơn là nghiên cứu thực nghiệm, viêm xoang có thể được phân thành các nhóm sau.
Cấp tính: Các triệu chứng kéo dài dưới 4 tuần;
Bán cấp: Các triệu chứng kéo dài từ 4-12 tuần;
Mạn tính: Các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần;
Tái phát:
Bốn đợt kéo dài dưới 4 tuần với việc giải quyết hoàn toàn các triệu chứng giữa các đợt.
Theo đó, viêm cấp tính là loại viêm xoang khởi phát với các triệu chứng kéo dài dưới 4 tuần. Loại viêm xoang này có thể tự khỏi nhưng cũng có thể phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Triệu chứng viêm xoang cấp tính
Chảy mủ mũi trước;
Chảy dịch mũi sau có mủ hoặc đổi màu;
Nghẹt mũi hoặc tắc nghẽn;
Giảm hoặc mất mùi;
Nghẹt mũi;
Đau mặt;
Sốt (chỉ đối với viêm xoang cấp tính).
Các triệu chứng nhỏ bao gồm:
Đau đầu;
Đau tai hoặc cảm giác đầy tai;
Hôi miệng;
Đau răng;
Ho;
Sốt (đối với viêm xoang bán cấp hoặc mạn tính);
Mệt mỏi.
Trong đó, dấu hiệu viêm xoang cấp đặc hiệu hơn với các biểu hiện sau:
Các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày;
Sốt cao (trên 39 độ C hoặc 40,2 độ C) kèm chảy mủ mũi hoặc đau mặt kéo dài 3-4 ngày liên tục;
Các triệu chứng tiến triển nghiêm trọng trong vòng 10 ngày đầu tiên.

Nguyên nhân viêm xoang cấp do đâu?
Các xoang có chức năng lọc các chất ô nhiễm, vi sinh vật, bụi và các kháng nguyên khác.
Các xoang dẫn lưu vào hốc mũi thông qua các kênh nhỏ gọi là lỗ thông xoang.
Các xoang sàng trước, xoang hàm và trán dẫn lưu vào khe giữa, tạo ra một khu vực tắc nghẽn được gọi là phức hợp lỗ thông xoang.
Xoang sàng sau và xoang bướm đổ vào khe trên.
Những sợi lông nhỏ xíu được gọi là “lông mao” lót màng nhầy của khoang mũi và vòm họng, đồng thời hoạt động phối hợp với nhau để thực hiện chức năng lưu thông chất nhầy và lọc các mảnh vụn, sau đó dẫn chúng đến vòm họng và hầu họng.
Viêm mũi xoang xảy ra khi xoang và đường mũi không thể loại bỏ hiệu quả các kháng nguyên này, dẫn đến tình trạng viêm.
Viêm mũi xoang thường do 3 yếu tố chính:
Tắc nghẽn lỗ thông xoang:
Thường có nguyên nhân giải phẫu như khối u hoặc lệch vách ngăn;
Rối loạn chức năng của lông mao:
Chẳng hạn như hội chứng Kartagener;
Dịch tiết xoang đặc: Xơ nang.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn tạm thời các vùng dẫn lưu này là phù nề cục bộ do nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI) hoặc dị ứng mũi.
Cả hai tình trạng này đều dẫn đến viêm mũi xoang.
Khi điều này xảy ra, vi khuẩn có thể tồn tại, tiếp cận và sinh sôi trong các xoang cạnh mũi. Các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi nhiễm trùng xoang lan sang các cấu trúc xung quanh, chẳng hạn như não và ổ mắt, thông qua các tĩnh mạch không có van.
Người trưởng thành có 4 cặp xoang phát triển và có liên quan đến nhau:
Xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm.
Trẻ sơ sinh chỉ có xoang sàng và xoang hàm.
Xoang sàng ngăn cách với hốc mắt chỉ bằng một lớp xương mỏng.
Do đó, nhiễm trùng hốc mắt ở trẻ nhỏ thường phát sinh từ xoang sàng.
Các xoang trán dường như không phát triển cho đến khi trẻ 5-6 tuổi và không phát triển đầy đủ cho đến sau tuổi dậy thì.
Các biến chứng nội sọ thường phát sinh từ các xoang trán và do đó xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ lớn hơn hoặc người lớn.
Xoang bướm bắt đầu thông khí khi trẻ 5 tuổi nhưng không phát triển đầy đủ cho đến 20-30 tuổi.

Các biện pháp chẩn đoán viêm xoang cấp tính
Viêm mũi xoang cấp tính cần được phân biệt với viêm xoang mạn tính để đảm bảo không lạm dụng kháng sinh.
Tiêu chuẩn chẩn đoán thông thường đối với bệnh viêm mũi xoang ở người lớn là bệnh nhân có ít nhất hai triệu chứng chính hoặc một triệu chứng chính kèm theo hai triệu chứng phụ trở lên.
Các tiêu chí ở trẻ em cũng tương tự và chú trọng nhiều hơn đến dấu hiệu chảy nước mũi (không phải nghẹt mũi).

1. Xét nghiệm chẩn đoán viêm xoang cấp tính
Xét nghiệm máu
Có một số bằng chứng cho thấy chỉ số ESR và CRP tăng cao trong máu có thể liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn.
Nuôi cấy dịch mủ
Nuôi cấy dịch hút nội soi ≥10 CFU/mL được coi là tiêu chuẩn vàng.
Tuy nhiên, xét nghiệm này ít được dùng do tương quan kém với dịch hút nội soi.
Hút dịch nội soi có thể hữu ích cho các trường hợp kháng trị hoặc bệnh nhân dị ứng với nhiều loại kháng sinh.
2. Các chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh đối với viêm xoang cấp tính là không cần thiết trừ khi có mối nghi ngờ về mặt lâm sàng đối với một biến chứng hoặc chẩn đoán thay thế.
Chụp X-quang
Chụp X-quang thường không hữu ích trong việc phát hiện viêm.
Mặc dù chúng có thể hiển thị mức chất lỏng không khí nhưng không giúp phân biệt nguyên nhân virus và vi khuẩn.
Chụp CT xoang
Nếu nghi ngờ có biến chứng hoặc chẩn đoán phân biệt, hoặc nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính tái phát, thì nên chụp CT xoang.
Kỹ thuật này để đánh giá xương, mô mềm, răng hoặc các bất thường về giải phẫu khác hoặc sự hiện diện của viêm xoang mạn tính.
CT xoang có thể cho thấy mức độ dịch-khí, mờ và viêm.
Niêm mạc xoang dày trên 5 mm là biểu hiện của viêm.
Cũng có thể đánh giá hiệu quả sự xói mòn hoặc phá hủy xương.
Tuy nhiên, những phát hiện này cũng không hữu ích trong việc phân biệt nguyên nhân do virus và vi khuẩn.
Chụp MRI
Kỹ thuật này cung cấp nhiều chi tiết hơn CT xoang.
Nó giúp đánh giá mô mềm hoặc làm sáng tỏ khối u.
Do đó, MRI có thể hữu ích để xác định mức độ biến chứng trong các trường viêm xoang lan đến nội sọ.

3. Chẩn đoán phân biệt
Điều quan trọng nhất là phân biệt giữa viêm mũi xoang cấp tính do virus và vi khuẩn.
Viêm mũi dị ứng cũng là một tình trạng phổ biến cần được làm rõ.
Nhiễm nấm cũng có thể gây viêm mũi xoang.
Viêm xoang do nấm xâm lấn là một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng thường gặp hơn ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, nguy cơ tử vong cao.
Các chẩn đoán khác ít phổ biến hơn để xem xét trong chẩn đoán phân biệt bao gồm:
Dị vật mũi;
Amidan;
Bất thường về cấu trúc: lệch vách ngăn, u xoang;
Rối loạn ảnh hưởng đến chức năng đường mật: rối loạn vận động đường mật nguyên phát, xơ nang;
Đau quy chiếu: nhiễm trùng răng hoặc áp xe;
Suy hô hấp cấp.

Các biến chứng viêm xoang cấp thường gặp
Các biến chứng viêm xoang cấp tính hiếm gặp, xảy ra với khoảng 1/1000 trường hợp.
Nhiễm trùng xoang có thể lan đến hốc mắt, xương hoặc khoang nội sọ.
 Những biến chứng này có thể đi kèm với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đáng kể.
Các biến chứng bao gồm:
Viêm mô tế bào;
Viêm mô tế bào ổ mắt;
Áp xe dưới màng xương;
Áp xe ổ mắt;
Huyết khối xoang hang;
Biến chứng nội sọ cũng có thể xảy ra. Các biến chứng nội sọ bao gồm:
Tụ máu dưới màng cứng;
Tụ máu ngoài màng cứng;
Viêm màng não hoặc mủ màng cứng;
U sưng phồng Pott là một áp xe dưới màng xương của xương trán, thường liên quan đến viêm tủy xương.
Cả hai biến chứng thường phát sinh từ nhiễm trùng xoang trán, lây lan theo đường máu qua hệ thống tĩnh mạch không có van.
Viêm xoang cấp tính do nấm có thể xảy ra ở dạng không xâm lấn và xâm lấn.
Hình thức xâm lấn có thể lây lan sang các cấu trúc xung quanh.
Việc xác định sớm biến chứng này rất quan trọng để tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Các phương pháp điều trị viêm xoang cấp tính
1. Điều trị nội khoa bằng kháng sinh
Trong điều trị viêm xoang cấp bằng kháng sinh, có sự khác biệt nhỏ giữa các hướng dẫn khác nhau của các ủy ban chuyên gia.
Học viện Tai mũi họng Hoa Kỳ
Hướng dẫn cập nhật về viêm xoang dành cho người lớn năm 2015 của Học viện Tai mũi họng Hoa Kỳ khuyến cáo:
Sử dụng amoxicillin có hoặc không có clavulanate ở người lớn là liệu pháp đầu tay.
Thời gian điều trị kéo dài từ 5-10 ngày ở hầu hết người lớn.
Cần xem xét nếu các triệu chứng không giảm trong vòng 7 ngày hoặc xấu đi bất cứ lúc nào.
Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ
Hướng dẫn của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ về Viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn khuyến cáo:
Dùng amoxicillin với clavulanate ở người lớn là liệu pháp đầu tay.
Điều trị kéo dài trong 10-14 ngày ở trẻ em và 5-7 ngày ở người lớn.
Nếu các triệu chứng không giảm sau 3-5 ngày hoặc trầm trọng hơn sau 48-72 giờ điều trị cần đánh giá lại.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ
Hướng dẫn Thực hành Phòng khám của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ về Chẩn đoán và Quản lý Viêm xoang Cấp tính do Vi khuẩn ở Trẻ em từ 18 tuổi khuyến cáo:
Sử dụng amoxicillin có hoặc không có clavulanate là liệu pháp đầu tay.
Thời gian điều trị không rõ ràng, tuy nhiên có thể điều trị thêm 7 ngày sau khi hết triệu chứng.
Nếu các triệu chứng không giảm hoặc xấu đi sau 72 giờ điều trị cần xem xét lại phác đồ.

2. Các biện pháp hỗ trợ điều trị tại chỗ
Xịt rửa mũi
Đây là những khuyến nghị phổ biến nhất trong các hướng dẫn điều trị viêm xoang cấp tính. Thuốc xịt mũi Steroid có thể giúp giảm sưng niêm mạc, giảm tắc nghẽn giúp người bệnh dễ chịu hơn.
Ngoài ra, rửa mũi bằng nước muối sinh lý cũng có thể giúp giảm tắc nghẽn.
Thuốc kháng histamin
Việc sử dụng thuốc kháng histamin không được khuyến nghị, trừ khi có thành phần dị ứng rõ ràng vì chúng có khả năng làm đặc dịch tiết mũi.
Phẫu thuật
Nếu nghi ngờ viêm xoang cấp tính dạng xâm lấn do nấm, bệnh nhân có thể được can thiệp phẫu thuật để điều trị triệt để, tránh ổ nấm sinh sôi gây biến chứng nguy hiểm.

Cách phòng ngừa viêm xoang cấp tính
Để phòng ngừa bệnh viêm xoang nói chung và viêm xoang cấp tính nói riêng, mỗi người cần:
Tránh xa các yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, hóa chất…;
Phòng ngừa cảm cúm, tác nhân gây viêm mũi xoang do virus phổ biến;
Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm;
Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi đông người;
Thường xuyên rửa tay bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn để tránh lây nhiễm mầm bệnh;
Giữ ấm và bảo vệ tai mũi họng;
Tránh để viêm tai giữa có thể gây biến chứng viêm xoang;
Không hút thuốc lá;
Không để viêm mũi kéo dài gây biến chứng viêm xoang;
Tăng cường miễn dịch bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin; sinh hoạt khoa học, vận động mỗi ngày.

Các câu hỏi thường gặp về viêm xoang cấp tính
1. Viêm xoang cấp có nguy hiểm không? Viêm xoang cấp là nặng hay nhẹ?
Viêm xoang cấp tính hiếm khi gây nguy hiểm vì hầu hết các trường hợp là do virus và sẽ tự khỏi.
Viêm xoang do vi khuẩn cấp tính không biến chứng có thể điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, nếu có biến chứng, bệnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Các biến chứng nguy hiểm nhất như biến chứng nội sọ, có thể để lại di chứng bệnh tật hoặc đe dọa tính mạng người bệnh như:
Thay đổi trạng thái tinh thần, bất thường dây thần kinh sọ, đau khi cử động mắt, phù quanh hốc mắt…
2. Viêm xoang cấp kiêng ăn gì?
Không có khuyến nghị chính thức về ăn uống cho bệnh viêm xoang, tuy nhiên, thực tế cho thấy khi ăn các món nóng, ấm sẽ hạn chế tình trạng nghẹt xoang hơn.
Ngược lại, ăn/uống thực phẩm lạnh làm tình trạng tắc nghẽn xoang nặng hơn.
Hút thuốc lá, uống rượu bia cũng khiến cho viêm xoang nặng hơn.
Việc sử dụng thực phẩm gây dị ứng làm tăng nặng tình trạng viêm xoang.
Các thực phẩm gây dị ứng có thể khác nhau ở mõi người.
Một số người dị ứng với hải sản (tôm, cua), trong khi một số người dị ứng với vài loại rau như dọc mùng (bạc hà), hay các loại hạt như lạc (đậu phộng)…

3. Viêm xoang cấp có lây không?
Nếu viêm xoang do vi khuẩn thì không lây bệnh, viêm xoang do virus có lây bệnh.
Do đó, tiêm vắc xin phòng bệnh cúm là biện pháp tốt để phòng ngừa viêm xoang do cúm.

4. Viêm xoang cấp gây chảy máu mũi không?
Hầu như viêm xoang cấp không gây chảy máu mũi.
Các triệu chứng thường thấy là nghẹt mũi, chảy dịch mũi, đau nhức vùng chữ T, có thể kèm đau đầu.

5. Viêm xoang cấp có bị sốt không?
Viêm xoang cấp tính do virus có thể gây sốt, mệt mỏi và các triệu chứng khác của bệnh cúm.
Nếu các triệu chứng viêm xoang cấp không cải thiện mà trở nên trầm trọng người bệnh cần tái khám ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Một số loại thuốc kháng sinh trị viêm xoang phổ biến nhất
Sử dụng thuốc kháng sinh được xem là một biện pháp mang đến hiệu quả cao trong việc giúp điều trị, cải thiện bệnh viêm xoang mũi.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ các thông tin về thuốc trước khi dùng để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh trị viêm xoang chỉ được áp dụng trong các trường hợp viêm xoang do vi khuẩn hoặc viêm xoang có nhiễm trùng.
Tác dụng của kháng sinh trong trường hợp này là giúp tiêu diệt hoặc kìm hãm các vi khuẩn gây bệnh, nhờ đó làm suy giảm những triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Thuốc kháng sinh trị viêm xoang thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân đó là:
Kháng sinh nhóm Penicillin (Ampicillin, Amoxicillin); kháng sinh nhóm Macrolid (Clarithromycin, Azithromycin);
Kháng sinh nhóm Cephalosporin (Cefpodoxime, Cefoxitin, Cefuroxim…);
Kháng sinh Sulfamethoxazole, Trimethoprim…
Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc kháng sinh trị viêm xoang mà phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng, tần suất sử dụng và thời gian sử dụng.
Việc uống thuốc tùy tiện có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dẫn tới tình trạng kháng thuốc.
Ngoài các loại thuốc kháng sinh ở trên thì có một số thuốc trị viêm xoang khác mang đến tác dụng tốt cũng rất được tin dùng như:

Thuốc kháng Histamin: 
Giúp giảm ngứa mũi, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi.
Các nhóm thuốc kháng Histamin thông dụng là:
Thuốc dạng uống thế hệ 1 Clemastine, Diphenhydramine…;
Thuốc dạng xịt Azelastine và Olopatadine;
Thuốc dạng uống thế hệ 2 Desloratadine, Loratadine, Cetirizine…

Thuốc chứa corticoid: 
Giúp giảm tình trạng chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi…
Thuốc thường được điều chế dưới dạng xịt với các thành phần như Fluticasone furoate, Budesonide, Betamethasone, Fluticasone…
Tuy nhiên, thuốc cũng có một số tác dụng phụ cần lưu ý là khô mũi, nhức đầu, đau họng, chảy máu cam…

Thuốc thông mũi: 
Giúp co mạch máu và mô mũi bị sưng, giảm áp lực trong xoang mũi, giảm nghẹt mũi.
Các loại xịt thông mũi thường thấy là Phenylephrine hydrochloride, Oxymetazoline hydrochloride hay Xylometazoline.
Thuốc xịt thông mũi là một phương pháp điều trị ngắn hạn nên người bệnh không nên sử dụng quá 3 ngày và đặc biệt không được dùng cho bệnh nhân bị tăng nhãn áp.

Thuốc xịt kháng Cholinergic: 
Giúp giảm sổ mũi, giảm hắt hơi, nghẹt mũi rất rốt.
Thuốc thường sử dụng thành phần chính là Ipratropium bromide với dạng xịt rất dễ sử dụng.
Thuốc kháng Cholinergic không được được dùng điều trị lâu hơn 3 tuần và tuyệt đối không sử dụng ở người bị tăng nhãn áp.

Thuốc ức chế tế bào Mast: 
Thành phần chính là Cromolyn Natri có tác dụng giảm nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, ngứa mũi chỉ sau 30 phút xịt.
Dù vậy, thuốc gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn là sưng đau, nóng rát và khó chịu ở mũi.

Thuốc xịt nước muối: 
Giúp giữ ẩm cho đường mũi, ngăn ngừa chảy máu cam do mũi bị khô.
Người bệnh có thể vệ sinh mũi khoảng 1 đến 2 lần/ngày bằng nước muối để giúp giảm bớt những khó chịu và hạn chế các nguy cơ tổn thương ở niêm mạc mũi.

Các lưu ý quan trọng khi dùng thuốc kháng sinh trị viêm xoang
Khi sử dụng thuốc kháng sinh trị viêm xoang, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề đó là:
Nếu bị viêm xoang mũi ở thể vừa và nhẹ có thể bắt đầu với thuốc Amoxicillin liều trung bình hoặc liều cao.
Trong trường hợp bị dị ứng với Amoxicillin nhẹ thì có thể chuyển sang nhóm Cephalosporin; còn dị ứng nặng thì dùng nhóm kháng sinh Macrolid.
Bệnh nhân có triệu chứng nôn, không thể sử dụng thuốc kháng sinh dạng đường uống thì nên dùng thuốc Ceftriaxone đường tiêm.
10 đến 21 ngày là thời gian điều trị bệnh viêm xoang mũi tối ưu nhất.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể là đến ngày thứ 7 sau khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn.
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc kháng sinh trị viêm xoang mà người bệnh nên biết gồm buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, mất ngủ, táo bón hoặc tiêu chảy…
Bệnh nhân cũng cần được sự cho phép và hướng dẫn kỹ càng từ bác sĩ thì mới được dùng thuốc.
Tuân thủ đúng liều lượng cũng như cách dùng là yếu tố quan trọng.
Nhận thấy các tác dụng phụ bất thường khi uống thuốc, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ.