Xạ trị ung thư

Nhanh lên! Chỉ còn 49 mặt hàng trong kho

00 days
21 hrs
40 mins
58 secs

 

XẠ TRỊ UNG THƯ
Xạ trị có thể điều trị khỏi nhiều loại ung thư, đặc biệt khi u còn khu trú và nằm hoàn toàn trong trường chiếu.
Xạ trị kết hợp phẫu thuật (cho ung thư đầu cổ, thanh quản hoặc tử cung) hoặc kết hợp hóa trị với phẫu thuật (ung thư mô liên kết, ung thư vú, thực quản, phổi, hoặc trực tràng) giúp tăng khả năng chữa khỏi và cho phép giới hạn phạm vi phẫu thuật hơn.
Xạ trị có thể được dùng trước khi phẫu thuật hoặc hóa trị (liệu pháp bổ trợ) hoặc sau khi phẫu thuật hoặc hóa trị (liệu pháp tân bổ trợ).
Xạ trị có thể giúp thuyên giảm triệu chứng ngay cả khi không thể chữa khỏi bệnh.
Đối với khối u não:
Kéo dài chức năng của bệnh nhân và ngăn ngừa các biến chứng thần kinh
Đối với ung thư chèn ép tủy sống:
Ngăn ngừa sự tiến triển của thiếu hụt thần kinh
Đối với hội chứng tĩnh mạch chủ trên:
Giảm tắc nghẽn
Đối với các tổn thương xương đau đớn:
Thường làm giảm các triệu chứng
Xạ trị không chỉ diệt các tế bào ung thư mà còn phá hủy các tế bào lành kế cận.
Do đó, nguy cơ tổn thương mô lành phải được cân nhắc cùng với lợi ích tiềm năng.
Kết quả xạ trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
Loại bức xạ (ví dụ: photon, proton, hạt alpha, loại hạt nhân phóng xạ)
Liều lượng, lịch trình, phân đoạn (tức là cách chia liều lượng theo thời gian)
Sự nhạy cảm của ung thư với việc tiêu diệt bằng bức xạ
Nói chung, các tế bào u bị tiêu diệt chọn lọc do tốc độ chuyển hóa cao và tăng sinh mạnh.
Mô bình thường tự sửa chữa hiệu quả hơn.
Các yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong quá trình xạ trị bao gồm:
Liều lượng và lịch trình
Phân đoạn
Khả năng nhắm chính xác vào khối u
Thể tích đích
Cấu hình của chùm tia xạ
Phân bố liều
Kế hoạch xạ trị được thiết kế phù hợp với đặc điểm động học của sự phát triển khối u, để đạt tác dụng tiêu diệt khối u tối đa trong khi hạn chế nhất các tác động trên mô lành.
Các buổi xạ trị phải bắt đầu bằng việc đặt bệnh nhân đúng vị trí chính xác.
Khuôn hoặc mặt nạ nhựa thường được thiết kế để đảm bảo vị trí xạ trị chính xác cho các ngày xạ tiếp theo.
Sử dụng cảm biến laze.
Mỗi đợt xạ trị thông thường phải sử dụng liều lượng lớn mỗi ngày trong khoảng vài tuần để điều trị giảm nhẹ hoặc dùng liều nhỏ hơn, 1 lần/ngày x 5 ngày/tuần trong 6 đến 8 tuần để điều trị chữa bệnh.
Các loại xạ trị
Xạ trị chiếu ngoài
Xạ trị xạ phẫu
Xạ trị không gian 3 chiều
Xạ trị áp sát
Xạ trị hệ thống nhờ đồng vị phóng xạ
Xạ trị chiếu ngoài
Xạ trị chùm tia bên ngoài có thể được thực hiện bằng
Photon (bức xạ gamma)
Electron
Proton
Bức xạ gamma sử dụng máy gia tốc tuyến tính là loại xạ trị phổ biến nhất.
Liều bức xạ tới mô bình thường lân cận có thể được giới hạn bằng công nghệ bảo vệ, làm giảm sự phân tán ở các biên trường.
Phương pháp xạ trị electron có độ xuyên sâu vào mô rất ít và được sử dụng tốt nhất cho ung thư da hoặc ung thư bề mặt cơ thể.
Các mức năng lượng khác nhau của electron được sử dụng tùy vào độ xuyên sâu mong muốn và loại ung thư.
Xạ trị proton, có ưu điểm so với xạ trị gamma ở năng lượng đạt được phụ thuộc độ xuyên sâu so với bề mặt, trong khi xạ trị gamma tổn thương tất cả mô trên đường đi của chùm tia.
Xạ trị proton cũng cho phép giúp có ranh giới rõ ràng, làm giảm tổn thương trực tiếp tới các mô lân cận, đặc biệt hữu ích với u ở mắt, não và tủy sống.
Xạ trị xạ phẫu
Xạ trị xạ phẫu sử dụng nhiều chùm tia tập trung chính xác với khả năng khu trú chính xác khu vực u, với liều cao duy nhất hoặc nhiều phân liều xạ vào khối u nhỏ ở nội sọ hoặc khối u đích khác.
Các chùm tia được phân phối từ nhiều góc độ khác nhau đều gặp nhau tại khối u, do đó sẽ đi qua nhiều vùng mô lành khác nhau trên đường đến khối u;
Điều này có nghĩa là khối u nhận được liều lượng bức xạ cao hơn nhiều so với bất kỳ mô lành xung quanh.
Liệu pháp lập thể thường được sử dụng để điều trị di căn đến hệ thần kinh trung ương.
Ưu điểm bao gồm tiêu diệt khối u hoàn toàn khi phẫu thuật thông thường không thể thực hiện được và ít tác dụng phụ.
Nhược điểm của phương pháp này lại hạn chế với u kích thước lớn và có nguy cơ ảnh hưởng đến mô xung quanh do liều xạ cao.
Liệu pháp xạ trị xạ phẫu không sử dụng được cho tất cả các vùng trên cơ thể.
Bệnh nhân phải bất động và vùng chiếu xạ phải cố định hoàn toàn.
Xạ trị không gian 3 chiều
Trong điều trị bằng tia xạ, công nghệ hình ảnh cho phép định hình chùm tia bức xạ để phù hợp với kích thước của khối u, cho phép xác định mục tiêu chính xác hơn.
Xạ trị áp sát
Xạ trị áp sát bao gồm việc đặt các hạt phóng xạ vào vị trí khối u (như trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư cổ tử cung).
Thông thường, hạt phóng xạ được đưa vào vị trí u dưới hướng dẫn CT hoặc siêu âm.
 Xạ trị áp sát cho phép đạt liều xạ trị cao hơn, trong thời gian dài hơn so với xạ trị chiếu ngoài.
Xạ trị hệ thống nhờ đồng vị phóng xạ
Đồng vị phóng xạ có thể xạ trị trực tiếp tại tổ chức ung thư khi các cơ quan có thụ thể đặc hiệu hấp thụ đồng vị phóng xạ (như iot phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến giáp,) hoặc khi có thể gắn đồng vị phóng xạ với kháng thể đơn dòng (ví dụ I-131 gắn tositumomab trong điều trị u lympho không Hodgkin).
Đồng vị cũng có thể làm dịu di căn xương (ví dụ, radiostrontium hoặc radium đối với ung thư tuyến tiền liệt).
Các tác nhân hoặc chiến lược khác, chẳng hạn như hóa trị liệu bổ trợ, có thể làm nhạy cảm mô khối u với bức xạ và tăng hiệu quả.
Tác dụng phụ của xạ trị
Tia xạ có thể gây tổn thương cả mô lành trong trường chiếu xạ.
Các tác dụng phụ cấp tính phụ thuộc vào vị trí xạ trị và có thể gồm
Li bì
Mệt mỏi
Viêm niêm mạc
Các biểu hiện ngoài da (ban đỏ, ngứa, bong da)
Viêm thực quản
Viêm phổi kẽ
Viêm gan
Các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mót rặn)
Các triệu chứng sinh dục tiết niệu (tần suất, tiểu gấp, khó tiểu)
Ức chế tủy xương
Biến chứng muộn
Các biến chứng muộn của xạ trị bao gồm đục thủy tinh thể, viêm giác mạc và tổn thương võng mạc nếu mắt ở trong trường xạ.
Các biến chứng muộn khác bao gồm suy tuyến yên, xerostomia, suy giáp, viêm màng phổi, viêm màng ngoài tim, hẹp thực quản, viêm gan, loét, viêm dạ dày, viêm thận, vô sinh, co cơ và bệnh tim xơ cứng tùy thuộc vào khu vực được điều trị.
Xạ trị vào mô lành có thể làm chậm liền vết thương nếu bệnh nhân cần được phẫu thuật hoặc can thiệp.
Ví dụ, bức xạ vào đầu và cổ làm suy yếu sự phục hồi sau các thủ thuật nha khoa (ví dụ, phục hồi, nhổ răng) và do đó chỉ nên được cấp sau khi các công việc nha khoa cần thiết đã được thực hiện.
Xạ trị có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư khác, đặc biệt là ung thư bạch cầu, sarcoma và ung thư biểu mô tuyến giáp hoặc vú.
Nguy cơ này đạt đỉnh sau 5 đến 20 năm xạ trị, phụ thuộc vào tuổi bệnh nhân ở thời điểm điều trị.
Ví dụ, xạ trị vùng ngực đối với ung thư hạch Hodgkin ở trẻ em gái vị thành niên dẫn đến nguy cơ ung thư vú cao hơn so với điều trị tương tự ở phụ nữ trưởng thành.


TÌM HIỂU VỀ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BẰNG XẠ TRỊ
Xạ trị là một trong những phương pháp phổ biến nhất để điều trị ung thư.
Các tên khác của liệu pháp xạ trị là liệu pháp bức xạ, chiếu xạ và liệu pháp tia X.
Xạ trị là gì?
Liệu pháp xạ trị sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao như:
Tia X, tia gamma, các chùm electron hoặc proton, để tiêu diệt hoặc phá hủy các tế bào ung thư.
Bình thường các tế bào trong cơ thể phát triển và phân chia để tạo thành các tế bào mới.
Nhưng các tế bào ung thư phát triển và phân chia nhanh hơn hầu hết các tế bào lành. 
Xạ trị sẽ phá vỡ DNA thành các đoạn nhỏ bên trong các tế bào.
Sự phá vỡ này ngăn cản các tế bào ung thư phát triển, phân chia và làm chết tế bào ung thư. 
Các tế bào lành gần đó cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bức xạ nhưng phần lớn sẽ phục hồi và lại hoạt động bình thường.
Trong khi dùng hóa trị và các phương pháp điều trị khác, các thuốc chống ung thư được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc đường tiêm, làm cho toàn bộ cơ thể chịu ảnh hưởng của thuốc chống ung thư thì xạ trị thường là điều trị tại chỗ.
Có nghĩa là xạ trị chỉ ảnh hưởng tới phần cơ thể cần được điều trị.
Liệu pháp xạ trị được lên kế hoạch để tác động và làm tổn thương các tế bào ung thư đồng thời giảm thiểu tác hại tới các tế bào lành xung quanh.
Một số phương pháp điều trị bức xạ (liệu pháp xạ trị toàn thân) sử dụng các chất phóng xạ được đưa vào đường tĩnh mạch hoặc bằng đường uống.
Mặc dù loại phóng xạ này đi khắp cơ thể, chất phóng xạ chủ yếu tập trung ở khu vực của khối u, do đó ít ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể.
Ai nên được điều trị bằng liệu pháp xạ trị?
Hơn một nửa số người mắc bệnh ung thư được xạ trị.
Xạ trị có thể là phương pháp điều trị ung thư duy nhất cần thiết (xạ trị đơn thuần) hoặc được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Quyết định sử dụng liệu pháp xạ trị phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn ung thư và các vấn đề sức khỏe khác của người bệnh.
Mục đích của xạ trị
Hầu hết các phương pháp xạ trị không tác động được tới được tất cả các phần của cơ thể, điều đó có nghĩa là xạ trị không hữu ích với ung thư đã lan rộng nhiều nơi trong cơ thể.
Xạ trị vẫn là phương pháp điều trị được nhiều loại ung thư khi sử dụng đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Cần nhớ rằng thể trạng và tình trạng ung thư của mỗi người bệnh mỗi khác, nhìn chung xạ trị được lựa chọn cho các mục đích sau:
· Để chữa khỏi hoặc thu nhỏ ung thư giai đoạn sớm
Một số loại ung thư rất nhạy cảm với xạ trị.
Xạ trị có thể được sử dụng trong những trường hợp này để làm cho ung thư thuyên giảm hoặc biến mất hoàn toàn.
 Trong một số trường hợp, hóa chất hoặc các thuốc chống ung thư khác có thể được sử dụng trước khi xạ trị.
Đối với các loại ung thư khác, xạ trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u (đây được gọi là liệu pháp tiền phẫu hoặc liệu pháp tân bổ trợ), hoặc sử dụng sau phẫu thuật để giúp ung thư không tái phát (gọi là liệu pháp bổ trợ).
Đối với một số loại ung thư có thể được điều trị bằng xạ trị hoặc phẫu thuật, xạ trị thường được lựa chọn nhiều hơn.
Do so với phẫu thuật, xạ trị thường gây ra ít tổn thương hơn và phần cơ thể được điều trị có nhiều khả năng duy trì chức năng sau điều trị hơn.
Đối với một số loại ung thư, xạ trị và hóa trị hoặc các loại thuốc chống ung thư khác có thể được sử dụng kết hợp. Một số loại thuốc (được gọi là hóa chất tăng nhạy xạ) giúp tăng hiệu quả xạ trị bằng cách làm cho các tế bào ung thư nhạy cảm hơn với tia bức xạ.
Khi các loại thuốc chống ung thư và tia xạ được kết hợp với nhau đối với một số loại ung thư, chúng có thể làm tăng hiệu quả điều trị so với khi chúng được sử dụng riêng rẽ.
Nhược điểm của sử dụng đồng thời như vậy là tác dụng phụ thường nặng hơn.
· Để ngăn chặn ung thư quay trở lại (tái phát) ở một vị trí khác trong cơ thể
Ung thư có thể lan từ vị trí ban đầu đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Các bác sĩ thường mặc định rằng một vài tế bào ung thư có thể đã lan tỏa ngay cả khi chúng không thể nhìn thấy khi sử các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT hoặc MRI.
Trong một số trường hợp, khu vực cơ thể nhiều khả năng bị ung thư lan tới nhất có thể được điều trị bằng tia xạ để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào trước khi chúng hình thành khối u.
 Ví dụ, những người mắc một số loại ung thư phổi có thể phải chiếu xạ vào não, ngay cả khi chưa phát hiện ung thư ở đó, vì loại ung thư phổi này thường lan đến não.
Điều này giúp ngăn chặn việc ung thư phát triển ở não.
Đôi khi, xạ trị ngăn ngừa ung thư phát triển ở vị trí khác có thể được sử dụng cùng lúc với xạ trị điều trị ung thư ở vị trí hiện tại, đặc biệt là khi vị trí ung thư có thể lan đến ở gần với vị trí hiện tại của khối u.
· Để điều trị các triệu chứng do ung thư tiến triển
Khi ung thư đã lan tràn quá rộng sẽ rất khó để điều trị.
Nhưng một số khối u ở giai đoạn này vẫn có thể được điều trị làm cho chúng nhỏ đi để người bệnh có thể cảm thấy dễ chịu hơn.
Xạ trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng như đau, khó nuốt, khó thở hoặc tắc ruột do ung thư tiến triển.
Được gọi là xạ trị giảm nhẹ (hay xạ trị triệu chứng).
· Để điều trị ung thư tái phát
Trên người bệnh bị ung thư tái phát, xạ trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư hoặc điều trị các triệu chứng do ung thư tiến triển.
Việc xạ trị có được sử dụng khi ung thư tái phát hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ví dụ, nếu ung thư tái phát ở phần cơ thể đã được xạ trị trước đó, thì việc cung cấp thêm liều xạ ở cùng một nơi có thể là không khả thi.
Điều này phụ thuộc vào liều xạ đã được sử dụng trước đó.
Trong các trường hợp khác, xạ trị có thể được sử dụng trong cùng một khu vực của cơ thể hoặc ở khu vực khác.
Một số khối u không đáp ứng tốt với tia xạ, vì vậy liệu pháp xạ trị có thể không được sử dụng ngay cả khi bệnh tái phát.
Thực hiện xạ trị
Xạ trị có thể được thực hiện theo 3 cách:
Xạ trị ngoài (hoặc bức xạ ngoài): 
Sử dụng máy điều khiển các tia năng lượng cao đi từ bên ngoài cơ thể vào khối u.
Cách này được thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú đến bệnh viện hoặc trung tâm điều trị, thường được tiến hành trong nhiều tuần và đôi khi sẽ được thực hiện hai lần một ngày trong vài tuần.
Một người được điều trị xạ ngoài sẽ không phát xạ và do đó không phải tuân theo các biện pháp phòng ngừa an toàn đặc biệt tại nhà.
Xạ trị trong:
Xạ trị trong còn được gọi là xạ trị áp sát.
Một nguồn phóng xạ được đưa vào bên trong cơ thể trong khối u hoặc gần khối u.
Với một số loại xạ trị áp sát, nguồn xạ có thể được đặt vào trong cơ thể để hoạt động.
Đôi khi nó được đặt trong cơ thể trong một khoảng thời gian và sau đó được loại bỏ.
Điều này tùy thuộc vào loại ung thư.
Các biện pháp cảnh báo an toàn cho loại bức xạ này là cần thiết trong một khoảng thời gian.
Điều quan trọng cần hiểu là nếu nguồn xạ bên trong còn lại trong cơ thể, sau một thời gian cũng không còn hoạt tính phóng xạ nữa.
Xạ trị toàn thân:
Thuốc phóng xạ được đưa qua đường uống hoặc đưa vào tĩnh mạch để điều trị một số loại ung thư nhất định.
Những loại thuốc phóng xạ này sau đó đi khắp cơ thể.
Người bệnh có thể phải tuân thủ các cảnh báo đặc biệt tại nhà trong một khoảng thời gian sau khi các loại thuốc phóng xạ này được đưa vào cơ thể.
Loại phóng xạ sử dụng cho người bệnh phụ thuộc vào loại ung thư và vị trí bị ung thư.
Trong một số trường hợp, cần sử dụng  không chỉ một loại thuốc phóng xạ.
Bác sỹ điều trị có thể trả lời các câu hỏi cụ thể của người bệnh về loại phóng xạ được chỉ định, ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh như thế nào và người bệnh cần biết những cảnh báo gì.
Trong quá trình xạ trị cho người bệnh cần một đội ngũ các chuyên gia y tế được đào tạo chuyên sâu tham gia điều trị và chăm sóc. Đội ngũ này có thể bao gồm những thành phần sau:
· Bác sĩ chuyên khoa xạ ung thư:
Được đào tạo để điều trị ung thư bằng bức xạ. Chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện kế hoạch xạ trị của người bệnh.
· Kỹ sư vật lý phóng xạ:
Là người đảm bảo các thiết bị xạ trị hoạt động bình thường và đưa liều chính xác theo chỉ định của bác sĩ xạ ung thư.
· Dosimetrist (Kỹ sư vật lý):
Giúp bác sĩ xạ trị ung thư lập kế hoạch điều trị.
· Kỹ thuật viên xạ trị:
Điều khiển các thiết bị xạ trị và điều chỉnh tư thế của người bệnh mỗi lần điều trị.
· Điều dưỡng xạ trị:
Được đào tạo đặc biệt về điều trị ung thư và có thể cung cấp cho người bệnh thông tin về điều trị bức xạ và xử trí các tác dụng phụ.
Người bệnh cũng có thể cần sự hỗ trợ và chăm sóc từ chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu, nhân viên công tác xã hội, nha sĩ hoặc bác sĩ nha ung thư, dược sĩ.
Xạ trị có gây ung thư không?
Từ lâu, người ta đã biết rằng xạ trị trong ung thư có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh ung thư khác. Đó là một trong những tác dụng phụ có thể xảy ra của việc điều trị mà các bác sĩ phải suy nghĩ, cân nhắc giữa lợi ích và những nguy cơ của mỗi lần điều trị.
Đối với hầu hết các bộ phận cơ thể, nguy cơ mắc ung thư thứ hai từ xạ trị là nhỏ và lợi ích của việc điều trị ung thư bằng xạ trị là lớn hơn nhiều, nhưng nguy cơ không phải là không có.
Đây là một trong những căn cứ để quyết định chọn phương pháp điều trị phù hợp với mỗi trường hợp bệnh khác nhau.
Mức độ nguy cơ sẽ khác nhau tùy thuộc vào vùng cơ thể được điều trị bức xạ.
Nếu bác sỹ điều trị khuyên người bệnh nên điều trị bằng phóng xạ, đó là vì họ tin rằng những lợi ích từ xạ trị sẽ lớn hơn hẳn những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Tuy nhiên, đây là quyết định của người bệnh.
Vì vậy người bệnh cần được biết càng nhiều càng tốt về những lợi ích và những nguy cơ có thể xảy để chắc chắn rằng xạ trị là lựa chọn tốt nhất cho họ.
Xạ trị có ảnh hưởng đến thai kỳ hay khả năng sinh sản không?
Nữ giới: 
Điều quan trọng là không được mang thai trong khi xạ trị- vì xạ trị có thể gây hại cho thai nhi.
Người bệnh hãy nói chuyện với bác sỹ để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp trong thời gian xạ trị.
Nếu người bệnh phát hiện hoặc cảm thấy mình đang mang thai, hãy thông báo cho bác sĩ xạ trị ngay lập tức.
Nếu phần cơ thể nhận xạ trị bao gồm buồng trứng, xạ trị có thể khiến buồng trứng không còn hoạt động (vô sinh), và người bệnh sẽ không thể có con nữa.
Điều quan trọng là người bệnh nhận biết được nguy cơ này trước khi xạ trị.
Nếu người bệnh lo lắng việc xạ trị sẽ ảnh hưởng đến buồng trứng, hãy trao đổi ngay với bác sĩ xem việc này có thể ảnh hưởng đến việc có con trong tương lai của họ không.
Nam giới: 
Không có nhiều thông tin về ảnh hưởng của bức xạ đối với trẻ em được thụ thai bởi nam giới trong khi điều trị xạ trị.
Các bác sĩ thường khuyên người bệnh nam giới trong và một vài tuần sau khi điều trị xạ trị không nên thụ thai.
Nếu khu vực nhận bức xạ bao gồm tinh hoàn, liều phóng xạ có thể khiến tinh hoàn không còn hoạt động (vô sinh) và người bệnh sẽ không thể có con nữa.
Điều quan trọng là người bệnh cần biết nguy cơ này trước khi được xạ trị.
Không có nghiên cứu rõ ràng nào về việc tinh trùng phơi nhiễm với bức xạ ảnh hưởng đến những đứa trẻ tương lai được tạo ra từ tinh trùng đó.
Nếu người bệnh lo lắng xạ trị sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn, hãy nói chuyện với bác sĩ xem việc điều trị có ảnh hưởng đến việc có con trong tương lai không.
Những điều người bệnh ung thư nên hỏi bác sỹ trước khi xạ trị
Trước khi điều trị, người bệnh sẽ được yêu cần ký vào một bản cam kết đồng ý xạ trị  trong đó nói rằng bác sĩ đã giải thích cho người bệnh tác dụng của xạ trị, các nguy cơ có thể xảy ra khi xạ trị, loại tia được sử dụng và các chọn lựa điều trị khác.
Trước khi ký cam kết này, người bệnh cần chắc chắn rằng tất cả các câu hỏi của họ đều đã có câu trả lời.
Một số câu người bệnh nên hỏi trước khi đồng ý xạ trị:
· Mục đích của việc điều trị tia xạ cho bệnh ung thư của tôi là gì ? Để tiêu diệt hay thu nhỏ khối u? Hay để phòng ngừa hoặc ngăn chặn ung thư lây lan? Hay để giảm nguy cơ ung thư tái phát?
· Khả năng ung thư lan rộng hay quay trở lại nếu tôi điều trị bằng xạ trị là bao nhiêu? không điều trị xạ trị là bao nhiêu?
· Tôi sẽ được điều trị bằng loại xạ trị nào?
· Có phương pháp điều trị nào ngoài xạ trị để tôi cân nhắc lựa chọn không ?
· Tôi cần làm gì để chuẩn bị trước khi điều trị?
· Tôi có thể ăn trước khi điều trị không? Có cần tránh/kiêng đồ ăn thức uống gì trước khi điều trị không?
· Tôi có cần ăn theo một chế độ đặc biệt khi đang điều trị xạ trị không?
· Điều trị xạ trị sẽ như thế nào?
· Tôi cần được xạ trị bao nhiêu lần trong 1 ngày/ tuần? Mỗi lần xạ trị kéo dài bao lâu? Tôi cần điều trị xạ trị trong thời gian bao lâu?
· Tôi cần làm gì nếu gặp khó khăn trong điều trị vì vấn đề đi lại hoặc thời tiết?
· Tia xạ sẽ ảnh hưởng đến khu vực cơ thể xung quanh khối u như thế nào?
· Tôi sẽ cảm thấy như thế nào khi đang điều trị? Tôi vẫn có thể làm việc/đi học/chăm sóc gia đình được chứ?
· Những tác dụng phụ nào tôi có thể gặp phải, khi nào chúng bắt đầu và kéo dài bao lâu?
· Những tác dụng phụ này sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của tôi như thế nào, chẳng hạn như ăn, uống, tập thể dục, làm việc....?
· Xạ trị và/hoặc tác dụng phụ có làm thay đổi ngoại hình của tôi không?
· Tôi có thể bị tác dụng phụ lâu dài nào không?
· Tôi có thể gặp nguy cơ cao hơn về các vấn đề sức khỏe nào trong tương lai?
· Tôi có bị nhiễm phóng xạ trong hoặc sau khi điều trị không?
· Có những cảnh báo và biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào cần thiết cho tôi trong khi điều trị và sau điều trị?
 

Danh mục: Thuốc điều trị Từ khóa: