Bệnh cúm mùa (tai mũi họng)

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

BỆNH CÚM MÙA

1. ĐẠI CƯƠNG
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên.
Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân.
Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.
Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.
Dù đa số lành tính, nhưng do số người mắc nhiều, số tử vong do cúm ở những người có biến chứng cao một cách không ngờ.
Cần phân biệt cúm mùa H1N1 với cúm đại dịch A/H1N1/2009 (tên đầy đủ là PBA9 H1N1) là chủng virus cúm mới lai tạo giữa virus cúm lợn, virus cúm chim và virus cúm người.
Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
2. TÁC NHÂN GÂY BỆNH
Virus gây bệnh cúm là Myxovirus influenzae, thuộc họ Orthomyxoviridae, có chứa ARN, sợi đơn, xoắn đối xứng, vỏ ngoài để lộ ra hai kháng nguyên glycoprotein là neuraminidase (NA) và hemagglutinine (HA1-HA2).
Kháng nguyên H và N của virus cúm A thường xuyên biến đổi theo thời gian, nếu biến đổi ít gọi là dời kháng nguyên (draft), biến đổi nhiều là chuyển kháng nguyên (shift).
Điều này giải thích những vụ đại dịch, người mắc đợt trước vẫn có thể mắc đợt sau, và vaccin khó có hiệu quả.
Kháng nguyên H có từ H1 đến H15, N có từ N1 đến N9.
Trong đó tổ hợp các virus cúm có H từ H1 đến H3 và N từ N1 đến N3 là những virus gây cúm cho người (H1N1, H2N1, H3N1…) Từ H5 đến H9 thường gây bệnh cho loài chim.
Có thể có tình trạng lai tạo giữa cúm người, cúm chim và cúm của các động vật (như lợn) tạo thành những chủng cúm mới gây bệnh cho người (ví dụ cúm PBA9 H1N1 xảy ra năm 2009 ở Mehico lan sang Hoa Kỳ.
Đặc tính kháng nguyên cho phép phân virus cúm thành 3 loại chính:
A, B, C, khác nhau hoàn toàn về tính kháng nguyên (không có miễn dịch chéo).
Dịch gây ra bởi virus cúm A, có chu kỳ khoảng 2-3 năm, tạo ra các vụ dịch lan rộng, đặc trưng bằng tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở người già.
Dịch gây ra do virus cúm B có chu kỳ dài hơn 5-6 năm, dịch thường khu trú hơn, ít nghiêm trọng hơn nhưng đôi khi có thể phối hợp với dịch do cúm A gây ra.
Virus cúm C có thể gây dịch một mình hoặc phối hợp với dịch cúm A hoặc là một số ca bệnh lẻ tẻ.
Các chủng được đặt tên dựa theo:
Typ kháng nguyên, nguồn gốc vật chủ nếu không phải là người, nguồn gốc địa lý, mã số chủng, năm phân lập virus.
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Lâm sàng
- Sốt (thường trên 380C), đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
- Hình ảnh chụp XQ phổi bình thường hoặc có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi.
3.2. Xét nghiệm: công thức máu bạch cầu bình thường hoặc giảm.
3.3. Chẩn đoán xác định
- Có yếu tố dịch tễ:
Sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cúm.
- Lâm sàng:
Có các triệu chứng như nêu trên.
- Xét nghiệm dương tính với virus cúm bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc real time RT-PCR hoặc nuôi cấy virus đối với các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản.
3.4. Chẩn đoán mức độ bệnh
a. Cúm chưa có biến chứng (cúm nhẹ)
Lâm sàng có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần.
b. Cúm có biến chứng (cúm nặng)
Là ca bệnh có biểu hiện lâm sàng như trên hoặc ca bệnh đã được chẩn đoán xác định kèm theo một trong các biểu hiện sau:
+ Có tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm, PaO2 giảm) và/hoặc:
+ Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
+ Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu).
Các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm:
+ Trẻ em:
Dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
+ Người già trên 65 tuổi.
+ Phụ nữ có thai.
+ Người lớn mắc các bệnh mạn tính.
+ Suy giảm miễn dịch (người bệnh đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).
3.5. Chẩn đoán phân biệt
- Nhiễm các loại virus khác (như Parainfluenza, Adenovirus, virus hợp bào hô hấp, Coronavirus, Enterovirus).
- Nhiễm các vi khuẩn nội bào (như Mycoplasma, Chlamydiae, Coxiella).
Bệnh cảnh lâm sàng đều giống như cúm (hội chứng cúm).
Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán tác nhân gây bệnh.

4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc chung
Người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.
Nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh.
Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.
Thuốc kháng virus được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.
Ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở điều trị cho phép nên hạn chế chuyển tuyến.
4.2. Xử trí theo mức độ bệnh
Cúm có biến chứng:
Cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.
Cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ:
Nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng virus.
Cúm chưa biến chứng:
Có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ.
Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.
4.3. Điều trị thuốc kháng virus
Chỉ định:
Các trường hợp nhiễm cúm A hoặc B (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.
Thuốc được sử dụng hiện nay là oseltamivir hoặc/và zanamivir.
Liều lượng oseltamivir được tính theo lứa tuổi và cân nặng.
Thời gian điều trị là 5 ngày.
- Người lớn và trẻ em > 13 tuổi: 75 mg x 2 lần/ngày.
- Trẻ em ≥ 12 tháng đến ≤ 13 tuổi:
+ Cân nặng ≤ 15 kg: 30 mg x 2 lần/ngày.
+ Cân nặng > 15 kg đến 23 kg: 45 mg x 2 lần/ngày.
+ Cân nặng > 23 kg đến 40 kg: 60 mg x 2 lần/ngày.
+ Cân nặng > 40 kg: 75 mg x 2 lần/ngày.
- Trẻ < 12 tháng tuổi:
+ 0-1 tháng                   2 mg/kg x 2 lần/ngày.
+ > 1-3 tháng                2,5 mg/kg x 2 lần/ngày.
+ > 3-12 tháng               3 mg/kg x 2 lần/ngày.
Zanamivir: dạng hít định liều, sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir, chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir. Liều lượng zanamivir được tính như sau:
Người lớn và trẻ em > 7 tuổi: 10 mg (2 lần hít 5-mg) x 2 lần/ngày.
Trẻ em từ 5 - 7 tuổi: 10 mg (2 lần hít 5-mg) x 1 lần/ngày.
4.4. Điều trị cúm biến chứng
Hỗ trợ hô hấp khi có suy hô hấp:
Thở oxy, thở CPAP hoặc thông khí nhân tạo tùy từng trường hợp.
Phát hiện và điều trị sớm các trường hợp bội nhiễm vi khuẩn với kháng sinh thích hợp.
Phát hiện và điều trị suy đa phủ tạng.
4.5. Điều trị hỗ trợ
Hạ sốt:
Chỉ dùng paracetamol khi sốt trên 38,50C, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt.
Đảm bảo cân bằng nước điện giải.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.
4.6. Tiêu chuẩn ra viện
Hết sốt và hết các triệu chứng hô hấp trên 48 giờ (trừ ho).
Tình trạng lâm sàng ổn định.
Sau khi ra viện phải cách ly y tế tại nhà cho đến hết 7 ngày tính từ khi khởi phát triệu chứng.
5. DỰ PHÒNG
5.1. Các biện pháp phòng bệnh chung
Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm.
Tăng cường rửa tay.
Vệ sinh hô hấp khi ho khạc.
Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
5.2. Phòng lây nhiễm từ người bệnh
Cách ly người bệnh ở buồng riêng.
Người bệnh phải đeo khẩu trang trong thời gian điều trị.
Thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh và quần áo, dụng cụ của người bệnh.
5.3. Phòng cho nhân viên y tế
Rửa tay thường quy trước và sau khi thăm khám người bệnh bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.
Phương tiện phòng hộ gồm khẩu trang, găng tay, mũ, bao giầy hoặc ủng, mặt nạ che mặt... phải luôn có sẵn ở khu vực cách ly, được sử dụng đúng cách và khi cần thiết. Sau khi dùng được xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
Giám sát:
Lập danh sách nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhân viên làm việc tại khoa có người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm xử lý bệnh phẩm.
Những nhân viên này cần được theo dõi thân nhiệt và các biểu hiện lâm sàng hàng ngày.
Nhân viên mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính nên tránh tiếp xúc với người bệnh.
5.4. Tiêm phòng vaccin cúm
Nên tiêm phòng vaccin cúm hàng năm.
Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là:
- Nhân viên y tế;
- Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi;
- Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…).
- Người trên 65 tuổi.
5.5. Dự phòng bằng thuốc
Có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm.
Thời gian điều trị dự phòng là 10 ngày.
Liều lượng như sau:
- Người lớn và trẻ em > 13 tuổi: 75 mg x 1 lần/ngày.
- Trẻ em ≥ 12 tháng đến ≤ 13 tuổi:
+ Cân nặng ≤ 15 kg: 30 mg x 1 lần/ngày.
+ Cân nặng > 15 kg đến 23 kg: 45 mg x 1 lần/ngày.
+ Cân nặng > 23 kg đến 40 kg: 60 mg x 1 lần/ngày.
+ Cân nặng > 40 kg: 75 mg x 1 lần/ngày.
- Trẻ em < 12 tháng
+ < 3 tháng       Không khuyến cáo trừ trường hợp được cân nhắc kỹ.
+ 3-5 tháng       20 mg x 1 lần/ngày.
+ 6-11 tháng   25 mg x 1 lần/ngày.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2008). Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người. Ban hành kèm theo Quyết định số: 30/2008/QĐ-BYT ngày 19 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế 2008.
2. Nguyen, H.L., et al., Epidemiology of influenza in Hanoi, Vietnam, from 2001 to 2003. J Infect, 2007. 55(1): p. 58-63.
3. Kasper, D.L., A.S. Fauci, and T.R. Harrison (2010), Harrison's infectious diseases 2010, New York: McGraw-Hill Medical. xvii, 1294 p.
4. Longo, D.L (2012)., Harrison's principles of internal medicine. 18th ed2012, New York: McGraw-Hill. Mandell, G.L., J.E. Bennett, and R. Dolin (2010) Mandell, Douglas, and Bennett's principles and practice of infectious diseases. 7th ed2010, Philadelphia, PA: Churchill Livingstone/Elsevier.


TIP

Tamiflu là gì?
Tamiflu (có tên chung là Oseltamivir) là một loại thuốc kháng vi rút được dùng để điều trị và ngăn ngừa bệnh cúm (các loại cúm A và B).
Thuốc Tamiflu có tác dụng gì?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) đã phê duyệt Tamiflu sử dụng cho các bệnh cấp tính không biến chứng hoặc phòng ngừa nhiễm các loại cúm A, cúm B, cúm lợn (cúm A H1N1).
Thuốc giúp giảm các triệu chứng cúm như sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, ho, đau họng,… và ngăn chặn vi rút sinh sôi trong cơ thể trong khi chờ hệ miễn dịch dần loại bỏ vi rút gây bệnh.
Thời gian để thuốc cúm Tamiflu phát huy tác dụng sẽ khác nhau ở mỗi người.
Việc phát huy nhanh hay chậm tùy thuộc vào việc người bệnh dùng thuốc để phòng cúm hay trị bệnh.
Ngoài ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như độ tuổi và nền tảng sức khỏe.
Nhìn chung nếu có dấu hiệu cúm thì dùng thuốc càng sớm sẽ càng rút ngắn thời gian bị bệnh hơn.
Lưu ý: 
Tamiflu chỉ có công dụng với cúm.
Thuốc không có tác dụng với các bệnh nhiễm vi rút khác như cảm lạnh hay COVID-19 cũng như không chống lại tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.

Cách sử dụng thuốc Tamiflu
Thuốc Tamiflu có 2 dạng đều ở đường uống:
Viên nang và hỗn dịch chất lỏng.
Liều lượng thuốc sẽ thay đổi tùy theo mục đích sử dụng để điều trị hay phòng ngừa cúm.
Do đây là thuốc kê đơn nên bạn chỉ nên dùng Tamiflu theo chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ.
Để có hiệu quả cao, người bệnh cần dùng thuốc trong vòng 2 ngày kể từ khi phát hiện triệu chứng bệnh hoặc dùng sau khi có tiếp xúc với người bị cúm để ngăn ngừa.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nếu uống thuốc Tamiflu trong 48 tiếng sau khi có triệu chứng thì có khả năng rút ngắn thời gian nhiễm cúm xuống 1 ngày;
Riêng đối với người bệnh từ 65 tuổi trở lên thì có thể giảm bớt từ 2-3 ngày.
Đối với thuốc ở dạng viên nang, người bệnh nên uống thuốc với nhiều nước.
Không nên uống thuốc Tamiflu cúm A cùng thời điểm có uống rượu.
Mặc dù chưa có thông tin nào cho thấy việc uống rượu gây nguy hiểm khi dùng Tamiflu nhưng trong lúc bị cúm cũng không nên sử dụng các đồ uống có cồn.
Điều này nhằm hạn chế nguy cơ các triệu chứng cúm trở nên trầm trọng hơn.
Với dạng hỗn dịch uống, bạn cần lắc đều trước khi sử dụng và nên dùng thiết bị y tế như ống tiêm để đong đo lượng thuốc cho chính xác.
Trong trường hợp điều trị cúm:
Uống thuốc cúm Tamiflu 2 lần/ ngày (cách nhau 12 tiếng) trong 5 ngày.
Nếu dùng để ngăn ngừa cúm:
Uống Tamiflu 1 lần/ ngày trong 10 ngày hoặc theo hướng dẫn từ bác sĩ.
Tamiflu nên được dùng cùng một thời điểm mỗi ngày trong thời gian sử dụng.
Người bệnh nên dùng thuốc theo thời gian được chỉ định, kể cả khi cảm thấy khỏe hơn hoặc các triệu chứng cúm biến mất.
Khuyến nghị chung về liều lượng sử dụng Tamiflu (mg/kg) theo độ tuổi/ cân nặng như sau:
Độ tuổi/ Cân nặng Liều dùng
Trẻ từ 1 tuổi trở xuống 3mg/kg, 2 lần/ngày
Trẻ trên 1 tuổi nhưng có cân nặng dưới 15kg 30mg, 2 lần/ngày
Từ 16 – 23kg 45mg, 2 lần/ngày
Từ 24 – 40kg 60mg, 2 lần/ngày
Trên 40kg 70mg, 2 lần/ngày

Về mặt bảo quản, thuốc dạng viên nang cần giữ ở nhiệt độ phòng và tránh nhiệt độ/ độ ẩm cao.
Thuốc dạng lỏng cần để trong tủ lạnh ngăn mát và sử dụng trong vòng 17 ngày.
Nếu không có tủ lạnh cũng có thể bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng mát tối đa 10 ngày. Không nên dùng thuốc quá hạn sử dụng.
Ai nên dùng Tamiflu?
Thuốc Tamiflu là phương pháp điều trị và phòng ngừa có hiệu quả tốt, đặc biệt cần thiết cho những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm và gặp phải biến chứng cúm như những người có vấn đề về hệ miễn dịch và phổi.
Cụ thể bao gồm:
Người mắc bệnh tiểu đường
Người bị hen suyễn hoặc các rối loạn hô hấp khác
Người có vấn đề về gan, máu hoặc thần kinh
Người mắc bệnh tim hoặc bệnh thận mãn tính
Người thừa cân, béo phì
Ngay cả người khỏe mạnh cũng nên dùng thuốc trong trường hợp cần thiết để giảm triệu chứng cúm và giảm nguy cơ biến chứng.
Ngoài ra uống thuốc còn giúp giảm khả năng lây nhiễm cho người khác – nhất là lây cho trẻ em hoặc người cao tuổi.
Không sử dụng thuốc Tamiflu trong trường hợp nào?
Tamiflu® thường không được khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc trẻ em dưới một tuổi.
Chống chỉ định với Tamiflu bao gồm:
Người bị lú lẫn hoặc mê sảng
Có ý định tự tử
Mắc bệnh thận mãn tính giai đoạn 3A, 3B (mức trung bình); giai đoạn 4 và 5 (tình trạng nặng và suy thận)
Người bệnh suy giảm chức năng thận

Tác dụng phụ của thuốc Tamiflu
Tác dụng phụ thường gặp nhất của Tamiflu là đau đầu, buồn nôn và nôn.
Các triệu chứng này thường xảy ra trong 2 ngày đầu dùng thuốc với ở mức độ không nghiêm trọng.
Bản thân bệnh cúm và thuốc Tamiflu hiếm khi gây ra những vấn đề sức khỏe nặng nề.
Cần liên hệ y tế ngay lập tức nếu thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/ hành vi bất thường nào như:
Nôn ói, đau đầu kéo dài
Phát ban, sưng ngứa vùng mặt/lưỡi/cổ họng
Chóng mặt, cảm thấy khó thở
Đầu óc trở nên lú lẫn
Xuất hiện ảo giác
Hay kích động, co giật hoặc tự gây thương tích cho bản thân

Lưu ý trước khi sử dụng thuốc trị cúm Tamiflu
Không dùng thuốc Tamiflu nếu bị dị ứng với oseltamivir
Không dùng Tamiflu để điều trị cúm cho trẻ dưới 2 tuần tuổi
Trẻ dưới 1 tuổi có thể sử dụng thuốc để ngăn ngừa cúm

Nếu đang gặp các tình trạng dưới đây, cần thông tin cho bác sĩ trước khi được kê toa:
Đang bị bệnh thận (kể cả đang chạy thận nhân tạo)
Mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi mãn tính
Bị sưng hoặc phù não
Hệ miễn dịch suy yếu do bệnh hoặc đang dùng một số loại thuốc
Không dung nạp fructose
Đã chích chủng ngừa cúm trong vòng 2 tuần gần nhất

Tương tác của thuốc Tamiflu
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi phương thức hoạt động của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.
Đối với Tamiflu, có tổng cộng 8 loại thuốc được biết là có tương tác; được phân loại là 2 tương tác chính, 4 tương tác trung bình và 2 tương tác nhỏ.
Trong đó đáng lưu ý nhất là vaccine cúm. Tamiflu có thể làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine nếu chích cúm trong vòng 2 tuần trước khi dùng thuốc.
Trong trường hợp cần, người bệnh nên chờ ít nhất 2 ngày sau khi kết thúc liệu trình dùng thuốc Tamiflu rồi hãy bắt đầu chủng ngừa cúm.
Nếu xảy ra tương tác thuốc giữa Tamiflu và loại thuốc khác đang dùng, người bệnh có thể được tư vấn:
Xem xét thay thế bằng thuốc khác có công dụng tương tự
Tạm ngưng sử dụng một trong hai loại thuốc
Điều chỉnh liều lượng sử dụng

Một số câu hỏi thường gặp
1. Tamiflu có thể thay thế thuốc chủng ngừa cúm không?
Không! Tamiflu không thể thay thế cho vaccine.
Vaccine là phương pháp phòng ngừa và kiểm soát sự lây lan cúm tốt nhất.
Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể chủng ngừa cúm.
Để đảm bảo hiệu quả ngừa cúm liên tục, cần tiêm nhắc vaccine cúm hằng năm.
2. Khi sử dụng quá liều phải làm sao?
Nếu uống quá liều, cần liên hệ với trung tâm y tế càng sớm càng tốt.
Bởi vì nếu bỏ qua hoặc tự xử lý có thể dẫn tới những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

3. Khi quên sử dụng một liều phải làm sao?
Nếu lỡ quên uống một liều, hãy uống lại càng sớm càng tốt.
Nếu quá 2 giờ hoặc gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì hãy uống thuốc theo giờ bình thường.
Tuyệt đối không uống “bù” liều gấp đôi.

4. Tamiflu có phải là thuốc kháng virus duy nhất dùng để điều trị bệnh cúm không?
Không! Ngoài Tamiflu còn có những loại thuốc khác cũng có khả năng điều trị cúm.
Ví dụ như Rapivab (hoạt chất: peramivir),
Relenza (hoạt chất: zanamivir)
Xofluza (hoạt chất: baloxavir).
Trong đó Relenza là thuốc được cấp phép sử dụng tại Việt Nam bên cạnh thuốc Tamiflu.